Wednesday, April 9, 2014

Xin anh đừng đánh !!!

image
‘Xin anh đừng đánh, từ sáng tới giờ em bị đánh bầm dập rồi’ 
Đó là lời van xin của anh Ngô Thanh Kiều bị công an TP Tuy Hòa bắt vì nghi ngờ có liên quan đến một vụ ăn trộm và sau đó đã bị 5 “cán bộ điều tra” dùng dùi cui đánh đến tử vong.

image
Các bị cáo tại phiên tòa

Theo lời kể của Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra, Công an TP. Tuy Hòa) người bị truy tố khung tội nặng nhất trong số 5 bị cáo nguyên là sĩ quan công an tại Phú Yên; tội “dùng nhục hình” theo khoản 3 điều 298 Bộ luật Hình sự, có mức án từ 5 - 12 năm tù...

Khi bị đưa ra tòa và bị các đàn anh đổ hết tội lên đầu mình, Thành đã kêu oan, nói không đánh Kiều vào đầu (như cáo trạng nêu). Thành chỉ dùng dùi cui giơ lên định đánh nhưng Kiều năn nỉ,
“Xin anh đừng đánh, từ sáng tới giờ em bị đánh bầm dập rồi,” thế là Thành không đánh. Thành lý giải, mình chỉ được phân công canh giữ Kiều nên “không có lý do để xét hỏi và đánh,” chỉ “hỏi thăm Kiều theo… tình nhân loại.” Lúc vào canh giữ, Thành đã thấy một số bị cáo đá, đánh Kiều làm chảy máu miệng. Thành đã lấy nước cho Kiều uống…

Cấp nhỏ bị tù, cấp lớn hưởng án treo

image
Trước đó, trong phần luận tội, kiểm sát viên Ngô Thị Hồng Minh, đại diện Viện Kiểm Sát Nhân Dân (VKSND) TP Tuy Hòa, đề nghị mức án từ 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra - Công an TP Tuy Hòa, người có cấp bậc nhỏ nhất trong số 5 bị cáo), 4 bị cáo còn lại được đề nghị từ 12 đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Những lời khai của 5 bị can này trái ngược nhau gần như một cuộc "đấu khẩu" và anh nào cũng muốn tự bảo vệ mình nên "tố" nhau lung tung trước tòa làm cho những lời khai bất nhất. Nhưng cũng chính từ đó cũng thấy được gần như toàn bộ cảnh tra hỏi của những người có trách nhiệm.

Thật ra những cảnh bức cung, dùng nhục hình, người dân sợ quá phải nhận tội, bất kể tội gì dù tội giết người, đã từng diễn ra rất nhiều lần tại các cơ quan điều tra.

Kinh hoàng vì bị bức cung và dùng nhục hình

image
Người dân chưa quên vụ án lớn của ông Nguyễn Thanh Chấn bị bức cung phải nhận tội giết người, bị 10 năm tù oan thì gần đây tại Sóc Trăng lại xày ra một vụ bức cung khác đang làm dư luận lên án. Đó là vụ Các cơ quan tố tụng của tỉnh Sóc Trăng mắc sai sót khiến cho 7 nam, nữ thanh niên suýt vướng vào vòng lao lý sau nhiều tháng bị tạm giam.

Trưa 1-3-2014 vừa qua, anh Trần Hol kể ngay từ lúc bị công an mời lên làm việc, anh Hol đã khai ra nhiều chứng cứ ngoại phạm đối với bản thân anh trong đêm xảy ra vụ án. Tuy nhiên, các điều tra viên của Công an huyện Trần Đề vẫn một mực cho rằng Hol là hung thủ, thậm chí đánh anh.

Anh Trần Hol kể thêm, “Chuyển lên Công an tỉnh Sóc Trăng, tôi cũng bị đánh đến bất tỉnh... Do chịu không nổi, tôi khai nhận mình đã giết anh Dũng.”

Tương tự, anh Thạch Sô Phách cũng kể, “Lúc bị tạm giữ ở Công an huyện Trần Đề, anh bị 3 cán bộ công an thay nhau hỏi cung và đánh đập. Khi áp giải lên công an tỉnh, anh lại bị 4 cán bộ điều tra đánh tiếp. Do không chịu được nhục hình, anh cũng đã nhận bừa tội.” Anh Trần Văn Đỡ cũng bị như vậy.

