Cô June thân mến,
Tôi đã hơn 80 tuổi và đang gặp khó khăn trong mối quan hệ với các con. Con gái và cháu gái của tôi, cả con trai và con dâu (đang sống ở xa) đều tránh né, coi thường, chế nhạo, lừa dối, và xa lánh tôi. Tôi yêu thương các con sâu sắc và đầu tư rất nhiều vào bản thân để cố gắng có những mối quan hệ tích cực hơn. Tôi rất đau khổ vì những mất mát trong mối quan hệ này. Tôi đã làm gì khiến bản thân không được yêu thương như vậy? Sao những người có chuyên môn giỏi giang lại có thể đối xử với tôi theo cách không tương xứng với địa vị và phẩm giá của họ như vậy? Tôi có nên đến buổi họp mặt gia đình không? Trong gia đình ruột thịt của tôi, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để dành thời gian bên nhau vào các kỳ nghỉ. Đó là dành thời gian nghỉ lễ quý giá cho những người mà chúng ta ít muốn dành thời gian nhất. Bây giờ tôi đang gợi lại những khoảng thời gian căng thẳng đó trong chính gia đình mình.
Tôi đã cầu nguyện cho con gái từ trước khi con bé chào đời. Bây giờ sau 50 năm, tôi vẫn đang cầu nguyện cả ngày dài và không lường trước được tình huống này. Trong những năm qua, tôi đã xin lỗi 4 đứa con của mình về những điều mà Chúa đã cho tôi thấy rằng tôi cần phải sửa đổi, nhưng điều đó chẳng giúp ích được gì. Các con tránh mặt tôi nhiều hơn.
Tôi đã lưu và đọc lại bài viết “Ostracized Sister Seeks to Mend Sibling Rift” (Người Chị Bị Xa Lánh Tìm Cách Hàn Gắn Rạn Nứt Tình Chị Em) của cô, vì tôi nghĩ bài viết đó có thể hữu ích. Sau khi đọc xong, tôi đến xin lỗi con gái vì chuyện mới xảy ra gần đây. Chuyện là thế này: Khi đang vội vã băng qua bãi đậu xe trường học của cháu gái để đến gặp con và cháu sau buổi tập bóng chuyền của cô bé, thì tôi thấy cháu gái tuổi vị thành niên của mình vội vàng nhảy vào xe, trong khi con gái tôi lùi xe và nhấn ga đến ngay chỗ tôi đang đứng rồi dừng lại. Con gái tôi cúi người về phía trước để che cửa sổ. Sau lời chào vội vã, họ nhanh chóng lái xe ra khỏi bãi đậu xe và tôi có thể thấy một người nam đội mũ ngồi ở ghế hành khách. Sau này tôi mới biết cậu bé đó chính là cháu trai của tôi, từ ngoại tỉnh tới thăm, và tôi vô cùng đau lòng.
Trước khi xin lỗi, tôi đã cầu nguyện rằng: “Xin hãy mang đức khiêm cung vào cuộc sống của con để con có thể chân thành. Trao cho con những lời muốn nói và tâm thái dịu dàng. Xin hãy để tinh thần của con đi trước và chuẩn bị phương hướng.” Tôi viết ra những lời muốn nói và xem xét cẩn thận để tìm ra bất kỳ điều gì có thể mang tính buộc tội hoặc phán xét. Tôi gọi cho con gái và hỏi liệu tôi có thể gặp con bé 5 phút vào giờ ăn trưa không (con bé làm việc ở nhà) và con gái tôi đồng ý, các cháu của tôi cũng có mặt ở nhà và nghe thấy mọi chuyện. Con gái tôi biết rằng khi tôi bước qua cánh cửa đó “tôi sẽ không vui chút nào.” “Mẹ chịu trách nhiệm về việc con chạy quá tốc độ ra khỏi bãi đậu xe. Có điều gì đó ở mẹ đã khiến con làm như vậy. Con là một người tốt và sẽ không làm điều đó nếu không do mẹ gây ra. Mẹ rất xin lỗi vì những điều mẹ làm đã khiến con hành xử như vậy. Mẹ hạ mình đến đây xin lỗi để con có thể cảm thấy dễ chịu hơn.” Tôi không thấy mình có phán xét gì về hành động của con khi nói chuyện. Tôi khiêm tốn, chân thành xin lỗi, và tự trách mình về việc con gái lái xe đi và cố tình giấu cháu trai của tôi.
