Nam Kỳ chạy dài từ Biên Hòa đến mũi Cà Mau trên một diện tích rộng 65,000 km2. Dưới triều vua Gia Long Nam Kỳ có ngũ trấn. Từ triều đại vua Minh mạng đến đời vua Tự Đức Nam Kỳ có lục tỉnh.
Pháp xâm chiếm Nam Kỳ và biến vùng đất này thành thuộc địa của họ trước khi biến Trung và Bắc Kỳ thành đất bảo hộ. Để tiến đến việc kiểm soát an ninh lãnh thổ họ chia Nam Kỳ ra làm 21 tỉnh. Nam Kỳ có tổ chức hành chánh hoàn toàn khác với hai vùng đất bảo hộ ở Trung và Bắc Kỳ. Các đơn vị hành chánh địa phương là: tỉnh, quận, tổng, xã (làng).
Đứng đầu guồng máy cai trị Nam Kỳ có thống đốc người Pháp (gouverneur de la Cochinchine).
Các thống đốc Nam Kỳ đầu tiên đều là các tướng lãnh Hải Quân. Đến năm 1879 Le Myre de Villers là thống đốc dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ
Đứng đầu tỉnh vào thập niên 1860 là các sĩ quan Hải Quân Pháp. Danh tước thời bấy giờ là Inspecteur des Affaires Indigènes (Thanh Tra Bản Xứ Vụ) về sau gọi là Chánh Tham Biện (tỉnh trưởng) có một phó tham biện phụ giúp. Sau này có chánh tham biện dân sự tốt nghiệp ENA.
Dưới thời quốc trưởng Bảo Đại (1949- 1955) người đứng đầu tỉnh ở Nam Việt là tỉnh trưởng. Chức vụ này nằm trong tay các đốc phủ sứ.
Đứng đầu quận có vị quận trưởng. Quận trưởng có khi là một người Pháp tốt nghiệp ENA. Có khi là người Việt Nam. Từ năm 1949 về sau tỉnh trưởng và quận trưởng ở Nam Việt do các nhà hành chánh Việt Nam đảm trách.
Đứng đầu tổng có cai tổng (chef de canton) do người Việt đảm nhận.
Trông coi việc hành chánh xã có ban hội tề (Conseil des Notables) gồm có 12 vị . Ban Hội Tề như một nội các nhỏ ở đơn vị hành chánh căn bản trong nước. Ông Cả, ông Chủ đứng đầu ban Hội Tề thực sự chỉ là người lớn tuổi chớ không có thực quyền. Người thực sự có thực quyền là ông xã (maire) trong ban Hội Tề.
Người Pháp tách rời huyện Bình An thuộc tỉnh Biên Hòa để thành lập ra tỉnh Thủ Dầu Một. Trước kia hai tỉnh phía bắc Nam Kỳ là Biên Hòa và Gia Định phân cách nhau bằng sông Sài Gòn.
Phần đất bên hữu ngạn sông Sài Gòn thuộc tỉnh Gia Định tức Phiên Trấn dưới triều vua Gia Long. Phần đất bên tả ngạn sông Sài Gòn thuộc tỉnh Biên Hòa. Theo tổ chức hành chánh cũ Thủ Đức thuộc Biên Hòa chớ không thuộc về Gia Định như sau này vì Thủ Đức nằm về phía tả ngạn sông Sài Gòn. Tỉnh Gia Định thời nhà Nguyễn bị mất đất vì người Pháp lập ra tỉnh Tây Ninh, Chợ Lớn, Gò Công, Tân An nên phải an ủi tỉnh Gia Định bằng cách đưa Thủ Đức và Dĩ An thuộc Biên Hòa cho Gia Định.
Thủ Dầu Một xưa
Huyện Bình An đã trở thành tỉnh Thủ Dầu Một, nơi Pháp đặt chân lên sau khi chiếm đồn Kỳ Hòa (1860). Thành Công Binh sau này do người Pháp xây dựng lên. Người đương thời gọi là thành Pháo Thủ (artilleur) hay thành Săn Đá do chữ soldat (lính; chiến sĩ) mà ra. Thành xây dựng nơi uốn khúc của sông Sài Gòn. Gần đó có một cây dầu đơn độc cao ngất. Có một người leo bắt ổ diệc và bị té chết nên ca dao địa phương có câu:
Thoát thai từ một huyện của tỉnh Biên Hòa, tỉnh Thủ Dầu Một phải nhường bước trước Biên Hòa về nhiều phương diện: dân số nhỏ hơn, sinh hoạt kinh tế kém hơn Biên Hòa đôi chút. Cho đến năm 1960 Bình Dương (tên mới của Thủ Dầu Một) chưa có tòa án. Vì vậy muốn lục khai sinh phải đi Biên Hòa.
Dưới thời Pháp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một gồm Lái Thiêu, quận Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng, Lộc Ninh.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt- Pháp hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên. Vai trò chiến lược của tỉnh Thủ Dầu Một có vẻ quan trọng hơn Biên Hòa. Vì Thủ Dầu Một nằm gọn trong Chiến Khu D tiếp giáp với Chiến Khu C ăn thông qua biên giới Việt- Cambodia.
