Wednesday, March 13, 2013

Sài Gòn: Khu phố có "50 quốc gia"

image

Tại P.Tân Phong Q.7, có một phố nhỏ tập trung cư dân của 50 quốc gia thuộc 5 châu lục tới định cư và sinh sống. Người ta gọi đây là khu phố "đa quốc gia".

Vì nhiều lý do khác nhau, đã có nhiều người đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippine, Ả Rập, Iran,… (châu Á); Anh, Pháp, Nga, Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Áo, Bỉ, Bungari, Hà Lan, Ba Lan, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… (châu Âu); Mỹ, Canada, Brazil… (châu Mỹ); New Zealand, Úc… (châu Úc) và một số người đến từ châu Phi tập trung sinh sống tại KP3, 4 của P.Tân Phong. Đây là một cộng đồng dân cư đa quốc gia, đa ngôn ngữ, với nền văn hóa phong phú đa dạng.

image
Một nhà hàng bán Hàn Quốc lại khu phố "đa quốc gia".
Ấn tượng đầu tiên của những người mới đến khu phố "đa quốc gia" này là hệ thống nhà hàng tên nước ngoài chằng chịt. Như nhà hàng Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc; siêu thị, phòng khám đa khoa của Hàn Quốc; dịch vụ spa của Nhật Bản, Hàn Quốc… Cũng có vài nhà hàng Việt nằm lọt thỏm giữa cơ man nhà hàng ngoại.

image
Một nhà hàng Thái.
Hầu hết cư dân người nước ngoài sinh sống tại đây đều có tác phong công nghiệp rất cao. Cứ mỗi sáng sớm, họ vội vã rời nhà, lên xe đưa đón đến nơi làm việc đóng tại các quận ngoại thành TP.HCM, hoặc các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Con cái của họ cũng được xe đưa đón tới các trường dân lập quốc tế.
Chị Ana đến từ Đức sáng nào cũng chở con gái ra trạm xe đưa đón để con tới trường dân lập quốc tế Việt Úc ở Q.9. Chị đưa con ra giao tận tay cho cô giáo, nhắc nhở con thắt dây an toàn rồi mới quay về đi làm. Buổi chiều cả gia đình lại dắt nhau xuống nhà hàng Đức để ăn uống và dạo chơi. Đầu giờ tối, hầu hết mọi người tập trung ở các quán ăn của cộng đồng mình để thưởng thức những món hợp khẩu vị. Các quán ăn thường đóng cửa sớm hơn các quán bar, spa, massage. Nếu khoảng 22h đêm, hầu hết các quán ăn đã đóng cửa thì các quán bar, karaoke, cà phê vẫn hoạt động tới 2 - 3h sáng ngày hôm sau.

image
Một cư dân người Nhật tại khu phố "đa quốc gia" dắt chó đi dạo.
Mỗi cộng đồng có những cách sống khác nhau. Đối với người châu Á, họ sống và sinh hoạt khép kín hơn. Chị Thúy Hà, nhân viên giám sát của một trường quốc tế thường xuyên tiếp xúc với các em học sinh ở khu phố này, cho biết người Hàn Quốc (chiếm đến 80% cư dân ở đây) sống rất khép kín và chú trọng tới gia đình truyền thống. Họ thuê nhà tập trung thành từng xóm, nhiều gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống tại đây.
Người Hàn siêng năng, cần cù nên chú trọng tới hiệu quả công việc, nhất là giờ giấc. Giáo viên muốn gặp học sinh tại gia thì phải lên lịch hẹn, khi đã hẹn thì không được tới trễ. Có nhiều em cho biết cuộc sống bên Hàn rất khó khăn, phải làm lụng rất vất vả, nhưng khi cha mẹ sang Việt Nam mở nhà hàng thì cuộc sống thoải mái hơn nhiều. Cứ mỗi chủ nhật vào tuần cuối cùng trong tháng, họ tập trung nhau tại một chỗ để trao đổi thông tin và dẫn con cái sinh hoạt ngoại khóa như nhặt rác ở các công viên.

