Sunday, June 7, 2015

Giao lưu văn hóa

http://baomai.blogspot.com/
- Cũng trên bốn mươi tuổi rồi, chắc là phải lấy vợ.
Hắn lầu bầu như vậy! Hắn đang ngồi trước mặt tôi, mặt mày thô vụng, người lùn đậm, thấp như cái nấm. Làm như cả chục năm nay hắn sống trong rừng sâu núi thẳm, không có ai hàn huyên nên gặp tôi là xăng xái mang những chuyện chổi cùn rế rách ra mà kể lể. Hắn nói liên tu bất tận, như sợ tôi nhẩy bổ vào dành chuyện của hắn.

Chưa hết, ai hắn cũng quen biết và ngay cả bạn đọc nữa. Hắn lâm râm chắc như bắp luộc là vừa mới nói chuyện với bạn mới hôm qua đây. Hắn còn ỉ ôi đời người không có bằng hữu thì èo uột như cây không có lá.

Và quái một nỗi, hắn cứ nhắc đi nhắc lại là: Bạn biết hắn.

***
Chưa chi hắn đã bương bả: Chuyện hắn lập gia đình trễ dễ hiểu thôi. Xong trung học đệ nhất cấp, ngỡ êm ả với gíó thổi mây trôi thì rớt tú tài một cái bịch, bị kéo vào cơn lốc chiến tranh và đi lính. Tôi chưa kịp thêm mắm thêm muối rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con… hắn đã đi một tràng “ra-phan”:
Sau cú trời sập bị đi cải tạo, hắn khai trong bản lý lịch trich ngang là hắn đâu muốn cầm súng. Chẳng qua trên răng dưới lựu đạn đứng giữa hai làn ranh chịu trận mà thôi. Nhưng thằng quản giáo răng đen mã tấu nhất định…tối dạ không chịu hiểu và nhúm hắn đúng mười ngày không hơn. Hắn cứ tiếc hùi hụi đi tù gì mà không lâu lắc được như người ta để sau này viết…hồi ký. Rồi hắn vượt biên qua đây, chân ướt chân ráo với cái nợ áo cơm, nên hắn cầy như hạc, cầy chết bỏ. Nên quên…lấy vợ tuốt luốt.

image
Note: Hình trong bài này là minh họa
Đang rối rắm chuyện cải tạo, hắn láo nháo hỏi tôi có vượt biên không? Chưa kịp trả lời. Hắn đã bốc nhằng, chuyến vượt biên của hắn ly kỳ ít thấy, có thể viết nhựt trình được để mai này tụi trẻ học hỏi về những người di dân. Số là học tập xong, đang thái thịt ở tiệm phở. Gặp thằng bạn đến ăn phở chơi, nguéo tay nhau cái rốp, hai ngày sau dọt. Vì lặng gió biển yên nên ba ngày tới đảo. Một tháng sau qua đây cái một. Đang láo ngáo với mấy con số, hắn rôm rả hỏi rằng qua Mỹ lâu chưa, H.O. hả? Như biết tôi nghĩ gì trong đầu. Hắn rung cây nhát khỉ, ở đây gì cũng là số ráo trọi. Tối tối phải xem thời tiết để tới tiệm phở nấu phở nói chuyện…nắng mưa với khách hàng. Tập thói quen vừa lái xe vừa uống cà phê…mì ăn liền. Bà con bên nhà, tưởng đô la là giấy lộn rơi rớt ngòai đường muốn nhặt là có, người tị nạn làm “ca” ngày “ca” đêm, tối tăm mắt mũi chỉ thấy…“ca ca”. Cuối tuần cắt cỏ, giặt quần áo, hút bụi…túi bụi chứ đâu có dỡn, ông thầy.
     
Như thân quen từ thưở nào, hắn vỗ vai thân mật hỏi tôi lấy vợ chưa? Như sợ tôi trả lời mất dịp để nói, hắn vội vã nói lấy nói để rằng lấy vợ châm lắm. Mấy bả mấy cổ ở đây mất hồn mất xác, tan tác đời hoa hết trơn hết trọi rồi. Nào lớp ly tán, ly tao, đến lớp ly thân, ly dị. Qua lớp chồng nhẩy tót lên bàn thờ ngồi ăn xôi nghe kèn nên Mỹ hóa quá thể. Hắn chặc lưỡi, nè theo hổng kịp đâu. Ông thầy phải bắt dàn “ka-ra-ô-kề” cho ngon. Tối tối mấy bả có dắt đi nhẩy đầm ào ào, đừng có guíu như con cá lóc quảy hà rầm trong rổ. Mà đâu có chi phải rung, “cha cha cha” cà dựt, cà dựt như đi chợ, dễ ợt…cha. Hắn quên béng hắn vừa gọi tôi là ông thầy. Làm như tôi là…thầy bùa thầy chú. Hắn hất cái đầu hỏi tôi, giọng xóc hông, nè dìa Việt Nam chưa? Tôi chưa kịp trả lời là…chưa về, hắn lại hỏi tôi qua đây hồi nào? Vừa định kịp góp chuyện. Hắn đã tung tẩy, đừng có dại mà dìa, lý lịch của mấy cổ thì mù chớt. Một tháng tìm hiểu bốc hốt được gì ta, sào khô sào ướt sao đặng, mất mặt bầu cua hết ráo. Hiểu không?

image
Hắn hươu vượn lúc đầu hắn nhận được mấy lá thơ bên nhà gửi sang có hình chụp để…tìm hiểu. Xấu đẹp tùy người đối diện, nếu hợp thì gửi hình, ké thêm tem cò để tiến tới…xa hơn. Hắn hót như khướu: Thơ chi chữ nghĩa đọc như gà bới, người thẳng đuỗn như con lươn, ngực xẹp lép. Được mỗi cái háng chành bành, to bằng cái cần xé ổi xá lị. Hiểu không? Bao giờ cuối câu cũng hỏi tôi hiểu không. Chẳng cần tôi có hiểu hay không, bỗng dưng hắn ạch đụi…con là nợ, vợ là oan gia mới tức càn hông chớ, ông thầy.

