Tổng thống Donald Trump nói ông có kế hoạch sẽ chấm dứt quyền được có "quốc tịch theo nơi sinh" ở Mỹ bằng một sắc lệnh hành chính. Ông có được làm vậy không?
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Axios, Tổng thống Trump nói ông đang chuẩn bị chấm dứt việc trẻ sinh ra ở Mỹ thì có quốc tịch Mỹ.
Theo quy định đã tồn tại 150 năm nay thì bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ đều là công dân Mỹ.
"Họ luôn nói với tôi rằng tôi cần phải có một tu chính án [để làm điều đó]. Nhưng thử đoán xem? Không cần," ông Trump nói. "Quý vị chắc chắn có thể làm chuyện này bằng một Đạo luật của Quốc hội. Nhưng giờ đây họ nói rằng tôi có thể làm mà chỉ cần một sắc lệnh hành chính."
Ông Trump nói sắc lệnh hành chính này hiện đang được soạn thảo, và nhanh chóng sau đó, Thượng Nghị sỹ Nam Carolina Lindsey Graham viết trên Twitter: "Tôi có kế hoạch giới thiệu một văn bản pháp lý với nội dung như trong sắc lệnh hành chính mà Tổng thống Donald Trump đưa ra."
Tuyên bố của ông Trump đã làm dấy lên tranh luận sôi nổi về việc liệu tổng thống có quyền đơn phương làm việc này không, và liệu lập luận mà ông dựa vào - rằng quyền có quốc tịch Mỹ khi sinh ở Mỹ đã bị lợi dụng bởi những người nhập cư không có giấy tờ - có giá trị gì không.
1_ 'Quyền có quốc tịch theo nơi sinh' là gì?
Câu đầu tiên của Tu chính án thứ 14, Hiến pháp Mỹ xác định nguyên tắc của "quyền có quốc tịch theo nơi sinh":
"Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc được nhập quốc tịch ở Hoa Kỳ, và thuộc quyền tài phán của Hoa Kỳ, đều là công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang nơi họ sinh sống."
Những người theo đường lối cứng rắn trong chính sách nhập cư nói rằng chính sách hiện thời là một khối "nam châm khổng lồ thu hút nhập cư trái phép", và rằng chính sách này khuyến khích phụ nữ có thai không có giấy tờ vào Mỹ để sinh con, tình trạng đã được gọi là "du lịch sinh con" hay sinh một "em bé mỏ neo".
"Đứa trẻ sơ sinh này về nguyên tắc là một công dân Hoa Kỳ trong 85 năm, được hưởng mọi phúc lợi. Thật là kỳ cục," ông Trump nói với Axios. "Chuyện này phải chấm dứt."
Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi 2015 cho thấy 60% người Mỹ phản đối và 37% ủng hộ chuyện chấm dứt quyền có quốc tịch theo nơi sinh.
2_ Vì sao có quy định này?
Wong Kim Ark sinh ra ở Mỹ nhưng bị không cho vào lại Mỹ sau khi về thăm Trung cộng
Tu chính án 14 được chuẩn thuận năm 1868, ngay sau khi Nội chiến Mỹ kết thúc. Tu chính án 13 đã xóa bỏ nạn nô lệ năm 1865, trong khi Tu chính án 14 giải quyết vấn đề về quốc tịch của những người nô lệ sinh ra ở Mỹ và nay được giải phóng.
Các phán quyết trước đó của Tối cao Pháp viện, như trong vụ Dred Scott kiện Sandford hồi 1857, nói rằng người Mỹ gốc Phi không bao giờ là công dân Mỹ. Tu chính án 14 bác bỏ nội dung đó.
Năm 1898, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xác nhận rằng quyền có quốc tịch theo nơi sinh ra được áp dụng cho con cái của những người nhập cư, như trong vụ Wong Kim Ark kiện nước Mỹ.
Wong là một thanh niên 24 tuổi, sinh ra tại Mỹ và có cha mẹ là người nhập cư Trung cộng, nhưng anh không được vào lại Mỹ sau một chuyến về thăm Trung cộng. Wong đã thắng kiện khi nói rằng anh sinh ra ở Mỹ, việc cha mẹ anh là người nhập cư không ảnh hưởng tới việc áp dụng Tu chính án 14.
"Vụ Wong Kim Ark kiện Mỹ khẳng định bất kể cha mẹ có chủng tộc hay địa vị nhập cư như thế nào, tất cả những người sinh ra ở Mỹ đều được hưởng toàn bộ các quyền mà công dân Mỹ được hưởng," bà Erika Lee, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch cử Nhập cư tại Đại học Minnesota viết. "Tòa án chưa xem xét lại vấn đề này kể từ đó tới nay."
3_ Ông Trump có thể chấm dứt quyền có quốc tịch theo nơi sinh bằng sắc lệnh hành chính không?
Hầu hết các học giả trong lĩnh vực pháp lý đồng ý rằng Tổng thống Trump không thể chấm dứt "quyền có quốc tịch theo nơi sinh" bằng một sắc lệnh hành chính.
