Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn và bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách công và quan hệ chính phủ, Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong một cuộc gặp tại Hà Nội hôm 17/1/2018.
Giờ dường như tới lượt anh - Trương Minh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (BCH TƯ Đảng CSVN), Phó Ban Tuyên giáo của BCH TƯ Đảng CSVN, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - được… tạo điều kiện để ngẫm nghĩ về thế thái, nhân tình.
***
Anh Tuấn,
Không phải tự nhiên mà công chúng bàn luận rôm rả về chuyện tên anh đã có trong… “danh sách” và anh sắp… lên đường.
Nhìn lại những diễn tiến mới nhất liên quan đến vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG thì dường như Kết luận thanh tra mà Thanh tra chính phủ công bố tuần trước giống như một đợt bắn dọn đường cho cuộc tấn công vào cứ điểm do Bộ Thông tin – Truyền thông trấn giữ.
Về nguyên tắc, anh – người chỉ huy cứ điểm – có quyền ra lệnh phản kích (giải trình, khiếu nại, thậm chí tố cáo, đòi bồi thường nếu có đủ bằng chứng cho thấy Thanh tra thiếu khách quan, lạm quyền, vi phạm pháp luật, theo Điều 57 của Luật Thanh tra). Cũng về nguyên tắc, khi anh đã ra lệnh, các đơn vị phải xông lên…
Thế nhưng cuộc phản kích bằng Thông cáo báo chí dày 30 trang mà anh tổ chức chỉ có rất ít đơn vị hưởng ứng, đa số cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức – vốn được đặt dưới quyền kiểm soát của anh vẫn ém kỹ. Tệ hơn nữa là những đơn vị đã xung phong theo lệnh của anh đột nhiên tháo lui, vừa nhanh, vừa sâu, bỏ anh và Bộ Chỉ huy bơ vơ giữa… trận tiền. Điều chẳng ai ngờ cũng đã xảy ra, những đơn vị thiện chiến nhất giờ công khai “nối giáo cho… giặc”, không chỉ quay súng bắn vào cứ điểm mà còn xác định anh chính là… bia.
Anh Tuấn,
Cổ nhân bảo “thời thế luận… anh hùng”. Xứ mình vốn thiếu anh hùng theo đúng nghĩa của hai từ này nên lâu nay, thiên hạ nhìn thời thế để luận về những kẻ… sắp hoặc sẽ khốn cùng. Thiên hạ tin anh đã thất thế và hết thời.
***
Ai thất thế và hết thời mà lại không buồn nhưng buồn nhiều và buồn lâu cũng chẳng đến đâu anh Tuấn ạ! Cứ ngẫm cho kỹ thì đời một người như anh cũng chẳng đến nỗi nào. Học lực không khá, không thể cùng bạn bè vào các đại học nên 18 tuổi đăng lính làm lính trơn mà chỉ hai năm sau đã tìm được một chỗ trong Trường Sĩ quan Chính trị, rõ ràng là anh hết sức tháo “vác”. Từ Trường Sĩ quan Chính trị giành được một chân Giảng viên Triết học Mác Lê nin trong Trường Sĩ quan Kỹ thuật Vũ khí – Đạn, rõ ràng là khả năng xoay sở của anh không tồi. Có mấy ai khéo dùng quân đội như anh - chỉ một năm sau khi giảng dạy Triết học Mác Lê nin cho các sĩ quan tương lai đã có thể rũ bỏ áo lính, chuyển ngành về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên làm chuyên viên, một năm sau bỏ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên về làm Trưởng phòng Tuyên truyền – Báo chí của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, năm sau nữa ra Hà Nội làm việc cho Ban Văn hóa – Tư tưởng của BCH TƯ Đảng CSVN...
Thiên hạ chăm chăm dè bỉu đám Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Hoài Bảo,… vươn lên nhờ cha mà quên anh – người đi theo hướng ngược lại. Sau vài thập niên “lao tâm, khổ tứ”, vừa bò, vừa đi trên quan trường, lúc đã ngất ngưởng trên đầu thiên hạ, dù anh chưa giải mật về việc đã làm thế nào mà khiến đủ mọi giới, từ nghiên cứu học thuật, văn nghệ sĩ tới truyền thông xúm vào ca ngợi thân phụ của anh, song chừng đó đủ thấy, rõ ràng anh có nhiều chỗ hơn người.
