Monday, May 20, 2019

Con người phải mặc quần áo để làm gì?

BM
Từ thời điểm nào đó thời xa xưa, con người đã cần phải có đồ che phủ, giúp giữ ấm thân nhiệt

Stephen Gough muốn trần truồng, tới mức điều này đã tước bỏ tự do của ông. Ông phải trải qua tổng cộng 10 năm trong tù vì tội khoe thân quá mức trước công chúng, và ông bị bắt rất nhiều lần.

Gough, nổi tiếng với biệt danh "kẻ đi dạo trần truồng", thích trút bỏ quần áo khi tiết trời ấm áp.

Gough, nổi tiếng với biệt danh "kẻ đi dạo trần truồng", thích trút bỏ quần áo khi tiết trời ấm áp.

Ông không phải là mối đe dọa khi ở nơi công cộng, nhưng khi ông đi dạo không mảnh vải che thân từ John o'Groats tới Lands' End (một cung đường đạp xe nổi tiếng dài chừng 874 dặm) ở Anh năm 2003, ông đã gây ra sự phản đối khắp cả nước.

BM
  
Khi có ý định thực hiện hành trình này một lần nữa, ông nhanh chóng bị bắt. Trong tù, ông thường bị đưa vào phòng biệt giam vì từ chối mặc quần áo.

Trần như nhộng hay chống lạnh?

Nhưng rõ ràng, không ai có thể tranh luận với sự thật là tất cả chúng ta từ khi sinh ra, giống như ông Gough, đều không có quần áo. Sự khác biệt ở đây chỉ là hầu hết chúng ta đều che mình ở chốn công cộng.

Có nhiều lý do tốt để mặc quần áo: Trong các khu vực khí hậu lạnh, chúng ta sẽ lạnh chết mất nếu không có thêm lớp vải che chắn nào, và trong khí hậu nóng khắc nghiệt, quần áo có thể bảo vệ ta khỏi ánh mặt trời.

BM
  
Tuy nhiên, một số cộng đồng săn bắt - hái lượm vẫn chọn sống hầu như trần truồng, điều này cho thấy quần áo không phải quá thiết yếu với sự sống còn của con người.

Vậy nếu việc trần truồng là tự nhiên, thì sự ám ảnh với quần áo của con người bắt đầu từ khi nào, và vì sao?

Quần áo không hóa thạch, vì thế chúng ta không thể có bằng chứng trực tiếp về thời kỳ khi những tổ tiên của chúng ta - người 'hominin' - không còn đi lại mà không mặc quần áo, và bắt đầu khoác lên mình những lớp lông và da thú.

BM  
  
Thay vào đó, hầu hết các nhà nhân chủng học dựa vào các phương thức gián tiếp để xác định thời kỳ xuất xứ của quần áo.

Một nghiên cứu năm 2011 về loài chấy cho thấy loài này chỉ mới bắt đầu tồn tại 170.000 năm trước.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy chấy rận và loại rận sống trong quần áo của chúng ta tách loài vào khoảng thời gian này. Cho nên có giả thuyết được nêu ra là khi con người bắt đầu mặc quần áo, một số con chấy bắt đầu sống trên quần áo và tiến hóa thành một loài khác.

BM
Người Neanderthal cần chống chọi với cái rét của châu Âu

Vào thời kỳ đó, loài tổ tiên của con người là loài người thông minh, 'Homo sapiens', đã bắt đầu xuất hiện trên Trái Đất ở Châu Phi. Họ không còn nhiều lông trên cơ thể, loại lông đã từng giúp loài người hominins cổ xưa giữ ấm vào ban đêm và bảo vệ họ phần nào khỏi sức nóng của Mặt Trời.

Có lẽ con người đã bắt đầu mặc quần áo để bù lại cho phần lông đã rụng mất, Ian Gilligan từ Đại học Sydney ở Úc nói.

BM
  
Rất nhiệu xã hội săn bắn - hái lượm thời hiện đại, như người Nuer ở miền nam Sudan, chỉ mặc quần áo ở mức tối thiểu. Điều này cho thấy sự che chắn đơn giản có lẽ không phải là lý do duy nhất khiến con người mặc quần áo. Có thể hình dung mọi người bắt đầu cảm thấy "kín đáo" và muốn che chắn cho bản thân, nhưng rất khó để tìm ra bằng chứng trực tiếp cho ý kiến này.

Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy những cộng đồng săn bắt - hái lượm khác, như người Fuegian ở Nam Mỹ, mặc những quần áo đơn giản vào một số thời điểm, nhưng cũng thường đi lại mà chẳng bận quần áo gì. Có lẽ con người thuở ban sơ chỉ che chắn cho cơ thể khi trời lạnh.

BM
  
Bên ngoài Châu Phi, người ta dễ dàng nhận thấy quần áo rất quan trọng để bảo vệ cơ thể chống lại cái lạnh. Một giống người khác, người Neanderthal, đã xuất hiện trên Trái Đất trong thời tiết giá lạnh hơn nhiều và chắc chắn cần phải có đồ giữ ấm.

Người Neanderthal tồn tại ở Châu Âu một thời gian rất dài trước khi người hiện đại xuất hiện. Chúng ta đều tiến hóa từ cùng một tổ tiên, được cho là người Homo heidelbergensis. Theo đó thì nếu người Neanderthal cũng mặc quần áo, quần áo đã từng được sáng tạo ra nhiều lần và người Neanderthal đã làm ra chúng trước chúng ta.

BM
  
Hai giống người hominin có vẻ có cách tiếp cận khác nhau với quần áo. "Có vẻ có sự phân biệt giữa quần áo của người Neanderthal và [quần áo] của con người," Nathan Wales từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch cho biết.

Trong nghiên cứu công bố năm 2012, Wales ước tính rằng người Neanderthal đã phải che kín 70-80% cơ thể họ trong các tháng mùa đông, để có thể sống sót thành công trong một số điều kiện thời tiết mà ta biết rõ họ sinh sống trong đó.

Để xác định, Wales so sánh những gì mà người săn bắt - hái lượm thời hiện đại mặc trong các điều kiện môi trường khác nhau, và đối chiếu với tình trạng khí hậu trong lịch sử.

Người hiện đại cần phải che chắn cơ thể họ nhiều hơn, đến 90%, Wales cho biết. Ông nói điều này cho thấy người Neanderthal không cần phải có các loại quần áo bó sát che phủ cơ thể hoàn toàn.

Hai cách ăn mặc

BM
Người Neanderthal được cho là thua người hiện đại trong việc chế tạo quần áo

Chúng ta chỉ biết rất ít về những loại quần áo họ có thể đã mặc.

Người Neanderthal có lẽ đã mặc các áo choàng không tay làm từ lông thú đơn giản, theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 8/2016. Các nhà nghiên cứu cho rằng người Neanderthal điển hình có lẽ đã quấn lông thú quanh cơ thể.

Trong khi đó, người hiện đại làm ra các loại quần áo phức tạp hơn một chút, có lẽ bằng cách khâu nhiều mảnh lại với nhau.

BM
  
Trưởng nhóm nghiên cứu Mark Collard, từ trường Đại học Simon Fraser ở Burnaby, Canada, nhận thấy người hiện đại có xu hướng săn các con thú giúp họ có các áo choàng lông dày hơn và ấm hơn. Chồn sói là một ví dụ điển hình. Nó sẽ làm thành phần cắt tỉa tuyệt đẹp gần cổ hay ở cuối cánh tay.

Ông Collard thấy rằng thậm chí ngày nay, loài chồn sói vẫn là mục tiêu ưa thích của các nhóm người như người Inuit. "Người ta thực sự thèm muốn những tấm da như vậy, và nó liên quan đến kết cấu lông, chúng không dễ bị đóng sương nhiều như các loại lông thú khác," ông cho biết. "Chúng còn hữu ích hơn cả quần áo mùa đông của quân đội."

Với Wales, những phát hiện đó xác nhận người hiện đại có hành vi khác với người Neanderthals. "Công nghệ đó thực sự giúp con người, có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường sống mới," ông nói. "Vì thế thay vì tiến hóa để có khả năng sống ở nơi đó, họ chỉ đơn giản là tạo ra các loại quần áo tốt hơn."

