Đối với hơn 35 triệu cử tri Hoa Kỳ đã ghi danh thì trong mắt họ không có con lừa hay con voi nào cả. Họ chính là những cử tri bên thứ ba hoặc “phi đảng phái,” họ hoặc là ủng hộ một đảng khác hoặc là thường là quá chán ngán chính trị nên không ủng hộ hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.
Những cử tri này nắm giữ quyền lực đáng kể để xoay chuyển cuộc bầu cử. Họ là nhân tố khó dự đoán trong một xã hội ưa chuộng hoàn cảnh bầu cử có thể dự đoán được, với vô số các cuộc nghiên cứu và thăm dò ý kiến.
Khi ghi danh bầu cử, một số tiểu bang yêu cầu cử tri phải nêu rõ theo đảng nào. Những dữ liệu này tạo ra một cái nhìn thoáng qua rằng đảng nào có nhiều quyền lực hơn trong một tiểu bang và có thể giúp cung cấp thông tin chiến lược cho các ứng cử viên.
Ví dụ, dựa trên số lượng ghi danh cử tri, South Dakota là một tiểu bang có màu đỏ đậm, nơi các ứng cử viên Đảng Dân Chủ hoặc bên thứ ba khó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Tính đến ngày 01/09, South Dakota có 150,748 người ghi danh thuộc Đảng Dân Chủ và 304,114 người ghi danh thuộc Đảng Cộng Hòa _ mức chênh lệch nghiêng về Đảng Cộng Hòa với hơn 153,366 người.
South Dakota có thêm 151,353 cử tri ghi danh là thuộc bên thứ ba và phi đảng phái. Giả sử tỷ lệ cử tri bỏ phiếu là 100%, thì kể cả khi mọi cử tri trong nhóm thứ ba này bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, dẫn đến có 302,101 lá phiếu cho một ứng cử viên Đảng Dân Chủ, thì con số này vẫn không đủ để lấn át tất cả 304,114 cử tri Đảng Cộng Hòa.
Nhưng trên thực tế, xã hội không vận hành theo cách đó. Các cử tri Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ khá dễ dự đoán, nhưng không phải lúc nào họ cũng bỏ phiếu theo đảng của mình và không phải lúc nào họ cũng đi bỏ phiếu.
Các cử tri thuộc nhóm thứ ba khó dự đoán hơn nhiều, tuy nhiên đôi khi các ứng cử viên lại phớt lờ họ.
Những cử tri có thể dự đoán
Theo ông Jong Eun Lee, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học North Greenville ở South Carolina, các ứng cử viên bị hạn chế về thời gian và tiền bạc không thể nói chuyện với mọi cử tri về mọi vấn đề, vì vậy họ đưa ra những lựa chọn sẽ đầu tư nguồn lực của mình vào những cử tri nào.
Ông Lee nói: “Quý vị phải nhắm mục tiêu đến những người mà quý vị cho rằng có thể bỏ phiếu nhất, và có thể bỏ phiếu cho quý vị nhất.”
“Vì vậy, nếu tôi là ứng cử viên Đảng Cộng Hòa, rất có thể tôi sẽ gõ cửa những người mà tôi biết là ủng hộ cho Đảng Cộng Hòa hơn, bởi vì đây là những người mà tôi có thể kêu gọi bỏ phiếu, và điều đó sẽ khiến thời gian và cam kết của tôi trở nên đáng giá.”
Ông Lee cho biết việc củng cố cho khối cử tri trung thành này để họ xuất hiện trong Ngày Bầu Cử là một chiến lược được các ứng cử viên của một đảng chiếm đa số sử dụng, trong khi ứng cử viên của đảng chiếm thiểu số phải ra sức thuyết phục các cử tri có thể sẽ bỏ phiếu trong đảng của họ cũng như các cử tri đảng thứ ba hoặc phi đảng phái.
Chiến lược đó có thể tạo ra sự khác biệt ở các tiểu bang chiến địa như Pennsylvania, nơi mà những cử tri này có sự dao động đáng kể.
Theo hồ sơ ghi danh cử tri tháng Chín, Pennsylvania có nhiều cử tri Đảng Dân Chủ (3,886,501) ghi danh hơn một chút so với cử tri Đảng Cộng Hòa (3,437,073). Mức chênh lệch là 449,428 phiếu bầu.
Tuy nhiên, có đến 1.2 triệu cử tri thuộc đảng thứ ba hoặc phi đảng phái.