– Năm 1954 Việt Nam bị qua phân. Phía bắc vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải- cầu Hiền Lương) là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và phía nam vĩ tuyến 17 là Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1956 tỉnh Thủ Dầu Một được cải danh thành tỉnh Bình Dương. Lộc Ninh- Hớn Quản nơi có nhiều đồn điền cao su tách rời khỏi Bình Dương để trở thành tỉnh Bình Long. Bù lại một phần lãnh thổ ở hữu ngạn sông Sài Gòn, vùng Phú Hòa Đông được sáp nhập vào tỉnh Bình Dương. Năm 1957 ba quận của tỉnh Biên Hòa là Hiếu Liêm, Tân Uyên và Phú Giáo hợp lại thành một tỉnh mới: Phước Thành.
Đến năm 1965 tỉnh Phước Thành giải thể. Hai quận Hiếu Liêm và Tân Uyên trở về với Biên Hòa. Tỉnh Phước Thành trở thành quận Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương. Nói một cách vắn tắt từ năm 1956 đến 1975 Bình Dương có 06 quận: Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Phú Hòa Đông. Bình Dương càng quan trọng hơn trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam II vừa qua. Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Phú Hòa Đông được xem là vùng mất an ninh trầm trọng. Bến Cát nằm trong vùng tam giác sắt liên hệ với Củ Chi, cửa ngõ tiến về Sài Gòn.
Từ thập niên 1960 Bình Dương có tòa án nên cư dân không phải vất vả đi Biên Hòa khi có chuyện kiện tụng hay sao lục khai sinh hay xin tư pháp lý lịch.
Dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, Nam Việt (danh xưng của Nam Kỳ dưới thời quốc trưởng Bảo Đại) được đổi thành Nam Phần. Chức Thủ Hiến được thay thế bằng chức Đại Biểu Chánh Phủ. Ít lâu sau, vì tình hình bất an ninh, chức Đại Biểu Chánh Phủ được chia ra làm hai:
– Đại Biểu Chánh Phủ miền đông Nam Phần
– Đại Biểu Chánh Phủ miền tây Nam Phần.
Như đã nói, tỉnh Bình Dương càng lúc càng quan trọng hơn so với Biên Hòa khi văn phòng toà Đại Biểu Chánh Phủ miền Đông Nam Phần và Bộ Tư Lịnh Sư Đoàn V Bộ Binh di chuyển từ Biên Hòa về Bình Dương (Phú Lợi rồi Lai Khê).
Sau năm 1975 tỉnh Bình Dương được cải danh thành Bình Thủ tức Bình Long- Thủ Dầu Một rồi Sông Bé. Mãi đến năm 1997 mới trở lại tên cũ trước năm 1975: Bình Dương.
Bình Dương sau năm 1997 gồm 09 (chín) huyện: Thuận An (Lái Thiêu), Châu Thành Thủ Dầu Một, Dĩ An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Bầu Bàng, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo. Phú Hòa Đông nằm bên hữu gần sông Sài Gòn được trở về với Thành Phố Hồ Chí Minh. Bình Dương bây giờ có Tân Uyên, Bắc Tân Uyên và Dĩ An. Ba huyện này trước kia là hai quận (Dĩ An & Tân Uyên) của tỉnh Biên Hòa. Như vậy tỉnh Bình Dương bây giờ rộng, đông dân và phú túc về mặt kinh tế hơn Bình Dương trước 1975. Tỉnh Bình Dương có sông Sài Gòn, sông Bé, sông Thị Tính và một phần hữu ngạn sông Đồng Nai. Núi Châu Thới nằm trong tỉnh Bình Dương.
Dưới thời Pháp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một nổi tiếng về các trại mộc (Thủ Dầu Một, Lái Thiêu), sơn mài (Phú Cường, Tương Bình Hiệp), đồ gốm (Bình Nhâm, Hưng Định, Thuận Giao, Phú Cường, Tân Khánh), nhà máy ép dầu (Phú Cường, Tân Thới, Tân Khánh), đồn điền cao su (Dầu Tiếng, Lộc Ninh), đất sét (Bình Chuẩn, Thuận Giao, Tân Khánh, Phú Chánh).
Lái Thiêu có sông Sài Gòn và nhiều rạch (arroyos), đất mùn rất tốt cho việc trồng cây ăn trái miền nhiệt đới. Những vườn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt ở Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn do các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo học ở Penang đem giống từ Mã Lai về trồng. Bình Nhâm, Nhị Bình (Gia Định), Cái Mơn (Bến Tre) nổi tiếng về các vườn sầu riêng, măng cụt, chôm chôm vì đó là những địa danh có tỷ lệ tín đồ Thiên Chúa Giáo cao ở Nam Kỳ vào thế kỷ XIX. Các lò gốm ở địa phương đều do người Hoa làm chủ. Nghề mộc phát triển. Ở Phú Long có Mộc Tổ Miếu để các thợ mộc đủ mọi ngành đến cúng Tổ ngành mộc hàng năm.
Bến Cát có trại chăn nuôi và trường nông lâm nghiệp đào tạo kiểm lâm (contolleur forestier) và cán bộ canh nông. Từ Lai Khê lên Lộc Ninh, Hớn Quản đất đỏ màu mỡ thích hợp cho cây cao su, cà phê, hồ tiêu, và cây ăn trái không cần nhiều nước như mít, điều.
Ở Chơn Thành có Viện Nghiên Cứu Cao Su Đông Dương (IRCI: Institut de Reserche du Caoutchouc de l’Indochine).
