Những người phụ nữ giữ vị trí trung tâm khi đó: Brigitte Bardot và Simone de Beauvoir là những gương mặt mới đấu tranh cho nữ quyền
Trong cuốn sách mới của mình, 'Tả Ngạn', Agnès Poirier tìm hiểu về việc Paris đã trở thành trung tâm đời sống trí thức và nghệ thuật ra sao trong thời thập niên 1940.
Đâu là điểm chung của Norman Mailer, Saul Bellow, Ellsworth Kelly, Simone de Beauvoir, Alberto Giacometti, Albert Camus, Jean-Paul Sartre, Juliette Gréco, Miles Davis, Boris Vian, Alexander Calder, Samuel Beckett, James Baldwin, Janet Flanner, Arthur Koestler, Richard Wright và Irwin Shaw? Họ đều trẻ trung và đều ở Paris.
'Con đường Thứ ba'
Tả Ngạn thể hiện hình ảnh các thế hệ nối tiếp nhau, đan xen nhau, được sinh ra trong giai đoạn từ năm 1905 cho đến năm 1930.
Họ đã sống, đã yêu, đã tranh đấu, đã vui chơi và phát triển ở Paris trong giai đoạn từ năm 1940 đến 1950.
Những tác phẩm tri thức và nghệ thuật của họ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống và thậm chí là cách ăn mặc của chúng ta ngày nay.
Nỗi kinh hoàng của chiến tranh đã định hình và đem lại hiểu biết cho họ, và Paris chính là nơi mà những tiếng nói đặc trưng nhất của thời đại tìm cách tìm kiếm một mô hình thay thế độc lập cho chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản trong đời sống, nghệ thuật và chính trị - tức là 'Con đường Thứ ba'.
Những nam, nữ thanh niên này, những tiểu thuyết gia, triết gia, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà thơ, biên tập viên, nhà xuất bản và kịch tác gia với tài năng đang chớm nở, được định hình bằng những gian khổ của thời Đệ nhị Thế chiến.
Người dân Paris tuần hành trên đường phố sau khi thủ đô được quân Đồng minh giải phóng
Họ không phải lúc nào cũng chia sẻ quan điểm chính trị và văn hóa giống nhau, nhưng họ có ba điểm chung: cùng trải qua chiến tranh, cùng từng đối diện với cái chết và chung niềm hân hoan khi Paris được giải phóng. Và họ đã hứa với lòng mình rằng họ sẽ đem lại đam mê cho một thế giới hoang tàn sau cuộc chiến.
Sau bốn năm bị Đức Quốc xã chiếm đóng và những đày đọa hàng ngày, các phòng tranh, các đại lộ, các quán nhạc jazz, các quán rượu, các nhà sách và vô số nhật báo và nguyệt san ra đời ở Paris vào những năm cuối cùng của cuộc chiến đã trở thành diễn đàn cho các cuộc tranh luận nảy lửa, các kế hoạch chiến đấu và các cương lĩnh chính trị.
Trong số những tạp chí có ảnh hưởng nhất của thời đó có Combat do Albert Camus biên tập, Les Temps modernes (được đặt tên theo bộ phim 'Thời hiện đại' của danh hài Charlie Chaplin) của Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir, và dĩ nhiên là một số tạp chí tiếng Anh đặt ở Paris ra đời một vài năm sau đó để đáp ứng nhu cầu của những cựu binh Mỹ và các sinh viên quốc tế đổ đến thành phố.
Các nhạc công da đen chơi nhạc jazz như Miles Davis - trong hình trên, chụp cùng nữ diễn viên Jeanne Moreau - đua nhau đổ về Paris
Những ấn bản nở rộ này, tất cả đều được biên tập trong vòng một dặm vuông, có một lượng khán giả vượt ra ngoài ranh giới của Paris.
Khi các biên tập viên và các nghệ sĩ lên tiếng trên Đại lộ Saint Germain, tiếng nói của họ vang vọng đến Manhattan, Algiers, Moscow, Hà Nội và Prague.
Các trí thức, nghệ sĩ và nhà văn này được những người ra quyết sách ở châu Âu và những nơi khác trên thế giới lắng nghe và làm theo chỉ bởi vì chúng phát xuất từ Paris.
