Ngày 12/12/2017 tới đạo diễn Nguyễn Nhất Lý sẽ cho ra mắt thử nghiệm mới của ông giữa lòng Hà Nội, tác phẩm mang tên 'Đêm vô thức bản địa' do SEAPHONY trình diễn.
Đến được thời điểm này đã là một thành công của tác giả mà tên tuổi gắn liền với với những tác phẩm gây tiếng vang trên sân khấu Việt Nam như "À Ố Show", "Teh Dar","Làng Tôi"
Đạo diễn Nguyễn Nhất Lý ngày 4/12, chuyện trò với tôi từ Đại Lải, nơi ông đang cùng với các nghệ nhân luyện tập cho đêm diễn sắp tới:
Dàn nhạc SEAPHONY
"Đặc trưng của Việt Nam là bắt chước. Bắt chước chủ nghĩa cộng sản, bắt chước mô hình kinh tế. Mà bắt chước không có cơ sở, làm không đến nơi, đến chốn, không có nền tảng. Âm nhạc cũng vậy. Copy những mô hình dàn nhạc giao hưởng, copy nhạc pop, nhạc rock, nhạc đương đại cũng copy. Tức là chỉ lấy cái hình thức để dùng, không lấy cái hồn, cái vía. Phải hỏi nhạc hip-hop phát sinh từ đâu? Dùng nhạc hip-hop ca ngợi chế độ thì còn gì là hip-hop nữa."
Dàn nhạc giao hưởng cũng thế, chơi nhiều tác phẩm, nhưng giống như người ngoại quốc nói tiếng Việt, nói ngọng ấy mà. Mình chơi thế thôi, nhưng không nghe được, không sạch nước cản. Chuyện đáng làm thì không làm. Mà giỏi lắm thì như thằng Tàu con."
Được hỏi, chuyện gì là đáng làm, ông nói:
"Mình nói về bản sắc Việt Nam, nhưng hỏi ngược lại bản sắc Việt Nam ở đâu? Việt Nam là tổ hợp của nhiều bản sắc khác nhau. Đó là bản sắc Đông Nam Á. Cụ thể là trong âm nhạc. Các nhạc cụ bằng tre nứa, bằng đồng không có ở một nơi nào khác trên thế giới. Không giống Trung Hoa, không giống Ấn Độ, không giống người phương Tây. Đấy là cái khác biệt, đấy là bản sắc."
"Mình dự án xây dựng dàn nhạc SEAPHONY là câu chuyện nghiêm túc, không phải câu chuyện của một tác giả, không phải là câu chuyện của một nước, một dân tộc, không còn là câu chuyện của Việt Nam nữa, mà câu chuyện của nhân loại.".
Ông nói thêm:
"Cũng như nhạc giao hưởng, nước nào dám đứng ra nhận là của mình. Ý có dám không, Đức có dám không, Pháp có dám nhận là của họ không, mặc dù gốc của nó là ở đấy."
Việt Nam thiếu vắng hoàn toàn sáng tạo nghệ thuật từ 'Nắng hạn và cơn mưa' của Ea Sola?
Ông Jean-Michel Puiffe, giám đốc sản xuất nghệ thuật và chương trình quốc gia Théâtre-Sénart (Ile-de-France), một trong những cây đa, cây đề trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu Pháp nhận xét bộc trực:
"Tại đất nước này (Việt Nam) thiếu vắng hoàn toàn sự sáng tạo, ngoại trừ những công việc của biên đạo múa Ea Sola."
Phải chăng chính sự chối bỏ văn hoá truyền thống là nguyên nhân thụt lùi, thậm chí phải bắt đầu từ số không của nghệ thuật đương đại Việt Nam?
Nét đứt gãy sáng tạo nghệ thuật sân khấu Việt Nam do đâu là một chủ đề rộng, khó lý giải trong một đôi câu.
