Trong buổi tiếp kiến
dành cho những người lãnh đạo các cơ quan trung ương tại giáo triều Rôma ngày
22/12/2014, Đức Giáo hoàng Francis đã liệt kê 15 thứ bệnh cần bài trừ khỏi những
người phục vụ tại đây.
Không chỉ người
ngoài mà có thể nói ngay cả cử tọa có mặt – trong đó 60 Hồng y và 50 Giám mục –
cũng không ngờ Ngài lại gay gắt phê phán tình trạng quan liêu ở Vatican khi họ
đến chúc mừng Giáng sinh và Năm mới Ngài như vậy.
Sống đơn sơ, đạm bạc
Nhưng nếu nhìn lại
những gì Đức Giáo hoàng Francis nói, làm và sống – đặc biệt kể từ khi Ngài được
bầu làm Giáo hoàng vào tháng 3/2013 – thì những chỉ trích, phê phán ấy không có
gì ngạc nhiên.
Ngài được bầu lên
ngôi vị Giáo hoàng vào một thời điểm mà Giáo hội Công giáo nói chung và Vatican
nói riêng đang phải đối diện với nhiều tai tiếng. Một cách nào đó có thể nói
các hồng y bầu Ngài vì họ biết Ngài có đủ khôn ngoan, đức hạnh và can đảm thể
lèo lái con thuyền Giáo hội qua những sóng gió đó.
Vì vậy, không quá ngạc
nhiên ưu tiên hàng đầu của Ngài sau khi được bầu làm Giáo hoàng là canh tân
Giáo hội và cải tổ Giáo triều Rôma. Và Ngài làm việc đó trước hết bằng chính đời
sống, gương mẫu của mình.
Đến từ một quốc gia
đang phát triển, lại có một đời sống đạm bạc, đơn sơ, Ngài không chấp nhận lối
sống khá xa hoa, trần tục, lãng phí, thích phô trương Ngài thấy nơi một số giáo
sĩ.
Ngày lễ tấn phong
Giáo hoàng, thay vì đội vương miện, đeo nhẫn vàng, đi giày đỏ như các vị tiền
nhiệm, Ngài vẫn dùng trang phục cũ, chỉ khác chiếc khăn choàng trắng trên vai.
Thay vì đi xe
Limousine mới, với biển ưu tiên của Vatican hay vào sống trong một căn hộ sang
trọng dành cho Giáo hoàng tại điện Tông Tòa, Ngài vẫn đi chiếc xe cũ và chọn sống
tại Lưu xá Thánh Mátta (một nhà khách của Vatican).
Không chỉ sống đạm bạc,
khó nghèo, Ngài cũng là một con người rất khiêm tốn, cởi mở, luôn dành một tình
cảm, sự quan tâm đặc biệt cho những người thấp kém, bất hạnh, thiếu may mắn
trong xã hội và rất coi trọng sự hợp tác, đối thoại.
Một mục tử như Ngài
không vui gì khi thấy có những giáo sỹ trưởng giả, háo danh, thích xu nịnh,
khép kín, bè phái, quan liêu và dửng dưng với tha nhân.
Một con người với những
đức tính đó, Đức Giáo hoàng Francis lại càng không thể im lặng khi thấy những
người lãnh đạo các cơ quan trung ương của Tòa Thánh có một cách nhìn, lối sống
như thế.
Ưu tiên của Ngài khi
được bầu làm Giáo hoàng là cải tổ Vatican – một cơ chế nặng nề, thiếu hiệu quả,
nhiều tai tiếng, nếu không muốn nói là đang mang nhiều bệnh.
Và việc cải tổ đó chỉ
có thể được tiến hành khi những người nắm giữ những chức vụ trong cơ chế đó biết
nhận ra bệnh của mình và tìm cách chữa trị. Đây cũng là lý do tại sao Ngài công
khai chỉ ra 15 ‘căn bệnh’ tại Vatican.
Như mọi cơ thể khác
Có một điểm khác có
thể giúp mọi người cảm thấy không quá ngạc nhiên khi Đức Giáo Hoàng chỉ ra 15
căn bệnh của Giáo triều Vatican.
Trong diễn từ của
mình, trước khi liệt kê 15 căn bệnh tại Giáo triều Vatican, Đức Giáo Hoàng
Francis đã nhấn mạnh rằng dù ‘luôn được mời gọi cải tiến và tăng trưởng trong
tình hiệp thông, thánh thiện và khôn ngoan để chu toàn sứ mạng, cũng như mỗi
thân thể con người, Giáo triều cũng có thể bị bệnh, hoạt động không tốt, bị yếu
liệt’.