Những trào lưu mới
Ở Paris, họ cùng nhau đã tạo ra những quy chuẩn mới.
Họ thành lập nền Báo chí Mới, vốn được đặt tên chính thức một thập niên sau đó nhưng đã ra đời vào lúc đó ở những căn phòng khách sạn ám khói súng ở Tả Ngạn và đã mãi mãi làm lu mờ ranh giới giữa văn hóa và báo chí.
Các thi sĩ và các kịch tác gia đã từ từ chôn vùi Chủ nghĩa Siêu thực và sáng tạo ra thể loại Kịch Phi lý; các họa sĩ tài năng chớm nở đã vượt qua Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội, đẩy Trừu tượng Hình học đến giới hạn của nó và nuôi dưỡng trào lưu Hội họa Hưởng động.
Các triết gia thành lập các trường phái tư tưởng mới chẳng hạn như Chủ nghĩa Hiện sinh trong khi sáng lập ra các đảng phái chính trị.
Cuốn sách mới của Agnès Poirier, Tả Ngạn, mô tả chân dung các tác giả, các nghệ sĩ tụ về Paris hồi thập niên 1940
Các cây bút có triển vọng cất lên tiếng nói của mình ở những khu vực cùng khổ của Paris và trong những căn phòng sinh viên tồi tàn trong khu phố cổ Saint Germain des Prés còn những văn sĩ khác đã khởi đầu trào lưu tân tiểu thuyết.
Các nhiếp ảnh gia giành lại quyền tác giả thông qua các cơ quan thông tấn hình ảnh như Magnum; các nhà văn Mỹ bị kiểm duyệt chẳng hạn như Henry Miller đã xuất bản tác phẩm trước hết bằng tiếng Pháp.
Các nhạc sĩ nhạc jazz da đen bỏ chạy khỏi sự phân biệt kỳ thị ở quê nhà đã được tôn sùng trên các sân khấu và các câu lạc bộ nhạc jazz ở Paris, nơi mà nhạc jazz của New Orleans nhận được sự trân trọng quá muộn màng trong khi nhạc khiêu vũ cổ điển (nhạc bebop) đang ngày càng thịnh hành.
Một số người thuộc Giáo hội Công giáo đã thử nghiệm chủ nghĩa Marx trong khi một nghệ sĩ sắc màu và là một cựu chủ nhân phòng triển lãm hội họa sau trở thành nhà thiết kế thời trang có tên là Christian Dior đã làm cho thế giới mê mẩn với trào lưu 'Phong cách Mới' (New Look) trong lĩnh vực thiết kế thời trang.
Tái định hình các quan hệ
Sau năm 1944, mọi thứ đều dính dáng đến chính trị. Các công dân quốc tế ở Tả Ngạn biết điều này và họ đã làm tất cả những gì có thể để chất vấn cả các chính sách của Mỹ lẫn quan điểm của Đảng Cộng sản.
Paris đối với họ vừa là nơi trú ẩn vừa là chiếc cầu nối để họ suy nghĩ theo cách khác.
Trong số những tạp chí có ảnh hưởng nhất có Combat do Albert Camus chủ biên, và Les Temps modernes của Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir
Họ đã mở ra khả năng của 'Con đường Thứ ba' vốn ủng hộ nhiệt thành các lý tưởng của Liên hiệp quốc và tia sáng le lói về xã hội lý tưởng trong cái sau này trở thành Liên minh châu Âu.
Những người đi tiên phong này cũng đã tái định hình lại mối quan hệ của họ với người khác.
Họ chất vấn, làm lung lay và thường bác bỏ các định chế về hôn nhân và gia đình và chấp nhận đa ái như là mục tiêu tham vọng trong cuộc sống.
Họ vận động cho quyền được phá thai 30 năm trước khi quyền này được hợp pháp hóa, và sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá, bia rượu một cách đầy đam mê.
Bản năng tình dục được thúc đẩy trở thành một phần cố hữu trong sự sáng tạo của họ và thấm đẫm mọi thứ mà họ làm.
Họ cũng chứng tỏ mình là những người làm việc hết sức chăm chỉ, thậm chí là nghiện công việc. Họ làm việc hăng say và vui chơi hết mình.