***
Chưa kịp hỏi lấy vợ hồi nào. Hắn vỗ lưng tôi và nông nả:
Thằng bạn H.O. nhờ hắn lái thêm một chiếc xe ra phi trường đón gia đình mới qua. Hắn hạnh ngộ với cô em bạn hắn từ đấy. “Nàng” ngó coi hết biết. “Nàng” hổng quẹt lọ mà da mặt dịu nhiễu như sa Tân Châu, như lụa Xiêm La. “Nàng” hết xẩy với bộ vó tướng xà, tướng điểu. “Nàng” nào khác chi bắp chuối mới trổ hoa. Mặc dù thiệt tình bắp đùi có giống…trái soài tượng. Cuộc tình của hắn sốc nổi lắm, mới thấy là bắt mê ngay. Không có chiện đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Mà nguyên con như phim tập “Máu đổ bãi Thượng Hải”, tình tiết ly kỳ quá sức, hồi hộp quá mạng. Hắn hà rầm: Lái xe mà hắn ứ hơi, bứt rứt nên chỉ dám ngó chừng. Hốt nhiên “nàng” hô hóan như mã tà: Khủng hỏang. Hắn ngồi mà thấy…đứng như trời trồng. Vì theo ngón tay “nàng” chỉ, hóa ra là cái nhà cao tầng to bự sự. Và hắn cười giả lả, nghe thấy…ghét. Với cú sét ái tình thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm dễ mấy ai quên. Nên hắn sượng trân, mồm mép, chữ nghĩa như trốn đâu mất tiêu. “Nàng” bỗng dưng bật cười khan. “Nàng” nói trống không như không có hắn bên cạnh: “Chịu Thầy, ổng nói xuống phi trường là gặp ngay mới…ngộ”.

 Hắn ngớ ra. “Nàng” cười tình kể lể chuyện sóng nước lềnh bềnh. Chuyện là trước ngày qua đây, “nàng” của hắn đi coi một quẻ, xem phận lục bình mười hai bến nước nổi trôi theo dòng đời, vướng mắc nơi đâu và: “Thầy nói…y trang”.

Đêm về, hắn cứ thao thức vì thấy “ngộ” thiệt ngộ. Y hệt giầy dép còn có số huống chi chuyện vợ chồng. Và hắn như bị hớp hồn bởi giọng nói dẻo quẹo như đường Thốt Nốt, ngọt như bưởi Biên Hòa của người đẹp, nhớ muốn thác luôn và dễ thương chi lạ như “Hổng dám đâu”, hoặc “Ngộ héng”. Tối khuya, hắn cứ ôm gối vật vã, vấn vương cùng mộng và mơ thấy em nhỏ xíu anh thương….Hắn hấp háy con mắt: Rằng hắn thương thiệt tình mới…lãng xẹt. “Nàng” cũng như chịu đèn hắn, tâm sự rằng mới đầu ngó hắn ạch đụi vậy chớ nhưng nói chiện chi có diên dữ thần, nhỏ tới lớn hổng thấy.

image
Cưới vợ phải cưới liền tay, ba tháng sau hắn cấp kỳ ký giấy hôn thú trước. Làm đám cưới sau cho chắc ăn. Hắn hỏi tôi: Đặng không, ông thầy? Tôi đang sặc máu mồm dồn máu mũi về chuyện một chuyến đò nên duyên này. Đồng thời cũng đang nghĩ trong đầu câu nói của hắn con là nợ, vợ là oan gia ở cái khổ nào. Thì hắn xuống tông, giọng phổng phao, nhưng vẫn không quên “cái ta” của hắn, lớn hơn “cái tôi” của tôi nhiều:

Đêm tân hôn, hắn cứ nhức nhối chịu trời không thấu, là không biết ông thầy nước lạnh nói chi về hắn, vì được khen ai chẳng sướng rên, sướng mé đìu hiu. Mà nói thiệt chứ không nói xạo, hắn cũng ngon lành lắm chứ bộ, nhìn lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống chẳng ai hơn mình, ngó ngang thì hổng hay à nha. Dằn bụng không đặng, hắn nhóp nhép hỏi. Vợ hắn ỏ ẻn, không biết dỡn chơi hay dỡn thiệt: “Bộ quởn sao! Ai lại đứa sáng đi nghe đứa mù bầy đặt. Mà tiền đâu mà coi bói, cha nội. Nghèo mà ham”.

Khôn ba năm dại…một giờ, nghe xong hắn muốn chết giấc luôn. Lưỡi hắn cứng đơ xà rông và cả đêm chẳng mần ăn gì được. Thiệt tình.

***
Quên mình đang kể chuyện. Hắn hỏi chuyện tôi xốc hông: Ông thầy có phải đi cải tạo không? Chưa hỏi xong, hắn đã bắng nhắng là hắn đi cải tạo chỉ có mười ngày. Nhưng bây giờ đang sống với…Việt Cộng và chưa biết ngày nào ra.

Tôi lóng ngóng thấy rõ, ngồi trơ thổ địa chịu trận, nghe hắn tâm sự, tâm tư một đời đắng cay:
Sau đám cưới, ngay ngày hôm sau. Hắn chửi thề “Tía nó”, chưa kịp sớ rớ…dậy, …dậy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Mới sáng chủ nhật, đang nằm chèo queo, chèo quẻo đã thấy mình bị nhốt trong trại cải tạo hồi nào không hay. Vì vợ hắn đã ào ào như quản giáo: Chưa lên kế họach chi dậy cà. Hắn nhủ thầm cái gì mà lên với xuống, mà kế họach chi đây. Vợ hắn đã nhắc nhớ là phấn đấu đi ăn trưa. Hắn thầm nhủ, ăn uống thì cứ tàng tàng, làm chi dữ thần phải…phấn đấu với…tranh thủ!

image
Vợ hắn giục như giục tà: Còn lề mề linh tinh nữa, khẩn trương đi vì trời có khả năng mưa. Hắn chưa kịp nhìn ra ngòai xem ông trời có…khả năng ở cái khổ nào, vợ hắn đã léo nhéo: Đã quan hệ với ông già bà già chưa. Hắn hơi bực mình, gọi thì gọi, mắc mớ gì mà phải…liên hệ với…quan hệ thì vợ hắn đã tía lia: Nè, điện ngay đi. Hắn chưa kịp sì nẹc, “phôn” thì cắc cớ chi gọi là…điện với…đài.

Hắn chưa kịp xỏ đôi dép, vợ hắn cheng chéc, cheng chéc như hạt lựu sương sa trong điện thọai, xong cười mỉm chi kiểu ngây thơ vô số tội: Vừa xử lý ông già bà già xong. Ông già bà già thống nhất rồi, vì đột xuất, nên phải động viên tinh thần mãi mới chịu tham gia thị trường. Hắn lầu bầu, mốc xì gì đâu, nhưng cũng đành suội lơ cho êm chuyện và nhỏen miệng cười tươi như thài lài gặp cứt chó: Cũng tốt thôi.