Con gái tôi đứng bật dậy, khóc, la hét, khua tay múa chân, rồi lớn tiếng tuôn ra một tràng xúc phạm đầy giận dữ. “Tất cả những gì mẹ từng làm là nói KHÔNG, không, không! Con rất muốn làm lành với mẹ. Con cầu nguyện nhiều lần trong ngày cho mối quan hệ của chúng ta. Mẹ thậm chí còn không hiểu con! Con đã kể với nhiều người về mối quan hệ giữa chúng ta. Mẹ là một người khó tính.”
Con gái tôi cầu nguyện và tôi cũng cầu nguyện, nhưng tôi biết thái độ của chúng tôi không thay đổi chút nào. Nếu chúng tôi có thể nhận được sự giúp đỡ vào thời điểm bế tắc này thì sẽ thật hữu ích. Con bé có vẻ cởi mở với điều đó vào thời điểm chúng tôi nói chuyện. Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể tiến xa hơn trong mối quan hệ này. Nhưng con gái tôi muốn tiếp tục mà không nói về mối quan hệ của chúng tôi nữa. Tôi đề nghị rằng chúng tôi có thể thử, nhưng việc bỏ qua vấn đề và cố gắng tiếp tục thường không mấy tác dụng. Tôi gửi email cho con gái và hỏi liệu tôi có thể mang bữa trưa đến, chúng tôi có thể chỉ thư giãn và nói về phần thưởng của con gái không. Con gái tôi đã nhận được 4 giải thưởng và được tăng lương trong vài tháng qua. Con bé chưa bao giờ nói với tôi thì làm sao tôi biết được. Đó là vào hai tuần trước và con bé vẫn chưa trả lời tôi về bữa trưa.
Năm ngoái, tôi đau khổ và băn khoăn về vấn đề này đến mức tôi phải tìm đến một chuyên gia tư vấn của chương trình Medicare (không phải Cơ Đốc Giáo). Chúng tôi đi đến điểm chính rằng, người cố vấn muốn cả tôi và con gái cùng đến để được tư vấn.
Tôi không nghĩ mình sẽ sống được bao lâu nữa vì tôi có rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tôi không muốn việc này bị dở dang khi tôi qua đời, và tôi cũng muốn được một chuyên gia theo Cơ Đốc Giáo tư vấn hơn nên tôi đã ngừng tham vấn. Tôi không nghĩ rằng vị cố vấn đó có đủ kỹ năng để giúp đỡ chúng tôi.
Một người mẹ cao niên, đầy hy vọng.
***
Gửi người mẹ cao niên, đầy hy vọng,
Cháu đồng cảm với những khó khăn của bác. Mối quan hệ với con cái là điều vô cùng thiêng liêng đối với trái tim người mẹ; khi các con cư xử không đúng, điều đó sẽ mang đến cho chúng ta nỗi buồn sâu sắc.
Dường như từ lâu bác đã cố gắng chăm chỉ và chân thành để cải thiện mối quan hệ trong gia đình, nhưng chưa có kết quả. Bác đã cầu nguyện rất nhiều về vấn đề này, nhưng chưa có hồi đáp.
Lời gợi ý đầu tiên của cháu là bác hãy giao phó nỗi lo lắng và niềm hy vọng của mình cho Chúa. Chắc chắn Ngài có câu trả lời và dự định dành cho bác; tuy nhiên, khi chúng ta đang ở giữa sự đau khổ thì rất khó có thể nhận ra điều này.
