Nhà thờ DCCT Kỳ Đồng, Sài gòn
Các vị linh mục chủ trì chương trình này lần lượt được thuyên chuyển nhiệm sở. Nhiều khả năng phòng ‘Công lý và Hòa bình’ của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn cũng sẽ khép lại tên gọi quen thuộc đó từ cuối tháng 05-2019.
Có nhiều chỉ dấu cho câu trả lời về khả năng chương trình nhân đạo “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” ở ngày 20-05-2019 sẽ là 'kỳ cuối', qua việc thuyên chuyển vị trưởng văn phòng Công lý và Hòa bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn là linh mục Lê Ngọc Thanh từ Sài Gòn về Giáo phận Long Xuyên (thuộc Nhà Vĩnh Long), linh mục Trương Hoàng Vũ, thủ quỹ chương trình “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa”, kể từ ngày 10-05, bắt đầu “thôi làm thành viên Nhà Sài Gòn” để “về làm thành viên Nhà Cần Giờ”. Trước đó, linh mục Đinh Hữu Thoại, tiền nhiệm trưởng văn phòng Công lý và Hòa bình, thuyên chuyển ra Quảng Nam.
Linh Mục Lê Ngọc Thanh nhiệm trưởng văn phòng Công lý và Hòa bình, thuyên chuyển ra Quảng Nam.
Theo lời chia sẻ của linh mục Lê Ngọc Thanh với người viết bài này, thì việc thuyên chuyển là theo quy định của Nhà dòng, các anh em ở một chỗ tối đa là 8 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt. “Mình đã ở Sài Gòn được 10 năm. Việc thuyên chuyển là bình thường, và đây cũng là dịp để mình ‘thử sức’ trong môi trường mới. Có lẽ phải sau năm đầu tiên ổn định, mình sẽ triển khai các dự tính tiếp theo đã hoạch định sẵn …”. Linh mục Lê Ngọc Thanh chia sẻ.
Linh mục Lê Ngọc Thanh là người gắn bó với Phòng Công lý và Hòa bình suốt chục năm vừa qua với các hoạt động từ thiện nhân ái, và là người được các nhóm, hội đoàn xã hội dân sự kính trọng về tinh thần dấn thân mạnh mẽ trong các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam.
Phòng Công lý và Hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn còn là địa chỉ quen thuộc của tất cả các ông, bà thương phế binh, khi chương trình giúp đỡ các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa được chuyển giao vào năm 2012 từ Hòa thượng Thích Không Tánh, chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn về Phòng Công lý và Hòa bình, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.
Linh mục Đinh Hữu Thoại
Linh mục Đinh Hữu Thoại, một trong những người phụ trách chương trình này, nhớ lại: “Năm chúng tôi bắt đầu tổ chức giúp cho chùa Liên Trì là tháng Bảy 2012. Do chúng tôi làm truyền thông thì nhiều người biết tới và con số thương phế binh đến càng ngày càng nhiều. Chương trình chúng tôi giúp đỡ họ là khám sức khỏe, trang bị cho họ những phương tiện trong cuộc sống như bảo hiểm y tế, xe lắc, xe lăn, xe ba bánh hay nạn, gậy, tùy nhu cầu mà chúng tôi giúp. Rồi thì sửa nhà, xây nhà mới, đi thăm bịnh và khi các ông qua đời thì chúng tôi đi viếng…”.
Linh mục Phạm Trung Thành, nguyên giám tĩnh Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, người hết lòng ủng hộ chương trình hỗ trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa từ những ngày đầu, nói rằng thương phế binh xứng đáng được tuyên dương chứ không thể bị quên lãng, vì họ đã hy sinh tuổi thanh xuân cũng như một phần thân thể của mình cho đất nước: “Tôi hiện diện và đóng góp với anh em linh mục nhóm Công lý Hòa bình để nâng đỡ và chia sẻ với anh em thương phế binh. Tưởng tượng bây giờ họ sáu bảy chục tuổi rồi, mù què rồi thân xác cũng tàn tạ hết cả…
Rất vui mừng vì có dịp để bày tỏ nhận thức của mình về anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa; nhận thức tôn trọng, nhận thức yêu thương, nhận thức muốn nâng đỡ và tri ân anh em thương phế binh, phục hồi quyền làm người và nhân phẩm của anh em mà trong nhiều năm qua cách này cách khác đã không được tôn trọng, đã không được đối xử đúng mức…”.
Linh mục Nguyễn Ngọc Bích
Tuy nhiên dường như vị Giám tỉnh kế nhiệm linh mục Phạm Trung Thành là linh mục Nguyễn Ngọc Bích không hẳn đồng quan điểm như vậy. Sau thời gian ngắn gián đoạn của việc chuyển giao chức vụ Giám tỉnh, chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa vẫn được vị tân Giám tỉnh đồng ý tiếp tục, và chỉ có một vài “thay đổi nhỏ” về nhân sự khi thuyên chuyển linh mục Đinh Hữu Thoại, người phụ trách Phòng Công lý và Hòa bình ra Quảng Nam.
Kênh truyền thông “Tin mừng cho người nghèo” do linh mục Lê Ngọc Thanh phụ trách cũng được bàn giao lại, và rất nhanh sau đó mọi dữ liệu video trên kênh này bất ngờ bị khóa. Sau đó, nhóm linh mục Lê Ngọc Thanh, linh mục Lê Xuân Lộc, linh mục Trương Hoàng Vũ cùng một số anh, chị, em cùng mở kênh mới Amen tv.
