Ngày nay, với những căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày, một phần thưởng hoặc một món chiêu đãi có thể giúp chúng ta tăng năng lượng và giảm lo âu. Tuy nhiên, nếu đó là dạng đồ ngọt thì tác dụng tiếp thêm sinh lực và cải thiện tâm trạng chỉ kéo dài một thời gian ngắn trong khi ẩn sâu dưới bề mặt là đặc tính gây nghiện và những tác động xấu đến sức khỏe thì đang dần bén rễ.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tương tự như một số loại thuốc, đường có thể gây nghiện và có tác dụng phụ đối với bộ não.
Một bài tổng quan của Princeton University, đăng trên tập san Neuroscience & Biobehavioral Reviews (Tổng quan Khoa học Thần kinh và Hành vi Sinh học) cho thấy những con chuột tiếp xúc không liên tục với thức ăn và dung dịch đường biểu hiện một loạt thay đổi về hành vi và bộ não tương đồng với chuột được tự nguyện sử dụng thuốc gây nghiện. Những đặc điểm như vậy cho thấy đường có thể gây nghiện như ma túy.
Một bài tổng quan năm 2018 đăng trên tập san Frontiers in Psychiatry (Biên giới trong Tâm thần học) chỉ ra những điểm tương đồng về hóa chất thần kinh quan sát được ở những con chuột lạm dụng ma tuý và chuột phụ thuộc vào đường. Giống như lạm dụng ma tuý, chuột tăng tiết dopamine mỗi khi tiếp xúc với đường.
Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh trong não, có chức năng tạo ra cơ chế khen thưởng trong não và khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Tập thể dục và thực phẩm đều có thể kích thích tiết dopamine. Tương tự như vậy, hút thuốc và sử dụng ma tuý có thể làm tăng tiết dopamine, khiến người dùng cảm thấy phấn chấn và hài lòng.
Một nghiên cứu công bố năm 2023 trên tập san Translational Psychiatry (Tâm thần học dịch mã), thuộc cùng hệ thống với tập san Nature, đã dùng phương pháp single-cell whole-brain imaging (tạo ảnh đơn tế bào toàn bộ não) để phân tích gần 400 cấu trúc bộ não. Nghiên cứu phát hiện thấy việc tiếp xúc với cả đường và cocaine dẫn đến sự kích hoạt mạng lưới thần kinh ở xa trên diện rộng, đồng thời hành động tiếp xúc nhiều lần như vậy đã gây ra dấu hiệu tái tổ chức khớp thần kinh tương tự nhau.
Đường gây nghiện và độc hại
Bác sĩ Robert Lustig, nhà thần kinh nội tiết Nhi khoa tại University of California, San Francisco (UCSF) là người tận tụy nghiên cứu bệnh béo phì ở trẻ em. Ông là tác giả của cuốn sách “Fat Chance: The Hidden Truth About Sugar, Obesity and Disease” (Cơ hội cho béo phì: Sự thật ẩn giấu về đường, béo phì và bệnh tật), trong đó ông sử dụng một tập hợp các nghiên cứu khoa học để chứng minh rằng đường có thể gây nghiện, độc hại và phổ biến, đồng thời kêu gọi giảm thiểu lượng đường sử dụng trên toàn cầu.
Người ta thường cho rằng béo phì là kết quả của việc ăn quá nhiều và không tập thể dục đầy đủ, nhưng bác sĩ Lustig lại có quan điểm khác. Ông tin rằng, nguyên nhân thật sự của bệnh béo phì là do lượng đường tiêu thụ tăng lên. Một báo cáo của UCSF dẫn lời bác sĩ Lustig, rằng trong thế kỷ qua lượng fructose tiêu thụ của người Mỹ đã tăng từ 15 gam (0,53 ounce) mỗi ngày lên 75 gam (2,65 ounce) mỗi ngày hoặc thậm chí nhiều hơn. Đường vừa thúc đẩy tích trữ chất béo vừa đánh lừa bộ não nghĩ rằng cơ thể đang đói, tạo ra một vòng luẩn quẩn dẫn đến béo phì.