Dầu Tiếng nổi tiếng với đồn điền cao su Michelin, tên Công Ty sản xuất vỏ ruột xe hơi nổi tiếng trên thế giới.
Thủ Dầu Một sản xuất nhiều đậu phọng, đậu đen, đậu xanh, thuốc lá, mía trên những cánh đồng khô hạn ở Bình Chuẩn, An Mỹ, Phú Chánh, Phú Hữu, Chánh Lưu. Hai xã Phú Chánh và Phú Hữu còn nổi tiếng về việc trồng nghệ và ớt.
Năm 1905 chánh tham biện tỉnh Thủ Dầu Một ra lịnh cho thợ mộc dùng gỗ trong tỉnh làm một căn nhà dựa vào kiến trúc của đình Bà Lụa để đem sang Pháp dự cuộc Đấu Xảo Thuộc Địa ở Marseille. Ngôi nhà này được gọi là Maison de Thudaumot (Nhà Thủ Dầu Một). Có người gọi là Temple de Thudaumot (Đình Thủ Dầu Một vì ngôi nhà phỏng theo kiến trúc của đình Bà Lụa).
Năm 1907 ngôi nhà theo kiến trúc đình miếu này được đưa về Jardin Colonial (Vườn Thuộc Địa) ở Nogent sur Marne cách trung tâm Paris 10.6 km. Sau khi đệ nhất thế chiến chấm dứt người ta xây tại Đình Thủ Dầu Một này một cái Đền dành cho các công nhân và lính Việt Nam tử trận dưới lá cờ của Pháp trong đệ nhất thế chiến. Đó là Đền Kỷ Niệm Đông Dương (Temple du Souvenir Indochinois) tưởng niệm 1,548 người Việt Nam gồm các công nhân phục vụ chiến trường (ouvrier non spécialisé- công nhân không chuyên nghiệp) và lính Việt Nam chiến đấu chống quân Đức và tử trận. Đền được khánh thành ngày 09-06-1920 với sự hiện diện của thống chế Joffre (1852- 1931) , Albert Sarraut (1872- 1962), cựu toàn quyền Đông Dương và tổng trưởng bộ Thuộc Địa lúc bấy giờ, Alexandre Millerand (1859- 1943), thủ tướng sau là tổng thống Pháp. Về phía Việt Nam, đại diện cho vua Khải Định có ông Đặng Ngọc Oánh (1871- 1922). Ông Đặng Ngọc Oánh đọc diễn văn khánh thành Đền Kỳ Niệm Đông Dương. Ông là người Biên Hòa, giỏi tiếng Pháp, làm việc cho triều đình Huế. Ông là ngoại tổ của ông Tôn Thất Thiện, cựu tổng trưởng bộ Thông tin, và nội tổ của nữ sĩ Đặng Ngọc Lệ Khánh. Năm 1922 trong chuyến tây du Pháp Quốc vua Khải Định và hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này) có đến viếng thăm Đền Kỷ Niệm Đông Dương từng được gọi là Đình Thủ Dầu Một này. Cũng năm 1922 Miếu Tử Trận được khánh thành ở Thủ Dầu Một.
Cho đến ngày đất nước qua phân Thủ Dầu Một chưa có trường trung học mà chỉ có hai trường tiểu học lớn dành cho Nam và Nữ học sinh riêng biệt tại tỉnh lỵ. Trường tiểu học nữ học sinh sau này là Tòa Án Bình Dương và văn phòng toà Đại Biểu Chánh Phủ Miền Đông. Học sinh muốn học trung học phải qua một kỳ thi tuyển gay go vào trường Pétrus Ký hay Chasseloup Laubat. Trường Chasseloup Laubat là trường dành cho con cái các viên chức Pháp hay con của các quan và các nhà kinh thương Việt Nam giàu có học. Tại địa phương có trường trung học tư thục Tân Ánh Mai hoạt động yếu ớt vì thiếu thầy và học sinh. Vào đầu thập niên 1950 có trường trung học tư thục Nguyễn Trãi. Trường nầy tồn tại đến năm 1975 và có dạy đến lớp 12 để thi tú tài II. Sau năm 1954 có trường bán công. Ông Trần Văn Trai lập trường trung học An Mỹ, xã sinh quán của ông. Mãi đến sau nầy trường An Mỹ mới được bộ Quốc Gia Giáo Dục công nhận. Đến thập niên 1970 trường có đầy đủ các lớp đệ nhị cấp.
Vào cuối thập niên 1940 thầy giáo dạy các lớp trung học đệ nhất cấp (từ lớp 1ère année đến 4ème année) đã mang danh hiệu ‘professeur’. Những nhà giáo tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội chỉ dạy các lớp đệ nhất cấp (1er Cycle). Học đến năm thứ tư trung học và đậu DEPSI gọi nôm na là bằng Thành Chung (Diplôme de fin d’étude) nghĩa là đậu rồi thì xem như học xong, thành công rồi nên đi tìm việc làm và cưới vợ, gả chồng. Việc làm lý tưởng và được người đương thời trông đợi là có bằng DEPSI và được đậu trong kỳ thi tuyển để được làm thơ ký hành chánh cho chánh phủ (secrétaire du gouvernement). Từ đó nếu có tinh thần hiếu học và cầu tiến sẽ được chấm đậu vào ngạch cò- mi (commis), huyện và cao tột đỉnh là đốc phủ. Người có cử nhân luật muốn theo ngành hành chánh sẽ được cho vào ngạch huyện.
