Đó là cảnh mà tất cả chúng ta đều trải qua: đứng trong một hàng dài dằng dặc ở một cơ quan Nhà nước trang nghiêm, mắt nhìn vào khoảng không, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để điền vào cả xấp hồ sơ giấy tờ tại sở thuế hay phòng quản lý xe cộ.
Estonia đi đầu
Bạn làm thế nào để giết thời gian trong lúc chờ đợi mỏi mòn như vậy, hay chỉ để làm những việc còn nhàm chán hơn ở một bối cảnh nhàm chán? Nhiều khả năng, bạn sẽ lướt màn hình điện thoại, kiểm tra email, vào Instagram hoặc thậm chí đăng dòng tweet về việc bạn đang cảm thấy 'chán như con gián'.
Vậy thì tại sao chúng ta không thể điền tất cả các loại giấy tờ đó (hoặc là làm những việc lặt vặt về thủ tục hành chính tương tự) trên chiếc điện thoại thông minh đó? Tại sao mà đã vào năm 2017 rồi, khi mà xã hội đã thanh toán không cần tiền mặt, các thiết bị điện tử bị khóa bằng dấu vân tay và chúng ta trò chuyện truyền hình qua thiết bị cầm tay, thì chúng ta vẫn không thể thực hiện tất cả các công việc liên quan đến chính quyền trên mạng, ở một địa điểm và cùng một lúc?
Ở một quốc gia vùng Baltic, điều này hoàn toàn có thể: Estonia - một đất nước nhỏ bé chỉ với 1,3 triệu dân nằm lọt thỏm ở một góc đông bắc châu Âu.
Nhiều quốc gia đã nhìn vào mô hình quản lý điện tử của Estonia để học tập, như Nhật Bản, Phần Lan và nhiều nước khác
Cũng chính quốc gia đã sinh ra Skype này đang theo đuổi mục tiêu xã hội kỹ thuật số 100% kể từ những năm 1990. Các chuyên gia từ những nơi khác đều đồng ý rằng ý tưởng về chính phủ trực tuyến của nước này - được gọi là dự án e-Estonia - là mô hình mẫu mực trên thế giới về việc làm thế nào để một chính phủ có thể chuyển phần lớn các dịch vụ của mình lên một cơ sở trực tuyến duy nhất một cách tiện lợi và thành công.
Bước tiến dài
Được khởi động vào năm 1997, dự án này cho phép các công dân Estonia khai hồ sơ thuế trực tuyến kể từ năm 2000 cũng như cho phép người dân được kê đơn thuốc, lấy kết quả xét nghiệm, ký giấy tờ và thậm chí là bầu cử và cho phép người nước ngoài trở thành công dân điện tử, tất cả đều qua mạng.
"Ngày nay, thông tin được lưu trữ ở trong nước," Anna Piperal, người phát ngôn của chương trình e-Estonia, nói. "Tuy nhiên chúng tôi đang xây dựng một dạng đám mây chính phủ có thể được dự phòng ở các tòa đại sứ Estonia trên khắp thế giới".
Và không chỉ có chính phủ Estonia. Các nước Phần Lan, Nhật Bản và Cyprus đều học kinh nghiệm từ Estonia - họ hoặc là làm việc với các công ty Estonia để xây dựng chương trình thuế điện tử ở quốc gia của họ, hoặc là mượn hệ thống thẻ nhận dạng công dân của Estonia mà mỗi công dân đều có một mã số được sử dụng cho tất cả các mục đích: từ an sinh xã hội cho đến bầu cử và cứu nạn trong thảm họa.
"Estonia có bước tiến dài hơn bất kỳ quốc gia nào khác," ông Darrell West, phó chủ tịch đồng thời là giám đốc chương trình quản trị tại Viện Brookings, một Viện nghiên cứu chiến lược ở Washington DC, nói.
Chương trình chính phủ điện tử có tác dụng kép vì nó đồng thời cũng là một nguồn tạo ra việc làm trong lĩnh vực công nghệ. Piperal nói rằng e-Estonia tạo ra những vai trò kỹ thuật để hỗ trợ hệ thống "cũng giống như bất kỳ ngành công nghiệp mới nào".
"Chúng tôi cần nhiều kỹ sư hơn nữa, nhiều nhân viên thiết kế, nhân viên kiểm định, nhân viên lập trình và nhiều kiến trúc sư hơn nữa. Nhiều người viết quảng cáo, nhiều chuyên gia mạng xã hội và nhiều chuyên gia phát triển web hơn nữa."
Nguy cơ an ninh
Một số chuyên gia về quản trị và Internet đã dành những lời có cánh để nói về chương trình e-Estonia và cho rằng chương trình này là người mở đường trong lĩnh vực chính phủ điện tử.
"Đó là một điển hình rất thú vị - một điển hình xuất hiện từ rất sớm," Helen Margetts, giáo sư xã hội và Internet thuộc Đại học Oxford và là giám đốc Viện Internet Oxford, nhận định.
Margetts nói rằng "sau thời kỳ Liên Xô, Estonia đã từ bỏ hệ thống có từ trước và xây dựng lại từ đầu - họ quyết định phát triển nền hành chính không giấy tờ. Họ tìm kiếm một giải pháp tinh gọn mà không bất cứ chính phủ nào theo kịp."
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thế giới mà lúc nào cũng có những tin tức về xâm nhập dữ liệu, tấn công tài khoản Facebook, mã số thẻ tín dụng bị đánh cắp, tài khoản tiết kiệm bị cuỗm mất… Vậy thì tại sao chúng ta lại tin tưởng để cho tất cả thông tin cá nhân của mình được lưu trữ tại một nơi duy nhất được tập trung hóa và có khả năng bị xâm nhập?