Bác sĩ Lustig chỉ ra đường còn có hại cho sức khỏe hơn chất béo ở chỗ, đường không chỉ giống chất béo làm tăng lượng chất béo do gan sản xuất gây bít tắc động mạch và lắng đọng trong máu mà đường fructose còn gây tổn thương cho gan và các protein cấu trúc trong cơ thể. Thúc đẩy tiêu thụ quá nhiều calorie là một tác hại khác nữa. Fructose là một loại đường đơn, thường được sử dụng trong nước giải khát và nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tập san Hepatology (Gan mật) cho thấy đồ uống có chứa fructose và sucrose làm tăng khả năng sản xuất lipid của gan, khi chất này dư thừa có thể gây lắng đọng chất béo trong thành động mạch.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi trên 94 tình nguyện viên nam khỏe mạnh. Họ được yêu cầu uống hàng ngày nước ngọt có chứa một lượng vừa phải fructose, sucrose (fructose-glucose disaccharide) hoặc glucose (80 gam mỗi ngày), còn nhóm đối chứng thì không uống nước có đường. Trong 800 ml nước ngọt thông thường có khoảng 80 gam đường.
Sau bảy tuần theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy tốc độ tiết các acid béo mới tổng hợp trong gan của những tình nguyện viên uống nước ngọt chứa fructose và sucrose cao gần gấp đôi so với nhóm đối chứng.
Tác hại của đường đối với cơ thể người
Bác sĩ Michelle Hauser, nhà giáo dục về dinh dưỡng và là nghiên cứu sinh lâm sàng về y học tại Trường Y Harvard, chia sẻ với Nhà xuất bản Y tế Harvard, “Tác động có hại của đường chủ yếu là do tăng cân vì đường được thêm vào đồ ăn và các đồ uống ngọt của chúng ta.”
Một nghiên cứu đăng trên tập san Circulation (Tuần hoàn) đã mô phỏng gánh nặng bệnh tật liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường ở cấp khu vực, quốc gia và toàn cầu vào năm 2010. Mô phỏng này ước tính 184,000 người trên khắp thế giới tử vong mỗi năm do đồ uống có đường, gồm 133,000 người là do tiểu đường, 45,000 người do bệnh tim mạch và 6,450 người do bệnh ung thư.
Làm thế nào để bỏ thói quen nghiện đường?
Vì nghiện đường có hại cho sức khỏe, vậy nên làm thế nào để bỏ thói quen này đã trở thành chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm. Bác sĩ Hauser có đôi lời khuyên để từ bỏ thói quen ăn đường như sau:
1. Tránh xa các đồ ngọt
Chất đầy tủ với kẹo, bánh quy, đồ uống có đường và các sản phẩm có lượng đường cao khác chỉ làm tăng thêm cám dỗ đối với đường. Hãy thêm nhiều lựa chọn hơn như trái cây sẵn có.
2. Tự thêm đường vào thức ăn
Khi tự mình thêm chất tạo ngọt vào đồ ăn thức uống như sữa chua vị tự nhiên, bột yến mạch nguyên chất, và trà lạnh, hầu như bạn sẽ thấy lượng đường mà bạn cần ít hơn nhiều so với lượng mà nhà sản xuất thêm vào.
3. Đọc nhãn sản phẩm cẩn thận
Bạn cần nhận thức được lượng dư thừa và các loại đường khác nhau trong thực phẩm, bao gồm cả các sản phẩm ít chất béo.
4. Bắt đầu ngày mới bằng bữa sáng bổ dưỡng
Các thực phẩm như bột yến mạch, trứng và trái cây sẽ giúp bạn no và giảm cảm giác thèm đường.
Cheryl Ng _ Minh Thư
***
Hầu hết chúng ta không biết mình nghiện chất này
Không nhiều người nhận thức được việc mình đang nghiện đường, chất tạo nên hương vị không thể thiếu trong nhiều món ăn hàng ngày.
https://baomai.blogspot.com/
https://www.youtube.com/watch?
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.