Monday, April 21, 2014

Nghĩ thoáng khi nghe Gabriel García Márquez qua đời

image
Gabriel García Márquez (1927-2014)
Để chỉ sự-sống-sau-cái-chết của một nhà văn, trong tiếng Việt có hai khái niệm: bất tử và bất hủ. Nhiều người bất tử nhưng không bất hủ: Đó là những cây bút có giá trị lịch sử hơn là giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật. Tác phẩm của họ còn, nhưng chỉ còn trong các thư viện đầy bụi bặm để các nhà nghiên cứu cặm cụi tìm tòi và phân tích như các nhà giải phẫu học nghiên cứu các tử thi trong phòng thí nghiệm. Chỉ riêng trong văn học Việt Nam, những người thuộc loại này nhiều vô cùng. Trong mỗi nền văn học, và mỗi thời đại, số người thực sự bất hủ rất hiếm: Đó là những người có tác phẩm, nói theo cách nói quen thuộc, “vượt thời gian và vượt không gian”, ở đâu và thời nào, đọc lại, người ta cũng thấy hay. Nhờ sự bất hủ của tác phẩm, tác giả thành bất tử.

Như vậy, trong bảng giá trị văn học, khái niệm bất hủ cao hơn khái niệm bất tử: Người bất hủ đương nhiên bất tử trong khi không phải ai bất tử cũng đều bất hủ. Điều đó cũng có nghĩa là, trong các yếu tố tạo nên giá trị văn học, tác phẩm quan trọng hơn con người. Chứ không phải ngược lại. Những người có cuộc đời lớn hơn tác phẩm (ví dụ các nhà cách mạng hay các nhà đạo đức) hiếm khi thực sự là những cây bút lớn và cũng hiếm khi còn lại với thời gian như những giá trị thẩm mỹ lúc nào cũng tươi roi rói. Ngược lại, với những nhà văn lớn thực sự, tác phẩm của họ bao giờ cũng thông minh, đẹp đẽ và cao lớn hơn hẳn con người của họ. Chính những tác phẩm như thế đã “cứu” họ khỏi trận lũ điên cuồng của sự quên lãng.

image
Nhưng cái lớn của tác phẩm không phải chỉ lớn tự bản thân nó. Cái lớn của tác phẩm, ngoài những giá trị tự tại, còn tùy thuộc vào hai yếu tố khác nữa: một là phê bình và hai là ảnh hưởng.

Theo tôi, một trong những tác dụng của phê bình là làm cho các tác phẩm lớn trở thành lớn hơn và đặc biệt, giàu có hơn. Mỗi bài phê bình hay, thực sự hay, phải là một cách diễn dịch mới. Nhiều bài phê bình hay như thế gọp lại, bức chân dung của tác giả và tác phẩm sẽ trở thành đa dạng, đa tầng, đa thanh và đa sắc hơn. Có thể nói, cái giàu của một tác phẩm hay một tác giả cũng giống cái giàu của ngân hàng: Giàu chủ yếu nhờ số tiền khách hàng ký thác. Trong văn học, sự ký thác ấy đến chủ yếu từ phê bình. Và như vậy, chúng ta có thể thấy ngay: Một nhà văn/nhà thơ sinh trưởng trong một quốc gia có nền phê bình phong phú và sâu sắc sẽ may mắn hơn một đồng nghiệp sinh trưởng trong một quốc gia như… Việt Nam, nơi phê bình không những ít mà còn yếu, không những nghèo mà còn vụng.

image
Thứ hai là ảnh hưởng. Tầm vóc của một người cầm bút lớn giống như tầm vóc của một nhà lãnh tụ lớn: Cái gọi là sự nghiệp của họ không phải chỉ thể hiện ở những gì họ làm mà còn ở tác động của những việc làm ấy đối với lịch sử. Ví dụ trường hợp của Nguyễn Du với Truyện Kiều: Tác phẩm này không những hay mà còn góp phần làm cho tiếng Việt (thời ấy còn viết bằng chữ Nôm) trở thành một ngôn ngữ văn học thực sự; làm cho truyện thơ trở thành một thể loại văn học; làm cho nhân vật nữ trở thành một hình tượng, hơn nữa, một hình tượng trung tâm của cả một thời đại; cuối cùng, làm cho chủ nghĩa nhân đạo trở thành một dòng chủ lưu trong văn học cổ điển Việt Nam.

Trường hợp của Gabriel García Márquez (1927-2014) cũng vậy, dĩ nhiên ở một tầm khác, rộng hơn (ở phạm vi toàn cầu) và cao hơn (ở tầm nhận thức và phương pháp sáng tác). Ảnh hưởng của Márquez lớn và cụ thể đến độ người ta có thể thấy được, cân đo đong đếm được. Ông đã biến Colombia, quê hương của ông, thành một xứ sở văn học thay vì chỉ là nơi nổi tiếng về việc trồng và buôn bán thuốc phiện. Ông đã thần thoại hóa nguyên cả một lục địa (Nam Mỹ) và qua đó, làm cho cả vùng đất ấy bỗng dưng có một linh hồn để từ các lục địa khác, các nền văn hóa khác, người ta có thể hình dung được con người châu Mỹ La Tinh thực sự như thế nào. Ông đã làm cho tiếng Tây Ban Nha trở thành một thứ ngôn ngữ văn học ở phạm vi toàn thế giới, một vai trò mà, theo nhiều nhà phê bình, chỉ có Miguel de Cervantes (1547-1616), với tác phẩm Don Quixote là có thể so sánh được.

