Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Mỹ. Theo thống kê năm 2020 tại Mỹ cho thấy, cứ 21 ca tử vong thì có 1 trường hợp do đột quỵ. May mắn là nhiều người sống sót sau cơn đột quỵ có thể phục hồi với ít biến chứng. Việc luyện tập phục hồi chức năng kết hợp thay đổi lối sống có thể cải thiện quá trình phục hồi và giảm thiểu nguy cơ tái phát.
Đột quỵ là căn bệnh cấp tính do nguồn cung cấp oxy lên não bị gián đoạn. Các tế bào não không nhận được oxy trong vòng vài phút sẽ chết, dẫn đến các biến chứng suốt đời hoặc thậm chí tử vong.
Phát hiện sớm các triệu chứng hoặc dấu hiệu đột quỵ sẽ cải thiện khả năng phục hồi.
Phân loại đột quỵ
Có 2 nhóm đột quỵ phổ biến, trong mỗi nhóm lại chia thành 2 loại nhỏ hơn. Cách phân loại này dựa trên sự khác biệt về nguyên nhân làm gián đoạn lượng oxy và máu lên não. Sau đây là các loại đột quỵ:
· Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
· Đột quỵ do cục máu đông
· Đột quỵ do tắc mạch máu
· Đột quỵ do xuất huyết não
· Đột quỵ do xuất huyết nội sọ
· Đột quỵ do xuất huyết dưới nhện
Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của đột quỵ?
Nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của đột quỵ sẽ cải thiện đáng kể kết quả chữa trị cho bệnh nhân. Một quy tắc đơn giản giúp ghi nhớ các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ là F.A.S.T (NHANH- cần phản ứng nhanh):
Face drooping (Méo mặt): Các cơ mặt có vẻ chùng xuống hoặc méo xệ
Arm weakness (Tay yếu): Bị tê hoặc yếu cánh tay, chân hoặc mặt, đặc biệt là ở một bên cơ thể
Speech difficulty (Nói khó): Nói lắp và nhầm lẫn trong việc hiểu hoặc nói
Time (Thời gian): Hãy nhanh chóng gọi xe cấp cứu khi phát hiện một hoặc nhiều triệu chứng trên
Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm:
Rối loạn thị giác: Mất thị lực hoặc nhìn mờ ở một hoặc cả hai mắt
Nhức đầu: Đột ngột đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân
Mất khả năng vận động: Mất thăng bằng hoặc khó phối hợp các động tác
Mất phương hướng
Mất trí nhớ
Nguyên nhân gây đột quỵ
Nguyên nhân đột quỵ phụ thuộc vào kiểu đột quỵ. Đột quỵ thiếu máu cục bộ là do tắc nghẽn mạch máu, trong khi đột quỵ do xuất huyết là do mạch máu bị rò rỉ hoặc vỡ mạch máu não hoặc phình mạch máu não.
Tắc động mạch (thiếu máu cục bộ)
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại phổ biến nhất, gần 87% các cơn đột quỵ là do thiếu máu cục bộ, vốn là do tắc nghẽn mạch máu.
Tắc động mạch có thể do nhiều nguyên nhân: chất béo tích tụ tại thành động mạch tạo thành các mảng bám (xơ vữa động mạch) hoặc do khối máu đông dẫn đến tắc mạch máu.
Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là sự gián đoạn tạm thời lưu lượng máu đến não. Sự gián đoạn chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và biến mất trong vòng vài phút, thường không dẫn đến các biến chứng lâu dài. Đôi khi chúng được gọi là đột quỵ nhẹ.
Rò rỉ hoặc vỡ mạch máu (xuất huyết não)
Rò rỉ hoặc vỡ mạch máu có thể gây đột quỵ do xuất huyết não. Một số yếu tố góp phần vào tình trạng này gồm:
· Huyết áp cao không được kiểm soát
· Thuốc chống đông máu
· Túi phình tại những thành mạch máu bị yếu (phình động mạch máu)
· Chấn thương
· Protein lắng đọng trong thành mạch máu khiến cho thành mạch bị yếu (bệnh mạch máu dạng bột – CAA)
· Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ
· Những bất thường trong mạch máu của não (dị dạng động mạch – AVM)
Khi máu rò rỉ hoặc vỡ ra từ mạch máu sẽ gây áp lực lên mô não. Áp lực này làm tổn thương các tế bào não, dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não.
Các cơ chế đằng sau đột quỵ?
Một số cơ chế đứng sau nguyên nhân chính gây đột quỵ gồm: tắc nghẽn (thiếu máu cục bộ) hoặc rò rỉ hoặc vỡ mạch máu (xuất huyết). Các cơ chế này được mô tả chi tiết bên dưới.
1. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Những mảng bám trong động mạch tích tụ lâu ngày trở nên cứng, gây xơ vữa động mạch. Khi các mảng xơ cứng tích tụ trong mạch máu, lòng mạch bị thu hẹp, hạn chế lưu lượng máu.
Các mảng bám hình thành trên thành động mạch có thể bị vỡ. Tiếp đó, các tiểu cầu trong máu có thể kết dính vào vùng bị tổn thương của mảng bám và hình thành cục máu đông. Cục máu đông có thể gây tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch.
Theo Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia, đây là lý do phổ biến nhất khiến các động mạch bị tắc nghẽn. Chứng viêm cũng có thể gây tắc nghẽn động mạch bằng cách thúc đẩy sự tích tụ mảng bám.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ được chia thành hai loại:
Đột quỵ do huyết khối
Đột quỵ do cục máu đông xảy ra khi mảng bám tích tụ khiến các protein trong máu kết dính thành một khối đông hoàn toàn, được gọi là huyết khối. Mảng bám hoặc cục máu đông có thể di chuyển đến não từ những nơi khác trong cơ thể, nhưng sự tắc nghẽn xảy ra trong não.
Đột quỵ do tắc mạch máu (huyết tắc)
Đột quỵ do tắc mạch máu là do cục máu đông vốn hình thành ở những nơi khác trong cơ thể, làm gián đoạn lưu lượng máu đến não. Động mạch bị tắc có thể do cục máu đông di chuyển từ buồng bên trái của tim hoặc từ động mạch cảnh; hoặc do các mảnh vụn xuất phát từ tim (ví dụ như từ van tim bị nhiễm trùng). Rung tâm nhĩ, một rối loạn nhịp tim phổ biến nếu không được điều trị có thể gây nguy cơ tắc mạch máu não.
2. Đột quỵ do xuất huyết
Đột quỵ do xuất huyết xảy ra khi mạch máu trong não bị rò rỉ hoặc vỡ. Do chảy máu, áp lực máu trong não tăng lên khiến các tế bào bị tổn thương. Khi khả năng tiếp cận oxy của chúng giảm đi, các tế bào não bắt đầu chết.
Đột quỵ do xuất huyết chiếm khoảng 13% các cơn đột quỵ. Loại này cũng được chia thành hai loại:
Đột quỵ do xuất huyết nội sọ: Đột quỵ do xuất huyết nội sọ là kết quả của việc máu chảy và tràn vào mô chính của não. Loại xuất huyết này còn được gọi là xuất huyết nhu mô.
Xuất huyết não xảy ra nhanh chóng và không có dấu hiệu báo trước. Những cơn đột quỵ kiểu này có thể nghiêm trọng và dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.
Đột quỵ do xuất huyết dưới nhện: Đột quỵ do xuất huyết dưới nhện là tình trạng chảy máu ở phần giữa của não và lớp màng xung quanh của nó. Vị trí này được gọi là khoang dưới nhện.
Chứng phình động mạch là tình trạng xuất hiện các túi phình tại thành mạch máu bị suy yếu, có thể gây ra xuất huyết dưới nhện.
Ai có nguy cơ bị đột quỵ?
Nguy cơ đột quỵ có thể do nhiều yếu tố. Một số có thể kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống, trong khi những yếu tố khác thì không. Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ đột quỵ:
· Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ
· Nhiễm COVID-19
· Bệnh tiểu đường
· Bệnh tim mạch
· Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)
Từng bị cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA): Mặc dù được gọi là đột quỵ nhỏ nhưng những cơn thiếu máu thoáng qua này không kém phần quan trọng so với bất kỳ cơn đột quỵ nào khác, cho thấy nguy cơ đột quỵ trong tương lai. Hơn1/3 số người từng bị TIA nếu không được điều trị sẽ bị đột quỵ trong vòng 1 năm và từ 10% đến 15% sẽ bị đột quỵ trong vòng 3 tháng.
Chủng tộc hoặc dân tộc: Người da đen và người người gốc Mỹ Latinh, đặc biệt là nam giới dễ bị đột quỵ hơn các nhóm dân tộc khác. Những nhóm này thường có nhiều trường hợp bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, béo phì và hút thuốc lá. Người da đen cũng dễ bị bệnh hồng cầu lưỡi liềm, vốn là bệnh thiếu máu di truyền làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn phụ nữ vì theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, một nửa số nam giới bị cao huyết áp và họ thường uống rượu và hút thuốc nhiều hơn phụ nữ. Khoảng 3 trong 4 nam giới bị thừa cân hoặc béo phì, và họ có nguy cơ bị bệnh tiểu đường và thường ít tham gia hoạt động thể chất. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cũng cho biết nam giới dưới 44 tuổi phải nhập viện thường xuyên hơn so với phụ nữ cùng độ tuổi vì một số loại đột quỵ.