'Con đường Thứ ba' trong đời sống tình dục?
Phụ nữ đóng một vai trò trung tâm.
Việc kiệt tác Mona Lisa quay trở lại Bảo tàng Louvre sau sáu năm được cất giấu trong chiến tranh báo hiệu một thời kỳ mới.
Trong kỷ nguyên mới này, tạp chí Elle được sáng lập và biên tập bởi Françoise Giroud năm ấy mới 29 tuổi, người trở thành một bộ trưởng trong nội các đúng 29 năm sau đó.
Huyền thoại Albert Camus - trong tấm hình chụp hồi 1959 - là một trong nhiều nhà văn rất thăng hoa tại Paris hồi 1940
Bardot và Beauvoir trở thành hai gương mặt mới của phong trào nữ quyền mà thế giới sau đó phải đầu hàng.
Trong một thế giới vốn do đàn ông chi phối, chỉ có những người phụ nữ thật mạnh mẽ mới trụ được và để lại dấu ấn. Trong những năm tháng đó, bạn cần phải hung hăng nếu bạn muốn tồn tại như là một cá nhân thay vì chỉ là ăn theo một nhân vật có tên tuổi nào đó.
Những người phụ nữ không muốn làm người vợ hay nhân tình nhẫn nhịn của người chồng danh tiếng, trăng gió bên ngoài thì hầu như đều trở thành những nữ Don Juan (Sở Khanh).
Một số người thậm chí còn tìm cách đưa 'Con đường Thứ ba' vào đời sống tình dục, không khác gì trong chính trị.
Nữ phóng viên thường trú tại Paris của nhật báo The New Yorker, Janet Flanner, người lấy bút danh trên các bài báo là Genêt, được biết đến trước chiến tranh là người có những cô nhân tình xinh như mộng.
Bà đã viết cho người mẹ phóng khoáng của mình trong một lá thư vào năm 1948 để hỏi rằng: "Tại sao không thể có giới tính thứ ba - một giới tính không bị chi phối bởi cơ bắp và khuynh hướng duy trì nòi giống?" Một câu hỏi thú vị trong thập kỷ người ta đang bùng nổ với hormon testosterone.
Thành công và thất bại
Tất cả họ, nam cũng như nữ, nghệ sĩ hay nhà tư tưởng, đã đặt ra những quy ước và chuẩn mực mới.
Họ đã đạt được một loạt những thành công không thể phủ nhận nhưng cũng để lại một chuỗi những thất bại.
Tony Judt đã nghiên cứu về những thất bại này trong công trình học thuật có tên là Quá khứ Không hoàn hảo: Các trí thức Pháp trong giai đoạn 1944-1956.
Sự bất bình và bất mãn của ông chảy tràn trên từng trang giấy giống như một người nhân tình bị ruồng bỏ.
Ông nhìn nhận rằng các trí thức Paris có nhiều quyền lực nhờ hoàn cảnh và tài năng bản thân ấy vậy mà họ vẫn không thể thay đổi được thế giới.
"Thất bại của giới trí thức Pháp trong việc đáp ứng những kỳ vọng mà người ái mộ đặt lên vai họ, và trong việc tạo ảnh hưởng lên các quốc gia Tây phương khác, đã có tác động mang tính quyết định lên tiến trình lịch sử của châu Âu thời hậu chiến."
Bản thân ông cũng được định hình bởi những suy nghĩ của giới trí thức Pháp, cho nên Tony Judt không bao giờ tha thứ cho Jean-Paul Sartre và các cộng sự vì đã làm cho những người cùng thời thất vọng khi họ cần đến ông nhất. Judt thậm chí gọi cuốn sách của Sartre là "bài luận về sự vô trách nhiệm của giới trí thức".
Việc họ được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi trên thế giới làm dấy lên câu hỏi: làm thế nào mà họ đã khơi gợi được nhiều hy vọng đến thế?
Tả Ngạn nói về sự thiếu trách nhiệm của giới trí thức Paris thời hậu chiến cũng như về các điểm sáng về chính trị, nghệ thuật, đạo đức và tình dục.
Agnès Poirier
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.