Thực ra, điều này
không chỉ đúng đối với Giáo triều Rôma mà còn rất đúng đối tới toàn thể Giáo hội
Công giáo và mọi cộng đoàn, dòng tu, giáo xứ hay mọi thành phần trong Giáo hội.
Trong một thông cáo
gửi tới các cơ quan truyền thông sau bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Francis,
Linh mục Thomas Rosica, phát ngôn viên tiếng Anh của Vatican, đã nhấn mạnh rằng
những điều Đức Giáo Hoàng nói không chỉ dành cho Giáo triều Rôma mà còn dành
cho toàn thể Giáo hội.
Vì ý thức rằng mình
là con người (và vì vậy), có thể bị bệnh, dễ phạm tội, Giáo hội luôn mời gọi
con cái mình biết xét mình, xưng tội, hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân.
Đức Giáo hoàng liệt
kê 15 căn bệnh đó củng chỉ muốn ‘giúp chúng ta [Ngài cũng như Giáo triều Rôma
và toàn thể Giáo hội] chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa giải để đón mừng lễ Giáng
Sinh’.
Hơn nữa, theo Linh mục
Rosia, những gì Đức Giáo Hoàng nói còn giá trị đối với nhiều thể chế trên thế
giới đang đánh mất sứ vụ nguyên thủy của mình.
Đúng vậy, nếu không
biết – và đặc biệt biết mà không dám thừa nhận hoặc chữa trị – những căn bệnh
của mình thì một tổ chức hay một thể chế không thể phát triển được.
Trái lại, nếu biết
nhận ra những yếu kém của mình và biết đổi mới, hoàn thiện chính mình thì một tổ
chức, một thể chế có thể phát triển, bền vững.
Có thể nói Giáo hội Công
giáo tồn tại, phát triển hơn 2000 năm qua không phải vì Giáo hội luôn tốt lành,
thánh thiện mà vì Giáo hội luôn ý thức được những yếu kém, mỏng giòn của mình
và qua đó biết hoán cải, canh tân.
Đức Giáo Hoàng
Francis nhấn mạnh rằng 'cũng như mỗi thân thể con người, Giáo triều cũng có thể
bị bệnh, hoạt động không tốt, bị yếu liệt’
Trong thông cáo của
mình, Linh mục Rosia còn chỉ rằng trong chiều dài lịch sử của Giáo hội, ‘có lúc
các ngôn sứ xuất hiện để kêu gọi chúng tôi quay trở về với cội nguồn và sứ vụ
căn bản của mình. Và đó là những gì mà Đức Giáo hoàng Francis đang làm’.
Đúng vậy, trong quá
khứ nhiều lúc Giáo hội rơi vào khủng hoảng, suy thoái vì những chia rẻ, xâu xé,
bê bối, xung đột ngay trong lòng Giáo hội. Mỗi lần như vậy có những nhà cải
cách, ngôn sứ hay thánh nhân xuất hiện.
Chẳng hạn, vào cuối
thể kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, khi Giáo hội trở nên xơ cứng, hàng giáo sỹ suy
thoái, xa lạ với người dân, Francis thành Assisi xuất hiện. Bằng chính đời sống
đơn sơ, khó nghèo của mình, Thánh Francis – hay còn được gọi là Thánh Phanxicô
Khó nghèo và cũng là vị thánh mà Đức Giáo hoàng Francis chọn làm tông hiệu của
mình) – đã giúp Giáo hội canh tân, vượt qua được những khủng hoảng lúc đó.
Có thể nói, như phát
ngôn nhân của Tòa Thánh nhận định, bằng chính những lời nói, gương sáng của
mình, Đức Giáo hoàng Francis cũng đang từng bước giúp cải tổ giáo triều Rôma và
canh tân Giáo hội.
Là một người rất tế
nhị và nhạy cảm, công khai chỉ trích những thói hư tật xấu của những người nắm
giữ các vị trí quan trọng trong các bộ, cơ quan quan trọng trong Tòa Thánh – và
cũng là những cộng sự thân cận của mình – chắc chắn Ngài và cử tọa hôm đó cũng
cảm thấy không thoải mái.
Nhưng đó có thể là một
liều thuốc đắng nhưng hiệu nghiệm giúp Giáo triều Rôma và Giáo hội chữa lành những
căn bệnh hiện tại của mình, và qua đó có thể chu toàn sứ mạng luôn báo Tin mừng
của mình.
TS Đoàn Xuân Lộc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.