Không có anh, làm sao con dân xứ này có thể biết ông Trương Minh Phương - thân phụ anh là ai. Không có anh thì hồi cuối tháng 12 năm 2016, làm gì có sự kiện Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn - Phát huy văn hoá dân tộc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam và Nhà xuất bản Văn học cùng phối hợp để tổ chức… “hội thảo khoa học” về thân phụ của anh.
Không có anh, làm sao“Hội thảo khoa học” đó được tất cả các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam tường thuật một cách trang trọng với mục tiêu duy nhất: “Khai tâm” cho hàng trăm triệu người Việt ngưỡng mộ và tự hào vì có một Trương Minh Phương từng viết nhạc, viết văn, viết kịch, làm thơ, nghiên cứu văn nghệ dân gian,…
Không có anh, làm gì có những “Giáo sư”, “Phó Giáo sư”, “Tiến sĩ” như Hoàng Chương, Lê Ngọc Canh, Trần Trí Trắc, Đỗ Hoàng Quân,… xưng tụng ông Trương Minh Phương là “thiên tài”, người đã để lại “di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng” với những “triết lý” được xem là “để đời” như: “Con voi xích được nhưng con người thì khó xích”! “Không sợ mất gỗ, chỉ sợ mất bản chất tốt đẹp mà mình đã vun đắp bao năm”!..
Không có anh, làm gì có chuyện một người “đa tài” như cha anh, lúc còn sinh tiền chẳng ma nào biết và ngưỡng mộ, giờ được đủ mọi giới ở xứ này vinh danh, truy tặng giải “Đào Tấn” vì “những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc, nền kịch nghệ Việt Nam”, thậm chí còn đề nghị “Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Quốc gia về Văn học Nghệ thuật”!
***
Anh Tuấn,
Đám đông nhiễu sự dự đoán số phận của anh rồi sẽ chẳng khác gì số phận của anh Đinh La Thăng nhưng dường như nhận định đó chưa chính xác.
Lúc còn ngất ngưởng trên lưng voi, anh Thăng xử sự với giới truyền thông rất khéo chứ không khắc nghiệt và trịch thượng như anh. Tất nhiên “giậu đổ thì bìm leo” nhưng trong trường hợp của anh, sự nhập cuộc của dư luận và truyền thông chắc chắc không đơn thuần chỉ là thói đời, đó còn là thanh toán ân oán.
Là người có cơ hội gần gũi bác Trọng, ắt anh hiểu bác Trọng mơ gì và soi vào đâu để tìm đường biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Xét cả về bối cảnh, lẫn tính chất, “lò” bác Trọng “nhóm” năm ngoái có khác gì chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi” mà đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung cộng phát động cách nay sáu năm?
Sau khi phát động chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi”, đồng chí Tập Cận Bình đã từ vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung cộng, tiến tới kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ở xứ mình, “nhóm” xong “lò”, các đồng chí trong Đảng đang xúm vào xiển dương “nhất thể hóa”.
Từ 2012 tới giờ, Đảng Cộng sản Trung cộng đã đốn - chặt hàng chục ngàn đồng chí ở đủ mọi cấp, thuộc đủ mọi ngành, kể cả quân đội lẫn công an, chẳng may bị xác định là “tham quan, ô lại” hơn những đồng chí khác. Giờ mới rõ, chuyện đốn - chặt ấy không chỉ nhằm an dân. Rõ ràng đốn – chặt đã gieo rắc kinh hoàng và đẩy các đồng chí còn lại tới chỗ quy phục, thành ra mới rồi, có tới 2.964 đại biểu của Quốc hội Trung cộng nhất trí “hủy giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch Nhà nước”, tạo điều kiện để đồng chí Tập Cận Bình – lẽ ra phải rời vị trí Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2022 - có thể ở lại làm Chủ tịch Nhà nước cho tới hết đời.
Tuy bác Trọng đã thảy vào “lò” những thanh củi rõ to nhưng rõ ràng những “án tù có thời hạn” chưa làm dân chúng hả dạ, đồng chí, đồng đội chỉ mới hoảng, chứ chưa… “kinh”. Tham chiếu con đường đồng chí Tập Cận Bình đã đi, cách thức Đảng Cộng sản Trung cộng đã thực hiện trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi”, có lẽ người vận hành “lò” sẽ phải… “quyết liệt” hơn.
Anh Tuấn,
Thành kính phân ưu cùng anh!
Trân Văn
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.