Sau năm 1954 Hoa Kỳ giúp đỡ xây dựng trường Trung Học Trịnh Hoài Đức và trường Cộng Đồng sau này là trường Nông Lâm Súc Bình Dương. Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức được xây dựng xa thành phố. Trường nằm trên Quốc Lộ 13 trong xã An Thạnh (Búng) giữa Lái Thiêu và Phú Cường (xa tỉnh lỵ Bình Dương). Trường Nữ nằm cách xa Quốc Lộ 13 lối 500 m. Trường trở thành trung tâm văn hóa của tỉnh. Trường thuận lợi cho cư dân Phú Cường và Lái Thiêu hơn là các quận xa xôi hẻo lánh khác như Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Phú Hòa Đông. Từ sau 1965 nhu cầu giáo dục của tỉnh được đáp ứng viên mãn. Nhiều trường trung học công lập và tư thục Phật Giáo, tư nhân hay Thiên Chúa Giáo ra đời đáp ứng nhu cầu giáo dục của cư dân trong tỉnh. Đó là một cố gắng rất lớn của chánh phủ Sài Gòn nhờ sự viện trợ của Hoa Kỳ trong tình trạng chiến tranh.
Thời Pháp thuộc có thiết lộ nối liền Sài Gòn- Thủ Dầu Một, Sài Gòn- Lộc Ninh. Thiết lộ Sài Gòn- Lộc Ninh đi ngang qua Thủ Dầu Một đổi hướng không đi ngang qua thành phố Lái Thiêu sau khi cầu sắt nối liền Thạnh Lộc và Phú Long bị giựt sập năm 1949. Sau năm 1954 đường sắt này bị hủy bỏ vì hoạt động yếu ớt của các đồn điền cao su do người Pháp làm chủ và vì Chiến Tranh Việt Nam II bùng nổ. Trong thời gian 1954- 1957 đường xe lửa Sài Gòn- Lộc Ninh thường xảy ra những trận đánh cướp táo bạo nhằm vào tiền lương phát cho công nhân đồn điền hàng tháng.
Sau năm 1954 hoạt động của các đồn điền cao su do Pháp làm chủ ở Lai Khê, Dầu Tiếng sụt giảm. Ảnh hưởng chánh trị của Pháp ở miền Nam sụt giảm trước ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Tình hình an ninh trong tỉnh bắt đầu có những dấu hiệu xấu từ năm 1957 về sau. Các tỉnh trưởng và quận trưởng được thay thế bằng những quân nhân. Các phó tỉnh trưởng đều là dân sự. Một ít trong số nầy tốt nghiệp Trường Quốc Gia Hành Chánh Đà Lạt do tiến sĩ Trần Cửu Chấn làm Giám Đốc. Về sau có chức phó quận trưởng để đặt những phó đốc sự tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh trông coi việc hành chánh bên cạnh các quận trưởng quân nhân.
Dưới thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà công nghiệp ép dầu, ép mía làm đường sụt giảm. Nhà máy đường Vĩnh Phú (Lái Thiêu) được thay thế bằng nhà máy đường Bà Lụa với máy móc và kỹ thuật sản xuất tối tân như các nhà máy sản xuất đường trên thế giới. Xưởng sản xuất sơn mài Thành Lễ được danh tiếng quốc tế vì các quốc khách thăm viếng VNCH đều được tổng thống Ngô Đình Diệm tặng một bức tranh sơn mài Thành Lễ Bình Dương. Trường Mỹ Nghệ Bình Dương đã có từ thời Pháp thuộc cũng được nổi danh với các giáo sư Báu và Yến, tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội cuối thập niên 1930.
Sau năm 1954 ông Trần Văn Thành có công phát triển chăn nuôi heo, gà và sản xuất thực phẩm gia súc ở các xã Tân Thới, Phú Long, Hưng Định trong quận Lái Thiêu. Ông sáng lập ra Hợp Tác Xã Đồng Tiến và là thành viên Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia dưới thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hưng Định phát triển việc nuôi cá nhưng kết quả không khả quan. Việc nuôi cá phi vào những năm 1953, 1954, 1955 thất bại nặng nề vì có dư luận cho rằng ăn cá phi bị cùi!
Thủ Dầu Một là nơi đào luyện thiếu úy Dương Văn Minh sau này là đại tướng quốc trưởng rồi tổng thống 02 ngày của VNCH. Cùng thời này có ông Nguyễn Văn Theo (Xuyên Sơn) sau này là đại tá trong Quân Đội Nhân Dân ở miền Bắc. Dưới thời Pháp, Phú Lợi là nơi huấn luyện kỵ binh và pháo binh. Kỵ binh và pháo binh Thủ Dầu Một đều có mặt trong các cuộc diễn binh trên đường Norodom (Thống Nhất; Lê Duẩn) hàng năm vào ngày Quốc Khánh 14-07 của Pháp.
