Cùng với cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang là người chủ trương nhạc trẻ Việt Nam, phải có căn cước hay ID Việt, chứ không thể nhắm mắt copy từ giai điệu tới phong cách trình diễn của nhạc trẻ Tây Phương. Khởi từ ý thức và, nỗ lực đáng ghi nhận này, họ Nguyễn đã đứng ra thành lập ban nhạc Phượng Hoàng vào đầu thập niên 1970, ở Saigon.
Là linh hồn của ban nhạc, là người có công dựng-tượng-đài-Phượng-Hoàng (theo cách nói của nhạc sĩ Tuấn Khanh), tôi không biết, họ Nguyễn có tiên liệu sẽ trở về cát bụi khi ông còn quá trẻ, chỉ mới 38 tuổi!?! Tôi nghĩ, dường ông linh cảm được phần nào về cái chết, căn cứ vào một vài ca khúc cuối cùng của Nguyễn.
Theo Tự Ðiển Bách Khoa Toàn Thư-Mở-Wikipedia, người ta được biết:
Nguyễn Trung Cang sinh năm 1947 tại Long Thành, Biên Hòa. Ông mất năm 1985. Cùng với Lê Hựu Hà, Nguyên sáng lập ban nhạc trẻ Phượng Hoàng năm 1970. Ông cũng là tay guitar điện chính cho ban nhạc này.
Có nguồn tin ghi nhận rằng, Nguyễn chết trong nghèo khó và, bệnh tật tại một trại cải tạo ở một vùng rừng núi hẻo lánh, để lại một người vợ và 2 người con gái. Nhưng theo nhạc sĩ Lê Huy (hiện cư ngụ tại thành phố San Jose, miền Bắc tiểu bang California) thì, họ Nguyễn chết tại cư xá cạnh chùa Xá Lợi, do thiếu dinh dưỡng, cơ thể quá yếu, không có thuốc loại hít thẳng vào phổi (inhalation) chống hen suyễn,…
Tính tới lúc từ trần, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đã để lại cho đời trên dưới 30 ca khúc. Những ca khúc tiêu biểu của ông, có thể kể như: Phiên Khúc Mùa Ðông, Thương Nhau Ngày Mưa, Dạ Khúc, Ðêm Dài, Mặt Trời Ðen, Bước Tình Hồng, Lời Nào Muốn Nói, Nắng Hạ, Giấc Mơ Qua, Xin Một Bóng Mát Bên Ðường, Kho Tàng Của Chúng Ta, v.v…
Sau biến cố tháng 4, 1975, Nguyễn Trung Cang có thêm ca khúc “Bâng Khuâng Chiều Nội Trú” sáng tác năm 1981. Nhưng ca khúc này chỉ được trình diễn sau khi ông đã từ trần; khởi đầu bởi Tuấn Ngọc.
https://www.youtube.com/watch?
Một sáng tác khác của họ Nguyễn, cũng nổi tiếng sau năm 1975 là ca khúc “Còn Yêu Em Mãi.”
https://www.youtube.com/watch?
Phần ca từ của ca khúc này, có những câu thành khẩn, thiết tha khiến người nghe, khi đặt mình vào hoàn cảnh của Nguyễn, e khó cầm lòng, như: “Này em hỡi, ta mơ ngày sẽ tới/ khi tương phùng, em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc / Ngọt hay đắng, trong cuộc đời mưa nắng / ta luôn cười trong giấc mơ hạnh phúc xưa tuyệt vời / Riêng ta nơi núi rừng / Về đêm càng nghe hồn băng giá / Câu ca hay khúc nhạc / Càng thêm sầu cho tình tan nát / Dù biết cách xa với đời / Dù biết thủy chung chẳng rời / Mà vẫn xót xa tháng ngày / Chờ ta chi nữa em ơi / Còn đâu giây phút tuyệt vời.”
Ðề cập tới “Còn Yêu Em Mãi” tác giả Hương Giang trong một bài báo trên tờ Người Ðưa Tin ghi nhận:
“…Rất nhiều người yêu nhạc cho rằng, âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang (hoặc những nhạc phẩm chung tay với nhạc sĩ Lê Hựu Hà trong ban nhạc Phượng Hoàng) mà ông từng tham gia là những lời ca, những nét nhạc của sự bi quan, chất chứa sự thở than trước nhân tình thế thái. Nhưng sâu thẳm bên trong những nhạc khúc của Nguyễn Trung Cang lại là sự lạc quan mà tình khúc ‘Còn Yêu Em Mãi’ là một minh chứng để đời.
