Hoạt động tìm kiếm trực tuyến toàn cầu về thuốc phá thai đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua.
Kết quả tìm kiếm cũng chỉ ra rằng các quốc gia có luật cấm phá thai càng nghiêm ngặt thì nhu cầu tìm kiếm thuốc phá thai ở các nước đó càng lớn.
Bằng cách mua thuốc trực tuyến và chia sẻ những kinh nghiệm y khoa thông qua các nhóm WhatsApp, phụ nữ đang có xu hướng chuyển sang sử dụng công nghệ để né các rào cản pháp lý đối với việc phá thai.
Đây là hình thức mới được gọi là "DIY abortion" (tự phá thai).
Đối với các quốc gia nơi mà việc phá thai bị cấm hoàn toàn hoặc chỉ được cho phép trong trường hợp cứu mạng sống người mẹ, thì số lượng tìm kiếm thuốc phá thai Misoprostol cao hơn 10 lần so với các quốc gia không ban hành luật cấm.
Có hai biện pháp phá thai chính, đó là nạo phá thai và dùng thuốc phá thai.
Phá thai bằng thuốc là biện pháp sử dụng kết hợp thuốc Misoprostol (Cytotec) và Mifeprostone để làm sẩy thai.
Misoprostol cũng có thể được bán dưới nhãn thuốc Cytotec.
Ở một số nước như Anh Quốc, phụ nữ được bác sĩ kê đơn để sử dụng hai loại thuốc này khi cần phá thai.
Trong khi đó, ở các quốc gia nơi việc phá thai bị hạn chế thì phụ nữ thường tìm kiếm, mua thuốc trên mạng, và có nguy cơ phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc nếu bị phát hiện.
Trong số 25 quốc gia có tỉ lệ tìm kiếm thuốc Misoprostol cao nhất thì có đến 11 nước thuộc Châu Phi và 14 nước Mỹ Latin.
Theo dữ liệu của Google, Philippines đứng thứ 30 mặc dù việc phá thai bị ngăn cấm hoàn toàn ở quốc gia này.
Tại Việt Nam, nhu cầu tìm kiếm thông tin phá thai bằng thuốc gia tăng đáng kể.
Phá thai trong 22 tuần đầu của thai kỳ là hợp pháp ở Việt Nam và có thể được thực hiện tại các cơ sở y tế công, tư trên cả nước.
Hiện chưa có số liệu cụ thể về số phụ nữ tự phá thai, và việc nạo phá thai ngoài các cách nêu trên bị coi là bất hợp pháp
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2013 có 38,5% số người tại Việt Nam tham gia truy cập internet. Năm 2016 con số này là 46,5%.
Trong năm năm qua, số lượng tìm kiếm thông tin "dùng thuốc tránh thai tại nhà" đã tăng lên gần 20 lần. Tính đến năm 2018, nội dung tìm kiếm "phá thai an toàn tại nhà" tăng 14 lần so với năm 2013.
Tỉ lệ phá thai ở Đông Á ước tính mỗi năm là 33% trong giai đoạn 2010 - 2014.
Theo báo cáo, Việt Nam là nước có tỉ lệ phá thai cao nhất Châu Á và thế giới, trong đó có nhiều phụ nữ đã phá thai nhiều hơn một lần trong đời.
Theo thống kê chính thức, tỉ lệ phá thai trung bình là 2,5 lần trên một phụ nữ vào những năm 1990. Tuy nhiên, đã có mấy nghiên cứu được thực hiện về chủ đề này kể từ đó tới nay.
Báo cáo năm 2014 của Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội cho thấy có đến 40% các trường hợp mang thai được nạo phá thai mỗi năm.
Bà Phan Hương Giang, Quản lý Hợp tác, Chính sách và Tác động của tổ chức Marie Stopes Việt Nam cho biết:
"Việc thiếu kiến thức về các biện pháp tránh thai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này."
"Quan hệ trước hôn nhân vẫn còn là điều cấm kị trong văn hoá Việt Nam. Phụ nữ mang thai trước khi kết hôn thường phải đối mặt với sự kì thị từ xã hội. Kết quả là, những phụ nữ này phải đến các phòng khám tư để phá thai bí mật."
Một yếu tố khác góp phần làm tăng tỉ lệ phá thai đó là chính sách chỉ sinh hai con có từ những năm 1960.
Mặc dù chính sách này đã bị xoá bỏ vào năm 2003, nhà nước vẫn tiếp tục khuyến khích các cặp vợ chồng không nên sinh nhiều con. Một dự thảo luật dân số của Bộ Y tế có khả năng sẽ được phê duyệt trong năm nay đề xuất cho phép các gia đình sinh nhiều con nếu muốn, nhưng vẫn khuyến khích chỉ nên sinh từ một đến hai con.
Nội dung tìm kiếm "cần kiêng khem những gì sau khi uống thuốc phá thai" ở Việt Nam hiện tăng lên 30 lần so với năm 2013.
Chi phí phá thai cũng là một nội dung đáng chú ý khi số lượng tìm kiếm giá thuốc Misoprostol tăng gấp 5 lần.
