Thursday, April 3, 2014

Đời sống cựa mình

image
Tôi trở về nhà sau hai đám tang ở California. Một của người anh thân yêu, sau gần một năm mang trọng bệnh, một của người bạn trong giới truyền thông mấtđột tử ngay trong nhà anh. Cả hai đều trên bảy mươi tuổi.

Lòng tôi vô cùng buồn bã nhưng vẫn phải chấp nhận những cuộc tiễn người thân đi lần cuối. Ở lứa tuổi bảy mươi, cái chết không còn là một sự tình cờ nữa, nó chỉ là một sự chuyển tiếp của đời người, của luật sinh tử mà thôi.

image
Thành phố Seattle đã ngớt những cơn mưa. Hoa đào trong phố thi nhau nở từng mảng hồng dưới nắng xuân ấm áp.Trong vườn nhà ai hoa thủy tiên đất đã loang loang vàng, hoa mộc liên (magnolia) cánh ngôi sao cũng nở rộ, trắng như những chùm hoa tuyết. Ngày xuân phân vừa bước qua thềm nhà tôi, cánh cửa ra vào nhận những vệt nắng lấp lánh làm mới hẳn lên cái mầu sơn đỏ. Ngoài vườn, dưới những phiến đá rải rác những con giun chui ra tìm nắng phơi mình cho ấm. Cỏ non bắt đầu nhú ra cùng một lúc với những cây hoa nho nhỏ. Cả mảnh vườn đang lên tiếng gọi bàn tay người đến chăm nom, làm mới lại.Trong đầu tôi đã hình dung ra những bao phân bón, những vỉ hoa mới cần chêm thêm vào vườn cho mùa xuân, mùa hạ. Máng chim ăn cũng cần được đổ đầy sau mấy tuần vắng nhà. Cả khu vườn, mặt đất như đang mở ra, chờ người làm vườn cúi xuống.

Mặt đất trong vườn nhà tôi cũng cựa mình bởi những gót chân nai. Sau mùa đông trốn trong cánh rừng gần nhà, mùa xuân nai bắt đầu đi tìm búp non. Đã rất nhiều lần, tôi phân vân chọn lựa, giữa nai và hoa. Ngắm cả một gia đình cha mẹ, con cái nai vào vườn quả là một bức tranh thật đẹp của mùa xuân, của đời sống thanh bình, nhưng khi gia đình nai bỏ đi thì bao nhiêu cây hoa trong vườn bị ăn không còn một nụ. Trông những cái cây thương lắm! 

image
Bây giờ tới lượt đàn kiến, những con kiến chui ra khỏi tổ tìm mùa xuân, gặp mấy giọt nước mưa, chúng chui ngay vào nhà tôi trú ngụ. Trên gác, dưới nhà, trong bếp, buồng ngủ, dưới gầm bàn viết, cứ thỉnh thoảng cúi xuống là gặp ngay hai ba chú kiến đen khá to đang đi lang thang.

Tôi mang nỗi buồn của mình, bẻ ra, chia cho mỗi con kiến một mảnh rồi bắt nó thả ra ngoài cửa. Tôi biết thế nào nó cũng quay lại và tìm cách chui vào nhà nữa.
Những con kiến này, chúng nhắc nhở cho tôi sự cựa mình của trời đất, đời sống đang trôi theo thời gian, mùa màng bắt đầu khai mở.

Tôi vừa đi qua hết tháng ba của đất trời. Bắt đầu sang tháng tư, nghĩ đến những vụ mùa đang mở ra, những hoa trái sẽ đâm chồi, kết quả, trong mùa xuân và mùa hạ. Khoảng thời gian từ đầu xuân cho tới cuối hạ là khoảng thời gian Hoa Niên của đất trời. Tất cả sức sống vươn lên từ nắng gió của hai mùa này.

Trong tháng ba tôi đi nhỏ lệ cho người nằm xuống đất, thì cũng là tháng đất được các nông gia hồi sinh. Đời sống vẫn cựa mình.

image
Tháng ba, nhà nông ở bang California với những chiếc cầy máy, thay cho con trâu   họ bắt đầu vỡ đất, đánh luống, bón phân và giữ mực nước 5inches trên những thửa ruộng. Sang tháng tư, một chiếc máy bay sẽ làm công việc gieo những hạt thóc giống xuống những cánh đồng thay cho bác nông phu. Những hạt giống nằm sâu
trong đất và nước cần 5 tháng để trở thành một bông lúa cao 3 feet.


Tháng 9 đến, là mùa lúa chín. Những hạt thóc vàng làm bông lúa nặng trĩu, cong xuống. Những chiếc máy gặt sẽ được đem ra, bác nông phu ngồi trên đó điều khiển máy qua lại trên từng luống lúa. Gặt lúa xong, bác mang đến xưởng, ở đó những người thợ khác sẽ cho thóc vào máy, đánh lớp vỏ trấu ra lấy gạo. Trung bình cứ 1 acre cho 8,000 pounds gạo.

