Lãi suất thẻ tín dụng đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, trong bối cảnh Hệ thống Dự trữ Liên bang tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát cao hàng thập niên.
Theo Bankrate, lãi suất thẻ tín dụng đã tăng lên mức trung bình 20.72%, cho thấy đây là con số cao nhất kể từ khi họ bắt đầu theo dõi dữ liệu kể từ tháng 09/1985. Trong khi đó, dữ liệu của LendingTree cho thấy tính đến cuối tháng Chín, lãi suất thẻ tín dụng vẫn giữ ở mức 24.45%, một mức kỷ lục mọi thời đại đối với công ty này.
Để so sánh, lãi suất thẻ tín dụng trung bình đang ở mức 14.22% trong năm 2018, theo NerdWallet. Dữ liệu cho thấy con số này chỉ là 12.89% vào năm 2017.
Dữ liệu của Bankrate cho thấy vào tháng 05/2022, lãi suất trung bình của Mỹ ở mức 16.41%. Đến tháng 07/2022, con số này là 17.01%, và đến tháng 08/2022, con số này đứng ở mức 17.67%.
Ông Ted Rossman, nhà phân tích cao cấp của CreditCards.com, nói với Reuters vài tuần trước: “Trước đây, thẻ tín dụng đã rất đắt đỏ, mà giờ chúng còn đắt hơn, và sẽ còn đắt hơn nữa vào cuối năm nay.”
Đồng thời, theo Báo cáo Tín dụng và Nợ Gia đình mới từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Fed New York), nợ thẻ tín dụng trên toàn quốc đã tăng 46 tỷ USD trong quý, và tăng 100 tỷ USD so với cùng thời kỳ năm ngoái. Mức tăng 13% so với cùng thời kỳ năm ngoái này là mức tăng lớn nhất trong vòng hơn 20 năm.
Gần đây, Hệ thống Dự trữ Liên bang đã cho biết nợ thẻ tín dụng ở Hoa Kỳ đang ở mức kỷ lục mọi thời đại. Đầu năm nay, Fed cho biết, khoản nợ này đã vượt quá 1 ngàn tỷ USD. Trong khi đó, dữ liệu của Fed cho thấy, số liệu nợ quá hạn của thẻ tín dụng đang ở mức cao nhất trong 11 năm, theo số đo bằng mức trung bình bốn quý.
Các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York viết trong một blog kèm theo việc phát hành dữ liệu hồi tháng Tám: “Bất chấp nhiều khó khăn mà người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt trong năm qua lãi suất cao hơn, áp lực lạm phát sau đại dịch, và những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây có rất ít bằng chứng về tình trạng khó khăn tài chính lan rộng đối với người tiêu dùng.”
Các khoản nợ lớn hơn, cùng với lãi suất cao hơn, đang đặt bảng cân đối kế toán của một số gia đình vào nguy hiểm. “Lãi suất thẻ tín dụng dường như luôn tăng, và không bao giờ giảm,” ông Ed Mierzwinski, giám đốc cao cấp của chương trình người tiêu dùng liên bang của tổ chức vận động U.S. PIRG, nói với Reuters. “Các ngân hàng từ lâu vẫn luôn thoát được trách nhiệm với việc tăng lãi suất. Họ tăng lãi suất bất cứ khi nào có cơ hội.”
Trong khi đó, một số cây viết về tài chính cá nhân ngày càng cho rằng người tiêu dùng nên cố gắng thanh toán số dư thẻ tín dụng của mình hàng tháng.
“Nếu có bất kỳ khoản chi tiêu nào dành cho những vật dụng mong muốn có trên bảng sao kê thẻ tín dụng của quý vị, thì điều đó phải dừng lại ngay bây giờ” cố vấn tài chính Suzie Orman viết trong bản tin tuần này. “Không có lý do gì phải trả lãi suất 22% cho một thứ không phải là nhu cầu thiết yếu.”
Các nhà lập pháp nhắm tới mục tiêu
Một số nhà lập pháp và cơ quan quản lý liên bang hiện đang kêu gọi các công ty thẻ tín dụng đặt giới hạn lãi suất và giảm phí khi mức nợ tăng trong bối cảnh lãi suất cao.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) đã giới thiệu một dự luật vào tháng trước nhằm đặt giới hạn lãi suất thẻ tín dụng, còn được gọi là lãi suất phần trăm hàng năm (hoặc APR), do “gánh nặng tài chính cao hơn” mà những người Mỹ đang làm việc phải gánh chịu.
“Người Mỹ đang bị đè bẹp dưới gánh nặng của khoản nợ thẻ tín dụng kỷ lục và các ngân hàng lớn nhất ngày càng giàu hơn,” nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng Hòa này cho biết trong một tuyên bố. “Chính phủ đã nhanh tay cứu vớt các ngân hàng vào mùa xuân vừa rồi, nhưng đã lờ đi những người đang nỗ lực để tiến về phía trước. Việc giới hạn lãi suất thẻ tín dụng tối đa là công bằng, hợp lý, và mang lại cơ hội cho giai tầng lao động.”
Đầu năm nay, bốn thượng nghị sĩ đã giới thiệu Đạo luật Cạnh tranh Thẻ tín dụng, nhằm mục đích giảm một số phí giao dịch thẻ được chuyển cho người tiêu dùng. Họ gồm có các Thượng Nghị sĩ Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois), J.D. Vance (Cộng Hòa-Ohio), Peter Welch (Dân chủ-Vermont), và Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas).
Jack Phillips _ Vân Du
***
Điểm tín dụng (Credit Score) là gì ?
Điểm tín dụng là một con số từ thấp (300) đến cao (850) để xác định thành tích và uy tín về tín dụng của mỗi người. Dựa vào đó, các nhà băng thường dùng để làm thước đo xem người đó có nghiêm chỉnh hay không để trả nợ sau khi đã mượn được một món nợ, dù là nợ trả định kỳ với khoản tiền cố định mỗi tháng (như nợ mua nhà, nợ mua xe) hoặc nợ thay đổi tuỳ theo lúc xài (revolving credit) như nợ thẻ tín dụng (muốn trả nợ ít hay nhiều, lâu hay mau tuỳ ý của người mang nợ).
https://baomai.blogspot.com/
***
PayPal so với thẻ tín dụng
Quý vị sắp mua hàng trực tuyến. Tại giỏ hàng ảo, một sự lựa chọn phương thức thanh toán xuất hiện. Quý vị có muốn sử dụng PayPal hoặc thẻ tín dụng để thanh toán mua hàng không? Cả hai đều có vẻ là những lựa chọn tốt. Sự khác biệt là gì? Và liệu lựa chọn này có an toàn hơn lựa chọn kia không?
https://baomai.blogspot.com/
***
Thẻ tín dụng có thể giúp ích ra sao trong thời suy thoái
Khi một cuộc suy thoái sắp xảy ra (hoặc đang xảy ra rồi), có thể quý vị sẽ tự hỏi làm thế nào để giải quyết các vấn đề về tài chính của mình một cách tốt nhất. Xét cho cùng, thì một cuộc suy thoái — là khoảng thời gian khi nền kinh tế bị lao dốc sâu — có thể gây ra các căng thẳng tài chính. Liệu quý vị có bị mất việc làm không? Liệu quý vị có thể bắt kịp với các chi phí hàng ngày (đang gia tăng) không?
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.