Vụ án tưởng chừng như đã xong, thậm chí ban chuyên án chuẩn bị nhận thưởng “nóng” thì bất ngờ vào giữa tháng 12-2013, Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Sài Gòn, đầu thú, thừa nhận chính cô và Nguyễn Kim Xuyến (ngụ thị trấn Trần Đề) đã giết ông Lý Văn Dũng với ý định cướp tài sản nhưng không thành.

Nếu hung thủ không xuất hiện thì cuộc đời của 7 nam nữ thanh niên kia tàn mạt rồi. Bức cung và ép cung đã thành một tệ nạn kinh hoàng đối với người dân. Ngay cả với những người lương thiện bởi chưa biết lúc nào bị tố cáo oan, bị nghi ngờ rồi mang đi điều tra cũng có thể gặp cảnh này.

Nguyên nhân vụ án

image
Theo cáo trạng, do nghi ngờ ông Kiều liên quan đến một vụ trộm cắp tài sản, ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa đã chỉ thị cho cấp dưới đến nhà bắt ông Kiều vào lúc 3g15 ngày 13.5.2012, rồi đưa về trụ sở Công an Tuy Hòa. Tại đây, các bị cáo trên đã thay nhau dùng dùi cui đánh ông Kiều, trong đó, Thành đã cầm dùi cui bổ thẳng vào đầu ông Kiều 2 - 3 cái. Lúc 17g40 cùng ngày, ông Kiều tử vong do chấn thương sọ não.

Vụ án này đã được Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao vào cuộc phanh phui.

Tại tòa, một số bị cáo đã thừa nhận hành vi của mình là sai pháp luật và khai thêm nhiều tình tiết mới so với cáo trạng, trong đó có việc “tố” lẫn nhau, đó là việc một số điều tra viên đã dùng dùi cui cao su đánh nhiều lần vào chân ông Kiều, chứ không chỉ mỗi người một lần.

Năm sĩ quan công an cùng bị truy tố tội dùng nhục hình. Đó là các bị cáo Nguyễn Minh Quyền (thiếu tá, đội phó Đội trinh sát Phòng cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (thiếu tá, đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa), Phạm Ngọc Mẫn (thượng úy), Đỗ Như Huy (trung úy), Nguyễn Thân Thảo Thành (thiếu úy, đều là cán bộ điều tra, trinh sát của Công an TP Tuy Hòa).

Tất cả như một cuốn phim quay chậm diễn ra trên hầu hết các tờ báo lớn báo nhỏ trong tuần này và gây ra một luồng sóng phẫn nộ của toàn thể người dân VN. Có quá nhiều tình tiết nên tôi chỉ trích những đoạn then chốt để độc giả dễ theo dõi.

Đáng chú ý nhất là lời khai của Nguyễn Thân Thảo Thành người có cấp thấp nhất và bị đề nghị kết án tù trong khi các đàn anh chỉ bi án treo.

Lời khai thứ nhất tại tòa

image
Bị cao Nguyễn Thân Thảo Thành tại phiên tòa.
Lời khai của Thành, “Khi vào tôi thấy phòng đóng cửa, không bật quạt, người anh Kiều ướt đẫm mồ hôi, ngồi gục xuống ghế. Hai tay anh Kiều bị còng ra sau dính vào ghế, hai chân cũng bị còng. Tôi thấy Nguyễn Tấn Quang dùng chân đạp vào anh Kiều, còn một người khác dùng tay đập vào tay anh Kiều đang bị còng. Ăn cơm xong, tôi vào thì thấy Nguyễn Minh Quyền và Phạm Ngọc Mẫn tiếp tục đánh anh Kiều. Quyền cầm gậy cao su quật liên tục vào người anh Kiều nên tôi bỏ ra ngoài. Khi anh Nguyễn Trần Nguyên Phúc phân công tôi vào canh giữ Kiều, tôi hỏi vài câu nhưng anh Kiều không nói. Tôi cầm gậy cao su để trên bàn định đánh anh Kiều thì anh Kiều van xin, nói, “Xin anh đừng đánh em. Sáng giờ em bị đánh bầm dập lắm rồi” nên tôi không đánh. Lần thứ ba tôi vào, tôi thấy môi anh Kiều bị chảy máu. Lúc này, Nguyễn Tấn Quang dùng gậy cao su đánh rất nhiều cái vào người anh Kiều chứ không phải vài cái như bị cáo này khai. Khi tôi được anh Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, chỉ định dẫn giải Kiều đến Công an tỉnh thì anh Kiều đã gục lên gục xuống.”