Trong một buổi trò chuyện với nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng tại Hà Nội, anh nói với tôi, chính sự chối bỏ văn hoá truyền thống là nguyên nhân thụt lùi, thậm chí phải bắt đầu từ số không của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
"Sự từ chối nền văn hoá truyền thống nó có cơ sở nhất định. Xã hội đương đại Việt Nam có những vấn đề chưa tốt, nền văn hoá, kinh tế không giải quyết được và vì thế không lôi kéo được yêu thích văn hoá Việt Nam nữa. Cũng như bố mẹ quá nghèo, bố mẹ quá hèn thì người ta không thích di sản của bố mẹ. Nghệ thuật không phải như vậy, nghệ thuật không được phép chê. Nghệ thuật chỉ có thể phát triển trên cơ sở văn hoá."
Tôi đồng ý với anh và tin là nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý đã đi đúng hướng.
'Làng Tôi', 'À Ố Show', 'Teh Dar' của đạo diễn Nguyễn Nhất Lý là những bước đầu về việc tổ chức một dàn nhạc không lời với nhạc khí hoàn toàn của các dân tộc ít người Việt Nam, hay chính xác hơn cùng cộng đồng bản địa Đông Nam Á, đánh dấu sự hồi sinh trở lại của sáng tạo nghệ thuật trên sân khấu Việt Nam, đặt dấu chấm cho gián đoạn, trì trệ từ những năm 80 thế kỷ trước.
Show diễn xiếc nghệ thuật Teh Dar
Nói theo tiếng Pháp 'en prendre plain de gueule' (ăn một cú đấm thẳng vào mõm), là trải nghiệm của tôi khi xem 'Teh Dar' tại Sài Gòn.
Chặng đường chông gai
Thai nghén từ năm 2015, đạo diễn Nguyễn Nhất Lý đã gửi dự án ban đầu với cái tên S.E.A Sound South East Asian Sound (Thanh âm bản địa Đông Nam Á) tới lãnh đạo 61 tỉnh thành, đại sứ quán các nước và cơ quan ngôn luận. Song 6 tháng đợi, không một hồi âm.
Dễ hiểu, cho một điều không dễ. Đạo diễn Nguyễn Nhất Lý nói "công trình này không phải là một, hai năm, không phải của một vài người. Thậm chí rất dài, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Đông Nam Á mới có thể làm được".
Để xây đắp hình hài Seaphony, Nguyễn Nhất Lý cùng các nhạc sĩ tâm huyết với dự án S.E.A Sound, đã lặn lội đến các bản làng miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, các buôn làng Tây Nguyên Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, cùng cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, tìm kiếm các nghệ nhân, tuyển chọn những nhạc khí đặc trưng của các dân tộc Tày, Thái, Dao, Nùng, H'mông, Lào, M'nong, Ede, Jarai, Sê Đăng...
Xây dựng dàn nhạc SEAPHONY không phải là câu chuyện của Việt Nam, mà là câu chuyện của nhân loại
Ba đêm hội âm nhạc 'Đêm vô thứcTây Bắc' diễn ra 31/3/2017, 'Đêm Vô Thức Tây Nguyên' tháng 6, và 'Đêm vô thức Chăm' tháng 10/2017 có thể coi là ba mảng thử nghiệm, những khối vật liệu đầu tạo dựng lên bản giao hưởng có tên 'ĐÊM VÔ THỨC BẢN ĐỊA' diễn ra ngày 12/12/2017 dưới mái vòm nhà hát Lớn Hà Nội.
Nó sẽ là viên đá khởi điểm cho chặng đường dài hơi kết nối những mảng khối âm nhạc dân tộc, các bản sắc đặc trưng vùng miền, tới khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam là cầu nối giữa văn hóa phương Bắc của người Trung Hoa và văn hóa Phương Tây, Ấn Độ.
Người xem Việt Nam phụ tình với sáng tạo nghệ thuật?
Một hiện thực khắc nghiệt vẫn đã và đang tồn tại. 270.000 lượt khán giả đến thưởng thức các tác phẩm kể trên là con số vừa lớn, vừa nhỏ trong một đất nước 90 triệu dân, thu nhập trung bình.