Béo phì: Béo phì góp phần làm tăng huyết áp, bệnh tim và tiểu đường. Tất cả đều là những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Thói quen ngủ kém: Các nghiên cứu cho thấy cả những người ngủ quá nhiều và ngủ quá ít đều có nguy cơ bị đột quỵ cao. Những người đã từng bị đột quỵ cũng có thể gặp phải rối loạn giấc ngủ, gây nguy cơ tái phát đột quỵ.
Chấn thương sọ não (TBI): Chấn thương sọ não có thể tăng nguy cơ đột quỵ. Chấn thương có thể dẫn đến chảy máu trong não, gây tổn thương tương tự như đột quỵ do xuất huyết. Chấn thương cổ cũng có thể tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là ở người trẻ.
Từng bị đột quỵ: Nguy cơ tái phát đột quỵ cao hơn ngay sau khi bị đột quỵ nhưng giảm dần theo thời gian. Theo Johns Hopkins, khoảng 3% những người từng bị đột quỵ sẽ tái phát trong vòng 30 ngày, trong khi 33% thì tái phát trong vòng 2 năm.
· Phụ nữ: Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ có thể trải qua những cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn, vì họ thường bị đột quỵ ở độ tuổi cao hơn. Họ cũng có các yếu tố nguy cơ riêng, chẳng hạn như mang thai, sinh con và mãn kinh. Các yếu tố rủi ro trong khi mang thai bao gồm:
· Tăng những protein làm đông máu
· Tiền sản giật (huyết áp cao và giữ nước)
· Nhiễm trùng
· Giảm lượng máu sau sinh hoặc thay đổi nội tiết tố nhanh chóng
· Tuổi: Nguy cơ đột quỵ cao hơn ở người lớn trên 55 tuổi và tăng theo độ tuổi. Người lớn tuổi có tỷ lệ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn, có thể là do mức cholesterol cao hơn, bệnh tiểu đường hoặc xơ vữa động mạch.
Theo Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia, trẻ em có nguy cơ bị đột quỵ cao nhất trong giai đoạn chu sinh của thai kỳ. Giai đoạn này diễn ra trước khi sinh và một vài tuần sau đó. Trẻ thường dễ bị tổn thương trong giai đoạn này do các bệnh tim bẩm sinh hoặc chấn thương vùng đầu. Nói chung, trẻ em da đen có nguy cơ cao hơn, điển hình là do thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm, là nguy cơ cao gây đột quỵ.
Các triệu chứng đột quỵ ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn. Trẻ có thể bị đau đầu và tê liệt hoặc yếu một bên cơ thể. Các triệu chứng khác có thể bao gồm co giật, khó thở và mất ý thức.
Đối với trẻ em, kết quả sau đột quỵ tồi tệ hơn so với người lớn nếu đột quỵ xảy ra khi trẻ dưới 1 tuổi và nếu trẻ mất ý thức trong cơn đột quỵ, bất kể tuổi tác. Tuy nhiên, trẻ em bị đột quỵ thường phục hồi chức năng tốt hơn người lớn do khả năng thích ứng và làm mới của não bộ.
Các yếu tố khác: Các yếu tố kinh tế xã hội cũng đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ phổ biến hơn trong nhóm thu nhập thấp hơn. Một nguyên nhân có thể là mối liên hệ giữa hút thuốc lá và béo phì, thường xảy ra nhiều hơn ở những người có thu nhập thấp. Một giải thích khác có thể là khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người dân hạn chế hơn.
Những người với các tình trạng sau đây cũng có nguy cơ cao hơn:
· Rung nhĩ (rối loạn nhịp tim phổ biến nhất)
· Bệnh hồng cầu lưỡi liềm
· Bệnh động mạch cảnh
· Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Mặc dù một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi, có nhiều yếu tố khác thì có thể, bao gồm:
· Thiếu hoạt động thể chất
· Nghiện rượu nặng
· Hút thuốc lá
· Dùng ma túy, đặc biệt là cocaine và methamphetamine
· Huyết áp cao
· Cholesterol cao
· Dùng biện pháp tránh thai
Đột quỵ được chẩn đoán như thế nào?