Thời gian đi qua, vị tân Giám tỉnh hồi nào giờ tiếp tục được chọn làm Giám tỉnh cho nhiệm kỳ kế tiếp. Việc thay đổi nhân sự của Phòng Công lý và Hòa bình diễn ra ‘khốc liệt’ hơn với thuyên chuyển linh mục Lê Ngọc Thanh, linh mục Trương Hoàng Vũ, linh mục Lê Quang Uy. Vị linh mục sẽ về phụ trách Phòng Công lý và Hòa bình từ 19-05-2019, nghe đâu cũng đã có ý thay đổi tên của văn phòng này…
“Lạy Chúa, con là kẻ ngoại đạo, nhưng con xin Ngài tha tội cho con. Hôm nay con phải bật ra lời nguyền rủa kẻ đang tiếp tay phá nát những điều tốt đẹp còn sót lại nơi nhà Ngài! Buồn rất nhiều! Điên cũng rất nhiều!”. Bà Dương Thị Tân, một tình nguyện viên của Phòng Công lý và Hòa bình đã không dằn được cảm xúc, chia sẻ như vậy trên trang cá nhân facebook hôm 10-05.
Nhà báo Ngô Kim Hoa thì ‘nặng giọng’ hơn: “Tôi là tân tòng, nhưng từ khi được làm con cái Chúa tôi luôn phó thác cho Ngài mọi sự và tin tưởng nơi Ngài. Nhưng bao năm qua nhìn chủ chăn Dòng Chúa Cứu Thế hiện tại, người thay hai quý cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành và quý cha Giuse Hồ Đắc Tâm (là hai người đã làm lễ rửa tội và thêm sức cho tôi) thực lòng nhiều lúc cứ ngỡ ngàng vì cách hành xử của vị chủ chăn này. Thưa cha Ngọc Bích, ông đang phụng sự ai vậy???! Nếu đã sợ một thế lực nào và cung phụng nó thì đừng làm linh mục. Xin Chúa tha thứ cho ông vì những việc ông đã làm”.
Bình tĩnh quan sát, một nhà báo ngoại đạo đang cộng tác với kênh Amen tv, nói rằng dường như đang có cả một kế hoạch dài hơi nhằm ‘quốc doanh hóa’ các vị linh mục.
Tổng giáo phận Sài Gòn
Trước tiên, tại sổ tang Lê Đức Anh, khi viết chia buồn, vị Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Sài Gòn lại ghi là “Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh”. Cách dùng từ này gây bất ngờ, vì căn cứ hồ sơ pháp lý liên quan về tôn giáo của Bộ Nội vụ, thì cho đến nay chỉ có một tên gọi là “Tổng giáo phận Sài Gòn” trong mọi hoạt động, kể cả phát hành văn bản hành chính. Hoặc hạn hữu nếu có sử dụng từ “TP. Hồ Chí Minh”, thì sẽ là cụm từ “Tổng giáo phận Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh”. [*]
Dự kiến vào hạ tuần tháng 05-2019, đến lượt Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn sẽ thay đổi tên gọi của “Phòng Công lý và Hòa bình”. Nguồn tin cho biết, tên mới khi đọc lên sẽ mang sắc thái của Tuyên giáo đảng: “Phòng Phát triển con người toàn diện”.
Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Việc ‘đóng cửa’ Phòng Công lý và Hòa bình liệu có dẫn tới ‘khép lại’ chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa? Việc thuyên chuyển linh mục Lê Ngọc Thanh, rồi linh mục Trương Hoàng Vũ, phải chăng nhằm đến việc ‘bứng cái gai truyền thông’ mà kênh Amen tv đang rất mạnh mẽ trong lên tiếng các vụ việc áp bức, bất công; đặc biệt là vụ vườn rau Lộc Hưng, nơi có một dãy nhà dành cho các ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ‘đầu đường xó chợ’, mà nhóm linh mục Lê Ngọc Thanh, linh mục Trương Hoàng Vũ đã vận động xây dựng, để rồi bị chính quyền thẳng tay đập phá.
Không lạm bàn về thuyết âm mưu ở đây, song thực tình đang có quá nhiều nghi vấn về một hoạch định ‘quốc doanh hóa’ các vị linh mục của nhà nước độc đảng toàn trị hiện nay.
Phải chăng đúng như lời nhận xét của bà Dương Thị Tân: “Có thể nói sang nhiệm kỳ thứ hai này, cha Ngọc Bích đã hoàn thành nhiệm vụ được giao là phân tán, cô lập các cha đang thực thi rất tốt sứ vụ mà Thiên Chúa trao ban. Hiện cha Bích chỉ còn giữ bên mình những cha luôn tuân phục cha, cũng như tuân phục nhà cầm quyền…”.
Minh Châu
+ Chú thích:
[*] Trong Sắc lệnh đề ngày 08/03/2018, Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc công bố rằng “vì Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giáo phận Sài Gòn, Việt Nam, qua đời, Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc muốn tìm đặt người điều hành cho Tổng giáo phận này. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến những người liên quan, với năng quyền đặc biệt do Đức Thánh Cha Phanxicô ban, chúng tôi đề cử và bổ nhiệm: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng hiện là Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Sài Gòn làm Giám quản tông tòa Tổng giáo phận Sài Gòn “do trống tòa và theo sự xếp đặt của Tòa Thánh”, với tất cả thẩm quyền và năng quyền dành cho các Bản Quyền địa phương tại các địa hạt trực thuộc Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc”.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.