"Ông ấy đang làm điều khiến nhiều người phiền lòng, nhưng rốt cuộc thì đây sẽ là vấn đề do tòa án quyết định," ông Saikrishna Prakash, chuyên gia hiến pháp và là giáo sư Trường Luật thuộc Đại học Virginia nói. "Không phải là chuyện ông ấy có thể tự quyết."
Ông Prakash nói tuy tổng thống có thể ra lệnh cho nhân viên các cơ quan liên bang, như người thuộc Lực lượng Di trú và Hải quan Mỹ chẳng hạn, diễn giải quyền công dân một cách hẹp hơn, nhưng điều đó sẽ khiến những người bị từ chối quyền công dân tiến hành các hành động thách thức pháp lý.
Điều này sẽ dẫn tới một cuộc chiến pháp đình dai dẳng, mà rốt cuộc sẽ được đưa lên tới Tối cao Pháp viện.
Sắc lệnh hành chính của tổng thống có thể chỉ đạo các cơ quan liên bang diễn giải quyền công dân theo một cách nhất định.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, người thuộc phe Cộng hòa, đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của ông Trump rằng ông có thể hành động đơn phương.
"Quý vị không thể chấm dứt quyền có quốc tịch Mỹ khi sinh ở Mỹ bằng một sắc lệnh hành chính," ông nói với đài phát thanh WVLK ở Kentucky.
Tuy nhiên, bà Martha S Jones, tác giả cuốn Birthright Citizens viết trên Twitter rằng Tối cao Pháp viện chưa trực tiếp đề cập tới việc liệu con cái của những người không phải là công dân Mỹ hay người nhập cư không có giấy tờ có tự động trở thành công dân Mỹ ngay khi sinh ra hay không.
"Scotus [Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ] cần phân biệt vụ Wong Kim Ark với các vụ này, dựa trên những tình huống thực tế," bà Jones viết.
"Cha mẹ của ông Wong được phép ở Mỹ và chúng ta có thể nói họ là người nhập cư hợp pháp. Sự hiện diện của họ ở Mỹ là được phép."
Ông Prakash cũng đồng ý.
"Những người vào Mỹ bằng visa du lịch hay ở đây mà không được phép... con cái của họ tự động được hưởng quốc tịch khi được sinh ra ở Mỹ," ông nói. "Đó là cách hiểu trong giai đoạn hiện tại mặc dù không có tuyên bố rõ ràng của Tối cao Pháp viện về vấn đề này."
Một tu chính án có thể xóa bỏ quyền có quốc tịch theo nơi sinh, nhưng nó cần nhận được hai phần ba phiếu thuận tại Hạ viện và Thượng viện, sau đó cần được ít nhất ba phần tư các tiểu bang phê chuẩn.
4_ Các quốc gia khác có quy định cho quốc tịch theo nơi sinh không?
Trong lời bình luận với Axios, ông Trump nói nhầm rằng nước Mỹ là là quốc gia duy nhất cho trẻ em mang quốc tịch khi được sinh ở nước đó.
Thực ra, có hơn 30 quốc gia, trong đó có Canada, Mexico, Malaysia và Lesotho - thực hiện chính sách "jus soli", tức là "quyền theo đất", mà không áp dụng hạn chế gì.
Các quốc gia khác, như Anh và Úc, có những quy định hơi khác theo đó những ai sinh ra sẽ được tự động hưởng quốc tịch nếu như có cha hoặc mẹ là công dân hoặc thường trú nhân tại nước này.
Mỹ cũng không phải là quốc gia duy nhất nơi chính sách này đã bị chỉ trích.
Hồi tháng Tám, các thành viên tới dự đại hội toàn quốc của đảng Bảo thủ trung hữu Canada đã bỏ phiếu chấm dứt quyền hưởng quốc tịch theo nơi sinh trừ khi một trong hai bố mẹ là người Canada hoặc là thường trú nhân tại Canada.
Sau phiếu bầu của các thành viên cấp cơ sở, lãnh đạo đảng Bảo thủ Andrew Scheer nói đảng này sẽ xem xét xây dựng một chính sách tập trung giải quyết tình trạng gọi là "du lịch sinh con".
5_ Ai dùng quyền có quốc tịch theo nơi sinh?
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, năm 2014, có khoảng 275.000 em bé chào đời là con của những người nhập cư không hợp pháp vào Mỹ , và 4,7 triệu trẻ em dưới 18 tuổi được sinh ra ở Mỹ và sống với ít nhất một phụ huynh không có giấy tờ.
Khadijatul Rahman người nhập cư 29 tuổi từ Bangladesh, bế con trai Zavyaan mới 2 tuần tuổi sau khi bé trở thành công dân Mỹ tại một buổi lễ nhập tịch
Mặc dù Pew không có con số chính xác về quốc gia gốc của cha mẹ các em, nhưng ông Mark Lopez, Giám đốc Tổ chức Di dân và Nhân khẩu Toàn Cầu, nói ba phần tư người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ là từ các nước Mỹ Latin.
"Trẻ em là con của những người nhập cư bất hợp pháp phần lớn là gốc Mỹ Latin," ông nói.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông không biết tổng thống Trump sẽ ra một sắc lệnh hành chính như thế nào, và con của những người có visa hay những người tạm trú có thể bị ảnh hưởng ra sao.
Jessica Lussenhop