Nói thật lòng: Tôi là người có vấn đề quản lý tài chính. Cuối tháng, tôi hết tiền và không thể hiểu được là đã tiêu vào đâu. Khi nhận một hóa đơn bất ngờ tôi hoảng lên và mặc dù tôi có một tài khoản tiết kiệm, trong đó chẳng có đồng nào cả.
Tôi không nghĩ là chỉ có một mình mình có cảm giác bất an này.
Kết quả một nghiên cứu cho biết người ở độ tuổi 30 thuộc những nhóm có khả năng phục hồi tài chính kém nhất tại Anh quốc, 1/4 trong số họ không cảm thấy mình được chuẩn bị để có đủ tiền cho các mốc quan trọng trong đời, như mua bất động sản hoặc có con.
Kết hôn cách đây vài tháng, tâm trí tôi bị cuốn vào hai điều trên, và tôi nhận thức rõ hơn về tương lai tài chính của mình hơn bao giờ hết. Tôi không phải là người luôn luôn đặt vé cho các kỳ nghỉ, và không bao giờ bận tâm về điện thoại, xe hơi hoặc công nghệ mới nhất.
Tuy nhiên, ở tuổi 30, tôi là một người đã chính thức trưởng thành, và đang vật vã quản lý tiền bạc của mình.
Quyết tâm không xem nhẹ vấn đề, và lấy lại kiểm soát, tôi bắt đầu tra cứu trên Google và đọc về thử thách #NoSpendChallenge (#Khongtieutien), một thử thách bắt bạn phải tự phấn đấu với mình để cắt giảm chi tiêu.
Ý tưởng này khiến tôi suy nghĩ bởi vì, ngoài mong muốn muốn tiết kiệm tiền tôi nhận thức được là chúng ta đang sống trong thời đại tiêu dùng, nhất là khi nói đến đồ nhựa và quần áo. Vì vậy, tôi vừa tìm cách giảm ảnh hưởng tiêu cực của mình lên hành tinh, đồng thời bớt lãng phí hơn.
"Thử thách để cố gắng chi tiêu ít hơn đáng kể trong một tháng, hoặc thậm chí một tuần, khiến bạn nhận thức rõ hơn về thói quen xài tiền không suy nghĩ mà chúng ta có," huấn luyện viên tài chính Simonne Gnessen nói.
"Ví dụ, khi đi gặp bạn bè, chọn uống nước lọc thay rượu, bạn sẽ nhận ra một đêm tiêu xài không kiểm soát có thể tốn bao nhiêu tiền."
"Bạn cũng nhận thức được những cảm xúc khiến bạn muốn tiêu tiền, như sau một tuần làm việc vất vả, và tìm cách kiềm chế các nguyên nhân đó. Tập cho mình các phản ứng khác nhau, và sau đó xây dựng lối tư duy mới sẽ giúp bạn duy trì thói quen mới dễ dàng hơn sau khi thử thách không chi tiêu của bạn kết thúc."
Tôi quyết định thử thử thách #Khongtieutien trong một tháng.
Để cho mình khỏi ''ăn gian", tôi đặt cho mình một vài quy tắc riêng: không tiêu gì ngoại trừ nhu yếu phẩm như tiền nhà và tiền điện nước; ngân sách thực phẩm của tôi là 6.5 đôla mỗi ngày (ăn uống chiếm khoảng 50% chi tiêu hàng tuần của tôi) sau khi nguồn thực phẩm tồn đọng hết; và "phần chi tiêu bất chợt" cho các tình huống bất ngờ hoặc cam kết trước đó.
Tuần thứ nhất
Tôi xét kỹ lại những khoản chi tiêu của mình: thực phẩm, đi lại, mua sắm quần áo và đi chơi đêm.
Đối với việc đi lại, tôi thường chi khoảng 9 đôla mỗi ngày từ nhà đến trung tâm Luân Đôn trên tàu điện ngầm.