BM
  
Dù vậy, người Neanderthal, với vóc dáng thấp bé hơn và lùn hơn, đã thực sự thích nghi với khí hậu lạnh hơn ở Châu u so với người hiện đại. Họ đến Châu Âu trước khi chúng ta đến đó, trong khi người hiện đại trải qua hầu hết lịch sử của họ với nhiệt độ ở vùng nhiệt đới Châu Phi.

Quần áo và sự tuyệt diệt

Nghịch lý là, người Neanderthal thích nghi tốt hơn với cái lạnh và điều này cũng khiến họ bị tuyệt chủng.

Nếu điều này nghe có vẻ ngược đời, thì thực sự nó đúng là ngược đời ở góc độ nào đó.

BM
  
Người hiện đại có cơ thể gọn gàng hơn, nghĩa là dễ bị tổn thương hơn trong giá lạnh. Kết quả là, tổ tiên của chúng ta buộc phải có thêm các tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật. "Chúng ta đã phát triển quần áo tốt hơn để bù lại, điều này cuối cùng đã giúp con người vượt qua giới hạn khi thời tiết trở nên cực kỳ lạnh giá [vào khoảng] 30.000 năm trước," Gilligan cho biết.

Có bằng chứng khảo cổ cho thấy con người đã tìm ra công nghệ tốt hơn để làm ra vải. Chúng ta cũng đã phát triển những công cụ cắt chuyên dụng, như lưỡi dao và cuối cùng là kim khâu.

Những công cụ này giúp ta cắt da thú thành những hình vuông, hình chữ nhật và sau đó có thể nối các mảnh lại.

Ngược lại, người Neanderthal có vẻ chỉ có vài vật dụng nạo đơn giản. Vào năm 2007, Gilligan cho rằng điều này đã góp phần vào sự suy vong của giống loài, vì họ chỉ có những quần áo chất lượng rất thấp trong những thời kỳ giá lạnh nhất của kỷ băng hà cuối cùng.
"Khi họ bắt đầu phải vật lộn, đó có thể là lý do vì sao họ tuyệt chủng, họ không có công nghệ làm ra các loại quần áo phức tạp mà người hiện đại đã phát triển trước đó ở Châu Phi," Gilligan cho biết.

BM
  
Dù người hiện đại đã có những công cụ tinh vi và quần áo, người Neanderthal không phải loài cục súc như từng được miêu tả, và không có lý do nào tin rằng nói chung họ ít tinh khôn hơn chúng ta. Có thể chỉ đơn giản là họ đã không cần phải che kín cả cơ thể, và khi cuối cùng họ cần đến thì công nghệ của họ không đáp ứng được.

Trong thực tế, khi nói về việc gia công da thú, chúng ta đã học một vài điều từ người Neanderthal.

Năm 2013, một nhóm nghiên cứu do Marie Soressi từ Đại học Leiden ở Hà Lan phát hiện ra người Neanderthal là những người đầu tiên sử dụng công cụ làm từ xương, thay vì làm từ đá. Họ đã làm vậy từ 40-60.000 năm trước.

BM
  
Những "công cụ Lissoir" này là những mảnh xương sườn của loài hươu. Chúng được dùng để làm da thú mềm hơn, có lẽ là dùng cho quần áo.

Sau khi người Neanderthals tuyệt chủng, những công cụ bằng xương tương tự xuất hiện ở các khu vực có người Homo sapiens.

"Loại xương này rất phổ biến ở Thời kỳ Đồ đá Cũ (upper Palaeolithic), vì thế nó rất phổ biến ở bất cứ khu vực nào có người hiện đại sau khi người Neanderthal tuyệt diệt," Soressi cho biết.

"Với tôi, đây rất có thể là bằng chứng đầu tiên về một thứ gì đó được chuyển từ người Neanderthal cho người hiện đại."

Học những mẹo của người Neanderthal đối phó với cái lạnh là điều cực kỳ hữu dụng cho người hiện đại, mà sau đó họ đã kết hợp các công cụ bằng xương với bộ công cụ khác của họ để chế tạo ra quần áo tốt hơn.

BM
  
Nếu điều này là thật, nó làm dấy lên câu hỏi tại sao người Neanderthal không bắt chước những công nghệ tinh vi hơn từ người hiện đại. Có lẽ là người hiện đại đơn giản là chỉ tìm thấy những công cụ bằng xương của người Neanderthal nằm xung quanh, thay vì thực sự gặp được người Neanderthal.