image
Học sinh người Hàn Quốc qua đường đón xe buýt để đến trường.
Chị Ngọc Trâm, giáo viên của một trường trong "khu làng đa quốc gia", cho hay người châu Âu cởi mở, hồ hởi hơn người châu Á. Họ luôn đề cao ý thức và quyền công dân của mỗi cá nhân nên ít khi hỏi han và quan tâm đến cuộc sống riêng tư của người khác như người châu Á. Người châu Âu thuê nhà biệt lập chứ không thành cụm như người Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiếm khi họ để ý tới hàng xóm nếu không có gì cấp thiết.
Anh Phước Dũng, nhân viên bảo vệ, cho biết cứ trung bình 10 người ở đây thì chỉ có một người Việt Nam. Người Việt sinh sống trong khu này đa phần là tầng lớp "đại gia". "Những người nước ngoài biết tiếng Việt sống khá thân thiện, vui vẻ, khi gặp là họ chào hỏi. Như cặp vợ chồng người Brazil và Mỹ là bác sĩ thú y sống khá tình cảm, đi đâu họ cũng cầm tay, nhưng khi nào đi ăn thì tôi thấy họ tiền của ai người ấy trả", anh Dũng cười cho biết.


Theo Infonet

TP - Phường Tân Phong, quận 7, TPHCM là nơi định cư của người dân từ hơn 50 quốc gia thuộc 5 châu lục. Họ sinh sống lâu dài, xây dựng nên những “khu làng” thu nhỏ của họ.

image
Một tiệm Spa ở khu phố 3.

Gia đình ba thế hệ
Anh Thái, nhân viên bảo vệ ở khu nhà Hưng Vượng 3, thuộc khu phố 3, phường Tân Phong, nói: “Khu nhà có 300 hộ nhưng người Việt Nam chỉ khoảng 40 hộ thôi”.
Người Việt và Philippines trở thành thiểu số. Chủ yếu dân ở đây là người Hàn Quốc. Họ sống cả gia đình, gồm ba thế hệ ông bà, con, cháu. Người Việt Nam, số ít, làm công chức. Người Phillipines, chừng hơn chục hộ, làm đủ thứ việc. Anh Thái kể: “Có gia đình Philippines vợ dạy tiếng Anh, chồng chạy xe ôm”.
Những người Việt Nam ở khu này nói với tôi: “Người Hàn Quốc đủ loại, kinh doanh cũng có, mở công ty cũng có. Nhưng không ít người cho thuê nhà bên Hàn Quốc rồi lấy tiền đó sang Việt Nam thuê nhà ở cho đỡ chi phí”.
Giá thuê nhà tại khu Hưng Vượng 3 khoảng 400-500 USD/tháng cho căn hộ hơn 70m 2 . Cái giá khá mềm với người nước ngoài, đặc biệt khi trật tự, an ninh vệ sinh cực tốt, do đội ngũ nhân viên nước sở tại làm việc không kể ngày đêm.
Người dân Việt ở đây nhận xét: “Cứ thấy có lốc nhà mới xây là họ tới để thuê, sống ở nhà mới cho sướng. Nhà cũ thì họ để lại cho những người mới sang”.