***

Tôi vừa định há mồm hỏi vợ hắn làm gì bây giờ thì hắn đã tào lao thiên tôn ngay, cũng khó nói lắm. Hắn úp mở, như đèn mù u, ngọn lu ngọn tỏ ấy mà. Tôi chớ phở ra như chúa Tàu nghe kèn, không để tôi suy nghĩ lâu. Hắn dậy khôn tôi, chuyện đời đâu có êm ru bà rù như vậy ông thầy. Hắn rầu rĩ, không biết vợ hắn ăn mắm nhái, mắm ngóe Châu Đốc, Bà Đen hồi nào mà hồi này bày đặt lăng xăng chạy cờ cho…cộng đồng. Hắn bí rị, tháng nào cũng họp với hành, hết xuống đường đến biểu tình, lần nào cũng mang cờ vàng ba sọc đỏ về nhà. Rồi hết đả kích Thanh Lan đến tẩy chay Bạch Tuyết đang lưu diễn ở đây, nghe muốn mệt lỗ tai nhức con ráy. Hắn than trời như bọng: “Thứ nhất Cộng Sản, thứ hai Cộng Đồng”, thì sui tận mạng: Nhà hắn có cả hai mới cha đời.
     
Hắn khè cần cổ, họp hành chi muốt chỉ cà tha, cuối tuần bố con hắn ăn cơm tay cầm mệt nghỉ, rầu thấy mồ. Hắn năn nỉ mụ vợ hắn, thời buổi này mỗi lúc một khác, cũng phải theo thời. Gió thổi chiều nào theo chiều ấy, đâu còn úynh nhau nữa, phải quên đi hận thù...”sâu sắc, nhậy cảm”.

Mụ vợ hắn nhẩy cà tửng cà tửng như bà Phùng Há và …há miệng lớn lối: Nè đừng có dỡn mặt tui, tui thì tui dễ tính lắm nghen, ai nói mặc ai, tui sống cho tui. Rồi mụ giựt giựt cái miệng như bà Năm Sa Đéc: Thằng cốt đột nào lớ quớ, tui bẻ cổ thấy mụ nội, tui bẻ cái rẹc đằng trước ra đằng sau cho mà coi.

Mới đây, hắn dụ khị vợ hắn về mấy ông nhà văn, nhà báo đăng nhựt trình, kêu gọi nối vòng tay lớn với khúc ruột ngàn dặm nối dài đến…lòi trĩ, nghe tội chi đâu. Mụ vợ hắn xì một cái: Hổng có tui à nha, bị một lần tởn tới già, tui mà bắt gặp mấy ông bà văn hóa lớn, văn hóa nhỏ, cà chớn, cà chua. Già không nên nết, ôm chưn cái thằng đạo diễn con nít dấm thúi, nói ba cái chuyện ba láp ấy. Lớ quớ gặp tui, tui đục cho mấy đục phù mỏ thì ráng mà chịu nghen. Hắn ngó tôi thở ra, thiệt tình hết chỗ nói, đờn bà con gái đái không qua ngọn cỏ lại dữ như bà chằng, thiệt tình chịu trời không thấu. Thiệt tình số sui tận mạng gì đâu hổng biết nữa.
Và hắn lầu bầu: Tổ cha cái thằng…thầy bói mắc dịch.

***

image
Hắn sà bần sà bát là đang có tâm sự có chiều sâu. Tôi chưa nhìn thấy cái bầu tâm sự của hắn sâu cỡ nào. Hắn kín đáo rút sau túi quần ra tờ báo chợ và đặt lên bàn. He hé cho tôi thấy cái tựa đề Nếu Đi Hết Biển. Xong, hắn lôm côm: Trước kia mình đứng giữa hai lằn ranh, bây giờ ngồi chồm hổm trong lòng dân tộc, mình phải làm một cái gì, phải đi trước người ta. Hắn than: Lúc này mình phải tư duy logic, không lẽ mình cứ gieo hột…khổ qua hòai, tới chừng nào mới có…dưa chuột ăn đây. Vì vậy, phải quên hận thù, đã đến lúc mình phải đối thọai, phải giao lưu văn hóa, phải trở về với cội nguồn.

Đầu óc tôi lùng bùng mấy chữ “mình” thế này, “mình” thế nọ, “phải” thế này, “phải” thế kia của hắn, với một mớ ngôn ngữ hỗn độn tối mù, nên tôi cũng mệt hắn quá thể.
Thấy hắn đeo cái mục kỉnh, tôi biết thế nào cũng có chuyện, y như rằng, miệng hắn chộn rộn chàng ràng: Trong này tòan những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc đáng kính. Cầm tờ báo, hắn mầy mò đọc câu: Vậy, nếu có ai muốn tìm kiếm những điều cao xiêu về tư tưởng, văn chương hoặc xoi mói những điều kém cỏi về lập trường, quan điểm, xin hãy bỏ qua đừng đọc tiếp.
Tôi định nói…đừng đọc tiếp cho tôi nhờ thì hắn đã mừng rơn: Ông Thủy viết vậy mới là viết, khiêm nhường như vậy mới…cha thiên hạ. Vậy mà có đứa “xoi mói” nói ông ta chăn vịt không xong, mò lên Hà Nội làm thợ vịn, ôm cái càng ba chân quay phim “Hà Nội trong mắt ai”. Ngó lơ không thấy ai, hắn phân bua: Trước kia thằng chả đội nón lá, cầm gậy lùa bầy vịt ra ruộng, ra ngòi, qua đây…”chăn nuôi” mấy ông bà nhà văn ngoài nước êm ru bà rù thì có sao đâu, ông thầy.

Thấy tôi…êm ru bà rù. Hắn rù rì: Cực là cực ông nhà văn tên gì gì ấy, ổng ấy viết cũng rất khiêm tốn như ai: Viết để cho…cả dân tộc trong lẫn ngòai nước đọc, không phải chỉ dành riêng cho một nhóm nhỏ của một cộng đồng càng thu hẹp. Vậy mà tội nghiệp ông nhà văn này thiệt tình, ác nhơn ác bá kể chi hổng hết vì chỉ có một hai quyển truyện được in ở Việt Nam. “Cả dân tộc” với “một cộng đồng càng thu hẹp” dành nhau đọc thì văn chương chữ nghĩa nát bấy, te tua là cái cẳng, làm sao đối thọai đây cha. Hắn hít hà, uổng gì đâu, kẹt dữ thần...Hắn nói dẻo như kẹo kéo, nếu hắn là ổng nhà văn, hắn dìa quách Việt Nam để “giết”…Việt Cộng. Ý chết mẹ, nói lộn nói lợi. Dìa Việt Nam “giết” văn cho mấy cây đa, cây đề trong nước đọc bá thở xanh lè mặt chơi…