“Giữa chốn rừng sâu hiu quạnh, người nhạc sĩ vẫn còn biên đầy trang thư gửi về cho người vợ yêu dấu những tình cảm nồng ấm của thuở yêu thương mặn nồng. Quá vãng tươi đẹp với tình yêu sâu sắc vượt qua mọi rào cản và cuộc vượt ngục về tinh thần này đã chắp cánh cho địa hạt tân nhạc Việt Nam một tác phẩm vang sáng trước mọi ám ảnh sợ hãi cũng như bóng tối của miền rừng thiêng nước độc trong những ngày dài đằng đẵng sống trong đau khổ.
“Ngay cả khi sức khỏe đã suy kiệt, chú Phượng Hoàng một thời vẫn hiên ngang đứng trên đỉnh dốc vẫy cánh và có thể dệt lời ca ân tình thì chắc chắn nếu không có trái tim lạc quan thì Nguyễn Trung Cang khó lòng sáng tạo và chắt lọc được những lời ca đẹp đến thế. Giống như lần cuối cùng được hát, Nguyễn Trung Cang – một phần của Phượng Hoàng đã hát say sưa, vang lừng để có một giai điệu của ‘Còn Yêu Em Mãi’ không quá vui tươi nhưng cũng đủ để cho người nghe thấy được khát khao về một ngày mai tương phùng mãnh liệt. Thế nhưng cuộc đời không là một giấc mơ màu hồng, giấc mơ tương phùng của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang mãi mãi không trở thành hiện thực bởi ông đã ra đi mà chưa có giây phút hội ngộ để nghe người thân khóc cho niềm vui vì hạnh phúc (…)
https://www.youtube.com/watch?
“’Còn Yêu Em Mãi’ là ca khúc đưa Lưu Bích, Tô Chấn Phong, trở thành cặp song ca hải ngoại được yêu thích nhất trong thập niên 90. Bài hát là tự sự không thể chân thành hơn của những người đang yêu. Cảm giác nồng nàn, ấm áp xuyên suốt ca khúc đã làm người ta quên đi nỗi u uẩn, mệt mỏi trong tận cùng sâu xa của bài hát. ‘Dù có cách xa mỏi mòn, mà những yêu dấu còn mãi. Sưởi ấm xác thân héo gầy, tình yêu như gió đem mây, gọi mưa giăng kín khung trời…’
“Ca khúc cuối đời tuổi trẻ nghèo khó, tuyệt vọng của gã si tình, say đời Nguyễn Trung Cang dành cho người vợ yêu quý của mình, nhờ người bạn thân Lê Hựu Hà chuyển giúp. Nó là định mệnh trớ trêu, bởi chỉ vài tháng sau, ông đã chết vì kiệt sức. Những ca từ nồng ấm đã trở thành lời trăng trối có thật. Những nốt nhạc như lời tiên tri về thiên tai đời mình của Nguyễn Trung Cang…” (Nđd)
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Lê Huy thì, ca khúc “Còn Yêu Em Mãi” không phải là bài cuối cùng và, cũng không phải do Lê Hựu Hà chuyển giúp. Nguyễn Trung Cang hoàn tất phần lời thứ nhất lúc còn ở nhà. Một năm sau ông mới hoàn tất phần 2 trong tù.
Vẫn theo nhạc sĩ Lê Huy thì chính Lê Huy là người đầu tiên đem “Còn Yêu Em Mãi” qua Mỹ. Ca sĩ Thái Xuân, giám đốc trung tâm Diễm Xưa thời đó, nhận mua bản quyền ca khúc ấy. Người làm hòa âm cho ca khúc là Lê Huy. Lê Huy còn cho biết thêm, tiền bản quyền đã được Lê Huy trao tận tay thân mẫu cố nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang.
Cách gì thì như thân mẫu Nguyễn Trung Cang, đã nghẹn ngào xác nhận rằng, con bà, tác giả “Còn Yêu Em Mãi” qua đời trong hoàn cảnh “nghèo khó và tật bệnh”, khi bà xuất hiện trong bộ video chủ đề ban nhạc Phượng Hoàng, do trung tâm Asia thực hiện…
Qua cái chết của Nguyễn Trung Cang, thật đáng buồn, khi lịch sử nền tân nhạc Việt, lại ghi nhận thêm một trường hợp tài hoa bạc mệnh nữa!!!
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.