Ông Lee nói: “Đây là một nhóm cử tri đa dạng về hệ tư tưởng, bao gồm cả những người bất mãn với Đảng Cộng Hòa hoặc Đảng Dân Chủ, những người ôn hòa, những người cấp tiến cứng rắn, và những người bảo tồn truyền thống cứng rắn. Hầu như không ai trong số họ liên kết với hai đảng lớn.”
Ông Lee cho biết, các ứng viên cố gắng xác định xem ai là cử tri độc lập nhưng theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, hay cử tri độc lập theo hướng cấp tiến. Nếu các ứng cử viên có thể xác định khuynh hướng tư tưởng của cử tri, thì việc quyết định nhắm mục tiêu vào ai để vận động tranh cử sẽ dễ dàng hơn.
“Một số chiến dịch tranh cử tiến hành tiếp cận theo từng cộng đồng. Có lẽ có một cộng đồng cụ thể thường không bỏ phiếu với số lượng cao hơn nhưng giờ đây có một vấn đề chính sách địa phương nào đó mà cộng đồng đó quan tâm,” ông nói. “Đây có thể là cơ hội để các chiến dịch tranh cử tiếp cận đến những cử tri độc lập thông qua các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức vấn đề. Một cách khác là thông qua việc kiểm tra thói quen tiêu dùng của cử tri.”
Ông Lee cho biết thách thức mà các cử tri độc lập mang lại là họ có xu hướng đi bỏ phiếu với số lượng thấp hơn, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử địa phương. Cách họ bỏ phiếu cũng khó đoán nên hai đảng lớn ngày càng có xu hướng tập trung nguồn lực hơn vào nỗ lực “kêu gọi bỏ phiếu” với những cử tri đã ghi danh theo đảng của mình.
Quyền tiếp cận lá phiếu
Không thể cho rằng cử tri phi đảng phái sẽ bỏ phiếu cho một ứng cử viên Đảng Dân Chủ hoặc Đảng Cộng Hòa.
“Không có lý do gì mà họ bị buộc phải bỏ phiếu theo một cách nhất định trong một cuộc bầu cử khi mà về căn bản họ có những khác biệt trừu tượng, mạnh mẽ về ý thức hệ với hai đảng lớn và hai ứng cử viên đó,” bà Angela McArdle, chủ tịch Đảng Tự Do quốc gia, nói rằng. “Cần có nhiều lựa chọn hơn nếu như chúng ta muốn trở thành một xã hội có đạo đức và công bằng.”
Trên toàn quốc, một ứng cử viên tổng thống của bên thứ ba thường thu hút được hơn một triệu phiếu bầu, và bà McArdle cho biết một lựa chọn bên thứ ba đang trở thành điều có thể xảy ra trong kỳ bầu cử tổng thống hiện tại.
“Quý vị đã thấy ông Robert F. Kennedy Jr. thể hiện rằng ông ấy quan tâm đến việc tranh cử với tư cách là bên thứ ba độc lập. Đó sẽ là một yếu tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi,” bà nói. “Quý vị đã thấy phong trào mang tên ‘No Labels’ này với việc bà Holly Paige thúc đẩy một đảng thứ ba có chủ trương ôn hòa. Quý vị có Đảng Tiến Lên (Forward Party), xuất hiện sau sự chia rẽ gần đây trong Đảng Dân Chủ. Có rất nhiều sự khao khát và quyền lợi _ có động lực.”
Các đảng mới đang học hỏi những điều mà Đảng Tự Do đã biết được: việc tiếp cận lá phiếu là một thách thức lớn lao.
“Đó là thứ mà những người ở vị trí quyền lực sử dụng để nắm giữ những vị trí quyền lực đó,” bà McArdle nói. “Có tất cả các loại luật lệ được thiết lập ở cấp tiểu bang _ và khác nhau theo từng tiểu bang _ điều này khiến cho việc quý vị có tên trên lá phiếu trở nên rất khó khăn nếu quý vị không được tuyên bố là thành viên Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ.”
“Ngoài ra, quý vị phải trải qua các cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng ở Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân chủ, vì vậy họ có cơ hội rất tốt để chọn được người họ muốn, ngoại trừ các tiểu bang như California, Arizona, và Montana, vốn là các tiểu bang có cuộc bầu cử sơ bộ mở rộng (*). Quý vị càng mất nhiều thời gian để được công nhận tên tuổi và phát triển một phong trào xung quanh mình, thì quý vị càng ít có thể là một lựa chọn thực tế trong tâm trí mọi người.”