***

http://baomai.blogspot.com/
Rút thêm một tờ báo chùa nữa và hắn gân cổ: Nè ông thầy thấy hôn, các em mặc dù mới học lớp “đào sâu một”, lớp “đào sâu hai” nhưng viết rất có cơ sở văn hóa như:
Nguyễn Du là lão tiền bối của chúng ta, mặc dù tiền bối đã sớm ra đi vào một chiều gió lạnh, nhưng vẫn làm chấn động thất điên bát đảo cả giới hậu bối của chúng ta, qua bí kíp võ công Vương Thúy Kiều, còn gọi là Đọan Trường Tân Thanh. Sợ tôi chưa nắm bắt được, hắn dí vào mũi tôi đọan văn của một em khác: Nàng Kiều là một người con gái tài sắc vẹn tòan, song nàng bị chế độ phong kiến vùi vào lớp bùn nhơ. Đến nỗi chịu không nổi, nàng đã nhẩy xuống sông Tiền Giang tự vẫn. May thay, lúc đó có một đảng viên đi công tác, bèn nhẩy ùm xuống sông Tiền Giang cứu nàng. Sau đó, Kiều giác ngộ và đi theo con đường cách mạng. Hắn chỉ cho tôi đọan văn của một em tuổi 9X mà đã hiểu chuyện đời ướt át và éo le qua truyện cổ tích: Từ đó về sau, mỗi lần làm tình với chồng, Mỵ Nương lại nhớ tiếng sáo Trương Chi. Thấy tôi chậm tiêu, hắn dẫn chứng: “Từ đó về sau, mỗi lần đi tắm, Tiên Dung lại ra lịnh cho Chử Đồng Tử cởi truồng nằm ngửa dưới lớp cát ngay nơi nàng xúc nước. Hắn thêm, còn chuyện chính sử, chính thống ta của một em lớp 11 thì cực kỳ hơn cả cực kỳ, với khả năng chính trị cao, em viết: 50 người con theo bà Âu Cơ lên núi, 50 người con theo ông Lạc Long xuống biển mất tiêu. Nên sau có 50 người con khác từ phương Bắc xuống lập nên nước Xã Hội Chủ Nghĩa ta cho đến ngày nay….

Đột nhiên hắn xuống câu sề, giọng hòai cổ, hoài lang tha thiết: Từ ngày bỏ xứ mà đi, hắn rầu thúi gan thúi ruột vì nhớ nhà nhớ rang nhớ rức, nên cũng muốn về thăm chòm xóm, bà con cô bác một phen. Hắn ca thêm bản kim tiền bản, khốc hòang thiên: Mà nói thiệt với ông thầy, có đi hết biển, đi hòai đi hủy thì cũng về đến ao chuôm làng mình, nghe cóc nhái kêu rầu thúi ruột…Chợt nhớ ra điều gì, sửa lại thế ngồi ngay ngắn, nhướng mắt chậm chạp nói, một công đôi việc, lúc này thằng con hắn đã nhổ giò nhổ cẳng, hắn có ý định đưa về Việt Nam ít tuần, chủ yếu để học hỏi “Tiếng Việt trong sáng”.
Và hắn hồ hỡi phấn khởi ngay đấy, cơ bản mình phải nhìn xa trông rộng. Như thằng cháu hắn, mới dìa Sài Gòn có hai lần, sà lẹo tiếng Việt như chú Chệt bán ve chai. Hắn hồ hỡi. Ôi chu choa, nó còn nhậu tới bến, nhậu muốt chỉ cà tha. Mèng đéc ôi, ông thầy biết hôn. Tôi định thú thực tới giờ tôi chưa biết…hôn. Thì hắn tiếp: Nó chửi thề nghe quá đã, ông thầy…Tôi chưa kịp hiểu “đã” như thế nào. Hắn lôm côm: Thằng cháu thổ lộ rằng về đến đây. Nó kể chuyện cho ông già bà già nó nghe con nít Hà Nội bây giờ ăn nói ngon lành lắm, mở miệng ra là “đéo”.
Vậy mà ông già bà già nó…đéo tin.

image
Tôi tự u ơ rằng mấy nhà văn chữ nghĩa đầy người. Họ đang đi tìm một sinh lộ để đối thọai với người anh em phía bên kia, thì đụng cái mô lớn, mô nhỏ là mấy ông, mấy bà cộng đồng có cái đầu đông đá. Còn hắn cũng chẳng hơn gì, cũng đang lớ ngớ với cái ụ sè sè ngọn cỏ bên đường là mụ vợ hắn, như con cắc kè thay mầu đổi sắc, xanh xanh đỏ đỏ không biết đâu mà rờ. Hắn đập nhè nhẹ vào tay tôi: Hồn ai nấy giữ…Tiếp, hắn láo ngáo hỏi tôi câu hỏi hồi nãy, đã dìa Việt Nam chưa ông thầy? Vẫn chứng nào tật ấy, như sợ tôi trả lời, hắn vỗ trán trả lời thay: À, chưa dìa, mà sao hổng nói! Và ủ ê: Xưa rồi Diễm ơi, bây giờ đổi mới tư duy và kinh tế thị trường…hết biết, ông thầy.

***
Sợ tôi đợi lâu thì bịnh chăng. Hắn mở máy nói ngay tức thì:
Sau những thủ tục hơi bị căng như đăng cai, ký ruồi ở tòa sứ, và chẳng thể thiếu thủ tục đầu tiên ở quầy tiếp thu hộ chiếu. Gia đình hắn về đến nhà dượng Ba hắn đã khuya lắc khuya lơ. Hắn tía lia: Buổi đêm, thằng con nó ngủ ác lắm, mấy con muỗi đột nhập vào trong mùng mà nó vẫn ngủ tít. Vậy mà sáng ra bị tổ trác lãng xẹc. Chuyện là thằng con làm công tác thăm lăng “bác”. Ngồi chồm hổm trên cái bàn cầu cổ lỗ sĩ thế nào ngã bổ chửng ra đằng sau, kêu la khóc lóc như…bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

Mụ vợ hắn nhẩy bổ vào như lính thủy đánh bộ, ngó tới ngó lui không có giấy đi cầu, phải dùng gáo múc nước rửa ráy cho thằng nhỏ. Sau đó mụ vợ hắn quơ lọ dầu Nhị Thiên Đường đánh gió ào ào, miệng hít hà như thầy pháp niệm thần chú, nhẩy cà dựt, cà dựt như Hòai Linh. Miệng la chói lói như Hồng Vân chửi mất gà là hắn việc nhà thì nhác, việc bá tánh thì siêng, khi không mang thằng con của bả về đây cho nó …té. Sau đấy là cong môi sỉ vả hắn Việt kiều gì mà chùm sò, không chịu ra ngòai búc phòng nhà khách có cầu tiêu bấm nút, máy lạnh thổi…dù dù. Hắn rầu rĩ: Sui gì đâu, mới ngày đầu đã va chạm thực tế, hắn chỉ sợ thằng con chao đảo lập trường nên hắn rầu muốn chớt.