Chỉ riêng các triệu chứng không thể khẳng định bạn bị đột quỵ hay không. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để xác định liệu bạn có bị đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua, hay các vấn đề y khoa khác.
Đầu tiên, nhân viên chăm sóc sức khỏe sẽ tiến hành kiểm tra thần kinh với một bảng câu hỏi và các bài kiểm tra thể chất. Sau đó, họ sẽ dùng một thang đo để đánh giá mức độ nghiêm trọng của đột quỵ. Thông thường, đó là Thang đo Đột quỵ chuẩn của Viện Y tế Quốc gia.
Có thể sử dụng các thang đo khác như Thang đo hôn mê Glasgow và Thang đo Rankin sửa đổi. Các thang đo này giúp đo lường những khuyết tật do đột quỵ gây ra.
Nhân viên chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng các hình thức kiểm tra khác như:
· Chụp cắt lớp vi tính (CT): Quét não chủ yếu để loại trừ chảy máu. Sau 3 giờ, có thể xác định mô bị tổn thương nếu quét cơ thể trên diện rộng.
· Chụp cộng hưởng từ khuếch tán (DWI): Đây là loại chụp cộng hưởng từ đo chuyển động của các phân tử nước trong não và có thể phát hiện đột quỵ do thiếu máu cục bộ trước khi chụp cắt lớp vi tính không thuốc cản quang.
· Chụp động mạch dựa trên ống thông: Phương pháp này xác định mức độ tắc nghẽn trong mạch máu.
· Siêu âm: Phương pháp này kiểm tra xơ vữa động mạch trong động mạch cảnh.
· Siêu âm Doppler: Phương pháp này đo vận tốc máu trong các mạch máu lớn.
· Siêu âm tim (Cardiac ultrasound): Loại siêu âm này xác định các cục máu đông trong tim vốn có thể vỡ ra.
· Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể kiểm tra tình trạng đông máu.
· Máy đo điện tim Holter: Thiết bị này được đeo trong vài ngày để đo điện tâm đồ (EKG) và kiểm tra rung tâm nhĩ.
· Chọc dò tủy sống: “chọc tuỷ” là lấy dịch não tuỷ từ ống sống giúp xác định đột quỵ do xuất huyết mà lúc đầu đầu còn quá nhỏ để nhìn thấy trên phim chụp cắt lớp vi tính (nhưng vẫn nghi ngờ vì cơn đau đầu mới dữ dội).
· Siêu âm tim (Echocardiogram): Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để xác định các cục máu đông trong tim, vốn có thể đã di chuyển lên não.
· Chụp mạch máu não: Mặc dù không phổ biến nhưng việc kiểm tra phim X-quang giúp các bác sĩ có cái nhìn về động mạch cổ và đầu.
Các biến chứng của đột quỵ là gì?
Có nhiều biến chứng có thể xảy ra sau đột quỵ. Mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài tùy thuộc vào vị trí xảy ra đột quỵ và thời gian não bị thiếu oxy.
Các biến chứng phổ biến hơn của đột quỵ là:
· Tê liệt, thường xảy ra ở một bên cơ thể.
· Khó nuốt (chứng khó nuốt) do cơ cổ họng yếu.
· Các vấn đề về lời nói và ngôn ngữ thường do tổn thương ở não trái.
· Mất trí nhớ.
· Suy giảm nhận thức như khó suy nghĩ hoặc hiểu các khái niệm.
· Các vấn đề về cảm xúc như khó kiểm soát cảm xúc hoặc trầm cảm.
· Đau và tê thường xảy ra ở bên bị ảnh hưởng.
· Thay đổi hành vi.
· Khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân.
Mỗi khu vực của não chịu trách nhiệm cho các chức năng cơ thể khác nhau. Do đó, nguyên nhân gây đột quỵ sẽ xác định các biến chứng mà một người có thể gặp phải, cũng như mức độ nghiêm trọng và thời gian của những biến chứng đó, có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời.
Sau đây là các biến chứng khác có thể ít phổ biến hơn:
Hội chứng “thờ ơ”: Những người mắc hội chứng này không nhận thức được một bên cơ thể của họ. Họ có thể không có tầm nhìn bên bị tổn thương hoặc có thể không nhận biết về các vấn đề ở bên đó.
Suy giảm nhận thức do mạch máu: Suy giảm nhận thức do mạch máu (VCI) là sự suy giảm vĩnh viễn chức năng nhận thức.