Trong một cuộc nói chuyện với Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh tại nhà của ông ở San José năm 2000 người viết được Giáo Sư Vinh cho biết ông Nguyễn Văn Nghĩa, người Thủ Dầu Một, là người tốt nghiệp Không Quân Pháp trước ông Vinh, vị Tư Lịnh Không Quân đầu tiên của VNCH trong thời kỳ độc lập và qua phân. Đại tá Trần Văn Hổ, người gốc Thủ Dầu Một, là tư lịnh Không Quân thời quốc trưởng Bảo Đại khi Pháp chuyển giao Không Quân cho chánh phủ Quốc Gia nhưng ông Hổ không phải là sĩ quan của ngành này. Một người Thủ Dầu Một khác tốt nghiệp trường Không Quân Salon de Provence là ông Lưu Văn Đức.
Thủ Dầu Một nổi tiếng về võ thuật với võ Tân Khánh- Ba Trà. Đó là võ Bình Định theo chân người miền Trung vào miền Nam lập nghiệp. Những võ sư khét tiếng trong tỉnh vào đầu thế kỷ XX là các ông Võ Văn Đẳng (Tân Khánh), ngoại tổ của bác sĩ Đặng Như Tây, thầy năm Dục (An Phú), ông cả Đại (An Sơn) v.v. Ông giáo Khai ở Tân Ba, Biên Hòa, nổi tiếng về gồng và võ thuật vào thập niên 1920 là võ sinh do ông năm Dục đào tạo. Đông Phương Sóc một thời làm sống dậy tên tuổi sinh quán Thủ Dầu Một của ông trên võ đài. Như vậy Thủ Dầu Một tức Bình Dương sau này cũng có chút truyền thống võ nghiệp. Dù vậy chưa có một cư dân Thủ Dầu Một (Bình Dương) nào là tướng bốn sao cả. Ông Đặng Thanh Liêm là trung tướng được cho về hưu non năm 1965 khi ông mới 40 tuổi. Đại tướng Đỗ Cao Trí là cháu rể của ông Võ Văn Vân không phải là người Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ông được thụy phong đại tướng sau khi mất năm 1971.
Những sĩ quan được đào tạo thời Pháp thuộc và có chức vụ khá quan trọng quân đội VNCH gồm có: tướng Nhảy Dù Lê Quang Lưỡng, chuẩn tướng Nguyễn Văn Tý (Tổng Cục Truyền Tin), đại tá Nguyễn Trí Hanh, Tư Lịnh phó Quân Đoàn III, đại tá Nguyễn Duy Ninh (Không Quân), đại tá Nguyễn Văn Tường, chỉ huy pháo binh của binh chủng Nhảy Dù, đại tá Nguyễn Hữu Phước (cựu phó đô trưởng Sài Gòn thời đệ nhất Cộng Hoà), đại tá Dương Văn Tảo, đại tá Nguyễn Hoà Phùng, con của ông Nguyễn Hòa Hiệp tức Giang Đông (VNQDD miền Nam), trung tá Nguyễn Văn Hội, vô địch kiếm thuật Việt Nam . Cha ông là Nguyễn Văn Hia, giám đốc Cercle Sportif Saigonnais, đồng sáng lập Hội Khuyến Lệ Cổ Ca với ông Đỗ Văn Rổ, quốc vụ khanh đặc trách Văn Hoá.
Tuy là một tỉnh tân lập thời Pháp chiếm đóng, Thủ Dầu Một rồi Bình Dương sớm tiếp thu văn hóa Tây Phương và có tên tuổi trong nước trước và sau năm 1975 với các ông Trần Văn Trai (Lưỡng tiến sĩ Luật & Văn Chương, chánh văn phòng đức Quốc Trưởng Bảo Đại, dân biểu đệ nhất Cộng Hòa, luật sư); Nguyễn Lâm Sanh (luật sư, chủ tịch Liên Minh Á Châu Chống Cộng); Lê Văn Hai (tốt nghiệp ENS .<.École Normale Supérieure.>., dạy Triết ở Chasseloup Laubat sau cải thành Jean Jacque Rousseau), Trần Công Vàng (Tiến sĩ Dược Khoa); Trần Tấn Thông (tiến sĩ Dược Khoa, dân biểu đệ nhất Cộng Hoà; giáo sư đại học Dược Khoa); Phạm Đình Hưng (thẩm phán, tham chánh văn phòng phủ Tổng Thống .<.đệ nhất Cộng Hoà.>., chánh văn phòng bộ Nội Vụ, dân biểu, giám sát viên); Đặng Như Tây (bác sĩ giải phẫu nổi tiếng); Phan Kiều Dương (kỹ sư Kiều Lộ .<.Ingénieur de Ponts et Chaussées.>., con của ông Phan Văn Hùm).
Trường Trịnh Hoài Đức chào đời sau năm 1954 nhưng đã có Ph.D Cao Văn Hở (dạy Học Viện Quốc Gia Hành Chánh), Ph.D Nguyễn Viết Đức (Tâm Trị liệu California), Tam tiến sĩ Phạm Quốc Kiệt (Giáo Sư ENS .<. École Normale Supérieure.>. ở Paris) v.v. Thế hệ sau 1975 không thuộc trường Trịnh Hoài Đức có Ph.D Phạm Đình Khôi Nguyên (Harvard & Vanderbilt). Danh sách này có thể thiếu sót xin người Bình Dương bổ túc thêm.
