Sunday, May 19, 2019

Con người đang hủy hoại ngôi nhà duy nhất của mình

BM
Nhà khoa học Jane Goodall được bình chọn là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019

Jane Goodall là một trong những nhà khoa học, nhân chủng học và chuyên gia hàng đầu thế giới về tinh tinh.

Bà vừa được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới của năm 2019, thuộc nhóm "Leader" - những chính khách hoặc nhà lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng hoặc để lại những di sản quan trọng hoặc làm thay đổi nhận thức cho nhiều người khác.Dame Jane Morris Goodall, sinh ngày 3/4/1934 tại London, Anh. Bà là nhà linh trưởng học, tập tính học và nhân chủng học người Anh và là sứ giả hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Bà được xem là chuyên gia hàng đầu thế giới về tinh tinh nhờ những nghiên cứu không mệt mỏi về loài động vật hoang dã mà bà cho là một trong những loài động vật thông minh nhất, có tập tính xã hội cao nhất và gần gũi với con người nhất.

BM
  
Năm 1960, khi ngoài 20 tuổi, Jane đã đến Kenya, châu Phi để nghiên cứu về tập tính và đời sống của loài tinh tinh. Bà đã có gần 60 năm sống và làm việc ở châu Phi và những nghiên cứu của bà được nhiều người đánh giá là "đã ảnh hưởng đến toàn thế giới nói chung và thế giới động vật nói riêng".

BM

Bà đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý và giải thưởng về bảo tồn động vật hoang dã như Đại sứ hoà bình của Liên hợp quốc năm 2002; Huy chương Benjamin Franklin vì sự nghiệp khoa học năm 2003. Bà còn được biết đến với tên gọi "người phụ nữ của tinh tinh".

Jane Goodall còn là tác giả của hơn 25 cuốn sách, nhiều trong số đó là những tác phẩm thuộc loại "best-seller" do cách viết rất cuốn hút và sâu sắc của bà.

BM
  
Một trong những cuốn sách nổi tiếng của bà là Tinh tinh ở Gombe (The Chimpanzees of Gombe, xuất bản năm 1986) hay Lý do của hy vọng (Reason for Hope, 1999)…

Cuốn Tinh tinh ở Gomble còn trở thành một trong những cuốn sách giáo khoa về nhân chủng học được tham khảo nhiều nhất. Cuốn sách của bà cũng ảnh hưởng đến các nghiên cứu về động vật học trong ngành sinh học và tâm lý học. Và cũng nhờ công trình này, Jane Goodall được xem là nhà khoa học hàng đầu của thế kỷ 20.

Những câu chuyện sâu sắc của bà về tinh tinh thông qua những cuốn sách, những chương trình truyền hình hay phim tài liệu vẫn gây kinh ngạc cho nhiều người cho đến tận hôm nay.

BM
  
Hiện nay, dù đã 85 tuổi với gần 60 năm nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội và gia đình cả tinh tinh hoang dã trong Vườn Quốc gia Gombe Stream, Tanzania - Jane Goodall vẫn dành tới hơn 300 ngày để đi khắp thế giới, truyền đi thông điệp và những hành động thiết thực để bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái của trái đất.

Con người đang hủy hoại ngôi nhà duy nhất của họ

BM
  
Trong gần 300 ngày mỗi năm đi khắp thế giới để truyền những thông điệp bảo vệ môi trường và sự cân bằng của hệ sinh thái, người phụ nữ nhỏ bé này chú trọng đến chương trình Roots and Shoots (Cội nguồn và mầm xanh), một mạng lưới toàn cầu của Viện Jane Goodall (Jane Goodall Institute) ở gần 100 quốc gia trên thế giới để truyền cảm hứng đến hàng ngàn người trẻ. Năm 2007, bà đã từng đến Việt Nam để giới thiệu và quảng bá chương trình này với sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM.

Một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất của bà là con người - sinh vật thông minh nhất trên trái đất đang phá hủy ngôi nhà của chính họ và kêu gọi hành động kịp thời để bảo vệ hệ sinh thái trước khi quá muộn.

Trong một bài viết trên tờ The Guardian, bà nói rằng trong những năm nghiên cứu về loài tinh tinh ở Vườn Quốc gia Gombe tại Tanzania, bà đã trải nghiệm được sự kỳ diệu của rừng mưa nhiệt đới và hiểu được rằng mọi sinh vật đều có sự kết nối lẫn nhau. "Mỗi loài, dù nhỏ bé đến đâu cũng đều có một vai trò trong bản giao hưởng đa dạng của cuộc sống mà người ta thường gọi là đa dạng sinh học. Việc thiếu hụt dù chỉ một loài cũng có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực và dẫn đến sự thiệt hại khó lường cho toàn bộ hệ thống" - bà viết.