Hội chứng đau trung tâm: Loại đau này là sự pha trộn của nhiều cảm giác. Người đó có thể cảm thấy nóng, lạnh, ngứa ran, tê hoặc đau nhói, v.v… Đồi thị của não vốn liên quan đến nhận thức cảm giác, khi bị tổn thương sẽ gây ra hội chứng đau trung tâm. Cơn đau này sẽ dữ dội ở vùng cơ thể bị ảnh hưởng bởi cơn đột quỵ và trở nên tồi tệ hơn khi di chuyển và thay đổi nhiệt độ.
Tăng áp lực lên não: Đôi khi, đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể gây sưng tấy, gây áp lực lên não. Áp lực gia tăng có thể đe dọa tính mạng.
Động kinh sau đột quỵ: Động kinh xảy ra từ 5% đến 9% trong số những người từng bị đột quỵ. Chúng phổ biến hơn trong đột quỵ do xuất huyết và xảy ra trong vòng 3 năm đầu tiên của đột quỵ.
Rối loạn tiểu tiện: Sau khi trải qua một cơn đột quỵ, mọi người có thể bị chứng bàng quang thần kinh. Bàng quang thần kinh có thể làm tăng hoặc giảm số lần đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp, tiểu không tự chủ hoặc tiểu không hết hoàn toàn.
Rối loạn đại tiện: Những người bị đột quỵ có thể bị chứng đại tiện không tự chủ, tức là không có khả năng kiểm soát thời gian và địa điểm đại tiện. Bệnh nhân là người lớn tuổi và phụ nữ có nguy cơ bị biến chứng này cao hơn.
Sa sút trí tuệ do mạch máu: Loại sa sút trí tuệ này là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây sa sút trí tuệ sau bệnh Alzheimer.
Co cứng và co rút cơ: Đột quỵ có thể gây ra cơ bắp hoạt động không tự chủ được gọi là co cứng, dẫn đến cứng cơ. Co rút là tình trạng biến dạng khiến các cơ và khớp rút ngắn hoặc co chặt và có thể dẫn đến lở loét do tỳ đè.
Đau vai liệt nửa người: Đau vai liệt nửa người (HSP) thường xảy ra từ 2 đến 3 tháng sau cơn đột quỵ. Có bốn loại: lệch khớp, co cứng cơ, đau lan tỏa và loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ (RSD). Cơn đau có thể tồn tại ở vai hoặc lan xuống cánh tay.
Cảm xúc không ổn định: Khi một người bị đột quỵ khóc quá nhiều hoặc cười vì điều gì đó mà không có gì hài hước, họ đang trải qua sự không ổn định về cảm xúc. Tình trạng này được gọi là ảnh hưởng pseudobulbar, vốn xảy ra mà không có sự hiện diện của trầm cảm.
Trầm cảm: Trầm cảm sau đột quỵ có thể là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu không được điều trị sẽ làm chậm quá trình phục hồi chức năng hoặc có thể dẫn đến tự tử trong những trường hợp cực đoan.
Các phương pháp điều trị đột quỵ?
Phương pháp điều trị đột quỵ phụ thuộc vào loại đột quỵ.
Đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ, việc điều trị bao gồm dùng thuốc phá vỡ cục máu đông, các thủ thuật loại bỏ cục máu đông và phục hồi lưu lượng máu lên não.
Phương pháp điều trị đột quỵ do xuất huyết gắn liền với phẫu thuật để ngăn chặn mạch máu bị rò rỉ hoặc chữa trị mạch máu bị vỡ, như kẹp cổ túi phình động mạch (clipping) hoặc can thiệp nội mạch gây tắc bằng vòng xoắn kim loại (coiling).
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Điều trị bằng thuốc là phương pháp phổ biến nhất để điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ sớm. Thuốc làm tan cục máu đông có thể rất hiệu quả khi điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên, điều kiện là thuốc được dùng ngay khi các dấu hiệu hoặc triệu chứng của đột quỵ xuất hiện.
Vì lý do này, việc ghi nhận thời gian xảy ra đột quỵ là rất quan trọng. Thuốc làm tan cục máu đôngthuốc làm tan huyết khốicần được dùng trong vòng 3 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng để có hiệu quả và phải được tiêm tĩnh mạch. Những loại thuốc này có thể cải thiện đáng kể khả năng phục hồi nhanh hơn.
Khôi phục lưu lượng máu lên não càng nhanh càng tốt trong cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể giảm thiểu thiệt hại do thiếu oxy lên não. Khi có oxy trở lại, các tế bào ngừng chết và các mô chưa bị tổn hại sẽ vẫn an toàn.