Bây giờ Bình Dương không còn là Bình Dương Lục Quận (Lái Thiêu, Châu Thành, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Hòa Đông) mà là Bình Dương Cửu Huyện (Thuận An (Lái Thiêu), Dĩ An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, thị xã Thủ Dầu Một, Bến Cát, Phú Giáo, Bầu Bàng, Dầu Tiếng).
Tân Uyên vừa phồn thịnh về kinh tế vừa là nơi có nhiều nhân vật nổi tiếng trong nước như nhà văn Bình Nguyên Lộc (Tô Văn Tuấn), tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy Giáo Sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, tổng thơ ký đảng Tân Đại Việt và Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, tác giả tập thơ Hồn Việt và nhiều tác phẩm chánh trị bằng Việt, Pháp, Anh ngữ có giá trị khác); Lê Văn Khoái (Đại Biểu Chánh Phủ miền Đông Nam Phần, glam sát viên), Trần Văn Linh (thẩm phán Tối Cao Pháp Viện), Huỳnh Văn Nghệ (quân nhân thuộc Quân Đội Nhân Dân miền Bắc. Ông nổi tiếng trong thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng cấp bậc của ông chỉ là thượng tá nghĩa là thấp hơn đại tá! Năm 1975 ông về miền Nam và giữ chức thứ trưởng bộ Lâm Nghiệp).
Dĩ An là sinh quán của thiếu tướng Cộng Sản Đào Sơn Tây.
Bến Cát là sinh quán của ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ năm 2006 đến 2011.
Ông Võ Văn Vân nổi tiếng với nhà thuốc Đông Y. Thuốc của ông được bán khắp bán đảo Đông Dương. Hai con ông là Võ Văn Thêm và Võ Văn Ứng là hai nhà kinh doanh có tiếng. Ông Võ Văn Ứng là bầu của hội Ngôi Sao Bà Chiểu (Étoile de Bà Chiểu), chủ nhà hàng Nam Đô và hãng mực Song Long. Ông còn là chủ nhiệm nhật báo Bình Minh. Ông Võ Văn Thêm là nhạc phụ của đại tướng Đỗ Cao Trí. Ông cũng có nhiều cổ phần trong hãng mực Song Long.
Ông Trần Văn Thành là một nhà kinh doanh có tầm vóc lớn. Ông là người đầu tiên lập trại chăn nuôi qui mô ở ấp Đông Ba, Tân Thới, sau năm 1954. Ông sáng lập Hợp Tác Xã Đồng Tiến và là hội viên Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia. Con ông là Trần Quang Minh, thủ trưởng bộ Canh Nông.
Hai nhà kinh doanh nữ có tầm vóc quốc gia gốc người Thủ Dầu Một là bà Nguyễn Thị Giàu và bà bảy Lình tức Trần Kim Liên (gốc người Hoa).
Bà bảy Lình là nhà tỷ phú (tiền Việt Nam- piastres) trong tỉnh Bình Dương cho đến năm 1975. Con bà là tiến sĩ Trần Tấn Thông có phòng thí nghiệm và viện bào chế thuốc Trần Tấn. Sau năm 1975 bà chết trong khám. Ông Thông chết trong trại học tập cải tạo Nhà Đồ, Sông Bé (tên của Bình Dương lúc bấy giờ).
Bà Nguyễn Thị Giàu là chủ nhà máy dệt Liên Phương ở Thủ Đức. Sau năm 1975 bà định cư ở Canada và mất ở đó.
Thủ Dầu Một là địa bàn hoạt động của Thiên Địa Hội, Hội Kín Nguyễn An Ninh, Giáo Hội Cao Đài (Phú Văn, Tân Khánh, Phú Chánh, Thuận Giao, Chánh Lưu v.v.). Ông Nguyễn Hòa Hiệp, một tín hữu Cao Đài, theo Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1965 ông là tổng trưởng bộ Nội Vụ trong nội các Phan Huy Quát.
Ông Phan Văn Hùm cùng với Nguyễn An Ninh họp dân để diễn thuyết chống Pháp. Ông Hùm gốc ở Búng làm cán sự Công Chánh (đốc công) ở Huế. Sau khi gặp nhà cách mạng Phan Bội Châu an trí ở Bến Ngự ông từ chức và dấn thân vào đường cách mạng gặp lúc ông Nguyễn An Ninh từ Pháp về. Phương tiện đấu tranh của Nguyễn An Ninh lúc bấy giờ là sản xuất và bán dầu cù là theo toa của cha ông là Đông y sĩ ái quốc Nguyễn An Khương (người chủ trương tờ Nông Cổ Mín Đàm và dịch truyện Tàu ra quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX) và tờ báo Pháp ngữ La Cloche Félée (Chuông Nứt). Lợi dụng lúc bán dầu cù là ông lớn tiếng chỉ trích chánh sách của người Pháp ở Đông Dương. Sau khi ra khỏi khám lớn Sài Gòn (khuôn viên Thư Viện Quốc Gia và Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hoá sau này) ông Hùm sang Pháp học và lấy cử nhân triết học. Về nước ông trở thành người Cộng Sản thuộc khuynh hướng Đệ Tứ Quốc Tế của Trotsky.
Bình Dương là đất chuộng tâm linh. Đó là nơi có giáo đường cổ kính ở Nam Kỳ (giáo đường Bình Nhâm, Hưng Định, Phú Cường).