Bà Phan Hương Giang cho biết thêm, hiện nhiều phụ nữ Việt Nam đã biết sử dụng tên thuốc Misoprostol trong tìm kiếm để cho kết quả chính xác hơn.
Theo trung tâm nghiên cứu Guttmacher ở Mỹ, ngoại trừ Philippines và Lào, hầu hết các nước Đông Nam Á khác đã hợp pháp hoá việc phá thai vì một số lý do bao gồm cứu mạng sống của người mẹ.
Indonesia chỉ cho phép phá thai khi bác sĩ xác nhận thai nhi đó đe doạ đến tính mạng người mẹ.
Malaysia và Thái Lan cho phép phá thai với lý do đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần cho người mẹ trong trường hợp bị hãm hiếp hoặc hư thai.
Ở Ai-len, uống thuốc phá thai sẽ bị phạt tù 14 năm. Tuy nhiên, trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Năm vừa qua đa số các cử tri đã bỏ phiếu bãi bỏ điều luật này.
Thủ tướng Leo Varadkar, người vận động ủng hộ tự do hoá nói rằng ông hy vọng điều luật mới sẽ được ban hành vào cuối năm nay.
Một nhóm người dùng WhatsApp ở Brazil chuyên giúp cung cấp thuốc phá thai và đưa ra lời khuyên cho phụ nữ trong quá trình này.
Juliana (không phải tên thật), 28 tuổi, là một trong những phụ nữ đã tìm đến sự trợ giúp từ nhóm WhatsApp này.
"Tôi đã tự phá thai ở nhà và báo với nhóm WhatsApp lúc tôi bắt đầu tiến hành phá thai," cô nói.
"Thật tuyệt vời khi phụ nữ trong nhóm có thể giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ thông tin và thảo luận về những điều chúng tôi lo lắng, sợ hãi. Điều này, theo một cách nào đó, đã giúp tôi vững tinh thần hơn."
"Thật vui khi biết rằng tôi không chỉ có một mình. Nhóm này rất quan trọng đối với tôi, họ giúp tôi cảm thấy an toàn."
Phân tích dữ liệu của Google không chỉ hiển thị các quốc gia có tỉ lệ tìm kiếm cao nhất mà còn chỉ ra chính xác các cụm từ thường xuyên được sử dụng để tìm kiếm về một chủ đề nào đó.
"thuốc phá thai" là cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất liên quan đến việc phá thai ở tất cả các quốc gia.
"Làm thế nào để phá thai" là câu hỏi được tìm kiếm nhiều nhất ở hơn 2/3 số quốc gia tham gia nghiên cứu.
"Dùng thuốc Misoprostol như thế nào", "giá thuốc Misoprostol", "mua thuốc Misoprostol" và "liều thuốc Misoprostol" là những nội dung tìm kiếm phổ biến nhất về phá thai.
Ngoài "phá thai bằng thuốc", phụ nữ cũng tìm kiếm thêm các biện pháp tự phá thai khác.
Các loại thảo mộc như mùi tây, quế, vitamin C, aspirin và trà phá thai (hỗn hợp các loại thảo dược) được xem là những nội dung tìm kiếm hàng đầu.
Ở Việt Nam, "phá thai bằng nước dừa" là cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất.
Ở một nửa số quốc gia chúng tôi nghiên cứu thì "các biện pháp phá thai tại nhà" là nội dung tìm kiếm phổ biến nhất liên quan đến phá thai.
Một nghiên cứu về việc sử dụng trà phá thai ở vùng Hạ Sahara của Châu Phi cho thấy mặc dù một số loại cây có thể gây co bóp tử cung, phương pháp dân gian này vẫn còn nhiều hạn chế.
Cùng với việc thiếu an toàn, nghiên cứu này chỉ ra rằng rất khó để người dùng kiểm soát được liều lượng và tác dụng phụ của phương pháp phá thai bằng các thảo mộc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, không có "biện pháp phá thai tại nhà" bằng thảo mộc nào kể trên được xem là an toàn.
Abortion is high up the political agenda in Argentina at the moment, with people taking to the streets to campaign on both sides of the issue
Trên toàn cầu có khoảng 25 triệu ca phá thai không an toàn mỗi năm, chiếm 45% tổng số các ca phá thai.
Phá thai bằng thuốc Misoprostol được xem là biện pháp phá thai an toàn nếu được sử dụng với sự giám sát của người có chuyên môn y tế. Tuy nhiên nếu người sử dụng thuốc này chưa được đào tạo thì rủi ro vẫn có thể xảy ra.
Nếu việc dùng thuốc Misoprostol được thực hiện theo chỉ dẫn của người chưa qua đào tạo thì Tổ chức Y tế Thế giới vẫn xếp phương pháp này vào nhóm biện pháp phá thai "kém an toàn". Nhóm này chiếm khoảng 31% tổng số các ca phá thai, bao gồm cả an toàn và không an toàn.
"Ngay cả khi chất lượng thuốc được đảm bảo và bạn đã làm theo hướng dẫn thì tỉ lệ thất bại vẫn có," ông Pereda nói.