Khi mạch bị tắc, thuốc không phải là cách duy nhất để khôi phục lưu lượng máu lên não. Bác sĩ có thể lựa chọn loại bỏ cục máu đông bằng stent vốn là một dụng cụ làm bằng kim loại dạng lưới. Một ống thông sẽ được đưa vào lòng động mạch đến vị trí cần can thiệp và lấy cục máu đông ra. Thủ tục này được dùng kết hợp với uống thuốc.
Đột quỵ do xuất huyết
Để có thể chữa trị hoặc ngăn chặn rò rỉ mạch máu, trước hết cần phải xác định vị trí bị tổn thương. Sau khi đã xác định được vị trí chảy máu, bác sĩ sẽ thực hiện một trong hai thủ tục: kẹp cổ túi phình động mạch (clipping) hoặc can thiệp nội mạch gây tắc bằng vòng xoắn kim loại (coiling).
Kẹp cổ túi phình động mạch là một cách để điều trị chứng phình động mạch não trước khi chúng vỡ ra. Những vị trí dễ tổn của mạch máu có thể phình ra giống như một quả bóng bay và cuối cùng vỡ ra. Trong trường hợp này, túi phình động mạch sẽ bị rò rỉ.
Bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ thực hiện thủ tục kẹp cổ túi phình động mạch. Một cái kẹp được đặt vào cổ của túi phình động mạch để ngăn nó vỡ ra. Sau thủ thuật này, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ.
Một lựa chọn khác là kỹ thuật vòng xoắn kim loại được gọi nội mạch gây tắc. Can thiệp nội mạch gây tắc dùng cho túi phình động mạch não có nguy cơ cao. Vòng xoắn kim loại được đưa và đặt trong túi phình động mạch, kích hoạt phản ứng miễn dịch từ cơ thể, dẫn đến hình thành các cục máu đông trên thành của túi phình, giúp phục hồi và gia cố cho những thành mạch bị suy yếu đó.
Nếu cả hai thủ thuật đều không chữa trị được phình động mạch, có thể cần phải làm tắc mạch. Điều này ngăn máu chảy vào mạch trước khi có thể chảy đến khu vực phình động mạch. Không còn lưu lượng máu đến chỗ phình động mạch sẽ loại bỏ nguy cơ rò rỉ hoặc vỡ.
Mặc dù đây là những cách để giúp điều trị cơn đột quỵ, nhưng lại không giải quyết được hậu quả. Việc phục hồi thể chất cần một quá trình phục hồi chức năng.
Phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng là cần thiết để hồi phục sau các biến chứng cả về thể chất và tinh thần của đột quỵ. Phục hồi chức năng bao gồm:
Vật lý trị liệu: Giúp bệnh nhân học lại các hoạt động như đi, đứng, ngồi, chuyển tư thế và tránh co cơ và lở loét da
Liệu pháp nghề nghiệp: Giúp bệnh nhân học lại các kỹ năng hàng ngày như ăn, uống
Liệu pháp ngôn ngữ: Giúp bệnh nhân học lại cách nói chuyện và hiểu ngôn ngữ
Liệu pháp nghề nghiệp: Giúp bệnh nhân trở lại làm việc
Liệu pháp tâm lý: Giúp giảm trầm cảm, lo lắng, thất vọng và tức giận. Các thành viên trong gia đình cũng có thể được hưởng lợi từ loại trị liệu này.
Phục hồi chức năng bắt đầu càng sớm càng tốt. Trong vài ngày đầu phục hồi chức năng, các buổi trị liệu có thể diễn ra thường xuyên 1 lần/tiếng. Khi bệnh nhân vẫn còn ở bệnh viện, các buổi trị liệu có thể lên đến 6 lần/ngày. Sau khi xuất viện, bệnh nhân có thể tiếp tục quá trình phục hồi chức năng tại một cơ sở phục hồi chức năng nội trú, nơi bệnh nhân sẽ ở cho đến khi quá trình phục hồi chức năng hoàn tất.
Các hệ thống phục hồi chức năng
Một số phương pháp điều trị mới là Hệ thống phục hồi chức năng vùng chi trên của công ty Neurolutions và Hệ thống kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) ghép nối MicroTransponder Vivistim (hệ thống phát xung điện).
Hệ thống phục hồi chức năng vùng chi trên của Neurolutions dành cho những người từ 18 tuổi trở lên bị tổn thương ở cánh tay trên do đột quỵ. Hệ thống này yêu cầu bệnh nhân phải đeo nẹp tay. Nẹp tay hoạt động với một bảng và các điện cực ghi lại hoạt động của não và ra lệnh cho nẹp di chuyển bàn tay.
