Một con nhện cướp biển (Ero sp.) tấn công nhện Money Spider (Linyphiidae)
Giăng mạng, bắt ruồi, cuộn con mồi trong tơ nhện và cuối cùng là nhàn nhã đánh chén.
Chiến thuật săn mồi này đã chứng tỏ hiệu quả đến mức những loài nhện giăng tơ đã trở thành một trong những động vật thành công nhất.
Chúng ta có thể bắt gặp nhện ở bất cứ xó xỉnh nào trên thế giới và có đến hơn 3.000 loài nhện khác nhau.
Giăng mạng là một thủ thuật tương đối phức tạp. Bên cạnh nhiều loại tơ và keo dính khác nhau, nhện cần phải thực hiện một chuỗi các bước đòi hỏi sự chính xác cao.
Nhưng cần gì phải vất vả giăng mạng trong khi có thể tiến chiếm 'nhà' của con nhện khác và ăn thịt chính con nhện đã giăng mạng đó?
Mất khả năng giăng tơ
Một loài nhện được gọi là 'cướp biển' đã áp dụng cách hung ác này. Chiến thuật săn mồi của chúng nằm trong nhóm đặc biệt nhất trong thế giới muôn loài.
Nhện cướp biển thuộc một chi nhện bao gồm tất cả các loài giăng tơ - những loài nhện tạo ra những chiếc mạng hình tròn theo nguyên mẫu từ trước tới nay chúng ta đều đã quen thuộc - chỉ có điều chúng không thể giăng mạng.
Một con nhện cướp biế̉n không rõ thuộc nhóm nào
Thật ra, nhện cướp biển đã mất bản năng này. Chúng vẫn có thể nhả tơ rồi dùng để tạo ra những chiếc túi trứng hoặc để quấn lấy con mồi. Tuy nhiên về mặt cấu tạo cơ thể chúng không còn khả năng giăng tơ nữa. Số lượng đầu nhả tơ trên cơ thể chúng ít hơn rất nhiều các loài nhện họ hàng của chúng.
Thay vào đó, chúng đi chiếm mạng của các con nhện khác bằng cách dụ dỗ và sau đó giết chết con nhện bất hạnh đã giăng ra chiếc mạng đó. Chúng nhẹ nhàng kéo những sợi tơ trên mạng để đánh động cho nhện chủ nhà tiến gần đến chúng.
Khi mà nhện chủ nhà đã tiến đến đủ gần, nhện cướp biển bắt đầu hành động.
Trước tiên, chúng dùng hai chiếc chân trước để kẹp lấy con mồi bị đánh lừa. Những chiếc chân to này có những chiếc xương lớn mà chúng dùng để giữ lấy con mồi bên trong giống như trong nhà tù.
Sau đó là hành động cuối cùng: nhện cướp biển cắn con mồi và dùng chiếc ranh năng tiêm vào một loại chất độc mạnh khiến con mồi tê liệt ngay lập tức.
Đó là một kỹ thuật săn mồi vô cùng hiệu quả.
Giả làm nhện đối thủ?
"Sẽ rất lôi cuốn khi chúng ta xem một con nhện cướp biển huơ cặp chân dài và âm thầm bò đến gần vị trí của con nhện khác," Mark Townley thuộc Đại học New Hampshire nói.
"Mặc dù tôi dành nhiều tiếng đồng hồ để cho nhện cướp biển ăn trong công trình nghiên cứu của chúng tôi về bộ phận giăng tơ của chúng, tôi chưa bao giờ cảm thấy chán với cảnh chúng tìm kiếm và tấn công con mồi. Đó luôn là một cảnh ngoạn mục để xem. Chúng dùng cặp chân trước một cách thanh thoát đến nỗi tôi thấy chúng chạm vào con mồi một cách hết sức nhẹ nhàng mà con mồi không có chút phản ứng gì, thậm chí chúng còn không biết là đang bị tấn công."
Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu về cách thức vận hành của chiến lược này. Nhất là chúng ta không rõ tại sao nhện cướp biển lại rung tơ trên chiếc mạng của nhện chủ nhà.
