Đôi khi, việc đứng giữa đám đông có thể là điều tồi tệ hơn chứ không chỉ đơn giản là hơi bất tiện: những người xung quanh có thể trở nên nguy hiểm chết người.
Đã từng xảy ra các cuộc xô đẩy hỗn độn gây chết người vào năm 2017 tại một sân vận động của Angola, tại một nhà hàng bánh pizza của Ý, hay trung tâm hỗ trợ thực phẩm Morocco.
Những sự kiện đó thường biến thành thảm kịch, nhưng hầu hết chúng lẽ ra đều có thể tránh được.
Các nhà khoa học ở Anh Quốc và trên thế giới đã tìm ra cách để giảm thiểu nguy cơ dẫn đến chuyện như vậy.
"Đa số hành vi con người đều dự đoán trước được, vì chúng ta là sinh vật rất có lý trí," Shrikant Sharma, Giám đốc Nhóm nghiên cứu Smart Space thuộc công ty kỹ thuật BuroHappold của Anh Quốc, nói.
Khả năng dự đoán trước này cho phép chuyên viên phân tích dữ liệu lường trước cách thức mọi người di chuyển trong không gian nào đó - và điều đó có thể bị tác động ra sao do những thay đổi trong môi trường xung quanh.
Tâm lý học đám đông đã xuất hiện từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, chỉ mãi đến vài thập niên gần đây, ngành này mới có sự biến đổi quan trọng khi người ta nhìn nhận đám đông ở mức cao hơn là một nhóm người hành xử theo tâm lý bầy đàn, không biết phân biệt phải trái.
"Đám đông cũng có đặc thù tâm lý hệt như từng cá nhân," chuyên gia John Drury từ Đại học Sussex, chuyên nghiên cứu tâm lý học xã hội về quản lý đám đông, nói.
Vào thập niên 1980, những phát hiện về mặt tâm lý được ứng dụng vào các cuộc nổi loạn.
Trong những năm 2000, điều này được ứng dụng vào tình huống khẩn cấp quy mô lớn, và đến những năm 2010, áp dụng với các lễ hội âm nhạc và sự kiện lớn.
Ngày nay, tâm lý học đám đông được sử dụng trong những tình huống khẩn cấp đặc thù hơn, như trong nhóm tình huống CBRN (là các cuộc tấn công hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân).
Ý thức đám đông
Trong thực tế, công trình của các nhà tâm lý học và chuyên gia về thảm họa cho thấy danh tính tập thể thường xuất hiện trong tình huống khẩn cấp.
Danh tính này là yếu tố quyết định đám đông sẽ phối hợp và linh hoạt ra sao trong từng tình huống nhất định.
Ví dụ, trong các phỏng vấn người sống sót sau vụ đánh bom ngày 7/7/2005 ở London, Drury và đồng nghiệp nhận thấy thành viên trong đám đông đã hợp tác với nhau rất nhiều: họ trấn an nhau, chia sẻ nước, và giúp sơ cứu đơn giản.
"Điều quan trọng là người ta không nên làm những thứ có thể đe dọa đến danh tính xã hội mà mọi người chia sẻ," Drury nói.
Vì danh tính đám đông xuất hiện để thay thế các liên kết khác, nên việc chia đám đông thành từng nhóm theo tôn giáo hay dân tộc nhằm mục đích để dễ quản lý thật ra lại là vô tác dụng.
Khám phá này đã được tích hợp vào cẩm nang hướng dẫn ứng phó tình huống khẩn cấp trong các tổ chức như ngành Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh Quốc (NHS).
Đó cũng là điều quan trọng để hiểu những "quy luật" chi phối đám đông.
Hãy xem xét như hành vi chuyền người trên cao trong chương trình nhạc punk hoặc metal. Rõ ràng là có logic cho hành vi sục sôi này của đám đông, dù người ngoài có thể không thấy được.
Logic này khiến cho người hâm mộ không bị giẫm đạp. Cực kỳ ngoạn mục, thậm chí điều này có nghĩa những người nhảy múa nồng nhiệt sẽ di chuyển điên cuồng trong vòng tròn lớn cuối cùng sẽ quay lại đúng vị trí ban đầu.
"Những người quản lý an toàn đám đông biết rằng những cảnh nhảy múa hay chuyền người thật ra là những hành động diễn ra theo quy luật," Drury cho biết.
Những nhân viên an ninh thiếu kinh nghiệm có thể và cho rằng đó là hành vi nguy hiểm và nếu họ bắt đầu trấn áp thì có thể khiến tình huống trở nên nguy hiểm.
Điều này đã xảy ra trong thảm họa Hillsborough năm 1989, khi 96 người thiệt mạng do bị xô đẩy trong sân vận động bóng đá ở Sheffield, Anh Quốc.
Một số cảnh sát và nhân viên an ninh ở sân đã lo ngại quá mức về nguy cơ người hâm mộ hành động quá khích, cho nên họ đã dồn người hâm mộ thành từng nhóm đông, và điều đó đã làm sự việc trở nên tồi tệ hơn.