BM
  
Bà cho biết khi rời khỏi Gombe vào năm 1986, bà đã chứng kiến môi trường sống của tinh tinh đã bị phá hủy và khiến số lượng của loài linh trưởng này bị sụt giảm nhanh chóng như thế nào.

Một trong những nguyên nhân chính là do các tập đoàn nước ngoài đã tiến hành việc khai thác gỗ, dầu mỏ, khai khoáng và đặc biệt là nạn buôn bán động vật hoang dã trái phét đã khiến chúng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Bà cũng nói rằng, trái đất đang trải qua cuộc Đại tuyệt chủng lần thứ 6. Theo báo cáo gần đây của WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã), trong 40 năm qua, chúng ta đã mất tới 60% số lượng các loại động thực vật trên Trái đất.

"Mẹ thiên nhiên đang bị phá hủy với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết vì những lợi ích trước mắt của con người. Cùng với sự bùng nổ dân số và sự nghèo đói ở các nước kém phát triển khiến người ta phải phá hủy môi trường để sinh sống, bên cạnh đó là sự tham lam của những kẻ khác, những kẻ luôn muốn nhiều hơn thứ họ cần chính là nguyên do của những tai ương đang xảy ra trên hành tinh Trái đất".

BM
  
Tuy nhiên, trong các thông điệp của Jane Goodall, bà luôn nhấn mạnh đến sự tích cực nếu con người hành động kịp thời. Bà cho rằng thiên nhiên có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc và các loài bên bờ vực tuyệt chủng cần được trao thêm một cơ hội nữa.

"Thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề tưởng chừng như không thể. Tôi luôn muốn mang đến hi vọng cho mọi người, vì ếu không, chúng ta tiếp tục thờ ơ và không hành động gì cả."

Trang facebook của bà có gần 1,2 triệu người theo dõi và bà vẫn tiếp tục lan truyền những thông điệp tích cực để bảo vệ môi trường và động vật hoang dã, đặc biệt là loài tinh tinh.

Đôi khi Jane bị chỉ trích vì quan tâm quá nhiều đến động vật hoang dã trong khi trên thế giới cũng có hàng triệu người đang đau khổ, nghèo đói, chiến tranh.

BM  
Nhà khoa học Jane Goodall dành cả sự nghiệp để nghiên cứu và tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã

Bà đáp lại rằng: "Hãy nghĩ thế giới sẽ ra sao nếu không có động vật? Nó sẽ sụp đổ nhanh chóng. Hệ sinh thái phải khỏe mạnh thì con người mới khỏe mạnh. Bằng cách bảo vệ các loài động vật hoang dã và hệ sinh thái, chúng ta cũng gián tiếp giúp đỡ con người. Chúng tôi cũng có những hành động gián tiếp để cải thiện cuộc sống của con người xung quanh môi trường sống của loài tinh tinh. Một trong những chương trình lớn nhất của chúng tôi ở châu Phi là cải thiện cuộc sống của người dân ở 52 ngôi làng xung quanh Vườn Quốc gia Gombe. Chúng tôi cũng có các chương trình tương tự ở Uganda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Sénégal và Burundi."

Nhóm các nhà khoa học trong nhóm bảo tồn của bà cũng huấn luyện những người dân địa phương, tình nguyện viên để họ có ý thức trong việc bảo vệ động vật hoang dã. Một trong những công cụ bảo tôn quan trọng nhất, theo bà, là trở thành đối tác với những người dân địa phương.

Quyền vốn của mọi sinh vật sống

BM
  
Trong những năm 1960 của thế kỷ trước, Jane Goodall đã trở thành nhà linh trưởng học nổi tiếng nhất thế giới. Những nghiên cứu của bà về loài động vật này đã thay đổi nhận thức của con người. Bà cho rằng con người và tinh tinh không quá khác biệt như con người hình dung.

"Họ hàng gần nhất của chúng ta cũng có tính cách cá nhân, ăn thịt và biết sử dụng công cụ để kiếm sống" - bà nói.

BM
  
Năm 1965, bộ phim tài liệu dựa trên nghiên cứu của bà, có tên Miss Goodall and the Wild Chimpanzees với giọng dẫn chuyện của đạo diễn lừng danh Orson Welles đã biến bà trở thành một nhân vật nổi tiếng toàn cầu. Bà đã tận dụng sự chú ý đó để tài trợ cho các nghiên cứu diễn ra tại Vườn Quốc gia Gombe, Tanzania nơi bà đang thực hiện công việc bảo tồn ban đầu của mình. Dần dần, bà vượt xa khỏi vai trò của một nhà khoa học để khuyến khích giới trẻ toàn cầu trở thành những người ủng hộ môi trường và xã hội, phát triển các chương trình chống đói nghèo ở các khu vực bảo tồn thiên nhiên châu Phi. 
 