Lâu nay người ta vẫn cho rằng hành động rung tơ này bắt chước rung động của chiếc mạng do côn trùng bị mắc kẹt tạo ra. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà côn trùng học đều đồng ý đây chính là mục đích của nhện cướp biển.
Một con nhện Larioniodes cornutus đậu trên tấm mạng của nó
"Hành vi của nhện chủ nhà đối với nhện cướp biển và con mồi của nó hơi khác biệt. Tương tự, chúng phản ứng khác nhau trước những rung động trên mạng do hai đối tượng này tạo ra," Carl Koock thuộc Đại học Bang California Bakersfied giải thích.
Ông đưa ra một cách giải thích khác: "Đối với tôi nhiều khả năng là nhện cướp biển đang giả làm nhện đồng loại của con mồi hoặc cũng có thể là loài nhện giăng tơ khác đang tìm cách chiếm chiếc mạng," Kloock giải thích. "Con nhện chủ của chiếc mạng cần phải bảo vệ tài sản của mình trước sự xâm chiếm của các con nhện khác vì đó là một thứ rất đáng giá. Các con nhện khác tìm cách chiếm chiếc mạng để khỏi phải mất công dệt chiếc mạng của chúng hay đơn giản là chúng chỉ muốn cuỗm lấy con mồi đang bị mắc kẹt bên trong."
Nọc độc dành cho nhện
"Những cuộc chạm trán như thế này diễn ra theo một trình tự đơn giản: các con nhện ra dấu hiệu cho nhau sau đó chậm rãi tiến gần đến nhau - thường là cho đến khi con nhện nhỏ hơn phải đầu hàng và bỏ chạy."
"Tôi cho rằng cái mà nhện cướp biển đang là gửi một tín hiệu đánh lừa rằng chúng là những con nhện xâm lăng nhỏ không chịu rời đi khiến cho nhện chủ nhà phải đến gần hơn nữa cho đến khi chúng nằm gọn trong tầm tấn công của nhện cướp biển," Kloock nói thêm.
Kế đến là vấn đề của nọc độc của nhện cướp biển vốn đã tiến hóa để trở nên cực độc đối với các loài nhện khác, bao gồm cả những con nhện cướp biển khác, nhưng lại vô hại với các loài động vật khác.
"Một khi nhện đã bị tiêm nọc độc thì nó ngừng chuyển động trong khi ruồi giấm có thể giãy giụa trong một vài phút," ông Daniel Mott thuộc Đại học Quốc tế Texas A&M cho biết. "Nọc độc của chúng dường như là chỉ dành để tấn công các loài nhện khác."
Nhưng tại sao và làm sao mà chiến thuật săn mồi lạ lùng như thế lại ra đời?
Vấn đề đầu tiên là các con nhện là con mồi cũng là động vật săn mồi có răng nanh và nọc độc.
Điều này có nghĩa là chúng nguy hiểm hơn là ong hay ruồi và số lượng chúng cũng ít hơn.
Túi trứng của một con nhện cướp biển (Ero sp.)
Thứ hai, nhện cướp biển là động vật săn mồi đã chuyên môn hóa. Mặc dù đôi khi chúng cũng săn những con mồi khác, nguồn thức ăn chính của chúng vẫn luôn là nhện. Để so sánh, chúng ta thấy rằng hầu hết các loài nhện giăng tơ là săn mồi tổng hợp - chúng ăn bất cứ côn trùng nào mắc kẹt trong lưới của chúng.
Quá trình tiến hóa
Thật vậy, nhện cướp biển thậm chí còn không thể bắt được các con nhện khác nếu chúng không có chiếc mạng để đứng lên.
"Trong phòng thí nghiệm, nếu chúng ta bỏ một con nhện giăng tơ vào một chiếc hũ mà không cho nó giăng mạng thì nhện cướp biển sẽ không tấn công nó," Danilo Harms thuộc Đại học Hamburg ở Đức cho biết. "Nó cần một chiếc mạng để có thể bắt được một con nhện khác."