Tôi không có xe đạp, vì vậy việc đạp xe không khả thi. Tôi cũng có thể đi bộ đến ga tàu Oxford Circus và sẽ tốn một giờ.
Tôi nhắn tin đến một cửa hàng cho thuê xe tay ga qua mạng hỏi liệu tôi có thể mượn một chiếc xe tay ga để đổi lấy việc kiểm tra chính tả văn từ cho họ. Thật ngạc nhiên, họ đồng ý.
Tiếp theo, tôi chuyển sang thực phẩm. Mua sắm thức ăn tối thiểu chỉ tốn khoảng 52 đôla. Tôi không phải một đầu bếp sáng tạo, nhưng cảm thấy tự tin là với những nguyên liệu cơ bản, cộng với một tủ đầy đậu cũ và các gói hạt mới ăn hết một nửa, tôi sẽ có đủ thức ăn.
Tìm ra nơi có cà phê miễn phí là ưu tiên hàng đầu. Khi tính toán lại, tôi sẽ chi tổng cộng 65 đôla một tháng cho nhu yếu phẩm. Tôi tải xuống ứng dụng của các quán tặng cà phê miễn phí khi đăng ký thành viên hoặc vào ngày sinh nhật. Tôi cũng đăng ký cả thẻ siêu thị, ở những nơi cho người mua sắm một đồ uống nóng miễn phí.
Tôi hứa với chị tôi là sẽ trông mấy đứa con của chị vào ngày thứ hai trong tuần. Khi ở nhà chị, tôi nhớ rằng tôi đã quên mua trứng, chị liền cho tôi mấy quả trứng từ đám gà chị nuôi.
Về công việc, với tư cách là một nhà văn tự do, tôi thường làm việc ở nhà hoặc các quán cà phê. Tuần này, tôi đến Thư viện Anh Quốc, một nơi hoàn toàn miễn phí và sự yên tĩnh giúp tôi hoàn thành công việc đúng hẹn.
Thư viện cách nhà tôi một giờ đi bộ, vì vậy tôi vừa đi bộ vừa podcast về cách chi tiêu. Tôi mang theo bữa trưa mình nấu sẵn và uống nước từ vòi công cộng.
Việc phải tổ chức, sắp xếp khoa học cho thử thách không tiêu tiền và hiệu quả tức thời (số dư tài khoản của tôi tăng một chút) khiến tôi cảm thấy tập trung hơn và lạc quan.
Thách thức đầu tiên đến vào bữa tối vào ngày thứ tư, nhưng tôi giải quyết bằng cách đề nghị với bạn bè thay vì đi nhà hàng, nên đi dã ngoại trong một công viên ở London.
Tối hôm đó thời tiết chống lại tôi: Mưa. Chúng tôi đến một quán bar, và tôi uống nước trong khi mọi người nhâm nhi rượu. Bạn bè đề nghị mua đồ uống cho nhưng tôi không muốn có thói quen chấp nhận những món quà miễn phí từ bạn bè nếu biết mình không thể đáp trả.
Tôi lấy cớ có cuộc hẹn trưa mai và rời đi sớm. Khi về nhà, tôi nghĩ lại tất cả những lần tôi lãng phí tiền vào một ly rượu và cảm thấy mình được giải thoát một cách đáng ngạc nhiên.
Tuần thứ hai
Tôi quyết tâm dành tuần lễ này tập trung mục tiêu thử thách vào việc chống lãng phí.
Tôi bắt đầu bằng cách tải xuống một ứng dụng giúp ngăn chặn lãng phí thực phẩm bằng cách kết nối với mọi người trong khu vực có thực phẩm dư thừa.
Có áp rồi tôi mới thấy mọi người cho đi, miễn phí, tất cả mọi thứ, từ gia vị đến rau đóng hộp, nhưng bánh ngọt, bánh mì, và các bữa ăn sẵn hết nhanh chóng.
Tôi trả tiền cho một số đồ ăn nhẹ và lấy chúng từ một gia đình tình cờ sống cách tôi chỉ hai con phố.
