Ranh giới giữa nói thật và nói dối giờ đây ngày càng mờ nhạt hơn. Bây giờ thậm chí còn có cả một từ vựng mới dành cho những kiểu nói dối khác nhau.
Chẳng có gì lạ khi giới chính trị gia nói dối, nhưng hãy xem xét lại điều này kỹ hơn - đơn giản là họ có thể nói dối bằng cách nói thật. Nghe có vẻ khó hiểu đúng không?
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi bạn nhận ra rằng có lẽ tất cả chúng ta cũng từng làm như vậy. Một ví dụ kinh điển là nếu mẹ bạn hỏi con đã làm bài tập về nhà chưa, và bạn đáp: "Con vừa viết một bài luận về Tennessee Williams cho môn tiếng Anh." Đó có thể là sự thật, nhưng đó không thực sự là câu trả lời về việc bạn đã làm bài tập về nhà chưa. Bài luận đó có thể đã được viết từ lâu và bạn đã lừa mẹ bằng một câu trả lời không thành thật. Có lẽ bạn còn chưa hề làm bài tập.
Đánh lạc hướng bằng cách "nói thật" giờ đây đã trở nên quá đỗi phổ biến trong đời sống hàng ngày, đến nỗi gần đây đã có hẳn một thuật ngữ để gọi tên nó: đó là nói tránh.
Hành vi này lan rộng trong xã hội đến mức nó cho ta thấy thêm nhiều góc độ về những vùng xám giữa sự thật và dối trá, và có lẽ sẽ giải thích vì sao chúng ta lại nói dối.
Nói dối không ngượng
Chúng ta thường xuyên nói dối, dù rằng thật sự là nói dối khiến ta phải nỗ lực trí óc nhiều hơn là nói thật. Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincholn từng nói "không ai có trí nhớ đủ tốt để là một kẻ nói dối thành công".
Năm 1996, một nhà nghiên cứu tên Bella DePaulo thậm chí còn đặt ra một con số cho nó. Bà khám phá ra rằng mỗi chúng ta nói dối một hoặc hai lần mỗi ngày. Bà tìm hiểu điều này bằng cách yêu cầu những người tham gia nghiên cứu ghi chú vào sổ mỗi lần họ nói dối trong vòng một tuần, thậm chí dù là họ nói dối với mục đích tốt. Trong 147 người tham gia trong nghiên cứu ban đầu, chỉ có bảy người nói họ không nói dối gì hết - và ta chỉ có thể đoán không biết họ có nói thật hay không.
Đa số các câu nói dối là vô hại, hoặc thậm chí là tử tế, ví dụ như: "Tôi nói cô ấy trông rất ổn trong khi tôi nghĩ cô ấy quá béo." Một số nói dối để che giấu sự bối rối, như giả vờ người phối ngẫu của họ chưa bị sa thải.
DePaulo, một nhà tâm lý tại Đại học California Santa Barbara nói rằng người tham gia vào nghiên cứu của bà không để ý họ đã nói dối bao nhiêu lần, một phần vì họ làm điều đó "quá thường xuyên và dễ dàng đến mức ta không để ý".
Đáng sợ hơn là khi một người sử dụng lời nói dối để thao túng người khác hoặc cố ý dẫn dụ người khác. Và điều này xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ.
Kỹ thuật đánh lừa
Khi Todd Rogers và đồng nghiệp quan sát cách các chính trị gia né tránh câu hỏi khi tranh luận, họ nhận ra có điều gì đó khác đang diễn ra. Bằng cách đưa ra mệnh đề nói thật, họ có thể né không phải trả lời câu hỏi. Họ thậm chí có thể vờ như một điều gì đó là thật trong khi nó không phải sự thật. Chính trị gia thường làm điều này, Rogers nói. Ông là một nhà khoa học hành vi tại trường Harvard Kennedy. Vì thế ông và đồng nghiệp nghiên cứu để hiểu hơn về điều này.
Các chính trị gia được cho là hay dùng các thủ thuật để né tránh nói thật.
Ông nhận ra rằng hành động kiếm cớ né tránh là một chiêu rất phổ biến trong quá trình đàm phán. Hơn một nửa trong số 184 quản lý doanh nghiệp tham gia nghiên cứu của ông thừa nhận họ có sử dụng chiêu này. Nghiên cứu cũng nhận thấy người né tránh tin rằng hành vi này đạo đức hơn là nói dối thẳng thừng.
Tuy nhiên, những người bị lừa thường không phân biệt được giữa nói dối và lảng tránh. "Có lẽ việc này dẫn đến quá nhiều hành động lảng tránh vì người nói ra điều đó thường nghĩ nếu bị lộ thì dù sao vẫn còn có chút gì đó đạo đức, trong khi người nghe lại nhìn nhận đây là hành vi nói dối," Rogers nhận định.
Cũng rất khó để chỉ ra những "thông tin" đánh lạc hướng khi chúng ta nghe điều gì đó mà ban đầu nghe có vẻ rất thật. Chẳng hạn, một video trong chiến dịch của Đảng Lao động Anh Quốc nhằm hạ mức tuổi bắt đầu được đi bỏ phiếu nói rằng: "Giờ bạn đã 16 tuổi. Giờ bạn đã có thể kết hôn, nhập ngũ, làm việc toàn thời gian." Nhóm Kiểm Chứng của BBC khám phá ra những thông tin đó không hoàn toàn là sự thật.
"Bạn chỉ có thể nhập ngũ khi 16 hoặc 17 tuổi với sự cho phép của cha mẹ," nhóm Kiểm Chứng viết. "Vào tuổi đó, bạn cũng cần sự cho phép của cha mẹ nếu muốn kết hôn trừ khi bạn kết hôn ở Scotland. Từ năm 2013, người 16 và 17 tuổi không được làm việc toàn thời gian ở xứ Anh (England), nhưng bạn có thể làm việc tại ba xứ còn lại (gồm Scotland, Wales và Bắc Irland) với một số hạn chế."
