50 người gồm người gốc Việt lẫn người Mỹ đã bị bắt giữ trong cuộc điều tra liên quan đến đường dây kết hôn giả ở Houston, Texas, theo Cục Kiểm soát Di trú và Hải quan Hoa Kỳ.
Bồi thẩm đoàn liên bang đã buộc tội 96 người với 206 cáo trạng. Khoảng một nửa là người Việt nhập cư không có giấy tờ trước khi kết hôn. Một nửa còn lại là công dân Hoa Kỳ kết hôn với họ.
Note: Hình chỉ trong bài này là minh họa.
Cáo trạng cho rằng người chủ mưu đằng đường dây lừa đảo này là Ashley Yen Nguyen hay còn gọi là Duyên, 53 tuổi, ở Houston.
Hôm thứ Hai, 13/5, 50 người này đã ra hầu tòa cùng bà Duyên, con gái và chồng bà ta.
Mỗi người có thể phải đối mặt 10 đến 30 năm tù giam tại nhà tù liên bang.
Các công tố viên cho biết bà Duyên đã điều hành một đường dây kết hôn giả có tổ chức ngay trong chính căn nhà của bà ta ở High Star Drive và có người 'hoạt động' trên khắp Texas và Việt Nam.
Theo như lời khai trước tòa, bà Duyên đã "đe dọa bất kỳ ai 'dám đụng tới tiền' của bà ta".
"Cáo buộc ở đây là việc trả tiền cho ai đó để thu xếp một cuộc hôn nhân giả," luật sư Tom Henderson, một người đại diện cho một bị cáo nói với đài KHOU.
"Tôi không biết họ sẽ mạnh tay như thế này từ trước đến nay," ông Henderson nói.
Một số bị cáo đã bị nhân viên liên bang bắt giữ khi đang dự định rời Hoa Kỳ.
Một luật sư là Nguyễn Lê Thiên Trang, 45 tuổi ở Pearland đã bị buộc tội cản trở thực thi công lý và tác động đến nhân chứng, nạn nhân hoặc người cung cấp thông tin.
Đường dây kết hôn giả quy mô
"Các vụ bắt giữ này đánh dấu đỉnh điểm của cuộc điều tra đa cơ quan kéo dài một năm về một trong những âm mưu lừa đảo hôn nhân lớn nhất từng được ghi nhận ở khu vực Houston," Mark Dawson của cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Houston cho biết.
Đây là cuộc điều tra kết hợp giữa cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Houston (HSI) thuộc Cục Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) và Cơ quan Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS).
Theo thông tin trên website của ICE, các cá nhân thực hiện kết hôn giả chủ yếu để lách luật di trú của Hoa Kỳ để được định cư theo diện bảo lãnh hôn phu, hôn thê.
Một số người Việt vui mừng tại lễ nhập tịch Hoa Kỳ
"Cáo trạng cho rằng các cuộc hôn nhân liên quan là giả vì vợ và chồng không sống cùng nhau và không có ý định sống cùng nhau, trái với giấy tờ và các tuyên bố họ cung cấp cho USCIS. Các cặp vợ chồng chỉ gặp nhau một thời gian rất ngắn, thường ngay trước khi họ có giấy chứng nhận kết hôn, hoặc thậm chí là không gặp lần nào."
Theo như các bản cáo trạng, người vợ/chồng được hưởng lợi từ cuộc kết hôn giả sẽ thỏa thuận trả cho bà Duyên khoảng 50.000-70.000 đôla để trở thành thường trú nhân Hoa Kỳ.
Các thỏa thuận được cho là chia theo tỷ lệ. Cứ mỗi khi hồ sơ nhập cư được đi xa hơn thì họ phải trả thêm một khoản cho bà Duyên, từ bước được nhập cảnh vào Hoa Kỳ, đến bước có "thường trú nhân có điều kiện" và cuối cùng là "tình trạng thường trú nhân toàn diện".
Ngoài ra bà Duyên còn "tuyển" những công dân Hoa Kỳ để đóng vai người vợ/chồng đứng ra bảo lãnh hôn thú (petitioner) cho các đối tác hôn thú muốn nhập cư vào Hoa Kỳ và sẽ nhận được một khoản tiền từ các đối tác này.