Cháu nhớ có một câu chuyện kể thế này:
Xưa có một người đàn ông bị mắc kẹt trên mái nhà trong một trận lũ. Anh rất sùng đạo và có niềm tin lớn lao rằng Chúa sẽ cứu mình. Chẳng bao lâu sau, người hàng xóm chèo thuyền ngang qua và gọi anh lên thuyền. “Không sao đâu, tôi đang cầu nguyện và Chúa sẽ cứu tôi,” người đàn ông trả lời.
Sau đó, một người đàn ông đi thuyền máy đến và người này lại hét lên, “Nào, xuống thuyền đi.”
“Không sao đâu, tôi đang cầu nguyện và Chúa sẽ cứu tôi,” người đàn ông đáp lại.
Tiếp đến, một chiếc trực thăng bay tới và phi công hạ sợi dây xuống để kéo anh ấy lên, nhưng người đàn ông vẫn trả lời, “Không sao đâu, tôi đang cầu nguyện và Chúa sẽ cứu tôi.”
Chỉ một lúc sau, nước đã bao phủ căn nhà và người đàn ông chết đuối. Trên thiên đường, anh ta có cơ hội để hỏi Chúa, rằng tại sao dù có đức tin, nhưng nhân mạng của anh vẫn không được cứu? Chúa trả lời rằng, “Ta đã gửi cho con hai chiếc thuyền và một chiếc trực thăng, con còn muốn gì hơn nữa?”
Cháu nghĩ câu chuyện này cho thấy một sự thật và một cạm bẫy mà đôi khi chúng ta sẽ mắc phải chúng ta có thể bị cuốn vào các quan niệm nhất định về việc chúng ta nghĩ con đường tâm linh của mình nên như thế nào, đến mức nó trở thành một lối tư duy hạn hẹp. Có lẽ, thay vì cầu xin và tìm kiếm sự sáng suốt, bác nên cảm ơn Chúa vì Ngài đã cho bác cơ hội để trưởng thành về mặt tâm linh. Không sao cả nếu bác vẫn chưa biết gì về giải pháp. Hãy dâng thời gian và cách gỡ rối vấn đề đó cho Chúa. Ngài đã để bác trở thành một người mẹ. Ngài biết nỗi buồn đau trong lòng bác. Nếu Ngài vẫn chưa trả lời thì hẳn là có lý do.
Điều cháu làm khi đối diện với một tình huống căng thẳng là trước hết cần bình tĩnh. Sợ hãi, đau buồn, hoặc lo lắng không khiến cho việc tìm ra giải pháp dễ dàng hơn. Trước tiên, cháu thực hiện việc này bằng cách nhìn vào năng lượng của mình khi cháu cảm thấy không tĩnh tại và bình yên, điều này cho thấy cháu cần xem xét lại điều gì ở bản thân đang kích hoạt những cảm xúc đó. Thường thì, nguyên nhân là do một suy nghĩ sâu thẳm trong tâm trí cháu một mặc định mà cháu không nhận ra có liên quan đến nỗi sợ hãi hoặc kỳ vọng.
Chẳng hạn, có một lần khi con trai lớn của cháu được một tuổi rưỡi và cháu đang trông chừng một đứa trẻ mới chập chững khác, con trai cháu đã lấy một cây gậy và bắt đầu đánh vào đầu bạn nó. Khi còn là một bà mẹ trẻ, phản ứng của cháu là sợ hãi và xấu hổ vì sự việc xảy ra đúng lúc cha của đứa bé kia bước vào. Cháu sợ nếu cháu không sửa chữa hành vi của con trai mình, thì thằng bé sẽ tiếp tục đánh những đứa trẻ khác. Cháu cũng xấu hổ vì không muốn cha của đứa bé đó nghĩ rằng cháu nuôi dạy con không tốt, vì thế trong cơn xúc động, cháu đã lớn tiếng mắng con và đánh vào tay thằng bé. Con trai cháu khóc một lúc, vì ngạc nhiên hơn là vì đau đớn, bởi vì cháu không đánh mạnh, sau đó thằng bé liền nhặt vật khác lên và tiếp tục đánh vào đầu bạn mình một lần nữa.