Bình Nhâm là sinh quán của Á Thánh Gầm (mộ nằm trên đường Frères Louis; Võ Tánh). Đó là nơi xuất phát nhiều linh mục Thiên Chúa Giáo trong nước như Nhị Bình (Gia Định) và Cái Môn (Bến Tre).
Các chùa cổ kính trong tỉnh Bình Dương là chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, chùa trên núi Châu Thới, chùa Thầy Sửu, chùa Giác Nguyên sau được gọi là chùa bà Tám v.v. Chùa Hội Khánh đã có từ năm 1741 trước khi dân tộc Việt Nam hoàn tất cuộc Nam tiến ở phần đất cực nam của đất nước. Trong thời đại Xã Hội Chủ Nghĩa, Bình Dương có Đại Nam Quốc Tự xây từ năm 1999 đến năm 2010 mới hoàn thành. Đại Nam Quốc Tự chiếm 450 ha (4.5 triệu m2) đất với khách sạn dài 13 km với 5,000 phòng, chuồng nuôi dã thú và thú hiếm lạ, hồ nhân tạo v.v! Tất cả chi phí xây cất Đại Nam Quốc Tự để thờ Phật kể cả “phật” Hồ Chí Minh, anh hùng dân tộc, chiến sĩ trận vong lên đến 4,000 tỷ tiền Việt Nam (tức 4 cải đồng hay 4 trillion đồng tương đương 170 triệu Mỹ Kim) đều do đại gia Dũng Lò Vôi đài thọ.
Phú Văn, Phú Long có Thánh Thất Cao Đài.
Người Hoa ở Bình Dương có chùa Ông, chùa Bà và trường học. Chùa Ông thờ Guan Gong (Quan Công). Chùa Bà thờ bà Tianhou (Thiên Hậu). Họ có truyền thống :
– rước Ông Bốn tức đô đốc Zheng He hay Cheng Ho (1371- 1433) tức Trịnh Hòa, người chỉ huy đoàn tàu Trung Hoa xuống Nam Dương và sang Ấn Độ Dương để đến vùng Trung Đông và Đông Phi năm 1405
– rước cộ Bà (bà Tianhou (Thiên Hậu: hoàng hậu Thiên Đình) hàng năm rất trọng thể. Người Hoa ở các tỉnh khác đổ xô về Phú Cường, xa tỉnh lỵ Bình Dương, để tham dự lễ rước cộ Bà. Vào ngày nầy các phú thương người Hoa tranh nhau đốt pháo để rước Bà và để phô trương sự giàu có của mình. Nhang khói mịt mù ở Chùa Bà, chùa Linh Không Dàn vào ngày rước cộ Bà (rằm tháng giêng hàng năm). Người ta đến khấn vái Bà và vay mượn tiền tượng trưng để được may mắn trong việc làm ăn trong năm mới. Vay tượng trưng $1 tiền cúng trả lễ có thể là $1 triệu đồng nếu công việc làm ăn được may mắn, hưng vượng như lời khấn nguyện.
Bình Dương là đất lành đãi khách phương xa.
Ông Dương Văn Minh khởi nghiệp ở Thủ Dầu Một, sau này là đại tướng, quốc trưởng và tổng thống VNCH trong hai ngày.
Ông Lê Công Chất làm phó tỉnh trưởng Bình Dương trở thành tổng trưởng bộ Nội Vụ trong nội các Trần Thiện Khiêm.
Ông Nguyễn Thanh Liêm là hiệu trưởng thứ nhì của trường Trịnh Hoài Đức sau ông Trương Văn Di đã trở thành thứ trưởng bộ Giáo Dục và Thanh Niên.
Khi Lộc Ninh, Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch còn nằm trong tỉnh Thủ Dầu Một, vùng đất đỏ trên (Terre Rouge) là vùng đồn điền cao su. Một người Huế làm việc trong đồn điền Quản Lợi đã trở thành chủ tịch CHXHCNVN từ năm 1992 đến 1997. Đó là đại tướng Lê Đức Anh (1920- ). Ông hoạt động ở Nam Bộ suốt thời kỳ kháng Pháp. Vào thập niên 1980 ông chỉ huy bộ đội Việt Nam tấn công Khmer Đỏ theo chủ nghĩa Maoist trên chiến trường Cambodia. Nhưng ông được xem là người thân Beijing (Bắc Kinh).
Bình Dương Lục Quận là Bình Dương nổi tiếng trong chiến tranh với những trận đánh đẫm máu như trận Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Thới Hòa, Bố Lá, Bình Mỹ, An Nhơn Tây, Hố Bò, Rạch Bắp, khu Tam Giác Sắt, trận đột kích Gò Dầu (Phú Văn) v.v. Hàng ngàn cư dân Bến Súc được đưa về định cư ở Bình Hòa (Lái Thiêu) năm 1967. Sau năm 1975 nhiều người trở về quê quán. Hiện nay Bình Hòa trở thành một xã thành phố với đầy đủ tiện nghi của một thành phố tân tiến.
Trong cuộc chiến tranh vừa qua chỉ có Lái Thiêu là quận tương đối an ninh hơn 05 quận còn lại.