Tôi chưa kịp hiểu chùm sò là quái gì, nhưng tôi đâu có cơ hội mở miệng hỏi…Vì hắn đã tung tẩy: Sau hai ba ngày, cọp nào rừng nấy, vợ hắn dẫn cả nhà đi tham quan quãng trường Sài Gòn. Vừa leo lên xe, vừa rời vùng sâu xa ngã ba Bình Hòa. Đường phố được giải phóng mặt bằng để bê-tông hóa. Vợ hắn thuyết minh tham gia lưu thông với xe con, xe khách. Mới sớm mơi hắn đã được động thái nào là giải phóng mặt bằng với đường xa tốc kia, cầu cạn nọ. Rồi được bổ xung xe này cực độc, xe kia chạy láng lụa, bảo quản với mũ bảo hiểm. Hắn đang ớn xà lách tới ùn tắc, đến quá tải thì được vợ hắn cảnh báo hệ quả cũng có ngày tai tệ nạn. Hắn chia sẻ cảm xúc với tôi, ông thầy thấy hôn, chưa dô tới thành phố mà xe hắn đã được chuyên chở đầy chữ nghĩa giao thông, giao lưu như chôm chôm, ổi xá lị, ngòai chợ Bến Thành, thấy ngốt con mắt gì đâu.

Tay đập bàn cái cốp, miệng chửi thề “Tía nó”, rằng hắn bị cái vạ vịt với mấy thằng Bắc kỳ 2 nút. Xe chạy lúp xúp tới đường Đồng Khởi, cả nhà đang lưu thông văn hóa như gà đi bộ, bỗng dưng có một gã bán chim, mặt câng câng hỏi hắn: “Bố ơi, bố mang con gì đấy”. Hắn chột dạ nhìn dáo dác, có con nào đâu ngòai con vẹt đang ngất ngư trong cái lồng của thằng nón cối. Bên trái là thằng con hắn. Bên phải, như sợ bị lạc giữa ba dòng thác cách mạng, tay trong tay là con…mụ vợ hắn. Giữa là hắn, vai đeo tòn teng cái máy hình. Chưa kịp hiểu chi, con vợ hắn đã cốp cái một: “Con Nikon”. Gã bán chim giọng đấy ngưỡng mộ: “Con Nikon này, giá…cứng lắm đấy nhá”. Tiếp: “Thượng đế cẩn thận nhá, bị chĩa là bỏ bu đấy nhá”. Vợ hắn sù, ngúyt thằng cán gáo một cái dài cả thước và nói với hắn: Dô diên, trời sáng đỏ con mắt còn nhá với nhem, người Việt mình đâu có ăn nói dậy. Từ đó hắn nhét cái máy hình vào túi quần, y trang nó…“cứng” thiệt tình.

***

image
Bỗng dưng hắn thành khẩn khai báo với tôi, tiếng Việt trong sáng gì mà khó nhai quá xá ể. Tôi định an ủi hắn, nghe mãi rồi quen, như xóa đói giảm nghèo vậy thôi. Nắm bắt chữ “nhai”, hắn cảm thấy đói và dẫn vợ con đi cải thiện. Hắn kiểm tra thị trường tiệm ăn cực kỳ cao cấp. Khuyến mãi đông như ruồi, chỉ tức cười một cái là trong cầu tiêu không có, thì ở đây, trên bàn ăn…đại trà những cuộn giấy đi cầu to đùng, trông mát con mắt. Thấy thằng con giao động văn hóa ẩm thực đầy tình tự quê hương với chuột nướng xả, rắn xào lăn…ở bàn bên cạnh. Vì vậy, hắn được dịp nói với con hắn về một cách nhìn khác về văn hóa Việt Nam. Như tại thành phố hắn đang lưu vong, với thùng nước lèo qua tô phở béo ngậy cho khách hàng, đó cũng là hình thức làm văn hóa chứ còn ai trồng khoai đất này. Nhưng nhìn cái bản mặt văn hóa “Hem-bơ-gơ” giữa mấy đĩa kỳ nhông, cắc kè thì dù thằng con hắn có thông minh, chậm tiêu cách mấy. Dù hắn có nói…xúyt hay cách nào, hắn biết rằng Đông và Tây chẳng bao giờ gặp nhau.
Ngay sau đó có sự cố kỹ thuật, đến phần chiêu đãi nước uống. Người phục vụ gái hỏi hắn: Bú chi?. Nhờ đó hắn mới triển khai đầy thuyết phục với bú là…uống. Thế là hắn tiếp thu cái bia tươi cho biết mùi nước mắt quê hương. Thằng con gọi: Cốc. Vợ hắn ới chai nước suối. Hắn chép miệng, hồi trước thì uống nước máy như…máy. Bây giờ bả giả bộ đóng tuồng vậy thôi. Bả sợ không ai biết bả là Việt kiều với khúc ruột nối dài, nên đi đâu tay cũng cầm chai nước có núm vú phe phẩy. Hở ra thì câu trước câu sau là nhún vai “Mi-tu”, rồi lắc đầu “Diu-guẹo-cầm”. Báo hại bác lái xe nghe tiếng Tây tiếng u của bả thấy mà ớn lạnh nên nghe…hổng ra. Bác khuyên bả: Đừng có tu bậy, chẹo quai hàm có ngày đó nghe thím Hai.

Một hồi sau cậu bé chiêu đãi trạc tuổi con hắn, mang cái cốc ra. Thằng con hắn gân cổ đỏ mặt, sùi bọt mép như Tây ba-lô giải thích bằng cả hai thứ tiếng, bằng cả chân tay nhưng cả hai như người khách lạ trên quê hương mình. Cậu bé chiêu đãi đi vào, lắc đầu: Coca Cola thì lại gọi là…Cốc. Mang cái ly ra thì kêu ô-kề. Bố ai mà hiểu được. Hắn sìu trông thấy và thở ra với tôi: Chuyện nhỏ như con thỏ. Chuyện nhỏ như con thỏ mà hắn rầu rĩ vì thằng con hắn vừa mới bị bể mánh tùm lum, mới có hai ngày ở nhà dượng Ba đã có cọ xát văn hóa. Tụi nhỏ chê cái quần bò của thằng con hắn là đồ rỏm, không có miếng da bò, không có chữ “Made in USA”. Thằng con hắn nói “nô-pá-lầm”. Thế là chúng nó cãi nhau “Kăng-ku-ru” và thằng con bị chụp mũ trông mặt cũng vệ sinh lắm, nhưng dòm ngu như cái xe lu, nên bực như con cá mực và chán như con gián. Hắn thấy không xong. Vì thấy thằng con hắn ngồi ở một góc nhà, mặt khổ như con hổ, và buồn như con chuồn chuồn.
Hắn cà rà: Ông thầy cho biết cảm giác về hiện tượng này. Và hắn trả lời thay tôi: Phải trọng thị yếu tố đó, lũ con nít dở hơi không biết bơi và từ đó chúng cách ly với nhau!