Tất nhiên, đây không phải là lần duy nhất mà nỗi sợ hãi đã khiến cháu đưa ra những lựa chọn sai lầm trong cách nuôi dạy con cái, và cháu thấy nhẹ nhõm vô cùng khi đọc một bài báo viết về việc nuôi dạy con nói rằng phản ứng thái quá thường là do chúng ta lo sợ khi ở vai trò của người làm cha làm mẹ. Bây giờ trong việc nuôi dạy con và trong cuộc sống nói chung, cháu cố gắng giải quyết các vấn đề một cách bình tĩnh. Khi cháu thiếu bình tĩnh, cháu sẽ dành thời gian để tìm hiểu lý do tại sao để tìm ra điều cháu lo sợ hoặc kỳ vọng mà đã khiến bản thân cháu xúc động.
Bác nói rằng bác mong muốn những vấn đề với các con của mình được giải quyết trước khi bác qua đời một mong muốn hoàn toàn tự nhiên, nhưng vì bác cũng nghĩ rằng mình không còn nhiều thời gian, có lẽ ở đây có chút sợ hãi chăng? Nếu vậy, thì có thể nỗi sợ hãi đó đang cản trở mọi việc được giải quyết.
Bác cũng nên cân nhắc rằng có thể bác sẽ không đạt được giải pháp mà mình mong cầu trong đời, nhưng cháu nghĩ sẽ luôn có một đáp án về mặt tinh thần. Cháu tin rằng Chúa yêu thương bác và muốn những điều tốt đẹp nhất cho bác, và vì vậy, có thể bác cần phải buông bỏ và có đức tin cùng sự tin cậy. Có những điều mà con người chúng ta không thể nhìn thấy, và Thần luôn từ bi và công bằng, ngay cả khi chúng ta chịu nhiều đau khổ.
Thật tuyệt vời khi bác và con gái bác đều cầu nguyện cho nhau. Đối với cháu, điều này cho thấy cô ấy không hề chấp chứa oán giận sâu sắc với bác, bất kể những trở ngại trong mối quan hệ của hai người. Có thể cô ấy không muốn ở bên bác, nhưng điều này dường như cũng không phải nảy sinh từ sự tổn thương sâu thẳm.
Lời xin lỗi
Và trong cách bác miêu tả lời xin lỗi của mình, có vài điều khiến cháu chú ý.
Đầu tiên là khi bác xin lỗi con gái, bác đã nhận hết trách nhiệm về mình. Cháu có thể thấy rằng bác chân thành muốn làm cho con cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng khi đổ lỗi cho chính mình về hành vi của con, bác thực sự có thể khiến cô ấy thấy thất vọng cô ấy có thể cảm thấy bác đang đối xử với cô ấy như một đứa trẻ bất tài chứ không phải là một người trưởng thành có ý chí tự do. Sau lời xin lỗi của bác, con gái bác nói rằng cô ấy không cảm nhận được sự thấu hiểu từ bác.
Thứ hai, lẽ ra cô ấy có thể nghe lời xin lỗi của bác vào một thời điểm và địa điểm khác tốt hơn. Đối với cô ấy, đây là một chủ đề đầy cảm xúc, vì vậy, tốt nhất là bác nên sắp xếp thời gian và không gian để thảo luận khi mà cả hai đều có thể chuẩn bị và chú tâm. Thời điểm xin lỗi vừa qua có thể khiến cô ấy căng thẳng thêm vì cô đang ở giữa một ngày bận rộn, có con cái ở cạnh, có thể còn chưa kịp ăn trưa và sau đó lại bị yêu cầu tập trung vào một tình huống mà rõ ràng khiến cô ấy không thoải mái, có lẽ là quá nhiều đối với cô ấy lúc này. Có thể ở vào một hoàn cảnh khác, con gái bác sẽ muốn chia sẻ với bác nhưng ngay lúc đó, cô ấy không có đủ thời gian hoặc không gian tinh thần cũng như cảm xúc để mở lòng.