Một số người Mỹ này về sau lại trở thành "người tuyển dụng" những người khác tham gia vào các cuộc hôn nhân giả.
Đường dây này cũng ngụy tạo các album ảnh cưới giả, để chứng tỏ rằng họ có tổ chức lễ cưới linh đình, chứ không chỉ một buổi lễ đăng ký kết hôn tại tòa.
Cáo trạng còn cáo buộc đường dây này cung cấp thông tin sai về thuế và việc làm để khiến USCIS chấp thuận các hồ sơ xin nhập cư.
Theo cáo trạng, luật sư Nguyễn Lê Thiên Trang đã chuẩn bị các hồ sơ liên quan tới ít nhất một vụ hôn nhân giả và dặn dò một nhân chứng, người báo tin cho lực lượng thực thi pháp luật, phải đi trốn hoặc không nên di chuyển theo đường hàng không, và không được cung cấp bất cứ thông tin gì cho lực lượng thực thi pháp luật.
Tổng cộng những cáo trạng bao gồm: 47 cáo trạng kết hôn giả, 50 tội giấy tờ trực tuyến giả, 51 tội lừa đảo nhập cư, 51 tội khai man trước tòa liên quan đến người ngoại bang và một số tội âm mưu phạm các tội trên ...
Một người phụ nữ gốc Thái cùng con gái tại lễ nhập tịch Hoa Kỳ
Những tội như giấy tờ trực tuyến giả và tác động đến nhân chứng, nạn nhân và người cung cấp tin có thể bị kết án đến 20 năm tù giam.
Nếu phạm tội kết hôn giả, hoặc âm mưu kết hôn giả thì có thể bị giam giữ 5 năm tù giam. Các tội còn lại có thể bị kết án tối đa 10 năm tù giam trong nhà tù liên bang kèm theo các khoản tiền phạt.
Ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt
Luật sư Tâm Nguyễn tại San Jose cho BBC biết, ông "rất buồn và lo" trước tin này nhưng "không ngạc nhiên".
"Tôi buồn vì thấy rằng những tổ chức và cá nhân họat động phi pháp chẳng chừa một ai, và cộng đồng người Việt mình cũng dễ sa ngã. Thứ hai, tôi lo cho số phận của những người bị tiền mất tật mang, đã tốn rất nhiều tiền, mà còn bị sa vào vòng lao lý, lại trở ngại mọi toan tính tương lai cuộc đời. Và tôi cũng lo đến sự ảnh hưởng của việc này đến với những hồ sơ bảo lãnh đòan tụ tương lai của rất nhiều người khác, sẽ gặp thêm nhiều khó khăn vất vả."
"Tuy nhiên, khi thấy rất nhiều người Việt mình tìm mọi cách để vào được đến Mỹ, thì cũng là một điều rất dễ hiểu. Một khi ngay cả rất nhiều viên chức chính quyền cao cấp Cộng sản Việt Nam chống Mỹ kịch liệt mà còn lo toan cho con cái gia đình định cư tại Mỹ, thì huống chi một người dân đi tìm lối thóat cho bản thân và gia đình họ."
Bà Lam Kiều Loan, tại New York thì cho BBC biết bà đã nghe biết đến phong trào kết hôn giả để được đi Mỹ , Úc, Canada từ lâu.
"Nghe người quen kể có nhiều lắm, anh em ruột, chú cháu, dì cháu làm giấy tờ và đám cưới giả ở Việt Nam cũng có, thuê cũng có, thậm chí giá tăng sau nhiều năm. Rồi nghe đâu thời đó Úc phát hiện sớm và kiểm duyệt chặt hơn khiến cho khó thực hiện được, nên đi Canada dễ hơn. Tôi có nghe biết cụ thể vài trường hợp láng giềng người quen hay bà con có con cháu đi dạng này."
"Mức nghiêm trọng dường như gia tăng khi ngày càng có nhiều tổ chức chuyên trục lợi, hành nghề mai mối sắp đặt ăn tiền công và thậm chí lừa đảo khách hàng ở Việt Nam. Tôi biết vài trường hợp bị người môi giới lừa đưa tiền trước để làm thủ tục xong quỵt luôn không lãnh, như một chị bạn ở miền Trung có con trai muốn đi Canada bị một bạn nữ quen qua Facebook và quỵt gần 40.000 đô la. Cãi nhau rồi xù tiền mất và không hề có một thủ tục giấy tờ gì được khởi tiến. Có người kết hôn giả, qua thì bị ép ở thật hoặc tự nguyện ở thật," bà Loan nói.