Nếu như "À Ố Show", "Teh Dar", "Làng Tôi" được chào đón, ngả mũ kính trọng ở các sân khấu Châu Âu, Châu Mỹ, trên 12 nước khắp thế giới, có những vòng lưu diễn dài đến ba năm, được Tripadvisor chấm điểm 4,5-5 sao "Excellence" liên tiếp các năm 2015, 2016, 2017, chăm sóc khách du lịch đến Việt Nam chớ bỏ qua cơ hội thưởng thức, thì trên sân nhà vẫn còn thái độ "bánh chưng ngày Tết".
Hà Nội, trung tâm văn hoá của cả nước, chỉ có những dòng người thưa vắng đến xem 'Làng Tôi'. 'À Ố Show', 'Teh Dar' chỉ có khách tại Sài Gòn, chưa ra đến thủ đô.
Để các nghệ sĩ được sống thật, hít thở cái không khí nơi hồn phách các dân tộc Tây Nguyên, các đạo diễn 'Teh Dar' đã đưa cả đoàn lên cao nguyên đất đỏ, góp mặt trong những lễ hội văn hóa.
Họ trải những nắm đất Tây Nguyên lên tấm thảm biểu diễn trong Nhà hát Lớn để những gót chân trần nghệ sĩ giao hòa với cát bụi chân ai, tâm linh miền đất, rồi tự mình đốt thành ngọn lửa.
Nghệ thuật miền đất đỏ, như nhà văn Nguyên Ngọc phân tích, làm ra không phải sản phẩm thương mại, mà vì nỗi lòng thôi thúc. Thăng hoa trong quá trình sáng tác là hạnh phúc chứ không phải lúc tác phẩm hoàn thành.
Nó trùng quan điểm của nghệ thuật đương đại. Nghệ thuật là con đường chứ không phải đích đến.
Hà Nội, trung tâm văn hoá của cả nước, chỉ có những dòng người thưa vắng đến xem 'Làng Tôi'
Chúng ta đã cảm nhận như thế?
Con đường ấy hội tụ với các nghệ sĩ Chăm trong 'Đêm vô thức bản địa'. Âm nhạc mầu sắc Chăm ra sao? Liệu có phải là hơi thở, tâm hồn của một dân tộc lưu vong ngay trên quê hương mình? Những hợp âm như một Requiem hay Te Deum, nước mắt nhỏ xuống điêu tàn?
Còn chúng ta? Chúng ta có tự đánh mất chính mình ngay trên mảnh đất đang tồn tại, nói như Phan Cẩm Thượng, là vẫn quay tròn trong số không?
Để có một hoặc nhiều SEAPHONY hơn nữa
Khát vọng nghệ thuật của Seaphony, theo lời bà Đoàn Thiên Hương, giám đốc tiếp thị Lune Production là "một hành trình trường kỳ, đầy thách thức về tổ chức, tâm lý con người, vượt qua rào cản văn hóa, ngôn ngữ, tài chính, ... và đòi hỏi thật nhiều tâm huyết, sự hy sinh về nhiều mặt, và cần mọi hỗ trợ có thể về tài chính, sức người, và cả truyền thông".
Gặt hái thành công, Seaphony Việt nam ấp ủ nhân lên nhiều tế bào tương tự qua giao lưu để có 'một hoặc nhiều Seaphony' khác tại cộng đồng Đông Á. Một thử nghiệm trân trọng.
Ừ mà may? Các nước Đông Nam Á khác đâu thiếu người tài, thiếu sắc dân thiểu số như Việt Nam, thậm chí còn nhiều hơn, sao chưa ai làm?
Tôi chờ đợi, hy vọng.
Bấy giờ, tôi sẽ có cái để khoe cùng bạn bè. Tự hào, đó là góp mặt hãnh diện của một Việt Nam độc đáo, tinh tế, quyến rũ.
Tôi thầm nghe âm thanh Seaphony trong tâm thức, như tiếng vọng từ chiếc trống đồng Lạc Việt chỉ còn ngân lên tiếng cuối cùng trên triền sông Hát, nơi nữ tướng đất Việt thác vào sông núi.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.