(*) Cuộc bầu cử sơ bộ mở rộng (open primary election) là cuộc bầu cử không yêu cầu cử tri phải liên kết với một đảng chính trị để bỏ phiếu sơ bộ cho các ứng cử viên của đảng đó
Đôi khi bị bỏ qua
Bà McArdle nói rằng Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ không có thông lệ chung là cố gắng tiếp cận những người không đảng phái.
Bà nói: “Tôi nghĩ rằng khi các cuộc đua đang đến rất gần _ và tôi nghĩ ông George Bush Jr. đã làm điều này thực sự tích cực _ mọi người đang nỗ lực hết sức vì khối cử tri trung thành của họ, bảo đảm rằng khối cử tri trung thành của họ được tiếp thêm sinh lực, rằng mọi người đã cập nhật thông tin ghi danh cử tri của họ, và rằng họ rất tích cực, và họ có những người cử tri đang làm nhiều việc ở cấp cơ sở và tiếp cận trên mạng xã hội.”
“Mục tiêu chính đằng sau đó thậm chí không phải là mở rộng khối cử tri trung thành của họ sang khối cử tri chưa ghi danh, mà chính là để bảo đảm rằng người của họ cảm mình cũng là thành viên, cảm thấy rằng mình trực tiếp tham gia vào cuộc đua này, và họ có mặt để bỏ phiếu vào Ngày Bầu cử.”
Bà McArdle nói rằng các cử tri đã ghi danh độc lập và bên thứ ba là cũng không thể đoán trước và không thể xác thực như những người không ghi danh bầu cử. Mặc dù số lượng cử tri đó đã đi bỏ phiếu vào năm 2020 là chưa từng có, nhưng bà McArdle xem đó là một điều bất thường về mặt chính trị hơn là một chuẩn mực mới.
“Họ đã được cổ vũ rất nhiều để bỏ phiếu chống lại ông Donald Trump. Tôi nghĩ rằng Đảng Dân Chủ đã làm rất tốt khi khiến mọi người lo lắng về nhiệm kỳ tổng thống lần 2 của ông Donald Trump và họ đã thu hút được rất nhiều người đến bỏ phiếu.” Bà McArdle nói: “Tôi không nghĩ rằng họ sẽ lại làm được như thế trong kỳ bầu cử tiếp theo. Tôi nghĩ rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Biden không giống bất cứ điều gì mà người ta ủng hộ nếu họ đang lưỡng lự. Đúng là năm nay họ sẽ không làm giống như thế.”
Trong khi đó, Đảng Tự Do đang hợp tác với các nhóm khác để xây dựng khối cử tri của bên thứ ba.
“Chúng tôi đang mở rộng phạm vi tiếp cận của mình tới các cử tri độc lập và các đảng thứ ba khác, nếu quý vị đã bỏ phiếu cho bên thứ ba, nếu quý vị đã quan tâm, và đã quyết định không dính dáng đến Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ, thì rất có thể quý vị sẽ bỏ phiếu cho một ứng cử viên theo chủ nghĩa Tự do hơn là một người theo lối bảo tồn truyền thống thâm căn cố đế. Những người đã chọn đứng ngoài hệ thống lưỡng đảng thì dễ bị thuyết phục hơn nhiều,” bà McArdle nói.
Lý thuyết theo phái bảo tồn truyền thống
Khi ghi danh bỏ phiếu, một số người muốn che giấu lựa chọn đảng phái của mình bằng cách tuyên bố phi đảng phái hoặc ghi danh với tư cách độc lập.
Ông Kaelan Dorr, một cựu trợ lý của cựu Tổng thống Donald Trump và hiện là giám đốc tiếp thị của trình duyệt tự do ngôn luận TUSK nói: “Thực chất là chúng ta đang ngày càng trở nên mang tính bộ tộc hơn, ở cả cánh tả lẫn cánh hữu.”
“Đây thực sự là một cuộc chơi tồi tệ. Trong 10 năm qua, chính trị ngày càng trở nên tồi tệ và phân cực, và tôi nghĩ những gì diễn ra ngày nay còn tệ hơn nhiều so với những gì mọi người 12 năm trước, 15 năm về trước từng nghĩ đến.”
Ông cho rằng các cử tri phi đảng phái có xu hướng thiên về cánh hữu.
“Tôi tin rằng ngày càng có nhiều người tin theo các giá trị bảo tồn truyền thống hơn, nhưng không nhất thiết phải bỏ phiếu cho Đảng Cộng Hòa, bởi điều đó phụ thuộc vào quá trình trưởng thành của họ hay những điều cha mẹ họ đã nói với họ,” ông nói. “Những người phi đảng phái này là những người đã đưa ông Trump đến chiến thắng năm 2016 và đã tiến rất xa vào năm 2020.”