image
Lao công ở khu phố đa quốc gia với mức lương vài triệu đồng/ tháng.
Cán bộ ở tổ dân phố đưa tôi gặp vài cò đất chuyên nghiệp. Đó là một người phụ nữ Hàn Quốc chừng 50 tuổi, giỏi tiếng Việt; một người đàn ông khác thậm chí mở cả văn phòng nhà đất. Ông kết nối với người từ Hàn Quốc qua. “Giá hoa hồng môi giới bằng tiền thuê nhà một tháng, chủ nhà Việt Nam phải trả”.
Bác Đinh Văn Cải trước là trưởng khu phố 3 giờ là trưởng khu phố 4 của phường Tân Phong. Ông thông thạo cả hai khu vực dân cư mình quản lý: “Khu phố 3 của phường Tân Phong có 5.800 nhân khẩu nước ngoài. Người Việt chỉ hơn 3.000 nhân khẩu. Khu phố 4 có 5.100 khẩu nước ngoài. Người Việt Nam cũng chỉ chừng 3.000 người”.
Theo bác Cải, trong số hơn 1 vạn khẩu nước ngoài ở hai khu phố mà bác quản lý thì “80% là người Hàn Quốc”.
Cuộc sống muôn màu
Mới đây họp bầu ban quản lý khu phố, một người châu Âu lấy vợ Việt Nam đã ứng cử xin làm công tác tổ dân phố.
Kết quả mọi người đã không bầu cho ông vì ông … thừa nhiệt tình nhưng lại thiếu tiếng Việt thậm chí cả tiếng Hàn.
“Chẳng nhẽ ông đi xuống tổ dân phố lại phải kèm thêm phiên dịch” - người ta bình luận trong cuộc họp.
Điểm đặc biệt của phường Tân Phong chúng tôi là số người nước ngoài xấp xỉ người Việt Nam. Theo thống kê sáu tháng đầu năm 2012, người Việt có 16.127 nhân khẩu, người nước ngoài là 10.168 nhân khẩu. Chúng tôi chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết trên tinh thần người nước ngoài nhập gia tùy tục.
Ông Ngô Chí Thành, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Tân Phong, quận 7, TPHCM
Người nhiệt tình như chú rể Tây không phải ít. Một người lao công với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng nói: “Có người Hàn Quốc tốt bụng, lúc chuyển nhà kêu chị em chúng tôi lên cho tủ cũ, bàn ghế cũ. 10 người nước ngoài thì cũng 8 người tốt”.
Hôm Trung thu vừa rồi có mấy người châu Âu tặng tiền cho anh chị em lao động trong khu, làm quà dành cho trẻ con ở nhà.
Tuy vậy, theo anh Thái, công việc bảo vệ an ninh trật tự khu phố cũng phức tạp. Bác Cải kể, cảnh sát đã phá băng nhóm lừa đảo qua mạng tại khu phố 3, chúng gồm 38 tên người Trung Quốc, thuê ngôi nhà 3 tầng, không ra ngoài, chỉ cho một tên ra mua các loại thực phẩm. Lúc phá án trong nhà vẫn còn trữ mấy tạ gạo.
Một tụ điểm mát xa do chủ người Hàn Quốc tổ chức, khi phá án, tiếp viên vứt cả quần lót xuống đất mà chạy.
Thái nói với tôi: “Khách lừa lái xe taxi, không trả tiền, chui vào khu chung cư và lên phòng ngủ mất dạng. Lái xe taxi đội mưa, đợi nửa tiếng không thấy họ đâu”.
Cảnh sát thường giải quyết những việc như chồng đóng cửa, đánh vợ dã man, phải giải cứu. Ẩu đả vì xích mích thì xảy ra thường nhật.
“Người Việt Nam mình có tính nhẫn nhịn, nếu không cũng rất dễ xảy ra đánh nhau, do nhiều người nước ngoài hay nổi nóng” - mọi người nói với tôi.

image
Trẻ em Hàn Quốc trong lớp học nhạc ở khu phố 4, phường Tân Phong.
Đi vào khu phố 3, khu phố 4, phần lớn biển quảng cáo đều bằng tiếng nước ngoài. Hiếm hoi lắm mới thấy tấm biển chữ Việt mà không phải là song ngữ.
Chúng tôi ghé vào một lớp dạy nhạc bên ngoài đề chữ Hàn. Hai vợ chồng người Hàn đang dạy 5 học sinh. Mỗi em ngồi một phòng riêng, ngăn bằng kính trong. Người giáo viên Hàn gần 60 tuổi nói với tôi: “Chúng tôi ở Việt Nam 4 năm, dạy cho trẻ em Hàn Quốc mỗi ngày vài giờ”.
Bác Cải bảo:“Người nước ngoài tranh giành nhau mặt bằng gửi xe, để hàng, bị phạt hoài. Hôm nọ có hai ông chủ quán người nước ngoài cãi nhau, một ông lấy vợt tennis đánh ông kia, ông bị đánh lập tức vào nhà lấy hai con dao ra đâm con ông kia”.
Khác biệt văn hóa
Một trung tâm Tây y Hàn Quốc, một phòng khám đông y Hàn Quốc, rất nhiều lớp học Hàn mọc lên.

image
Bác Cải (bên phải) cùng các bảo vệ giữ gìn an ninh cho khu phố 3.
Bác Cải nói với tôi: “Hai khu phố này hoàn toàn không có đình chùa đền miếu nên người Việt muốn thực hiện các nghi thức tôn giáo tín ngưỡng truyền thống thì phải đi đến các nơi khác”. Người Việt trở thành thiểu số nên có những nét văn hóa cũng bị phai nhạt.
Thái nói với tôi, một số người nước ngoài rất hiếm khi giao tiếp với người Việt Nam. Họ ra vẻ không biết tiếng Việt, nhưng “lúc mua bán thì thấy nói ào ào”.
Bác Cải rất nhiều tâm sự: “Tôi đi vận động gây quỹ thì một ông ngoại quốc mở tiệm bán thịt lợn ở khu phố 4 hua dao đuổi, ý nói rằng việc đó của các ông, không phải của chúng tôi”.
Bác thấy ông đồ tể cầm dao, cũng sợ, không dám vào.


Tiền Phong


image










No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.