Đồng thời, Thành đưa ra thông tin mới là sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Tấn Quang đã gặp Thành để chấn vấn. Theo đó, Quang không bằng lòng với lời khai của Thành là thấy Quang đã đánh vào đầu anh Kiều. Quang nói, “Chết rồi! Sao em lại khai vậy? Anh cùng anh Quyền, anh Mẫn đã thống nhất là khai khác rồi mà!.” Đáp lại lời khai này, bốn bị cáo Quang, Huy, Quyền, Mẫn đều im lặng!

Lời khai sau cùng: ’Tôi rất nhục nhã khi phải đứng chung với các anh’
Khi ra tòa, từ đầu đến cuối bị cáo chính Nguyễn Thân Thảo Thành đều nói mình không đánh nạn nhân.

image
Nói lời sau cùng tại phiên xử sáng 29-3, bị cáo Thành nói, “Tôi rất nhục nhã khi đứng với những con người như thế này. Họ đánh chết người mà không dám nhận. Tôi xin các phóng viên hãy nói rõ việc này. Tôi là con người thẳng thắn. Những gì tôi nói là sự thật.”

Trước đó, bị cáo này cũng tố cáo, “Các anh đánh chết người mà không dám nhận, lại đổ lỗi cho tôi. Tôi đề nghị tòa làm rõ hơn hành vi đánh người của các bị cáo Quang, Mẫn, Quyền,Huy. Các anh góp tiền cho tôi để bồi thường gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, tôi không đánh anh Kiều nên tôi không nhận.”

Về vấn đề này, đại diện VKS giải thích: sau khi sự việc xảy ra, các cán bộ công an trong cơ quan góp tiền để hỗ trợ Thành bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Luật sư nói gì

image
Luật sư Võ An Đôn (người bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại) tâm sự với báo chí: Tôi quá xót xa, đau lòng trước cảnh hai đứa trẻ mồ côi, trong đó cháu bé sinh ra mà chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cha, trong khi gia đình lại quá nghèo. Hơn nữa, tôi rất bức xúc trước hiện tượng có nhiều nghi can, bị can chết bất thường tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Để người dân khỏi chết oan và bị tù oan, tôi quyết định làm rõ vụ án này, đưa ra ánh sáng. Mục đích của tôi là tìm ra công lý, xử lý những người thi hành công vụ mà làm sai luật pháp. Chính vì thế, tôi nhận làm vụ này hoàn toàn miễn phí.

Tại phiên tòa, theo lời luật sư Đôn, Thành đã bị tạm giam quá thời hạn mà không có lệnh bổ sung. Theo cáo trạng, Thành là người đánh vào đầu nạn nhân, gây hậu quả chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong. Do đó, Thành bị xem là bị cáo chính của vụ án.

image
Luật sư Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành)

Tại phiên tòa sáng 29-3, bị cáo Thành đã nói trước tòa, “Tôi yêu cầu cơ quan điều tra, VKS phải trả lời cho tôi vì sao giam tôi trong một thời gian dài mà không có lệnh?.”

Nếu lời khai của Thành là sự thật, có nghĩa là trong thời gian khai báo, bốn công an viên này đã có sự thông đồng để cho lời khai giống nhau. Thiết nghĩ nếu khai theo sự thật, thì tại sao phải bàn bạc trước khi nói? Phải chăng trong vụ án này đã thực sự có dấu hiệu cung cấp lời khai và chứng cứ gian dối, để lọt tội phạm. Ông nói: ông Hoàn là phó Công an TP Tuy Hòa đồng thời là trưởng ban chuyên án 312T trực tiếp chỉ đạo các cán bộ cấp dưới lấy lời khai anh Kiều nhưng dùng nhục hình đánh anh đến chết, thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên ông Hoàn phải chịu trách nhiệm.

Phiên tòa xử năm công an dùng nhục hình đánh chết nghi can Ngô Thanh Kiều sẽ tuyên án vào chiều 3-4. Tôi sẽ tường thuật cuối bài này.