Vào tối thứ Bảy, ông xã và tôi quyết định không ra ngoài mà nấu ăn ở nhà. "Anh có nên đặt pizza không?" ông xã tôi hỏi.
"Không! Thế là ăn gian," tôi nói, sau đó đề nghị chúng tôi tự làm một cái.
Chúng tôi có bột nhưng không có men nở vì vậy tôi cầu mong pizza sẽ ngon, dù sao thì việc nấu nướng cũng khá vui.
Chúng tôi cũng sử dụng rất nhiều nguyên liệu chất đầy trong tủ lạnh khi dọn đến đây vài năm trước.
Đến ngày thứ 12, tôi nhận thấy rằng thời gian là một trong những trở ngại lớn nhất khi tìm cách tiết kiệm. Sự tiện lợi của việc chi tiêu là một phần khiến nó trở thành thói quen khó bỏ.
Huấn luyện viên Simonne Gnessen yêu cầu tôi phân tích những vấn đề trong quá khứ đang ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của tôi.
Tôi sau đó nhận ra việc bố mẹ tôi thường không thể mua cho tôi những món ăn ngon, quần áo đẹp như bạn bè đồng trang lứa khiến tôi luôn bị trêu chọc.
Khi tôi lớn lên thì nó khiến tôi coi việc mua sắm đủ thứ như một giải pháp tâm lý.
Hiểu thêm về lịch sử thói quen chi tiêu của mình khiến tôi có thêm động lực.
"Việc nhận thức rõ được các quyết định chi tiêu của mình cho bạn một thông điệp mạnh mẽ như là 'Tôi không cần vật chất để cảm thấy tốt hơn về bản thân'," Simone nói.
Và cô Simone đúng. Nhìn xung quanh căn hộ, tôi nhận ra là mình thực sự không cần thêm điều gì nữa.
Tuần thứ ba
Thứ hai của tuần này khởi đầu một cách rực rỡ - theo đúng nghĩa đen. Tôi tìm thấy một khóa học thử môn kickboxing trên một trang web tổng hợp các coupons.
Tràn đầy năng lượng, tôi hứng thú muốn tìm ra cách rèn luyện thân thể miễn phí. Tôi đăng ký với một nhóm khuyến khích mọi người kết hợp tập thể dục với các sinh hoạt tình nguyện.
Nó rẻ hơn nhiều so với các phòng gym thông thường của tôi.
Đến hôm thứ ba, tôi thuyết phục hai người bạn gặp tôi trong một đêm karaoke miễn phí tại một quán bar địa phương.
Tôi thuyết phục vài người bạn đến một quán bar có karaoke miễn phí. Tôi nói cho họ biết về thử thách của mình, nói rằng có thể ăn phần ăn còn dư trong hộp cơm. Nhưng điều này khiến bạn tôi không thoải mái và họ khăng khăng đòi trả tiền cho tôi.
Tôi nhận ra đây là lần đầu tiên mình chia sẻ với họ về thử thách #khongtieutien.
Simone cũng cho tôi một số lời khuyên về cách nói với người thân về thử thách của mình.
Thay vì nói "Tôi không thể chi," nên sửa là "Tôi muốn dùng tiền vào nhiều thứ quan trọng hơn."
Ngân sách thực phẩm 6.5 đôla mỗi ngày của tôi sẽ tăng trong tuần này vì nguồn thực phẩm tồn đọng trước cuộc thử thách đã cạn.
Tôi đến siêu thị ngay trước giờ đóng cửa và mua ổ bánh mì giảm giá, một ít cà rốt, ớt, rau mùi tây và một gói ngũ cốc.
Trước cuộc thử thách, khi đi chợ, tôi ném bất cứ món gì mình muốn vào giỏ, sau đó lại bực bội lúc tính tiền khi nhận ra mình đã tốn quá nhiều tiền. Việc có kế hoạch sẵn giúp tôi cân nhắc trước khi mua món gì và tránh mua những gì mình có thể làm được.