BM

Năm 2017, bộ phim tài liệu chân dung do National Geographic sản xuất, có tên Jane do bà đồng viết kịch bản với đạo diễn Brett Morgen và là nhân vật chính, tiếp tục tạo được tiếng vang khi đoạt 2 giải Emmy. Bộ phim này sử dụng một loạt các cảnh quay chưa từng được công bố, kể câu chuyện về những cuộc thám hiểm và nghiên cứu ban đầu của bà về loài tinh tinh ở Tanzania lúc còn trẻ, tập trung vào những đột phá của bà về khoa học hay mối quan hệ với người chồng là nhà quay phim Hugo Van Lawick. Những câu chuyện về Jane Goodall luôn là câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ cho khán giả.

BM  
Bà Jane Goodall trong buổi lễ ra mắt bộ phim tài liệu chân dung "Jane" do National Geographic sản xuất

Từ một nhà khoa học trẻ dấn thân ngoài 20 tuổi cho đến một bà lão 85 tuổi, Jane Goodall vẫn chưa bao giờ đánh mất sự nhiệt huyết của mình, đặc biệt là với loài tinh tinh. Trong một chia sẻ gần đây trên trang facebook cá nhân, bà lên tiếng và kêu gọi mọi người không nên chia sẻ video về một con tinh tinh đang "lướt" instagram trên chiếc điện thoại di động, vì cho rằng nó không phù hợp. Bà cho rằng, chúng cũng cần được bảo vệ đời sống riêng tư và sự an toàn, đặc biệt là trong môi trường nuôi nhốt ở các sở thú.

Vì những hoạt động không mệt mỏi và ảnh hưởng của bà, Time đã đưa Jane Goodall vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới của Time năm nay, bên cạnh các nghệ sĩ hay chính khách nổi tiếng.

Ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Leonardo DiCaprio, đồng thời cũng là một nhà hoạt động về môi trường tích cực, đã viết về bà như sau:

"Tôi ngưỡng mộ Jane Goodall từ lâu trước khi chúng tôi gặp nhau. Tôi biết công việc mang tính bước ngoặt của bà với loài tinh tinh ở Gombe. Tôi đã đọc nhiều tài liệu về bà, đọc những cuốn sách do bà viết, nhưng chỉ đến khi tôi dành nhiều thời gian với Jane vài năm trước, tôi mới thực sự nhận thấy sự hiện diện của một trong những nhà lãnh đạo quan trọng và có ảnh hưởng nhất trên hành tinh. Jane đã chọn đến Tanzania ở tuổi 26 để nghiên cứu về tinh tinh, và nghiên cứu mà bà thực hiện ở đó, trong khu rừng rậm ở bờ đông hồ Tanganyika, đã có những đóng góp quan trọng cho khoa học.

BM
  
Kể từ đó, bà đã cam kết bảo vệ môi trường của mình. Ngay cả bây giờ, ở tuổi 85, Jane dành gần như mỗi ngày để truyền bá sự lạc quan và nâng cao nhận thức trên toàn thế giới. Đây là một thông điệp mạnh mẽ để bảo vệ các quyền vốn có của mọi sinh vật sống, mang lại hy vọng cho các thế hệ tương lai và đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp chống lại mối đe dọa môi trường lớn nhất của biến đổi khí hậu. Bất cứ ai đã nghe bà nói, hoặc nghe câu chuyện của Jane, đều bị mê hoặc bởi cuộc sống và những di sản từ thiện của bà..."



Lâm Lê 

 BM

Donald John Trump - Ông là ai ?
Trí tuệ nhân tạo sẽ kiểm soát việc xuất nhập cảnh?
Nói ra xấu hổ lây, nhưng phải nói...
Culi Việt ở xứ người
Ai xóa sổ phòng Công Lý và Hòa Bình?
Viết cho văn phòng Công Lý và Hòa Bình
Luận về tâm lý chính trị
Nữ sinh viên gốc Việt 19 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ dược ở Mỹ
Cả xã hội Tàu cộng ăn cắp bí mật Mỹ
Quan ngại của người VN _ an toàn thực phẩm, ô nhiễm và tham nhũng
Thời hoàng kim của thợ săn ảnh sắp hết?
Chuyện gì đang diễn ra ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn?
Nên đi khám răng thường xuyên tới mức nào
Phim ‘Nailed It’ và giấc mơ Mỹ xuyên thế hệ của người Việt
Công ty Trung cộng ‘âm thầm chuyển sang Việt Nam’
Khi giới tài phiệt sợ… giàu!
Thương cho thân phận thương phế binh VNCH
Hàng chục người Việt bị bắt trong đường dây kết hôn giả ở Houston
Khi robot thay thế điều dưỡng viên chăm người già
Tàu cộng đáp trả thuế 60 tỷ USD là “Quyết chiến” hay sẽ “Đầu hàng”

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.