“Đây là số đông thầm lặng mà chúng tôi luôn cố gắng nắm bắt theo kinh nghiệm thực tế _ những người không thích sự ảnh hưởng mà Hollywood truyền bá, ví dụ như đối với cách chúng ta nuôi dạy con cái hoặc có thể họ không thích TikTok. Họ không thích ĐCS_TC (Đảng Cộng sản Trung cộng). Họ không thích tiến hành các cuộc chiến bất tận ở ngoại quốc.”
Ông Dorr nói rằng họ không biết rằng họ có khuynh hướng bảo tồn truyền thống. Và ông ngờ rằng đó là lý do tại sao một số người tuyên bố phi đảng phái.
“Xã hội nói với người ta rằng có khuynh hướng bảo tồn truyền thống không tốt chút nào. Xã hội nói với người ta rằng việc trở thành một người có khuynh hướng bảo tồn truyền thống hay ủng hộ Đảng Cộng Hòa sẽ khiến người đó trở thành một người phân biệt chủng tộc, ủng hộ Đức Quốc xã, hoặc mù quáng,” ông nói.
Ông nói, đó cũng chính là lý do mà một số cử tri ngần ngại nói cho những hãng thăm dò ý kiến biết họ ủng hộ ứng cử viên nào. Hàng triệu cử tri bên thứ ba và phi đảng phái vẫn khó dự đoán cho đến khi họ thể hiện quan điểm trong Ngày Bầu cử.
Những con số ở các tiểu bang
Tính đến tháng 10/2022, trên toàn quốc có 48 triệu cử tri Đảng Dân Chủ đã ghi danh, 36.4 triệu cử tri Đảng Cộng Hòa đã ghi danh và 35.3 triệu cử tri đã ghi danh tự nhận mình là độc lập hoặc không liên kết với bất kỳ đảng phái chính trị nào.
32 tiểu bang của Hoa Kỳ, Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ cho phép nhưng không bắt buộc cử tri tuyên bố đảng phái của họ khi ghi danh bỏ phiếu.
Ở một số tiểu bang, đây là một điểm khác biệt quan trọng vì chỉ những cử tri đã ghi danh theo Đảng Cộng Hòa hoặc Đảng Dân Chủ thì mới được phép bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Ví dụ, ở Pennsylvania, cử tri độc lập và phi đảng phái không được tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ. Các cử tri Đảng Dân Chủ chỉ có thể bỏ phiếu cho các ứng cử viên Đảng Dân Chủ mà họ ưa thích và các cử tri Đảng Cộng Hòa chỉ có được lá phiếu sơ bộ của Đảng Cộng Hòa.
Ở những tiểu bang cho phép cử tri tuyên bố thuộc đảng phái khác, bên thứ ba thường là nhóm đông nhất.
Theo dữ liệu gần đây nhất của tiểu bang Massachusetts, số lượng cử tri bên thứ ba và phi đảng phái đã ghi danh (2,973,673) nhiều hơn so với số lượng cử tri Đảng Dân Chủ (1,386,550) và cử tri Đảng Cộng Hòa (421,333) cộng lại.
North Carolina có nhiều cử tri “khác” đã ghi danh (2,714,305) nhiều hơn số lượng cử tri Đảng Dân Chủ đã ghi danh (2,414,115) hoặc cử tri Đảng Cộng Hòa đã ghi danh (2,208,590).
Ở Alaska, tính đến tháng 08/2023, có tổng cộng 600,130 cử tri đã ghi danh, bao gồm 382,879 cử tri khác, 142,328 cử tri Đảng Cộng Hòa, và 74,923 cử tri Đảng Dân Chủ.
Tiểu bang Wyoming có 216,617 cử tri đã ghi danh, trong đó có 177,154 cử tri Đảng Cộng Hòa đã ghi danh, 23,030 cử tri Đảng Dân Chủ đã ghi danh và 16,433 cử tri thuộc bên thứ ba hoặc phi đảng phái.
Thủ đô Hoa Thịnh Đốn có tổng số 513,947 cử tri đã ghi danh, với 406,833 người trong số họ được tuyên bố là cử tri Đảng Dân Chủ, 28,413 là cử tri Đảng Cộng Hòa, và 96,701 là cử tri bên thứ ba hoặc phi đảng phái.
Beth Brelje
***
Đại cử tri đoàn _ Những người quyết định ai là tổng thống Hoa Kỳ
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ diễn ra cách đây 5 tuần, nhưng những lá phiếu chính thức phong chức cho tổng thống tiếp theo mới sắp được bỏ.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.