Phản ứng quyết liệt của gia đình nạn nhân

image
Bà Ngô Thị Tuyết (chị Kiều): Gia đình người bị hại yêu cầu khởi tố ông Lê Đức Hoàn
Nhiều người theo dõi phiên tòa đã lặng đi trước hàng loạt câu hỏi đầy uất ức xen giữa những tiếng nấc nghẹn của chị Ngô Thị Tuyết, chị của nạn nhân.

Suốt nhiều tháng liền, chị là người đại diện gia đình gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng, yêu cầu điều tra, xử lý hành vi đánh người của các cán bộ công an. Chị Tuyết đặt câu hỏi, “Nếu em tội phạm tội thì có luật pháp xử lý. Tại sao giữa đêm khuya, dù không có lệnh bắt, họ lại ngang nhiên đến nhà còng tay bắt em tôi đi, rồi họ tự cho mình cái quyền được đánh đập người khác.” Chị Tuyết không đồng ý với đề nghị của VKSND TP Tuy Hòa về việc cho bốn bị cáo hưởng án treo.

“Luật pháp ở đâu khi em tôi bị đánh chết mà bốn bị cáo được đề nghị hưởng án treo? Một con người bị còng hai tay dính vào ghế, hai chân cũng bị còng, không có khả năng tự vệ lại bị năm công an có đầy đủ vũ khí đánh đập tàn nhẫn như vậy. Tử tù trước khi chết còn được cho ăn bữa cơm cuối cùng, còn em tôi có tội gì mà bị bỏ đói suốt từ sáng đến chiều? Khi khám nghiệm tử thi, trong bụng không hề có một chút thức ăn. Trong khi đó, trưa 13-5-2012, hàng loạt cán bộ công an thản nhiên ngồi ăn cơm trong tiếng la hét đau đớn của em tôi. Các người có lương tâm không? Các bị cáo chối tội đánh vào đầu em tôi gây chấn thương sọ não, vậy ai là người đánh chết em tôi? - Chị Tuyết liên tục chất vấn: Các người nghĩ gì khi nhìn thấy những tấm ảnh chụp những thương tích khắp người của em tôi. Các người nói chỉ đánh gây xây xát ngoài da, tại sao các bộ phận bên trong thi thể của em tôi bị nát hết?.”

image
Khi khám nghiệm tử thi cho thấy có đến 8 vết thương ở đầu. Chưa kể những vết thương ở vùng bụng, ngực làm tổn thương nội tạng.

Với dáng vẻ mệt mỏi, chị Trần Thị Tâm (vợ anh Kiều) băn khoăn, “Tôi không hiểu vì sao dân đánh người thì cho là tội cố ý gây thương tích hoặc giết người, còn công an đánh chết chồng tôi thì chỉ là tội dùng nhục hình(?).”


Dùng nhục hình như thời trung cổ

image
Chị Ngô Thị Tuyết, cho rằng có nhiều tình tiết cho thấy bỏ lọt tội phạm. Chị Tuyết cũng nghi ngờ kết quả giám định pháp y của Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên. “Bản giám định này không cho biết rõ nội tạng em tôi bị bầm dập là do đâu? – Chị Tuyết nói, “Tôi đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ để giám định pháp y ở cấp cao hơn nhưng chủ tọa phiên tòa lướt qua không thèm trả lời.” Đề cập đến mức án VKSND TP Tuy Hòa đề nghị, bà Tuyết phẫn nộ, “Trời ơi, họ nghĩ sao khi điều tra viên dùng nhục hình như thời trung cổ, ra tòa còn quanh co chối tội mà đề nghị án treo? Công lý ở đâu? Làm sao tôi chấp nhận? Nếu HĐXX tuyên theo mức án đề nghị, gia đình chúng tôi sẽ kháng án.”

Luật sư nói gì?

Đối đáp với đại diện VKS, luật sư Võ An Đôn (bảo vệ quyền lợi cho gia đình người bị hại) cho rằng việc công tố viên nói do ông Lê Đức Hoàn (phó Công an TP Tuy Hòa) có nhiều cống hiến, công trạng nên miễn trách nhiệm hình sự là không đúng quy định của pháp luật.

Giải thích về đề nghị này, luật sư Đôn nêu: Kết quả tranh luận tại tòa cho thấy ông Hoàn có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bởi ông là phó Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án, trực tiếp chỉ đạo các cán bộ cấp dưới lấy lời khai anh Kiều nhưng để họ dùng nhục hình đánh chết người.