Bù lại những vùng kém an ninh có sự hiện diện của quân sĩ Hoa Kỳ. Snack Bar mọc lên như nấm từ năm 1965 đến 1973. Cư dân địa phương phát đạt nhờ buôn bán hàng Mỹ hay là buôn đô la xanh và đỏ là đô la dành cho các quân nhân Mỹ chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Đó là sự phồn vinh giả tạo trong chiến tranh. Bình Dương không còn nhà lá. Nhiều nông dân có sân phơi lúa, phơi đậu và chuồng nuôi gia súc tráng xi măng sạch sẽ. Hầu hết nhà nào cũng có một xe Honda gắn máy. 60% thị dân trong tỉnh có TV, ra-dio, tủ lạnh. Năm 1973 quân Hoa Kỳ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, sự ‘phồn vinh’ trên như vụt tắt. Các snack bar bị bỏ hoang tạo cảnh vắng vẻ, hoang tàn dù không bị bom đạn tàn phá.
Năm 1973 Lộc Ninh là địa điểm trao đổi tù binh giữa VNCH và MTDTGP. Đó là địa điểm gần Sài Gòn nhất do MTDTGP chiếm giữ và được xem như thủ đô của chánh phủ Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Những năm 1973 và 1974 vài vùng đất gò trong tỉnh Bình Dương chịu ảnh hưởng văn hóa trồng cây lương thực của Lộc Ninh. Diện tích trồng khoai mì (sắn: cassava; manioc .<.Pháp.>.) Manihot dulcis được nới rộng đáng kể. Đó là dấu hiệu báo động sự sụp đổ của miền Nam và tình trạng thiếu thực phẩm cho những ngày sắp tới như câu sấm ký Phật Giáo Hòa Hảo đã ghi:
Khi mang tên Bình Thủ và Sông Bé cư dân Bình Dương lâm vào sự lo âu, sợ sệt cho sự sống trong tương lai. Về vật chất họ lâm vào tình trạng thiếu lương thực và thiếu dinh dưỡng nhưng chưa đến nỗi chết đói. Sông Bé lại là nguồn sống tạm bợ và bấp bênh cho những cựu quân nhân chở than, củi từ Lai Khê, Chơn Thành, Bến Cát và lu, hủ, chén từ Lái Thiêu về bán ở Sài Gòn hay các tỉnh trên đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày nay Bình Dương Cửu Huyện có vẻ tân tiến và phú túc nhờ có hòa bình, thực thi kinh tế thị trường nên có nhiều quốc gia như Đại Hàn, Taiwan, Nhật Bản, Singapore đầu tư hay mở nhiều nhà máy kỹ nghệ trong tỉnh. Bình Dương Cửu Huyện được đô thị hóa và đứng trước ngưỡng cửa kỹ nghệ hóa của thời kỳ tiền tư bản Âu Châu vào thế kỷ XIX. Dù chậm trễ nhưng có vẫn hơn không dẫu biết rằng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa sản xuất được một con vít (vis) đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bình Dương là một tỉnh của Việt Nam nên tỉnh cũng rơi vào mâu thuẫn kinh tế- chánh trị của quê hương:
1. Ấm no trong chinh chiến (miền Bắc có viện trợ Liên Sô, Trung Quốc và các nước Cộng Sản Đông Âu. Miền Nam có viện trợ Hoa Kỳ)
2. Nghèo khổ, thiếu thốn khi hòa bình (không còn viện trợ; không thể có một nền kinh tế phồn vinh trong một quốc gia Cộng Sản đề cao kinh tế chỉ huy).
3. Việt Nam là một nước Cộng Sản. Dân chúng Việt Nam lại no cơm ấm áo từ khi CHXHCNVN theo kinh tế tự do hay kinh tế thị trường hay nói rõ hơn kinh tế tư bản.
4. Một số người no cơm ấm áo nhờ bán đất đai cho các công ty ngoại quốc. Một số người khác bỏ ruộng nương ra thành phố tìm công việc trong các hãng xưởng, xí nghiệp. Công nhân có lương cố định hàng tháng. Công nhân không phải dải nắng dầm mưa như nông dân và được tiếp xúc với ánh sáng văn minh đô thị. Lợi tức của nông dân biến thiên bất định tùy theo thời tiết, giá bán ngoài thị trường. Thanh niên nam, nữ ở nông thôn ước muốn rời bỏ đời sống nông thôn để thay vào đó là nếp sống thành thị hay xa hơn nếp sống ngoài nước Việt Nam. Nông nghiệp dễ bị quên lãng giữa lúc đất nước chưa thực sự kỹ nghệ hóa.
Đó là vài suy nghĩ thô thiển về sự nghịch lý kinh tế- chính trị, tâm lý nông thôn, thành thị và hướng ngoại và tiến trình phát triển của tỉnh sinh quán của người viết trong lòng cố hương Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI.
Phạm Đình Lân
***
Chú Thích
(1) Cây dầu là một loại cây to không nhánh. Thân đốt có dầu. Tên khoa học làDipterocarpus alatus. Trái có hai cánh. Ngày nay trong khuôn viên tòa hành chánh tỉnh Bình Dương vẫn còn nhiều cây dầu cổ thụ.
(2) Con diệc là con cò trắng heron hay egret tên khoa học là Ardea alba modesta (alba: trắng). Những địa danh, Thủ Dầu Một, Dầu Tiếng, Gò Dầu Hạ cho thấy sự hiện diện phong phú của loại cây to và có nhiều nhựa dầu này.
(3) Tần ở đây ám chỉ nước Cambodia chớ không phải nước Tần bên Trung Hoa.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.