Nhưng sau đó thảm họa xảy ra. Tôi đến lễ hội Fringe Edinburgh, vé được đặt trước vài tuần trước khi bắt đầu cuộc thử thách, và sau chuyến đi tàu kéo dài bốn tiếng rưỡi và một chương trình (miễn phí), tôi vào thị trấn lúc 10 giờ tối. Đói và không thể tìm thấy bất cứ nơi nào còn mở cửa có thể cho tôi một ít nước nóng đổ vào túi ngũ cốc khô mình đã mang theo. Tôi mua bữa tối và một cốc bia, và thế là trong 24 giờ tới, tôi không thể ngừng tiêu tiền.
Cuối cùng, tôi cảm thấy tội lỗi khủng khiếp vì đã lãng phí tiền mà tôi lẽ ra phải cố gắng tiết kiệm. Tôi không cho phép mình mua thêm gì nữa như một hình phạt cho việc phá vỡ thử thách.
Tuần thứ tư
Những ngày tiêu xài bừa bãi đó khiến tôi ý thức rõ hơn về cảm giác hưng phấn việc tiêu mang lại, nhưng cảm giác mình thất bại theo sau đó, thực sự không đáng. Tôi hỏi Simonne tại sao sự hồi hộp của chi tiêu lại hấp dẫn đến vậy.
"Nghiên cứu tâm lý cho thấy sự hài lòng tức thì của chi tiêu có thể kích hoạt "mạch khoái cảm "của não bộ", Simonne nói. "Điều này giải phóng chất dẫn truyền thần kinh dopamine, mà nhiều người mô tả là sự vui thú họ mua được từ việc tiêu tiền. Nhưng sự hưng phấn đó hiếm khi kéo dài."
Tuần này tôi vui khi gặt hái những phần thưởng từ tất cả các nghiên cứu, và điện thoại thỉnh thoảng lại gửi thông báo về thực phẩm miễn phí, cũng như email về các mặt hàng gia dụng địa phương có thể xin miễn phí.
Tôi lấy hẹn với một người bạn cùng làm nghề tự do như mình để chuyện trò, và trong khi trước đó chúng tôi thường chỉ đến một quán cà phê và uống cà phê trong vài giờ, tôi nói thẳng với bạn rằng tôi đang cố gắng tiết kiệm tiền, vì vậy chúng tôi có thể đi dạo thay vì đi uống cà phê không?
Cô bạn ủng hộ điều đó, và cả hai chúng tôi đều không chỉ tiết kiệm một số tiền, mà còn tập được một chút thể dục.
Kết luận
Trong tháng qua, tôi tiết kiệm được gần 390 đôla nhờ cắt giảm chi phí đi lại, thực phẩm, giao tiếp xã hội và tập thể dục. Lẽ ra tôi đã có thể tiết kiệm được nhiều hơn, nếu không phải chi cho những món bất ngờ như quà sinh nhật, v.v...
Tuy nhiên, phải thú thật tôi bị sốc khi thấy mình đã tiết kiệm được chừng đó tiền và nhanh chóng chuyển số tiền này vào tài khoản tiết kiệm.
Chốt lại thì tôi sẽ có tiếp tục chính sách chi tiêu cẩn thận không?
Mang thức ăn trưa từ nhà là điều chắc chắn vẫn phải làm, đi bộ nhiều hơn, và sử dụng hết thức ăn dư thừa cũng thế.
Nhưng tôi cũng có thể thư giãn một số quy tắc nghiêm ngặt và cho phép mình thỉnh thoảng uống rượu với bạn bè. Tôi thấy mình ý thức nhiều hơn khi chi tiền cho những thứ không cần thiết - đặc biệt là sắm sửa quần áo để mua vui, thay vì chỉ mua những gì mình cần.
Thử thách này giúp tôi khám phá ra cách tiết kiệm, đồng thời dạy tôi vừa sáng tạo vừa dùng ít tiền hơn.
Amy Abrahams
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.