Dùi cui quất vào đâu?

image
Lê Thanh Phong đã viết trên báo Lao Động: Chẳng cần phải chờ đợi một bản án và những tuyên phạt của hội đồng xét xử cho các bị cáo là công an dùng nhục hình đối với Ngô Thanh Kiều, thì nhân dân cũng đủ kết luận và "tuyên án” đối với họ. Cho dù nguyên trung úy công an Đỗ Như Huy cúi đầu xin lỗi gia đình nạn nhân thì cũng không thể vơi bớt nỗi đau trong lòng của người vợ mất chồng, hai đứa con mất cha, cũng không xoa dịu được cơn giận của người dân.

Nhân dân tuyên án dựa trên hành vi: 5 vị công an này đã dùng dùi cui quật vào lương tâm của chính mình. 5 vị công an này đã dùng dùi cui quật vào danh dự của người công an nhân dân. 5 vị công an này đã dùng dùi cui quật vào lòng tin của dân.

image
Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP.Tuy Hòa sẽ tuyên mức án cụ thể với 5 vị công an kia, nhưng không phải thế là xong. Những người chỉ đạo điều tra công dân Ngô Thanh Kiều cũng phải chịu trách nhiệm. Cụ thể là ông Lê Đức Hoàn - Phó Công an thành phố Tuy Hòa - người trực tiếp phân công cán bộ bắt giữ và xét hỏi công dân Ngô Thanh Kiều trái phép. Ông Lê Đức Hoàn không thể không chịu trách nhiệm trong vụ án này.

Bản án bị phản đối toàn diện

Chiều 3-4-2014 vừ qua, sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, Tòa án TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã tuyên phạt cựu cán bộ điều tra Công an TP Tuy Hoà Nguyễn Thân Thảo Thành mức án 5 năm tù, Nguyễn Minh Quyền 2 năm tù, Phạm Ngọc Mẫn 1 năm 6 tháng tù cùng về tội Dùng nhục hình.

Liên quan đến vụ án, các bị cáo
Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá - đội phó điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Tuy Hòa) bị phạt 1 năm 3 tháng tù, Đỗ Như Huy 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội danh.

Đối với ông Hoàn, HĐXX cho rằng ông này có dấu hiệu của tội Bắt giữ người trái pháp luật và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm, song chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị các bị cáo bồi thường 99 triệu đồng tiền gây tổn thất tinh thần, mai táng phí. Đồng thời, cơ quan chủ quản là công an TP Tuy Hòa có trách nhiệm bồi thường theo điều 260 bộ luật dân sự.

Nhiều người, nhiều bên phẫn nộ

Luật sư Võ An Đôn, bào chữa cho bị hại, cho rằng, “HĐXX đã liều lĩnh, đạp lên dư luận, pháp luật để ra bản án trái pháp luật. Một bản án bỏ lọt tội phạm nguy hiểm. Cụ thể ở đây là ông Lê Đức Hoàn phạm 3 tội nhưng không bị khởi tố tội nào. Một bản án không đúng khung hình phạt. Năm bị cáo trên phải bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” hoặc tội “Giết người” mới đúng.”

image
Khi chủ tọa phiên tòa vừa tuyên án xong, bà Ngô Thị Tuyết, chị của Ngô Thanh Kiều, gào khóc và cho biết sẽ kháng án. Một phụ nữ có chồng trước đây chết trong nhà tạm giữ của công an, khi nghe tuyên án xong cũng ngã lăn ra khóc giữa sân tòa bày tỏ sự bất bình. Phải rất lâu, đám đông người dự khán mới giải tán.

Ông Nguyễn Văn Thân, cha của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cho rằng con ông là con tốt bị thí trong vụ án. “Vì sao người ta không truy tố tội “Cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng”? Chỉ vì nếu truy tố tội ấy sẽ có khung hình phạt cao hơn, một số người khác như ông Hoàn cũng bị tội. Tôi sẽ kháng án.” Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Thành, nói chưa ở đâu như HĐXX này, chưa đủ chứng cứ, nhiều dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà vẫn cứ xét xử, vẫn cứ tuyên án.