***

image
Cơm nước xong trên đường về, ghé thăm cậu Bẩy em vợ hắn. Nhân tiện sau mục ăn uống, hắn tiếp cận với thằng con để nó tiếp thu hai chữ bồi dưỡng. Như sợ mất thị trường ăn nói, vợ hắn lanh chanh là cải thiện là…ăn uống chết bỏ. Gần đến nhà cậu em, hắn thấy một bảng tên một cơ sở rất khiêu khích với cụm từ: “Trường Bồi Dưỡng Văn Hóa Cao Cấp Phổ Thông Cơ Sở Đỗ Mười”. Chẳng cần gã hỏi vợ hắn quản lý hắn ngay: Trường này dành riêng cho các trưởng phòng, giám đốc học tới lớp ba, lớp tư lận. Sau thời gian chuyên tu tại chức được biên chế là…phó tiến sĩ. Hiện có một quan chức nhờ làm…“tốt”, lao động văn hóa…“tốt” nên đảng và nhà nước đánh giá…“cao”, đãi ngộ…“cao” đang là chuyên ngành…viện trưởng Viện Văn Hóa Nhân Dân thành phố.

Cái đầu hắn chao đảo chữ nghĩa gì mà…đại trà với “cao”, với “tốt”… Lại bức xúc vì cái tên dài ngoằng, hắn quay lại ngó cái bảng tên cơ sở đầy ấn tượng. Miệng lâm râm: “… Văn Hóa Cao Cấp Phổ Thông Cơ Sở Đỗ Mười” không thôi đã thấy mệt nghỉ. Thế là vợ hắn nhẩy dựng lên như Phàn Lê Huê: Văn hóa chi thứ thằng chả Giỏi a đồng chí Đỗ Mười – Lớp ba chưa đỗ đã ngồi bí thư. Hắn cảnh báo vợ hắn bò vàng nghe được nó còng thì chết tía vì mụ vợ hắn vừa vô tình “Tiết lộ bí mật quốc gia”. Vợ hắn nổi cơn tam bành lục tặc: Bộ tui con nít sao, nè nói thiệt cho mà hay, nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá. Tui hổng ngán thằng…mười một nào hết nghen, cọp ba móng tui còn móc mắt cái một. Không giao lưu với đối thọai gì hết ráo, lớ quớ tui xách con tui dìa.

image
Hắn sượng trân, miệng vừa hở ra: “Trường..”. Ý là “Trường Bồi Dưỡng….”, sợ hắn đợi lâu thì bịnh chăng nên vợ hắn bổ túc văn hóa hắn về…Trường Viết Văn Nguyễn Du mới đổ nợ. Cứ theo vợ hắn trường có những học viên cấp ba, có những lão ông sáu mươi tuổi…Hắn chưa kịp hiểu, vợ hắn khắc phục hắn ngay, văn hóa dân tộc phải đề xuất từ quần chúng mà ra, phải dựa trên cơ sở sơ cứng…Như vợ hắn trước khi đi Mỹ, cũng ra cơ sở phường học đột xuất…múa đôi. Đến nước này thì thầy chạy, đang nói chuyện dậy văn vợ hắn nhẩy bổ xung qua múa đôi với…mút lưỡi, bú mồm. Hắn đành cảm xúc…hổng dám đâu và cảm giác, xúc cảm…cũng thỏa mái thôi.

Thôi thế nào được, trở về chuyện thằng con hắn, hắn mừng rơn thấy rõ: Ngày đầu, hắn phấn chấn khi thấy thằng con hội nhập với anh chị em cùng tuổi ở nhà dượng Ba hắn. Lũ cháu động viên: Bây giờ ăn nói phải hiện đại, mới sành điệu con hàng hiệu. Thấy nhí qúy tộc, chớ dại khen hơi bị ngon, phải bốc nhằng là đẹp dã man. Ra đường thời trang phải “mô-đen”, “mô-típ” như quần tòn teng cái giây ba trạc, tay cầm cái “mô-bai”, ngang bụng đeo cái mề gà. Dẫn bồ nhí xinh như con tinh tinh vào quán ăn theo thương hiệu. Ăn xong phải tư cách một chút là củ chi thật khống. Hắn thông tin với thằng con hắn rằng tới nhà cậu Bấy phải “tư cách” như cháu ngoan bác Hồ. Tới nhà cậu Bẩy hỏi đi đâu đầu lâu thế thì cứ trả lời là “nô-pá-lầm”. Nếu bị cậu mắng: Tao tát một phát văng như cái đĩa hát, vỡ tan tác cho mày hết nô-pá-lầm thì đừng có trách tao ác”, thì đừng vác cái mặt như bò đội nón và hét toáng lên là “gô-ơ-hét”. Hay hô hóan như mã tà, như má mày là “khủng hỏang” này kia, kia nọ nha con.

***
image
Tới nhà cậu Bẩy, gia đình bên vợ hắn đã chờ sẵn. Cậu em đã đi một tràng “AK”: Rất tương thích, báo cáo anh, báo chị mọi người không bèo, co cụm như những ngày giải phóng nữa vì chủ đạo là tham gia xí nghiệp vệ tinh nên ai nấy bây giờ cũng thầu giầu bạo. Chưa hết, hắn vừa nhép nhép miệng góp chuyện xí nghiệp vệ tinh, vệ nữ…Thì vợ hắn đã liên tu bất tận, như sợ hăn nhẩy bổ vào dành chuyện của mình.
Vợ hắn bổ xung thêm rằng thời buổi này người trong nước nói…giản đơn: Như thằng Bẩy với con Ba đã “giao hợp” với nhau ở bệnh viện Da Liễu …Hắn ớ ra, vợ hắn quản lý hắn là hai đứa đã quen biết nhau trên cơ sở công tác “giao tiếp” và “hợp tác” ở cơ quan. Hắn vô tư với vợ hắn chớ bệnh viện Da Liễu là chi? Vợ hắn bú xua là…là…nhà thương chữa bịnh ngoài da và bệnh hoa liễu. Rồi nhỏen miệng cười tươi như hoa cứt lợn: Cũng tốt thôi.
Hắn hỏi cậu Bẩy có “lao động tốt”, “làm việt tốt” không? Vợ hắn xót xa thằng Bẩy hồi rày sống hoàn cảnh lắm. Không đợi hắn hỏi hoàn cảnh có quá tải chăng. Vợ hắn xa xót là đang bèo lắm. Nó đang nái hóa heo, tức thái thịt như…hắn. Vợ hắn sà bần sà bát, chuyện đời đâu có êm ru bà rù như tía nó. Cuối năm nay xây dựng với con Ba xong, thằng Bảy đi nghiên cứu sinh ở bên mình. Rồi về làm trưởng phòng cơ quan bên lò heo Lê Duẩn. Từ sắp rày thằng Bảy coi bộ ngon hơn tía nó à nha.