Một ví dụ khác, ứng viên sau này trở thành tổng thống Donald Trump đã nói tránh trong một cuộc tranh luận tổng thống. Ông được hỏi về một vụ kiện kỳ thị người mua nhà thời ông mới bắt đầu sự nghiệp và ông nói công ty của ông đã "không thừa nhận có tội". Dù là họ không thừa nhận tội đó, thì một điều tra của tờ New York Times cũng cho thấy công ty của ông kỳ thị chủng tộc.
Và thậm chí nếu chúng ta nhận diện các sự thật dẫn dụ sai, những quy tắc ứng xử xã hội vẫn có thể ngăn cản ta chất vấn nó có phải trò lừa hay không. Hãy xem một phỏng vấn rất nổi tiếng ở Anh, khi nhà báo Jeremy Paxman phỏng vấn chính trị gia Michael Howard. Ông liên tục hỏi Howard liệu ông này có "đe dọa tiếm quyền" giám đốc nhà tù hay không. Đến lượt mình, Howard liên tục né đi câu hỏi bằng nhiều thông tin khác và biến cuộc đối thoại thành kỳ quặc đến mức càng xem ta càng cảm thấy khó hiểu.
Không có nhiều người trong chúng ta cảm thấy dễ chịu khi chất vấn ai đó như vậy.
Jeremy Paxman phỏng vấn chính trị gia Michael Howard. Tảng lờ và né tránh là thủ thuật thường dùng khi đàm phán.
Trong khi hành vi này rất phổ biến trong chính trị, giờ đây nó cũng dễ thấy trong đời sống hàng ngày. Hãy quan sát một nhân viên bất động sản nói chuyện với khách hàng tiềm năng rằng một miếng đất không nổi tiếng gì lắm nhận được "rất nhiều yêu cầu" khi người khách hỏi thực tế đã có bao nhiêu người tham gia đấu thầu. Hoặc một người bán xe hơi cũ sẽ nói chiếc xe sẽ khởi động cực kỳ ổn trong buổi sáng sương mù, trong khi không hề tiết lộ nó vừa bị hỏng tuần trước. Cả hai thông điệp đều là thật nhưng lại là cái mặt nạ che giấu đi hiện thực của mảnh đất không ai mua và một cái xe dỏm.
Nói tránh có lẽ quá phổ biến bởi vì giờ đây nó được coi như công cụ hữu hiệu. Điều này xảy ra vì chúng ta liên tục có quá nhiều mục tiêu cạnh tranh, Rogers nói. "Chúng ta muốn đạt được mục tiêu ngắn hạn - [bán xe hoặc nhà] - nhưng chúng ta cũng muốn mọi người nhìn mình là có đạo đức và thành thật." Ông nói hai mục tiêu đó đang giằng xé nhau và bằng cách sử dụng cách nói tránh, mọi người tin rằng họ đang trở nên đạo đức hơn thay vì nói dối thẳng thừng. "Chúng tôi đưa ra bằng chứng là họ đang phạm sai lầm," Rogers nói.
Chúng ta có thể thấy vấn đề trong kiểu suy nghĩ này thể hiện ra sao trong xã hội ngày nay. Công chúng rõ ràng cảm thấy phát mệt vì bị nói dối và niềm tin vào chính trị gia thực sự suy giảm. Một khảo sát năm 2016 cho thấy niềm tin của công chúng ở Anh Quốc dành cho chính trị gia còn thấp hơn nhân viên bất động sản, ngân hàng và nhà báo.
Và mặc dù thực tế chúng ta giờ đây thường nghe những lời nói dối của người quyền lực, thì vẫn rất khó để nhận diện chúng trong thực tế, đặc biệt là nếu họ nói dối bằng cách nói tránh.
Nhà tâm lý học Robert Feldman, tác giả quyền sách "Kẻ nói dối trong đời bạn", nhìn nhận vấn đề này là đáng lo ngại cả ở mức độ cá nhân và mức độ vĩ mô. "Khi chúng ta bị lừa bởi những người có quyền lực, nó hủy hoại sự tự tin của ta vào các thể chế chính trị - nó khiến người dân rất ngờ vực về động cơ thực sự [của họ]."
Nói dối có thể và rõ ràng dùng để phục vụ một mục đích xã hội bất chính. Nó có thể giúp ai đó tô vẽ bức tranh hay ho hơn sự thật, hoặc giúp chính trị gia né tránh một câu hỏi không dễ chịu. "Đó là vô đạo đức và khiến nền dân chủ của chúng ta tồi tệ hơn. Nhưng đó là cách mà nhận thức con người giờ đây đang vận hành," Rogers nói.
Thật không may, sự phổ biến của lời nói dối bắt nguồn từ cách chúng ta lớn lên. Lời nói dối đóng một vai trò trong tương tác xã hội của ta từ khi rất bé. Ta kể cho con trẻ nghe về nàng tiên răng và ông già Tuyết, hoặc khuyến khích trẻ biết ơn một món quà không mong muốn. "Chúng ta cho con trẻ rất nhiều thông điệp lẫn lộn," Feldman nói. "Cuối cùng những gì chúng học được là dù trung thực là cách tốt nhất, nhưng đôi lúc nói dối vẫn ổn và tốt hơn."
Vì thế lần tới khi bạn nghe một thông tin gì đó có vẻ kỳ quặc, hoặc ai đó làm chệch hướng một câu hỏi, hãy cẩn thận vì có thể thứ bạn nghĩ là sự thật hóa ra lại là trò lừa.
Melissa Hogenboom
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.