Bản án này lại gây ra một luồng sóng phản đối dữ dội trong dư luận, hẳn bạn đọc cũng không tìm thấy công lý ở đây và sự kháng cáo của gia đình nạn nhân sẽ… đi đến cái thế giới nào?


image

Hai bị cáo Nguyễn Tấn Quang (bìa trái) và Đỗ Như Huy xin lỗi gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều sau khi kết thúc phiên xử sáng 29/3.
Các cơ quan lập pháp nhanh chóng tìm ra mọi biện pháp hữu hiệu nhất để chấm dứt những cảnh dùng nhục hình, đánh đập người bị điều tra để bức cung. Cần phải có luật sư của nghi can chứng kiến ngay từ đầu và có camera theo dõi toàn bộ vụ các vụ điều tra. Như thế sẽ bớt được cảnh lộng quyền ép cung của một số điều tra viên thiếu lương tâm.



Văn Quang (4-4-2014)


image

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Một kỹ thuật đơn giản giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử...
Tổ chức EDLC và BPSOS ra thông cáo chung về Tiến s...
Thám Tử Cơ Khí Mark Hood
Ðế quốc lánh mặt
Vị "thánh ăn xin" 99 tuổi được cả thế giới ngưỡng ...
DCCT Sàigòn: Nhóm Ve Chai
Sự tích hoa Anh Đào
Phố Đèn Đỏ_Red light District
Thế giới học được bài học gì từ vụ diệt chủng Rwan...
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Trung thách thức nhau về c...
Khi chính quyền bị châm biếm trên mạng
VN thả TS Hà Vũ sang Mỹ 'chữa bệnh'
Không muốn kết nghĩa với Nha Trang
Chắc chắn là không
Sương khói sầu vương ánh mắt ai
Hội nghị cấp cao sông Mekong xem xét các thách thứ...
Putin Nga thua bàn II, cạn láng!
Trẻ em Nhật và những bài học đạo đức thú vị
Đinh Đăng Định là người can đảm
Chính quyền nợ cha tôi một lời xin lỗi
Thuốc lá điện tử có an toàn hơn thuốc lá thật?
Dân biểu Mỹ yêu cầu Đại sứ Shear bảo vệ chức sắc t...
Dấu hiệu cảnh báo các bệnh hiểm nghèo
Phương Mỹ Chi: ‘Ca hát không có kiến thức người ta...
Nước Đức tặng Trung Quốc bản đồ cổ
Đời sống cựa mình
Các mức độ phê phán
Ca sĩ Khúc Uyển Đình: Gạch nối giữa hai nền văn hó...
Ði câu với những tay 'sát cá' người Việt ở Florida...
Lê Văn Tám và tác động đến trẻ thơ
Giáo dục VN: cố sửa hay trở về gốc?
Ukraine nói cảnh sát đặc nhiệm bắn người
Bi kịch một tướng cướp
Tôi là người Ukraine: thu hút hàng triệu lượt xem ...
Vẫn không có một dấu hiệu nào của MH370
Người nước ngoài suy nghĩ gì về người Việt Nam
FBI phanh phui hệ thống xã hội đen ở Chinatown San...
Nỗi buồn gỏi cá
Đổ Nước Đường

2 comments:

  1. Án nặng hay nhẹ tùy theo "bôi trơn" mhiều hay ít.Kinh nghiệm bả thân

    ReplyDelete
  2. Nhân Quyền Hay Quyền Được Oán !

    Việt Nam nhục nhã : Nhân Quyền !
    Quyền dân “ được ” đánh trong đồn côn an !
    Nhìn bao cảnh đánh Dã Man !
    Nhìn bao thân thể Nát Tan , hỡi trời !

    Thanh thiên bạch nhật , giữa đời
    Khảo cung bằng những nhục hình thời xưa !
    Chúng coi mạng sống từa lưa
    Không bằng súc vật , hỡi ôi dân mình !

    Việt Nam quá khổ tội tình !
    Nhân quyền khốn kiếp , quyền dân căm hờn !
    Bọn người mặt thú , chờn vờn
    Việt gian quỷ đỏ hại người Việt Nam !

    Ghê thay cho lũ bạo tàn
    Gớm thay cái lũ sài lang giả người !
    Bọn người dân khóc , chúng cười !
    Dân đen chôn xác , chúng khui rượu mừng !!!

    Hoàng Hạc

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.