Miêu tả thường thấy của cơn đau tim là như bị một khối nặng đè lên ngực.
Trong những bộ phim, người ta ôm chặt ngực của mình, mắt đầy hoảng sợ và sau đó ngã xuống sàn nhà. Thực tế có thể giống vậy nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra.
Các cơn đau tim xảy ra khi việc cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn, thường do máu đông.
Bất chấp những gì đang diễn ra trong cơ thể, đôi khi người ta không hề cảm thấy đau ngực, cũng có nghĩa là họ sẽ không nhờ giúp đỡ. Ngay cả khi đau ngực nhẹ, nhiều người cho rằng họ bị khó tiêu và sau đó mới phát hiện ra rằng mình đã bị đau tim khi điện tâm đồ ở bệnh viện thể hiện thương tổn trong tim.
Đôi khi điều này được xem như cơn đau tim ngầm. Một nghiên cứu xuất bản năm 2016 cho thấy điều này xảy ra với 45% những ca đau tim.
Dữ liệu cho nghiên cứu này bắt đầu được thu thập vào cuối những năm 1990 và kể từ khi đó, công tác chẩn đoán đau tim đã được cải thiện đáng kể, do đó con số này có lẽ sẽ không cao như hiện nay, nhưng mỗi năm vẫn có nhiều người không biết mình bị đau tim.
Cũng có những bệnh nhân biết rằng mình không khỏe, nhưng không hiểu lý do tại sao.
Họ thấy đau ở hàm, cổ, cánh tay, bụng hoặc lưng và có cảm giác thiếu hơi, yếu hoặc choáng váng. Họ có thể đổ mồ hôi hoặc nôn mửa. Việc chẩn đoán bệnh tim cần dựa vào tổ hợp những triệu chứng thay vì cường độ của cơn đau tim.
Người ta thường nói những cơn đau tim không kèm theo đau ngực phổ biến hơn ở phụ nữ, khiến họ không nhờ giúp đỡ và làm giảm cơ hội sống sót.
Để xác định điều này, vào năm 2009 các nhà nghiên cứu ở Canada đã đề ra các biện pháp đánh giá triệu chứng đau tim một cách có hệ thống bằng cách nghiên cứu trên 305 bệnh nhân trải qua phẫu thuật tạo hình mạch vành.
Đây là quá trình một mạch máu bị nghẽn được mở lại bằng cách bơm phồng một quả bóng nhỏ bên trong mạch máu.
Quy trình này có thể mô phỏng vắn tắt những triệu chứng của cơn đau tim, vì vậy khi bóng được bơm phồng, bệnh nhân được yêu cầu mô tả cảm giác của mình lúc đó.
Các bác sĩ không nhận thấy sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới xét về cảm giác khó chịu trong ngực, đau tay, thở dốc, đổ mồ hôi hoặc buồn nôn, nhưng phụ nữ có nhiều khả năng bị đau ở cổ và hàm ngoài bên cạnh cơn đau ngực.
Tuy nhiên kết quả của các nghiên cứu khác lại khá thiếu nhất quán. Đôi khi các nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới và nữ giới đều có khả năng bị đau ngực, trong khi một số nghiên cứu khác lại cho rằng điều này phổ biến hơn ở nam giới.
Chính vì lý do này, một cuộc nghiên cứu đã được tiến hành vào năm 2011 với mục đích xác định liệu có sự khác biệt giữa triệu chứng của nam giới và nữ giới hay không.
Các nghiên cứu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Điển và Đức, Anh và Canada, đều được xem xét, trong đó có một nghiên cứu lớn nhất bao gồm hơn 900.000 người tham gia.
Dữ liệu được lấy từ 26 nghiên cứu tốt nhất, kết hợp và phân tích lại.
Họ kết luận rằng phụ nữ ít có khả năng bị đau ngực và có nhiều khả năng có các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt hoặc ngất và đau cổ, hàm hoặc cánh tay hơn nam giới.
Với cả hai giới, đa số vẫn gặp phải cơn đau ngực, nhưng một phần ba nữ giới và gần một phần tư nam giới bị đau tim mà không có triệu chứng gì ở ngực, khiến họ khó nhận ra điều gì đang xảy ra với họ.
Nếu không biết các triệu chứng của mình nghiêm trọng đến mức nào, đương nhiên bạn sẽ khó có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ. Trung bình người ta thường chờ từ 2 đến 5 giờ trước khi tìm kiếm sự trợ giúp.
Một nghiên cứu mới đã đào sâu vào quá trình quyết định có nên đến bác sĩ hay không của mọi người.
Các cuộc phỏng vấn với một số phụ nữ bị đau tim hé lộ rằng một nửa trong số đó đã biết có gì đó không ổn và ngay lập tức kêu gọi giúp đỡ. Ba người có những triệu chứng mơ hồ, vốn bắt đầu lại khá nhẹ nhàng nhưng sau đó trở nên dữ dội hơn, khiến họ tìm đến bác sĩ. Nhưng những người còn lại không hề biết những triệu chứng đó liên quan đến tim, quyết định chờ xem sao và không nói với ai khác.
Bài học rút ra là cơn đau ngực rất nghiêm trọng và có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim, nhưng cũng có thể là một tập hợp các triệu chứng khác, do đó chúng ta cần phải xem xét khả năng bị đau tim ngay cả khi nó không có vẻ giống như trong phim.
Claudia Hammond
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.