Hơn cả giữ ấm

Trong khoảng thời gian gần hơn một chút, có lẽ khoảng 30.000 năm trước, quần áo Thời kỳ Đồ Đá trở nên tinh vi hơn.

Trong Hang động Dzudzuana ở Georgia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra sợi lanh được nhuộm màu trong những khu vực có người sinh sống. Chúng có thể được dùng để làm quần áo vải lụa với nhiều màu sắc.

Điều này cho thấy quần áo đã trở thành một thứ còn hơn là hữu dụng. Chúng còn phục vụ cho mục đích trang trí. Nói cách khác, quần áo đã trở nên có tính biểu tượng.

BM
  
Gilligan chỉ ra rằng con người có lẽ đã tự trang trí cho bản thân trước khi quần áo tồn tại. "Khi bạn nhìn vào những người săn bắt - hái lượm hiện đại không mặc quần áo, họ trang trí bằng những hình vẽ cơ thể tuyệt đẹp. Bạn không cần phải có quần áo để có thể làm vậy."

Có bằng chứng cho thấy người Neanderthal cũng vẽ cơ thể bằng màu thổ hoàng đỏ, với những bằng chứng xa xưa nhất cách đây hơn 200.000 năm. Dĩ nhiên, màu tự nhiên có thể được dùng để nhuộm nâu da thú, cho các nghi lễ chôn cất, hay cho các bức tranh vẽ trong hang.

Nhưng khi trời quá lạnh để khoe những hình vẽ cơ thể, người xa xưa đã buộc phải dùng thứ gì đó che chắn, giữ ấm cho cơ thể. "Tính năng trang trí trở thành quần áo," Gilligan nhận định.

"Khi điều đó xảy ra, con người cần quần áo cho mục đích xã hội đó cũng như mục đích giữ nhiệt."

Điều này có thể giải thích vì sao việc sử dụng quần áo lại trở thành một phần không thể thiếu với sự nhận biết của rất nhiều người.

Tương tự, thiếu quần áo là điều quan trọng để nhận diện một bộ tộc săn bắt - hái lượm nào đó.

Sự thật là quần áo phức tạp hơn bạn tưởng. Không có chúng, có thể chúng ta đã không sống sót, nhưng ngày nay chúng ta sử dụng quần áo không chỉ để giữ ấm.

BM
  
Quần áo đã trở thành một phần danh tính, văn hóa của con người và cả chuẩn mực xã hội.

Quần áo phân biệt chúng ta khác với các loài khác, về mặt tự nhiên, Gilligan nói.

Hơn thế nữa, bằng cách cho thấy chúng ta thuộc về một nhóm xã hội hay chính trị đặc thù, quần áo còn có thể làm chúng ta trông khác với những người khác.



Melissa Hogenboom

BM

Chùa xứ Ta, Chùa xứ Người
Chiến lược thương chiến của Tổng thống Trump
Con người đang hủy hoại ngôi nhà duy nhất của mình
Donald John Trump - Ông là ai ?
Trí tuệ nhân tạo sẽ kiểm soát việc xuất nhập cảnh?
Nói ra xấu hổ lây, nhưng phải nói...
Culi Việt ở xứ người
Ai xóa sổ phòng Công Lý và Hòa Bình?
Viết cho văn phòng Công Lý và Hòa Bình
Luận về tâm lý chính trị
Nữ sinh viên gốc Việt 19 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ dược ở Mỹ
Cả xã hội Tàu cộng ăn cắp bí mật Mỹ
Quan ngại của người VN _ an toàn thực phẩm, ô nhiễm và tham nhũng
Thời hoàng kim của thợ săn ảnh sắp hết?
Chuyện gì đang diễn ra ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn?
Nên đi khám răng thường xuyên tới mức nào
Phim ‘Nailed It’ và giấc mơ Mỹ xuyên thế hệ của người Việt
Công ty Trung cộng ‘âm thầm chuyển sang Việt Nam’
Khi giới tài phiệt sợ… giàu!
Thương cho thân phận thương phế binh VNCH

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.