Nghe nói thằng em vợ cùng nghề, lại sắp là nghiên cứu sinh heo Lê Duẩn nên chắc là có cơ sở văn hóa cao. Vì vậy hắn phải đả thông tư tưởng những điểm yếu với thằng Bẩy. Hắn muốn điều nghiên những người trẻ hôm nay ngay trong lòng thành phố mang tên “bác”, trăm năm trồng người, mười năm trồng cây. Theo hắn, lớp trẻ sau 75 như thằng Bảy, chưa một lần khả thi thấy cờ vàng ba sọc đỏ, không bị chia rẽ hận thù bởi chiến tranh. Nên hắn hỏi cho chắc ăn, hắn ngoắc thằng em đi…ăn phở để có cuộc gặp. Vừa tới đường Công Lý, để làm rõ với nó. Hắn linh tinh: Bẩy mầy, bộ xứ này có “công lý” hả mầy? Nghe đến cái tên…đường xưa lối cũ, bỗng thằng em vợ hưng phấn: Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý – Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do.  Rồi nó nói bài nói: Dỡn mặt anh, ông Hồ ở rừng đề xuất…rừng còn có có luật nữa cà.

Nghe đến tên “bác” như lân thấy pháo, lại nữa mới hồi năm rồi nghe: Bác Hồ ta thật vẻ vang, đang từ khỏe mạnh chuyển sang…từ trần nên hắn hỏi thăm có…thiệt hôn. Hắn giả lả: Mầy thấy “bác” sao mầy? Mèng đéc ôi, thằng nhỏ lại hiểu lộn và hỏi móc họng hắn: Anh là Việt kiều, dậy tui hỏi anh chớ, ông Washington và ông Hồ, ai hơn ai. Anh nói ngon lành cho tui nghe coi? Hắn cứng họng chưa biết liên hệ sao cho êm thì thằng nhỏ chỏng mỏ y trang vợ hắn: Anh biết khỉ khô gì, ông Washington hơn ông Hồ tới mười lăm ngàn lần lận! Rồi nó vén cái áo “may-ô” lên vỗ bụng bạch bạch: Từ khi ta có bác Hồ - Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào và ư hử ca câu đồng dao dân gian đang thịnh hành:Bắt phong trần phải…phanh trần – Cho may ô mới được phần may ô. Đang lái xe, thằng cà chớn lại khơi khơi như ong vò vẽ kêu: Ngu thì ngu vừa phải thôi, còn để người khác ngu với chớ. Ngồi đằng sau, hắn lắc đầu: Mà thằng mắc dịch này nói ai ngu vậy ta, thiệt tình nghĩ gòai hổng ra. Cái thằng thiệt tình!

***

image
Để tìm kiếm những điều cao siêu về tư tưởng, văn chương. Hay những điều kém cỏi về lập trường, quan điểm ở trong nước. Hắn thấy cần theo dõi đối tượng nhân dân ta bằng cách thay vì ghé tiệm phở. Hắn nói nó đưa đi tham quan những cơ sở văn hóa nổi cộm. Nghe xong, nó lên kế hoạch: Trăm năm bia đá cũng mòn – Bia chai cũng vỡ, chỉ còn…bia ôm và đưa hắn đi thực tế…bia ôm mới kẹt giỏ. Hắn lắc đầu vì hủ hóa, vì chưa đậm đà bản sắc dân tộc. Thằng em móc cái “A-lô” để liên hệ và quy trình đưa hắn đi điền dã ở một nơi chốn…tiên tiến như thế này đây:

Xe vừa chào bãi, một đạo ngũ gồm một chú “cò” trông yểu tướng và hai em “cave” nhẩy ra níu kéo tận tình. Xe cho vào trong, cửa sắt cách ly căn hộ đóng ngay cái rẹc cấp kỳ. Hắn nghĩ thầm bồi dưỡng văn hóa thuộc diện chi mà quá cha cướp ngày vậy nè. Sau đấy hắn được đưa lên phòng. Lược tóm thì phòng có kênh phát sóng, có máy tiếp thị nâng cấp nhiều kênh, chức năng dò đài tự giác, hiển thị Việt-Anh, đa hệ mầu, hẹn giờ tắt mở. Lại có một chiếc giường trải “dra” trắng, cạnh là chồng báo…

Bỗng cửa mở ra, rồi như có vấn nạn vội đóng lại ngay một cái cạch. Một cô gái đi vào có khuôn mặt nhiều nỗi niềm. Nhưng mặt mày rất hoàn chỉnh với tóc “hai-lai” vàng ươm. Quần áo hiện đại với váy ngắn…ngắn tới đùi, áo thun…thun tới rún. Giản đơn thì đối tác rất hội chứng phồn thực, sinh thực khí, tận dụng tốt. Hay là họ phân phối lộn chỗ. Chưa biết cô này theo từ vựng là “phò” hay “hàng” đây thì hắn đã thấy cổ cười tươi rói, bảo hắn cởi quần áo cho co giãn mát mẻ. Rồi nằm xuống giường cho thỏa mái để nghe cổ…đọc báo. Hỏi ra mới hay ấy là “Đọc báo ôm” mới có từ Hà Nội…nhập quan vào.
 Nhưng hắn cứ théc méc là đọc báo sao lại phải…cởi đồ.

Vẫn chưa xong, đang nằm ngửa nhìn trần nhà nhìn thạch sùng đuổi nhau, hai tay thõng xuống như thằng chết rồi để nghe đọc báo Tuổi Trẻ. Cổ cười cười hỏi hắn: “Bộ hết chiện sao anh tới đây nghe đọc báo thiệt hả. Tay đâu sao không…du lịch”. Hắn báo cáo là: “Thì đang dìa Việt Nam đi du lịch đây”. Cổ cười hích hích: “Việt kiều chi quê một cục”. Rồi không ai biểu, cổ tự cởi nội y cái rột, tay cầm sợi dây quay vòng vòng và gân cổ ca vọng cổ nghe thiệt mùi tưởng giếng sâu tui nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn, tui tiếc…goài sợi dây. Nghe quê hết biết. Nhưng…nói chung là tốt.