Cuộc truy bắt và điều tra đường dây hôn nhân giả này diễn ra trong bối cảnh hàng ngàn người Mỹ gốc Việt có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam và việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang ngày càng thắt chặt chính sách về dân nhập cư.
Luật sư Tâm Nguyễn cho biết cách đây không lâu, một đường dây người Tàu chuyên tổ chức cho phụ nữ có bầu rồi qua Mỹ đẻ con bị bắt hồi tháng Giêng đầu năm tại Los Angeles. Bốn năm trước cũng có một nhóm khác bị bắt tại quận Cam.
"Hệ thống hành chính và guồng máy thực thi chính sách của chính phủ Hoa Kỳ họat động liên tục và tích cực đối với vấn nạn di dân bất hợp pháp vào Mỹ qua các thời kỳ tổng thống, không riêng gì với Tổng thống Trump," luật sư Tâm Nguyễn nói.
Tuy nhiên, luật sư Tâm cho rằng cuộc điều tra về đường dây kết hôn giả cũng có thể liên quan đến chính sách di dân của ông Trump vì "nhất là khi ông Trump muốn cắt giảm tình trạng 'chain immigration - nhập cư dây chuyền' theo hệ gia đình (Family-based visa sponsorship)."
Bà Kiều Loan lo sợ các vụ kết hôn giả sẽ ảnh hưởng đến các trường hợp kết hôn 'thật'.
"Khi có nhiều ca giả bị phát hiện, Mỹ sẽ thắt chặt luật làm ảnh hưởng lây các hồ sơ kết hôn thật, khiến họ khó được đậu phỏng vấn hoặc thời hạn kéo dài lâu. Nếu trót lọt về mặt giấy tờ hợp pháp, thì vẫn là sự bất công cho những trường hợp đạt chuẩn nhưng thủ tục xét duyệt nhiêu khê," bà nói.
"Nếu các vụ kết hôn giả của người Việt bể ra và bị truy tố với số lượng lớn, e rằng chính quyền Trump sẽ có cớ chính đáng để ra thêm biện pháp mạnh tay loại trừ di dân hơn, nhất là khuếch đại cho cái nón 'di dân lậu', từ mà Trump dùng để diệt trừ di dân không có giấy tờ nói chung. Việt Nam có thể là mục tiêu kế tiếp sau Mexico."
"Nó ảnh hưởng dính chùm tới số vài trăm ngàn người Việt lậu bằng nhiều hình thức đã và đang cư trú ở Mỹ, và có thể bị vạ lây luôn những hồ sơ cựu tù nhân trong số 8.000 người trong danh sách trục xuất đang gây tranh cãi của Trump."
Vậy người Việt ở Mỹ và người Việt Nam có mong muốn sang Hoa Kỳ định cư cần phải làm gì?
"Đã từ lâu tôi vẫn khuyên thân chủ và mọi người phải làm thật, đúng thủ tục, và đúng hạn. Nhiều người về sau mới khám phá rằng các nhân viên lãnh sự rất rành tiếng Việt mà họ giả bộ như không biết để yên cho mình ngồi 'nhắc bài' cho nhau," luật sư Tâm Nguyễn nói.
"Đặc biệt loại thị thực vợ chồng, họ chỉ cần tách đôi hai người rồi sau đó hỏi vài câu về bí mật chăn gối vợ chồng và đời sống gia đình mà chỉ có vợ chồng thật sống với nhau mới biết, như sở thích, thói quen, giặt đồ, đổ rác, nội dung bên trong tủ lạnh, v.v… là xác định được ngay.
"Do đó không những phải là vợ chồng thật, mà còn phải chuẩn bị mọi chi tiết chu đáo để khi phỏng vấn thì trả lời một cách tự nhiên và thông suốt, đừng ấp úng hay mù mờ khiến họ nghi ngờ."
Thùy Linh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.