The MicroTransponder Vivistim Paired VNS System là thiết bị được dùng để kích thích thần kinh kế vị trong quá trình điều trị phục hồi chức năng cho những người bị suy yếu chi trên do đột quỵ thiếu máu cục bộ kinh niên. Hệ thống này kích thích dây thần kinh phế vị nhằm nỗ lực cải thiện chức năng vận động của các chi trên.
Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến đột quỵ như thế nào?
Cách nhìn của một người về cuộc sống và cách họ nhận thức về quá trình phục hồi chức năng có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ và trợ giúp phục hồi sau cơn đột quỵ.
Các nghiên cứu cho thấy những người lạc quan có nguy cơ tử vong do đột quỵ thấp hơn. Những người lạc quan cũng thường ứng phó tốt hơn những người bi quan.
Những cảm xúc tiêu cực tạo ra phản ứng căng thẳng về thể chất và giải phóng các hormone có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, vốn là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Những người có quan điểm tiêu cực cuối cùng có thể đối phó bằng cách tự dùng thuốc và sử dụng các chất khác cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Bệnh tâm thần cũng có thể làm tăng tỷ lệ các yếu tố nguy cơ đột quỵ. Những người bị bệnh tâm thần dễ hút thuốc, béo phì, cao huyết áp và tiểu đường.
Người lớn bị bệnh tâm thần cũng dễ bị bệnh tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nguy cơ này có thể tăng theo thời gian.
Các phương pháp tự nhiên điều trị đột quỵ
Có nhiều phương pháp điều trị bổ trợ và thay thế để phòng ngừa đột quỵ từ các kỹ thuật mới hơn đến các phương pháp truyền thống hơn trong thực hành toàn diện.
Thay đổi hành vi có thể giảm thiểu nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ nhưng việc thúc đẩy mọi người thực hiện những thay đổi đó có thể là một thách thức. May mắn thay, sự xuất hiện của các công nghệ như kiểu hình kỹ thuật số [sử dụng dữ liệu từ các thiết bị thông minh để tạo ra một hình ảnh kỹ thuật số toàn diện về hành vi], phân tích mạng xã hội, máy học [là một nhánh của trí tuệ nhân tạo] và trò chơi hóa [đưa cơ chế trò chơi vào môi trường đời thực], có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các biện pháp can thiệp hành vi hiện có. Sự khích lệ và động viên có thể củng cố hành vi tích cực và sửa đổi hành vi tiêu cực, dẫn đến điều chỉnh hành vi.
“Trò chơi hóa” sử dụng việc tham gia trò chơi để củng cố các hành vi tốt. Ví dụ: nhà tuyển dụng có thể tổ chức một thử thách giảm cân cho nhân viên, thúc đẩy hành vi tích cực, tăng khả năng chiến thắng trò chơi của người tham gia. Mạng xã hội và các công nghệ khác, chẳng hạn như nhắn tin văn bản, cũng có thể cung cấp lời nhắc và kết nối xã hội để khuyến khích các hành vi tích cực.
Mặc dù còn thiếu bằng chứng thuyết phục, nhưng các phương pháp thay thế khác cũng có thể cải thiện khả năng phục hồi sau đột quỵ, bao gồm:
· Châm cứu
· Giác hơi
· Tập yoga
· Trị liệu thần kinh cột sống
Y học tâm thể (mind-body medicine) cũng có thể giúp cải thiện lối suy nghĩ và do đó trợ giúp phục hồi. Những loại trị liệu này bao gồm:
· Thái Cực Quyền
· Thiền định
· Hướng dẫn có hình ảnh (Guided imagery)
· Thả lỏng
· Khí công
Một số phương thuốc cổ truyền đã được dùng để ngăn ngừa hoặc cải thiện các biến chứng đột quỵ. Các thành phần hoạt chất trong các loại thảo mộc này không phải lúc nào cũng được biết đến. Liều lượng cũng không được quy định nên khó thiết lập liều lượng tiêu chuẩn. Vì vậy, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào. Một số loại thảo dược có thể mang lại lợi ích cho những người sống sót sau đột quỵ bao gồm:
· Nhân sâm: Chất chống viêm này làm giảm stress oxy hóa nhưng tốt nhất nên tránh nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu.
· Cây xô thơm đỏ: Không nên dùng cây xô thơm đỏ với thuốc chống đông máu và cũng có thể gây trở ngại cho một số loại thuốc điều trị bệnh tim.
· Hoàng kỳ: Loại thảo mộc này có thể giúp duy trì sự toàn vẹn của hàng rào máu-não (Blood Brain Barrier).
· Ashwagandha: Là một loại nhân sâm Ấn độ giúp giảm viêm và cải thiện trí nhớ.
