Nhà hàng sang trọng và luôn đông khách, các tiệm thời trang với đủ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, siêu xe không phải là hiếm… Nói chung không có gì là không có ở Việt Nam. Nghịch lý này do đâu mà ra?
Hàng hiệu, tiệc tùng, công trình xây dựng
Về thói quen thích xài đồ hiệu, với người giàu không có gì đáng bàn, nhưng nhiều người với thu nhập thấp vẫn thích sắm đồ “xịn”. Chiếc điện thoại tính năng căn bản là để dùng nghe gọi nhưng phải mua loại thật đắt tiền. Người giàu, có tiền không nói, đằng này nhiều người lương ba cọc ba đồng, thậm chí các em sinh viên chưa làm ra tiền cũng tìm cách để có. Ðang xài iPhone 14 thấy iPhone 15 vừa tung ra lại đổi. Xe máy phải tay ga mới “đẳng cấp”. Quần áo, giày dép phải made in… nước ngoài, vài triệu VNÐ/bộ hay đôi khi vài chục triệu, trăm triệu VNÐ/bộ.
Tương tự, người Việt dù nghèo nhưng luôn thích tiệc tùng mỗi khi có dịp như: sinh nhật, thôi nôi, có việc làm mới, lên lương, thăng chức… thậm chí chả lý do gì cũng mở tiệc. Không ít người tổ chức sinh nhật, đám ma, đám cưới… luôn phải làm thật ầm ĩ để người ngoài nhìn vào phải chép miệng thán phục.
Một thực tế khác là các cơ quan nhà nước đua nhau xây tượng đài, trụ sở đồ sộ, kinh phí lớn có khi lên đến hàng nghìn, chục nghìn tỷ VNÐ.
Một vài số liệu so sánh
Năm 2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tính GDP trung bình đầu người VN đạt khoảng 4,162.94 USD, xếp thứ 117 trên thế giới. Còn xét riêng các nước khu vực ASEAN, Singapore là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất, đạt 79,426.14 USD, xếp thứ 6 thế giới. Brunei GDP bình quân đầu người khoảng 42,939.,4 USD, xếp thứ 2 ASEAN và thứ 23 trên thế giới… Ðiều này cho thấy phần lớn người dân Việt Nam còn rất nghèo so với các nước khu vực.
Nguyên do
Tính cách thích phô trương của người Việt phần lớn xuất phát từ thích sĩ diện, tức xem vẻ ngoài rất quan trọng, nhằm tránh sự coi thường, đánh giá thấp của người xung quanh, công chúng… Nhiều người thích phô trương bề ngoài không chỉ trong vấn đề sinh hoạt hàng ngày mà còn trong việc làm ăn, ví dụ như, dù không thật giàu nhưng cũng phải cố có một chiếc xe hơi thật đẹp, hay hơn nữa là bỏ hàng chục tỷ VNÐ để mua một tấm nhôm mỏng “bảng số xe đẹp”! để gây sự chú ý, nể phục và tin tưởng từ mọi người xung quanh.
Một khía cạnh khác, đối với các cơ quan, chính quyền nhà nước, không đơn thuần chỉ là phô trương. Bên trong đó là các khoản tiền lại quả, hoa hồng… từ nhà thầu khi được giao xây dựng các trụ sở, tượng đài..
Tâm lý xài sang suy cho cùng, không đáng trách bởi đó là quyền cá nhân của mỗi người. Nhưng nó gây khó chịu trong một xã hội mà đa số người dân còn nghèo. Hiếm có nước đang phát triển nào lại có lắm siêu xe như Việt Nam, các nước như Ấn Ðộ, Malaysia xe hơi sử dụng trong nước hầu hết là xe sản xuất trong nước.
Tâm lý thích hàng “xịn”, không chỉ có ở người giàu mà rất thường của người Việt Nam, xuất phát từ cách đánh giá sự giàu sang, địa vị. sự thành công… của một người qua hình thức bên ngoài, vô tình đưa chúng ta vào cuộc đua vô lý, tốn kém.
Xu hướng tiêu dùng này sẽ là dấu hiệu đáng mừng nếu nền kinh tế Việt Nam thực sự phát triển. Song thực tế rất đáng buồn khi qua số liệu so sánh về GDP tính trên đầu người như đã nói ở trên, trình độ sản xuất, công nghệ, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến phạm vi toàn thế giới.
Hệ luỵ của cách tiêu xài quá đà này là khá rõ, trộm cắp, giết người, gian dối, lừa đảo, tham nhũng, tù tội… rất thường hiện nay, gây bất an cho xã hội, và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Mặt khác, nếu cứ chạy theo vật chất bằng mọi giá thì còn đâu là giá trị nhân văn, còn đâu là động lực để họ có thể vươn lên đuổi kịp thế giới chung quanh hoặc chưa nói là nhằm vượt lên chính bản thân mình?
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.