Một lợi ích cho việc tư vấn là cả hai người đều chuẩn bị sẵn sàng để nói về các vấn đề tình cảm trước khi bước vào buổi tư vấn. Cũng có thể hữu ích khi tổ chức những cuộc trò chuyện này ngoài thiên nhiên, nơi mọi người có xu hướng cảm thấy bình tĩnh hơn.
Bên cạnh đó, vừa đi vừa trò chuyện cũng có thể khiến những cuộc hội thoại khó khăn trở nên dễ dàng hơn một chút đối với một số người.
Xây dựng mối quan hệ
Suy nghĩ cuối cùng của cháu là, có lẽ bác có thể bắt đầu xây dựng các mối quan hệ như bác mong muốn từ những việc nhỏ và bằng những điều đơn giản. Trước hết, bản thân bác cần cố gắng thư giãn và hạnh phúc, trân trọng và tận hưởng khoảng thời gian mà bác dành cho gia đình. Hãy đặt việc “sửa chữa các mối quan hệ” sang một bên và tập trung vào việc tìm hiểu gia đình mình, như thể bác đang làm quen với một người mới vậy.
Những điều mà cả bác và các con đều yêu thích và có thể làm cùng nhau là gì?
Hoặc bác biết điều gì sẽ khiến họ thích thú? Có thể cùng nhau xem một bộ phim vào buổi tối, đi đến rạp chiếu phim, tham dự một buổi lễ nhà thờ, hoặc đến một địa điểm du lịch ở địa phương.
Hãy lắng nghe nhiều hơn chia sẻ. Bác hãy tìm hiểu những thú vui và sở thích mà gia đình bác cảm thấy hứng thú.
Hiểu được ngôn ngữ tình yêu của họ.
Bác hãy để người khác quyết định khi nào là thời điểm để đưa ra những chủ đề tình cảm sâu sắc.
Ngoài ra, nếu họ cần bất kỳ sự giúp đỡ nào thì bác có thể giúp họ, bác nhé. Và bác cũng nhờ họ giúp đỡ những việc bác cần và cảm ơn họ vì điều đó.
Cháu hy vọng rằng, một số điều trên đây sẽ hữu ích với bác.
Cháu muốn kết thúc bằng một tuyên bố không áp đặt. Đây rõ ràng là một tình huống rất phức tạp, và rất nhiều câu hỏi cháu nhận được đều như vậy. Gần đây, có độc giả viết thư cho cháu và bày tỏ rằng sau khi suy nghĩ cẩn thận, họ đã quyết định làm điều gì đó hoàn toàn khác với những gì cháu đề nghị. Rõ ràng là họ rất hài lòng với giải pháp của riêng mình và cháu rất vui khi họ tìm thấy điều gì đó phù hợp với mình. Cháu cố gắng hết sức để trả lời các câu hỏi một cách chu đáo và chân thành, nhưng có rất nhiều câu hỏi mà cháu không thể biết được từng tình huống cá nhân, và vì vậy những đề nghị của cháu có thể không phù hợp với bác chút nào. Vậy nên, cháu mong bác suy xét và xem liệu chúng có hiệu quả với bác không. Và nếu không, thì cháu hy vọng rằng hành động suy ngẫm và có lẽ là thử điều gì đó mới mẻ sẽ khiến bác tìm ra câu trả lời cho mình. Cháu tin rằng mỗi chúng ta đều sáng suốt hơn nhiều so với những gì chúng ta ý thức được.
Trân trọng,
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.