Nếu phụ nữ mua thuốc trực tuyến hoặc được cung cấp bởi một người chưa qua đào tạo thì tỉ lệ phá thai không thành công sẽ tăng lên, ông Pereda nói thêm.
Những người phụ nữ này cũng ít có khả năng sẽ đi khám nếu có điều gì đó không may xảy ra sau khi uống thuốc phá thai.
"Sự kì thị, chi phí và đi lại là những nguyên nhân làm cho phụ nữ ngần ngại và đặt họ vào nhóm có nguy cơ gặp rủi ro," ông Pereda nói.
"Rõ ràng chúng ta đã có những tiến bộ về phá thai an toàn, nhưng những tiến bộ này vẫn còn diễn ra chậm."
"Thậm chí trên thế giới đã xảy ra những bước thụt lùi về phá thai an toàn, như ở Mỹ chẳng hạn, nhưng tôi vẫn hy vọng điều này sẽ thay đổi."
Câu chuyện của Arezoo, một sinh viên luật sống ở Iran khi cô phát hiện ra mình có thai với người bạn trai 5 năm mặc dù họ đã sử dụng biện pháp tránh thai.
"Tôi đã đến tất cả các phòng khám phụ khoa," cô nói.
"Khi các bác sĩ kiểm tra và biết rằng tôi chưa kết hôn và cần phá thai thì họ đã từ chối tôi ngay lập tức."
Sau đó, Arezoo đã giả mạo giấy tờ cho thấy cô đã ly hôn và thuyết phục một bác sĩ giúp cô.
"Tôi đã phải mua tám viên thuốc với giá cắt cổ từ vị bác sĩ này", Arezoo nói. Nhưng thuốc không có tác dụng.
Arezoo sau đó đã lên mạng internet và tìm kiếm các tổ chức có thể gửi thuốc phá thai cho phụ nữ ở các quốc gia cấm phá thai. Thông qua các tổ chức này, Arezoo đã nhận được nhiều lời khuyên và sự giúp đỡ.
Những viên thuốc mà vị bác sĩ đưa làm cho Arezoo mất rất nhiều máu nhưng cô vẫn chưa phá thai được. Một tuần sau, cô được chị gái đưa đến một bệnh viện tư.
"Tôi đã nói dối. Tôi nói với họ rằng chồng tôi đang ở Pháp và tôi không mang theo giấy tờ bên mình. Tôi cần được phá thai an toàn."
Ban đầu, các nhân viên bệnh viện khá miễn cưỡng và không muốn tiếp nhận cô. Nhưng sau đó họ đã tin cô và điều đó thật là kì diệu, Arezoo nói.
"Sau khi dựng lên những câu chuyện không có thật, cuối cùng tôi đã được nhập viện và 30 phút sau ca hút thai được hoàn thành. Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi", cô nói thêm.
Khoảng 14% ca phá thai được cho vào nhóm "ít an toàn nhất". Đây là các ca phá thai được thực hiện bởi những người chưa qua đào tạo sử dụng các biện pháp nguy hiểm như là dùng các dụng cụ đưa vào để hút nạo thai, hoặc các hỗn hợp dược thảo.
Các biện pháp này có thể gây ra biến chứng như nhiễm trùng hoặc phá thai không triệt để. Khi một ca phá thai chưa được hoàn thành triệt để, các chuyên gia y tế thường khuyên sử dụng thêm thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật, tuỳ theo trường hợp.
Theo Viện nghiên cứu Guttmacher, có ít nhất 22.800 phụ nữ chết mỗi năm do sử dụng các biện pháp phá thai không an toàn.
Bài tường thuật thực hiện bởi Amelia Butterly, với các dữ liệu báo chí do Clara Guibourg thu thập. Tường thuật bổ sung bởi Dina Demrdash, Nathalia Passarinho, Ferenak Amidi và Lara Owen.
Phương pháp nghiên cứu:
Tất cả dữ liệu tìm kiếm được sử dụng trong 5 năm qua từ Google Trends không cung cấp chính xác số lượng người tìm kiếm mà được tính theo thang điểm từ 0 đến 100 về nhu cầu tìm kiếm theo chủ đề, thời gian và vị trí địa lý. Nội dung tìm kiếm được thực hiện bằng các ngôn ngữ khác nhau hoặc sử dụng các tên gọi khác nhau cho cùng một loại thuốc (ví dụ: "thuốc phá thai", "Misoprostol" hoặc "Cytotec"). Tất cả đều đã được bao gồm trong dữ liệu.
Chúng tôi thu thập dữ liệu tìm kiếm toàn cầu cho các xu hướng chung và nghiên cứu dữ liệu cụ thể ở 14 nước bao gồm: Ghana, Nigeria, Honduras, Bolivia, Ecuador, Nicaragua, Kenya, Mexico, Hoa Kỳ, Colombia, Braxin, Argentina, Ấn Độ và Ai-len. Dữ liệu về luật phá thai cho mỗi quốc gia được thu thập từ Trung tâm Quyền Sinh sản.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.