***

http://baomai.blogspot.com/
Bây giờ tôi mới len chân vào chuyện của hắn. Với thằng này, tôi lại ngộ được một điều là hay chêm vào câu: Nói chung là tốt… Như hắn một lần nói với tôi: Dượng Ba hắn mới té què giò tháng rồi…Nói chung là tốt. Nên lúc rày ổng khó như ông già Ba Tri vì lúc nào cũng…hổng dám đâu. Với vợ chồng hắn, ổng bình đẳng kêu các anh, các chị tuốt. Mở miệng ra là đặc sệt sáu câu đảng ta, chính phủ ta, quốc hội ta và chỉ thiếu câu…Trung quốc ta.

Để rồi Tầu với ta, hắn muốn khùng luôn, mắc chứng gì đâu cũng thành chuyện. Chuyện là hắn được sấp nhỏ dẫn đi coi tuồng cải lương “Thép đã tôi thế đấy”, tích Hồng Quân Nga ủng oẳng uýnh nhau, mùi quá cỡ thợ mộc. Trong khi ở nhà vợ hắn đang phát huy sắc đẹp. Hai ông cháu coi “tape” đội banh gái Trung Cộng đá với Mỹ gái, ông phe Tầu, cháu phe Ta rồi hai ông cháu cự ly nhau. Ông nổi quạu, vì ông gọi “bóng đá”, cháu nhất định “đá bóng”. Trái banh đang hồi gay gấn trong vòng cấm địa, ông nhẩy dựng lên là “ọc-dơ”, cháu…sửa sai ông là “óp-sai”. Vừa lúc cái máy bị nhiễu, không hiển thị, hai ông cháu đánh vật với cục sắt vì sự cố với “đầu ra, đầu vào”. Cháu cho là “đét” vì “ao-pút, in-pút”. Hắn đi về, dượng Ba hắn càu nhàu, các anh các chị không biết dậy con. Tôi biểu kêu má nó lên xem dùm cái đầu máy. Nó biểu, má đang rửa “he” (hair), không “mu” (move), không “khe” (care). Và dượng Ba sì nẹc vợ chồng hắn:

- Không mu, không khe thì mụ nội ai sanh ra nó.

Tức nước vỡ bờ, một hôm cả nhà đang ăn cơm, con hắn đánh “địt”. Dượng Ba hắn nổi sùng, chỉ vào mặt thằng con hắn:
- Thằng này…
Thằng nhỏ ấp úng:
- Ai địt.
Hắn chưa kịp giải thích thằng con hắn muốn nói: “I did”. Dượng Ba hắn đã la làng:
- Đ.M. thằng này…thiếu văn hóa!

Lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng: Ngay tối hôm ấy vợ chồng hắn có chiến tranh. Thương thuyết với đình chiến không xong. Đến quá khuya, hắn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Nửa đêm về sáng, hắn phải giao lưu văn hóa với vợ hắn để hòa đồng hòa giải dân tộc. Chiến tranh chấm dứt. Ngay hôm sau, cả nhà hắn…”quy mã” tức qua Mỹ chuyến bay sớm nhất để quên chuyện…non nước mình. Ra đến sân bay, thằng con hắn như lũ phản chiến năm nào, nó nhẩy cỡn lên, mừng rỡ reo hò:

- No more VietNam…No more ViêtNam…

Ở phòng cách ly, gã thấy thằng em vợ ngó hắn. Rồi…ngó lơ. Cái thằng thiệt tình, ngu thì cũng ngu vừa phải thôi chứ!

***
image
Trang sử đã khép lại, tôi nghĩ cũng đã hết chuyện, chuyện vừa không có hậu, lại vừa mờ người, mỏi mắt nên tiện tay bấm cái nút “power”. Ánh sáng của luồng điện lóe lên một cái xanh lè, rồi cái màn ảnh tắt ngóm cái phụt. Và hắn cũng im re, nín khe.

Chỉ còn mình tôi dựa ghế. Hắn ngồi trên bàn…
Hai đứa nhìn nhau mà chẳng nói, có nói cũng khôn cùng…Trong cái yên ắng của căn phòng, cùng bên bờ hiu quạnh thì hắn là thằng bạn đời không thể thiếu của tôi trong lúc này. Để rồi mai tôi lại mò mẫm gạ gẫm với hắn nữa, nhưng ắt hẳn không phải là chuyện…“Giao lưu văn hóa”.   



Trúc gia trang
Hạ chí, Ất Dậu 2005

Phí Ngọc Hùng

image
Nguồn: Trích dẫn từ tác giả Chung Mốc và Triêu Thanh.

image

Điều gì khiến chó quấn quýt chủ?
Kiểm tra hộ khẩu
Ca sĩ VN nào có nhiều fan nhất?
Cải tổ Fifa hay dẹp bỏ làm lại từ đầu?
Ai ra lệnh giết ông Ngô Đình Cẩn
Sau cái chết sẽ là gì?
Hoa hậu Nhật làm thay đổi cái nhìn xã hội?
Xử bắn ông Ngô Đình Cẩn ở khám Chí Hòa
Mỹ sút bóng về khung thành điện Kremlin với vụ bê ...
Bài bạc khiến phụ nữ Việt dính vào ma túy ở Úc
Môi trường Việt Nam: Thảm họa đáng ngại
Vì sao khó quên những ký ức đau đớn?
Kỳ Duyên bỏ Việt Nam quay lại Mỹ mở nhà hàng?
Thư viết cho con trai
Nam Phi hối lộ để đăng cai World Cup?
Độc tài kiểu mới
Những băng quái xế xã hội đen gây ác mộng nhất thế...
70 năm dưới thể chế cướp bóc
Ly cà phê và triết lý về con người
Quấy nhiễu tình dục _ Sexual Harassment
Chủ tịch FIFA từ chức giữa bê bối tham nhũng
Trận động đất sắp tới xảy ra ở đâu?
Hàng trăm người mất tích trong vụ chìm phà ở Trung...
Liệu có nổ ra cuộc chiến Mỹ-Trung?
Tại sao Mỹ vội vô biển Đông?
Blogger Người Buôn Gió trong buổi nói chuyện với p...
Vì sao du khách nước ngoài một đi không trở lại VN...
Phụ nữ 92 tuổi lập kỷ lục chạy marathon 42km
Nước Mỹ vĩ đại
Sứ quán Mỹ biết về hành động sai trái của bà Somal...
Obama đặt Tập Cận Bình lên lưng cọp
Ích lợi của ghèn đối với mắt
Trịnh Cung và hành trình của “Những cuộc hoá thân ...
Tưởng nhớ John Nash
Nhạc jazz: vì sao có người yêu kẻ ghét?
Nếu một ngày không có Internet ?
Khi lãnh đạo tôn giáo tôn thờ tội ác
Tiền về nơi đâu?
Ấn Độ: Cưỡng hiếp vợ không phải là tội
Trailer về phim tài liệu Thảm Họa Bắc Thuộc



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.