image
Márquez không phải là người phát minh ra phương pháp sáng tác hiện thực thần kỳ (magical realism). Công lao ấy thuộc về nhà văn Argentina Jorge Luis Borges, nhà văn Cuba Alejo Carpentier và nhà văn Mễ Tây Cơ Juan Rulfo, nhưng không ai có thể phủ nhận được, chính Márquez, với cuốn Trăm năm cô đơn, câu chuyện viết về bốn thế hệ nhà Buendia, chứ không phải bất cứ ai khác, đã biến chủ nghĩa hiện thực thần kỳ trở thành một phương pháp sáng tác đặc sắc, một dấu ngoặt trong lịch sử văn học thế giới và một nguồn cảm hứng cho vô số các cây bút thuộc nhiều văn hóa và nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó, có lẽ có cả Việt Nam. Riêng tại Úc, nhân ngày ông qua đời, nhiều nhà phê bình và học giả đồng thanh nhấn mạnh: Nếu không có Márquez, có lẽ diện mạo văn học Úc trong suốt mấy chục năm vừa qua sẽ khác hẳn. Nhiều nhà văn tài hoa của Úc thừa nhận: Cách viết của họ thay đổi hẳn sau khi đọc Márquez.

Nhưng ảnh hưởng của Márquez còn lớn hơn tất cả những điểm vừa nêu. Ông không những thay đổi cách viết của nhiều người; ông còn thay đổi cả cách đọc của quần chúng, hơn nữa, qua đó, thay đổi cách nhìn về hiện thực của mọi người: Người ta bỗng phát hiện đằng sau những sự kiện ngỡ như rất hợp lý, được nối kết với nhau bằng một thứ quan hệ nhân quả bỗng xuất hiện vô số những làn sương mù mịt với những hình ảnh thấp thoáng: Cái gọi là hiện thực bỗng trở thành huyền ảo hẳn và ngược lại, những cái vốn được xem là huyền ảo lại trở thành như thực.

image
Với những người có tầm vóc lớn lao như vậy, cái gọi là chết hay qua đời chả có ý nghĩa gì cả. Có thể nói, họ có đến hai thân thể: một là xương thịt và một là giấy. Thân thể bằng xương thịt lụi tàn, trong khi cái thân thể bằng giấy, với những cuốn sách lấp lánh chữ nghĩa kia cứ tồn tại mãi. Chính vì vậy, nghe tin ông mất, tôi chả có chút cảm xúc gì cả. Không buồn. Không thấy mất mát. Nhưng tự dưng thấy… cô đơn. Tôi bèn với tay lên kệ lấy các cuốn sách của ông đọc lại. Qua các cuốn sách ấy, tôi gặp lại Márquez. Ông vẫn còn đó. Ông kể chuyện. Ông tâm tình. Ông vẫn ngây thơ đến khờ khạo khi bàn về một số vấn đề chính trị. Nhưng khi ông nói về đời sống và con người, về văn chương và chữ nghĩa, hầu như lúc nào ông cũng thâm trầm. Ông không có gì đổi khác cả.

Và có lẽ ông sẽ không bao giờ đổi khác.

Bởi vậy, tôi thấy chả cần gì phải thương tiếc ông.





Nguyễn Hưng Quốc


image

Nếu Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng?
TPP: Đòn bẩy cho Nhân quyền ở Việt Nam?
Thế giới nghẹt thở
Cách nhìn "Bên Dưới" hàng chữ in trên nhãn hiệu mộ...
Thiết giáp hạm lớn nhất nước Mỹ, USS Iowa
Bản chất của chế độ qua việc bắt và thả người
NASA cho phi thuyền đâm xuống Mặt Trăng
Bỏ qua đau thương xây dựng đất nước
VN có 'sập bẫy' thu nhập trung bình?
Vì sao chính quyền 'sợ' xã hội dân sự?
Nữ sinh bị đeo bảng "Tôi là người ăn trộm"
Xiềng chân Bầu Kiên là ngược đãi
Hoa Kỳ và Nga đang rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạ...
Ai đã vận động cho tự do của tiến sỹ luật Cù Huy H...
Khai trương Trung tâm Hoa Kỳ hiện đại ở Hà Nội
Bí mật con gái bên những dòng sông
Những nạn nhân trong mùa khai thuế
Tản mạn chuyện Phù Tang
Chân dung các vị vua cuối cùng đời nhà Nguyễn
Phóng viên tạp chí Life chụp ở Đông Dương năm 1948...
Hành phi chiên bằng "dầu hố ga"
Hàng trăm người mất tích trong vụ chìm tàu Nam Tri...
Chữa mồ hôi tay chân
Người Việt trên TV Nhật
Kế sách tuyệt diệu của csvn: Trục xuất người phản ...
Nữ thợ săn 13 tuổi và đại bàng
Những cái nón cối đi qua đời tôi
Chiến thuật "Luộc Ếch" của cộng sản
Những luật lệ kỳ quái nên nhớ khi ra nước ngoài
Cỏ mọc không kịp!
Hương Bồ Kết
Đầu tư vào rác ở Việt Nam
Bí mật về số điện thoại và tuổi
Những phong tục lạ ở mạn thượng du Bắc Việt
Trò chuyện với người phơi bày vụ 5 công an Tuy Hòa...
Facebook: một thế giới khác
Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung: ‘Tôi đã cố quên đi cái ...
Hòa hợp, hòa giải cho ai?
Thả tù chính trị, Việt Nam muốn đổi gì?
Bàn cờ mới: Trung Quốc được lợi

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.