Cũng thế, đời sống cựa mình khắp nơi. Trên 15 tiểu bang của nước Mỹ người ta cũng thi nhau trồng khoai sau giấc đông miên. Tùy theo khí hậu từng vùng, khi mặt đất đã tan những phiến băng mỏng giòn, nhà nông bắt đầu trồng khoai vào đầu tháng tư, có nơi ấm áp họ trồng sớm hơn. Khoai có nhiều loại khác nhau. Có loại phải đợi từ 65 cho đến 140 ngày. Có loại từ 100 cho đến 130 ngày mới thu hoạch được. Nhưng bao giờ cũng phải đợi cho những cuống hoa trên mặt đất phải thật sự héo tàn mới đào củ lên. Hoa khoai có mầu trắng, ẻo lả trong đám lá xanh màu ngọc, rất đẹp. Khoai giữ trong kho lạnh, khô và tối có thể sau 10 đến 12 tháng, vẫn còn nguyên chất bổ dưỡng.

image
Gạo và khoai là hai thực phẩm chính cho con người trên khắp mặt đất. Vì là thực phẩm nuôi cơ thể nên mẹ thiên nhiên đã cho hai thứ này sinh sôi, nẩy nở vào mùa xuân, mùa hạ. Con người thấy được no đủ sau những ngày thu đông.

Không như những thức ăn thể chất, về thức ăn tinh thần, mùa nào thiên nhiên cũng chiều theo lòng người: Xuân có cánh đồng cỏ thơm cho bàn chân thỏa mãn; hạ có hồ sen cho hơi thở thơm lừng; thu có hoa cúc, rượu cúc, để bạn hiền vừa nhâm nhi vừa nhìn vào mắt nhau; đông có tuyết, có gió mưa để có cớ sưởi ấm vai nhau. Và cả bốn mùa thơ lúc nào cũng đọc được trên môi.

Tôi bắt đầu sửa soạn làm vườn, tôi chăm chú cúi nhìn mặt đất: cỏ xanh đang nhú ra, những côn trùng nho nhỏ; cái xẻng nhỏ bám chút đất nâu hồng; mầm hoa vàng hé nở; cánh chim bay ngang vai đang gọi mồi; cái máng thức ăn chao chao dưới cành lá xanh thẫm. Nắng ngời ngời chiếu rực những phiến đá trong vườn. Ai đó đã nói: “Tôi xới đất trồng trọt mảnh vườn của tôi và mảnh vườn cũng trồng trọt lại trong tôi.”(*)  Đúng rồi, tôi luôn luôn cảm thấy những hạt giống khỏe mạnh, tốt đẹp, lương thiện được gieo trong lòng mỗi khi xới đất lên, trồng một cây hoa xuống. Hóa ra cả tôi và vườn đều được cái ân huệ cho và nhận.

image
Tôi nói thầm thì trong đầu. Đời sống đang cựa mình, nhà nông đang vỡ đất, thực phẩm sẽ sinh ra trên mặt đất phì nhiêu, mặt đất bao năm đã cất giữ những hình hài xương da người đi trước của bao nhiêu thế hệ, nay tất cả đã thành phân bón. Có người anh và người bạn của tôi vừa đóng góp thân thể họ vào việc giúp cây lúa trổ hoa cho khoai sinh củ.

Những con kiến đang tìm cách đi vào trong nhà tôi, trời bắt đầu ấm áp. Những giọt mưa xuân trên hoa đào, chút nắng hắt lên cánh cửa sơn đỏ. Tôi chia nỗi buồn của mình trên lưng mỗi con kiến để nghe lòng mình lắng xuống và nghe tiếng thở của đất phà lên.

Đời sống cựa mình.

Trần Mộng Tú
3/30/2014

Nguồn: Rice and Potato –Wikipedia


(*) I cultivate my garden and my garden cultivates me. Robert Brault


image

Các mức độ phê phán
Ca sĩ Khúc Uyển Đình: Gạch nối giữa hai nền văn hó...
Ði câu với những tay 'sát cá' người Việt ở Florida...
Lê Văn Tám và tác động đến trẻ thơ
Giáo dục VN: cố sửa hay trở về gốc?
Ukraine nói cảnh sát đặc nhiệm bắn người
Bi kịch một tướng cướp
Tôi là người Ukraine: thu hút hàng triệu lượt xem ...
Vẫn không có một dấu hiệu nào của MH370
Người nước ngoài suy nghĩ gì về người Việt Nam
FBI phanh phui hệ thống xã hội đen ở Chinatown San...
Nỗi buồn gỏi cá
Đổ Nước Đường
Nguồn gốc từ đâu có chữ OK
Làng làm khô nhái
Những con đường đạt kỷ lục thế giới
Internet 'đem lại tự do'
Phận người trong những lồng sắt ở Hong Kong
Bị cấm cửa, mới giật mình
Địa chính trị và thân phận các nước nhược tiểu
Hạn chế 'con ông cháu cha' trong lịch sử
Trung Quốc tịch thu 14,5 tỉ đô la tài sản liên qua...
Thơ Song Thất Lục Bát
Dân làng ‘bao vây’ tòa sau vụ xử người đánh chết n...
Ukraine: Theo ai tốt hơn?
Putin thắng một thua ba
Hài độc thoại qua lăng kính của nữ diễn viên Mỹ gố...
MH370 đã chở theo "sát thủ thầm lặng"
Trận chiến ngủ chung giường
Những thay đổi thi vào đại học Mỹ có cản trở sinh ...
Học để trở thành công cụ
Xe đưa đón học sinh ở Thủ đô nước CHXHCNVN
Bịnh Dại Thời Đại
Bằng tiến sĩ Việt Nam: Hàng mã
Mại dâm dưới chế độ Cộng sản
Chân dung nữ tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt tại...
Ðòn kinh tế của Mỹ với Nga
Aline, Cô bé gốc Việt được làm Thi Sứ và mời vào T...
Một cách nhìn về chính trị: Địa chiến lược
Tổng thống Obama hội kiến Ðức Giáo Hoàng tại Vatic...

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.