· Rau má: Giúp tăng cường trí nhớ và đã được chứng minh là cải thiện chức năng nhận thức ở bệnh nhân đột quỵ.
· Bạch quả: Loại thực vật được nghiên cứu kỹ lưỡng này có thể cải thiện chức năng thần kinh. Tránh dùng bạch quả nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu.
· Cây hương thảo: Loại thảo mộc nổi tiếng có đặc tính chống oxy hóa và có thể làm giảm chứng phù não.
Các kết quả nghiên cứu được thực hiện trên các loại thực vật này rất hứa hẹn, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để trợ giúp điều trị đột quỵ.
Làm thế nào để ngăn ngừa đột quỵ?
Khoảng 4 trong 5 cơn đột quỵ có thể ngăn ngừa được. Bạn cũng có thể thực hiện một số bước để ngăn ngừa tái phát và tàn tật do đột quỵ, mặc dù không có biện pháp nào trong số này được đảm bảo.
Một yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa đột quỵ là lựa chọn một lối sống lành mạnh.
Một số lời khuyên cho việc thực hành lối sống lành mạnh bao gồm:
· Kiểm soát huyết áp cao: Tuân theo đơn thuốc của bác sĩ để điều trị tăng huyết áp và hạn chế lượng sodium trong khẩu phần ăn bằng cách tránh thực phẩm chế biến sẵn.
· Quản lý cholesterol: Tránh chất béo trans (là acid béo chuyển hóa, hình thành trong quá trình chế biến thực phẩm) và dùng các loại thuốc giảm cholesterol khi cần thiết.
· Ăn đủ chất xơ: Khẩu phần ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm cholesterol.
Bỏ hút thuốc: Nếu bạn hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp giúp bỏ thuốc lá.
· Điều trị bệnh tiểu đường: Giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định bằng cách ăn uống hợp lý, tập thể dục và dùng thuốc khi cần thiết.
· Ăn rau quả: Ăn 5 phần trái cây hoặc rau quả trở lên mỗi ngày.
· Tập thể dục thường xuyên: Bao gồm các bài tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội vào lịch trình hằng ngày.
· Giới hạn việc uống rượu: Uống nhiều hơn 2 ly mỗi ngày làm tăng nguy cơ đột quỵ.
· Điều trị tắc nghẽn đường thở khi ngủ: có thể thử nghiệm nghiên cứu về giấc ngủ (sleep study); đeo mặt nạ vào ban đêm nếu được chỉ định.
· Tránh các loại thuốc bất hợp pháp: Một số có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
· Điều trị rung nhĩ: Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ gần gấp 5 lần.
Thuốc cũng có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ nếu việc thay đổi lối sống là không đủ. Người có các yếu tố nguy cơ có thể được kiểm soát bằng thuốc. Những toa thuốc được kê bao gồm các loại thuốc sau:
Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Những loại thuốc này làm giảm sự kết dính tiểu cầu trong máu và ngăn không cho hình thành cục máu đông. Một số loại thuốc chống kết tập tiểu cầu là: clopidogrel, prasugrel và ticagrelor.
Thuốc chống đông máu: Thường được gọi là thuốc làm loãng máu, các loại thuốc như rivaroxaban, dabigatran, apixaban và edoxaban làm giảm quá trình đông máu.
Các thuốc chống đông máu được đề cập là những loại thuốc mới và có tác dụng ngắn hơn. Do đó, điều trị thường không yêu cầu xét nghiệm máu hàng tuần và có nguy cơ biến chứng chảy máu thấp hơn, không giống như các loại thuốc tác dụng lâu hơn.
Mặc dù những loại thuốc chống đông máu mới này có nhiều lợi ích, nhưng có những trường hợp mà warfarin, vốn là thuốc chống đông máu tác dụng lâu hơn lại là lựa chọn tốt hơn. Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ khuyến nghị rằng warfarin là tốt nhất cho những người bị rung nhĩ, những người trên 65 tuổi hoặc những người có thêm các yếu tố rủi ro. Những người trẻ tuổi bị rung nhĩ có thể được bảo vệ đầy đủ từ liều aspirin hàng ngày.
Dawn Sheldon _ Công Thành
***
10 hiểu lầm về đột quỵ
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 200.000 ca đột quỵ, trong đó khoảng 50% trường hợp tử vong. Nhiều người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh, vận động... Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới. Trong đó, nhiều người bệnh không biết mình mang yếu tố nguy cơ, đến khi bị đột quỵ, đo huyết áp, thử đường huyết mới phát hiện.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.