Từ góc nhìn tâm lý học, việc không đánh giá quá mức tình trạng nguy hiểm của đám đông cũng rất quan trọng.
Drury giải thích là dù thảm họa hiếm khi xảy ra, truyền thông và văn hóa đại chúng thường phóng đại sự nguy hiểm.
Để câu chuyện thêm phần gay cấn, người ta thường sử dụng từ "hoảng loạn" thay vì "di tản đột xuất", mặc dù trường hợp đám đông hoảng loạn hiếm khi xảy ra.
Vấn đề là nếu mọi người nghĩ rằng người khác sẽ hoảng loạn trong đám đông, tự họ sẽ có xu hướng hoảng loạn ngay cả khi không có nguy hiểm thật sự.
Cách xử lý vấn đề trong quản lý đám đông
Khi đề cập đến một sự kiện hay tòa nhà cụ thể, nghiên cứu cũng giúp phát triển các phương pháp giúp đám đông an toàn.
Thông thường, phương pháp tốt nhất lại ít người ngờ đến nhất.
Từ căn phòng tràn ngập ánh sáng nhìn xuống Sông Avon ở Bath, nhóm Smart Space của Sharma tập hợp đủ loại dữ liệu phong phú về những yếu tố tác động tới hành vi đám đông, từ tình trạng gió đến nền tảng văn hóa trong bối cảnh cá nhân.
Sử dụng phần mềm giả lập đám đông, họ lên nhiều kịch bản khác nhau để cho thấy ngay cả những bước đơn giản - như di chuyển vị trí lối thoát trong khu căn hộ - cũng có thể tránh tình trạng ùn ứ.
"Dữ liệu sẽ thường thách thức giả định của bạn," Sharma nói.
Nhân viên bệnh viện có thể báo cáo một khu vực trên tầng của họ là đông nhất chẳng hạn.
Nhưng khi đặt các thẻ theo dõi với nhân viên, họ lại thấy trung tâm của hoạt động lại ở vị trí khác. Thông tin này sẽ cho ra cách sắp xếp không gian khác hẳn.
Đôi khi cách giải quyết còn đơn giản hơn.
Một trường học ở Newcastle đối mặt với tình trạng ùn ứ học sinh mỗi khi chuông reo.
Đội của Sharma quan sát sinh viên chật vật đi xuống hành lang theo nhiều hướng. Họ nhận ra rằng việc trường định mở rộng hành lang là không cần thiết và tốn kém.
Thay vào đó, nhóm Sharma đề xuất cách đơn giản hơn nhiều: bỏ việc bấm chuông reo. Khi giáo viên tóm tắt kết thúc bài học trong vài phút, các lớp không bao giờ đồng loạt túa ra cùng thời điểm. Bỗng nhiên, việc di chuyển trong hành lang trở nên khá thông suốt hơn.
Kết quả là, thậm chí với những nơi ít nguồn lực, Sharma tin rằng đặt vấn đề đúng thì sẽ giúp tránh tình trạng ùn ứ đám đông.
Chẳng hạn, các nhà ga xe lửa ở Mumbai cực kỳ đông đúc. Đảm bảo việc chia sẻ thông tin chính xác, và chú ý đến cách hành khách chuyển hướng ở lối ra có thể giúp tránh nhiều thảm kịch như vụ giẫm đạp năm 2017 ở cầu thang nhà ga Đường Elphinstone, khiến 22 người thiệt mạng.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong khoa học quản lý đám đông, vẫn còn nhiều việc phải cải thiện.
Công trình của nhà tâm lý học Anne Templeton từ trường Đại học Kent cho thấy các công cụ giả lập đám đông đã không tính tới cách thức thành viên trong đám đông tương tác với nhau.
Một "đám đông vật lý" (cơ bản là một nhóm cơ thể người cùng xuất hiện ở trong một không gian) sẽ có thể được mô phỏng khác hẳn với "đám đông tâm lý" (đám đông cùng chia sẻ một tính chất).
Ví dụ, Templeton nói "Ở mức độ di chuyển cơ bản, đám đông tâm lý sẽ đi chậm hơn và xa hơn để tạo ra cấu trúc chặt chẽ hơn với những thành viên trong đám đông."
Các mô hình dữ liệu giả lập ngày càng tinh tế có thể cho phép những yếu tố khó nhìn thấy bằng mắt thường được tích hợp vào trong kịch bản khi tính toán.
"Đám đông vật lý có thể trở thành đám đông tâm lý trong tình hình khẩn cấp, vì thế các mô hình máy tính nên được sử dụng linh hoạt để đón nhận thay đổi trong tính chất đám đông và những thay đổi về mặt hành vi kéo theo đó," Templeton cho biết.
Các phỏng vấn (cách mọi người nói) có thể được tích hợp với cảm biến (cách mọi người hành động) để đạt được hiểu biết toàn diện hơn về hành vi và nhu cầu của con người.
Đám đông cực kỳ phức tạp và tinh tế. Nhưng vì thế, mà công nghệ ngày càng có nhiều kỹ thuật để hiểu họ hơn.
Christine Ro
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.