Estonia nói họ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đem lại dịch vụ "cư dân điện tử" ("e-residency") - trao cho bất kỳ ai trên thế giới một chứng minh thư điện tử và quyền tiếp cận vào các dịch vụ trực tuyến
Hồi năm 2014, các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan đã thực hiện một nghiên cứu chỉ ra có "các nguy cơ lớn trong an ninh của hệ thống bỏ phiếu trực tuyến của Estonia" và khuyến nghị "dừng chương trình này ngay lập tức".
Tuy nhiên e-Estonia nói rằng hệ thống bỏ phiếu trực tuyến của họ có chế độ an toàn để đảm bảo tính trung thực của các lá phiếu bầu, chẳng hạn như những thẻ căn cước của mỗi công nhân do Nhà nước cấp cho phép họ sử dụng các tiện ích trực tuyến như mua sắm và bầu cử điện tử. Họ cho rằng công nghệ khóa chùm của họ có thể đảm bảo rằng "không có ai - kể cả các tin tặc, các quản trị viên hệ thống và thậm chí là cả chính phủ - có thể lợi dụng và bóp méo dữ liệu mà không bị trừng phạt."
Tấn công mạng
"An ninh mạng là một nguy cơ thật sự khi bạn gom tất cả mọi thứ vào một hệ thống trên mạng," ông West cho biết.
Ông chỉ ra cuộc khủng hoảng đầy tai tiếng hồi năm 2007 khi Nga tiến hành cái được xem chiến tranh mạng đầu tiên nhằm vào Estonia. Trang chủ của các nhà băng bi đánh sập và các máy ATM bị tê liệt. Khi mà các tòa soạn báo ở Estonia vật lộn với cơn hỗn loạn, "các nhà báo đột nhiên không thể tải các bài báo của mình lên hệ thống để kịp đưa đi in,"
West gọi cuộc tấn công mạng của Nga năm 2007 là "tương đương với việc bỏ bom cơ sở hạ tầng và khiến cho mọi người không thể vào trong được."
West cũng cho biết rằng phần lớn các chính phủ đều không thực hiện việc bỏ phiếu trực tuyến do những quan ngại về an ninh mạng - bất chấp lo ngại ngày càng tăng rằng Nga có thể ảnh hưởng đến bầu cử một số nước.
Mặc dù vậy, ông Piperal chỉ ra rằng hệ thống bỏ phiếu trực tuyến của Estonia chưa bao giờ bị đột nhập và bị người khác kiểm soát và rằng trong thời đại mà các cuộc bầu cử bằng máy móc dễ bị tấn công như ở Mỹ mới đây, thì chẳng thà bị đột nhập vào một phần mềm còn hơn là bị tấn công hàng triệu máy tính. Hơn nữa, người ta có thể làm tê liệt cuộc bầu cử ở một quốc gia bằng nhiều cách khác, chẳng hạn như tung tin thất thiệt, chiến dịch bóp méo thông tin, quảng cáo lừa đảo và tấn công vào mạng xã hội.
Nhưng ngay cả khi lợi ích của chính phủ điện tử vượt quá rủi ro thì liệu mô hình của Estonia có thể được bắt chước ở nơi khác hay không? Làm cách nào mà Estonia có thể làm được?
Không thể triển khai ở quy mô lớn?
Các chuyên gia nói rằng đơn giản chỉ vì đó là một ưu tiên của Chính phủ Estonia. Họ xem đó là một mục tiêu quan trọng và họ phải họ hoàn thành. Nhưng đó là một ý tưởng không dễ nhân ra ở mức quy mô. Estonia là một quốc gia tương đối nhỏ với số dân chỉ có hơn 1,3 triệu và lãnh thổ có kích thước cỡ nước Bỉ hay bang Tây Virginia của Mỹ. Tuy nhiên, Margetts đã chỉ ra rằng Facebook có hai tỷ người sử dụng và họ dường như vẫn kiểm soát được.
Hơn nữa, so sánh Estonia với các nước phương Tây như Mỹ và Anh thì chẳng khác gì so sánh táo với cam. Chính phủ Mỹ và Anh có mức độ phức tạp và rắc rối nhiều hơn nhiều, với vô số cơ quan bộ phận và luật lệ thay đổi tùy theo khu vực.
Quốc gia càng lớn thì càng khó xây dựng xã hội điện tử một cửa như ở Estonia. Ở một quốc gia lớn, có thể có rất nhiều người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau - làm mọi chuyện thêm phức tạp - sẽ dễ dàng hơn để mọi việc diễn ra suôn sẻ ở một nước nhỏ và tương đối đồng nhất.
Hãy tưởng tượng Sở thuế vụ của Mỹ, IRS, hay cơ quan Thuế vụ và Hải quan của Anh (HMRC). "Đó là những tổ chức khổng lồ và họ không muốn một bộ phận nhỏ ở trung tâm ra lệnh cho họ phải làm cái gì. Đó là một vấn đề ở những chính phủ lớn với rất nhiều cơ quan đó giờ vẫn nằm trong hệ thống," Margetts nói.
Tuy nhiên nếu như làm được thì chính phủ điện tử sẽ có ưu thế vượt trội hơn là bỏ ra hàng giờ đồng hồ trong các cơ quan công quyền và bị các nhân viên công lực làm việc quá sức quát tháo vào mặt. Đối với các công dân thì đó là một thuận lợi lớn.
Và thậm chí trong một thế giới đang ngày càng trở nên phức tạp với những cuộc chiến tranh mạng và gián điệp quốc tế, cuộc sống hàng ngày của chúng ta vẫn đang ngày càng trở nên được số hóa không ngừng và xu hướng này sẽ không sớm có dấu hiệu chấm dứt.
Bryan Lufkin
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.