Bằng cách nào đó mà tổ tiên của nhện cướp biển mất khả năng đan mạng và chuyển sang sinh tồn bằng cách săn các loài nhện khác.
Harms nói rằng cách giải quyết hợp lý nhất là mọi việc bắt đầu với việc ăn trộm. Tổ tiên của nhện cướp biển có thể đã bắt đầu xâm chiếm mạng của những con nhện khác để ăn trộm con mồi mà chủ nhà đã vất vả bắt được, tiêm nọc độc và để dành ăn dần.
Một số con tổ tiên của nhện cướp biển có thể đã đưa chiến thuật này lên một mức độ cao hơn bằng cách săn chính nhện chủ nhà. Theo thời gian, chúng sẽ ngày càng trở thành chuyên môn hóa trong việc săn tìm các con nhện khác: chúng phát triển những chiếc chân trước dài khác thường, kỹ năng rung mạng nhện tinh vi và có nọc độc chuyên để tấn công nhện.
Dù là hành vi săn mồi kỳ lạ này có là do bất cứ lý do gì đi nữa, loài nhện cướp biển đã rất thành công. Các nhà khoa học đã chính thức liệt kê hơn 160 loài nhện cướp biển tồn tại trên tất cả lục địa ngoại trừ Nam Cực.
"Chúng ta biết một ít về đặc điểm sinh học của một bộ phận nhỏ các loài nhện cướp biển còn đa số còn lại chúng ta gần như không biết gì hết và lịch sử tiến hóa và hành vi của chúng, Gustavo Hormiga thuộc Đại học George Washington nói. "Chẳng hạn như chúng ta gần như không biết gì về đặc điểm sinh học của loài nhện cướp biển nhiệt đới Nam Mỹ đẹp lạ lùng thuộc họ Gelanor."
Nhện mẹ tận tâm
Trong họ này, những chiếc chân đã tiến hóa của nhện đực, vốn được sử dụng để thụ tinh cho con cái, thì dài gấp đôi chiều dài cơ thể của con đực.
Có lẽ đây là điều giúp chúng thụ tinh con cái từ khoảng cách xa. "Ở tất cả các loài nhện khác, việc giao phối đòi hỏi cả hai cá thể phải ở khoảng cách gần nhau," Hormiga cho biết.
Giao phối ở khoảng cách xa là một sự thận trọng cần thiết do nhện cướp biển rất hung dữ, có nọc độc nguy hiểm và có bản năng săn các loài nhện khác trong đó có cả đồng loại của chúng.
Một con nhện nhảy (Portia schultzi)
Tuy nhiên, chúng cũng có mặt hiền lành.
Trong một nghiên cứu hồi tháng 11/2016 đăng trên tạp chí Cladistics, Hormiga và học trò của ông là Ligia Benavides mô tả năm loài mới. Nghiên cứu của họ cũng lần đầu tiên trình bày về cách nhện cướp biển cái nuôi con nhỏ.
Nhện mẹ chăm sóc cho con là điều tương đối phổ biến ở loài nhện. Một số con mẹ đơn giản là nôn con mồi ra cho con trong khi một số con mẹ khác lại đi xa đến mức cho nhện con ăn thịt chính cái xác của chúng. Tuy nhiên, tình mẫu tử chưa bao giờ được ghi nhận ở loài nhện cướp biển trông có vẻ ác độc.
"Trong thực địa, chúng tôi đã quan sát các con nhện cướp biển cái chăm sóc cho trứng của chúng và nhện con. Nhện cướp biển có thể là những người mẹ tốt," Benavides nói.
Trong một số trường hợp, nhện cái xếp trứng của chúng đều ra trên một chiếc mạng ở mặt dưới của một chiếc lá. Nhưng nếu tôi di chuyển chiếc mạng hay chạm vào con nhện, nó sẽ nhanh chóng gom trứng hay tất cả nhện con lại thành một quả bóng và đem chúng đi để bảo vệ chúng."
Mặc dù trông có vẻ kỳ lạ như thế, đối với một số loài nhện thì việc ăn thịt các họ hàng loài nhện của chúng lại là một cách rất tốt để sinh tồn.
Zoe Cormier
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.