Áp lực công việc khiến ta phải làm nhiều hơn, ngủ ít hơn, và điều này đang đem lại những hậu quả đáng ngại trên toàn cầu, theo nhà thần kinh học Matt Walker. Ông có cuộc trao đổi với James Fletcher trong chương trình podcast The Inquiry.
"Hồi những năm 1940, con người ngủ trung bình trên 8 tiếng một đêm. Ngày nay, chúng ta chỉ ngủ trung bình 6,7 đến 6,8 tiếng một đêm," Matt Walker, giáo sư về khoa học thần kinh và tâm lý học tại Đại học California, Berkeley, nói.
"Thời gian dành cho giấc ngủ đã giảm một cách đáng kể chỉ trong vòng 70 năm qua, và ngày nay chúng ta đã mất 20% thời gian ngủ so với trước."
Đối với những người trưởng thành, xã hội ngày nay đầy rẫy những thứ cướp đi giấc ngủ. Chất caffeine khiến chúng ta tỉnh táo, trong khi rượu bia làm xáo trộn giấc ngủ. Và mặc dù chúng ta đang ngày càng cố gắng tạo môi trường tốt hơn cho giấc ngủ, từ việc mua đệm tốt cho đến những căn nhà cấm khói thuốc, việc này cũng có thể tạo ra nhiều vấn đề, Walker nói.
"Một trong những thứ làm nhiều người ngạc nhiên chính là hệ thống sưởi và hệ thống điều hoà trung tâm."
"Khi mặt trời lặn, nhiệt độ giảm đột ngột và khi mặt trời mọc, nhiệt độ bắt đầu tăng lên."
"Cơ thể của chúng ta có bản năng thích nghi với sự thay đổi này. Thế nhưng những hệ thống tự động nói trên làm xáo trộn cơ chế tự nhiên của cơ thể, vốn báo cho chúng ta biết khi nào là lúc cần đi ngủ và giúp chúng ta ngủ ngon hơn."
"Công nghệ cũng là nguyên nhân gây mất ngủ. Ngày nay, không chỉ có đèn nhân tạo mà đủ loại thiết bị với màn hình LED, phát ra ánh sáng xanh với cường độ rất cao."
"Những ánh sáng xanh này sẽ khiến cơ thể ngưng tiết ra một loại hormone với tên gọi melatonin vào buổi tối. Đây là loại hormone phát đi tín hiệu báo cho bạn biết khi nào cần đi ngủ," Walker cho biết.
"Công nghệ còn ảnh hưởng theo cách khác nữa, khiến ảnh hưởng tới giấc ngủ. Lẽ ra cần ngủ thì vào lúc nửa đêm chúng ta lại nghĩ rằng có lẽ nên gửi nốt cái email nữa, hay xem Facebook lần cuối."
Đó là chưa kể tới những xu hướng của thời đại mới - những áp lực về kinh tế và xã hội khiến con người ta làm việc nhiều hơn, ngủ ít hơn, và trở nên giống như những lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới - trong đó có Donald Trump, Barack Obama và Margaret Thatcher - những người từng tuyên bố chỉ ngủ không quá 5 tiếng vào ban đêm.
Thế nhưng liệu chúng ta có nên học từ những người như George W.Bush, vốn được nói là đi ngủ vào tầm 9 giờ tối và ngủ đủ 9 tiếng mỗi đêm?
"Dựa vào khoảng 10 nghìn nghiên cứu khác nhau, tỷ lệ những người có thể chỉ ngủ dưới 6 tiếng một ngày mà không bị ảnh hưởng gì tới sức khoẻ, nếu ta làm tròn số theo tỷ lệ phần trăm, thì kết quả là 0%," ông cho biết.
Giáo sư Walker nói chỉ cần ngủ dưới 7 tiếng một ngày cũng đủ để chúng ta phải đối mặt với các hậu quả về sức khoẻ.
"Tất cả những căn bệnh đang gây chết người ở các nước phát triển: Alzheimer's, ung thư, béo phì, tiểu đường, trầm cảm, tự sát. Tất cả đều có mối liên hệ chặt chẽ với chứng thiếu ngủ."
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.