BTQP Hoa Kỳ Jim Mattis (phải) bắt tay với một giới chức VN sau khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 16/10/2018.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã tới Việt Nam trên một chiếc Boeing E-4B, đáp xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào trưa ngày 16/10 giờ địa phương, báo chí trong nước cho biết. Ông đã được Bí Thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân đón tiếp. Một chuyên gia về Việt Nam nhận xét chuyến đi thăm Việt Nam thứ nhì của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong vòng 9 tháng cho thấy Hoa Kỳ coi Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp lên nắm chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.
Liệu Hoa Kỳ có đạt được những bước cụ thể hướng tới mục tiêu xây dựng một liên minh, trong đó có Việt Nam, để đối trọng với Trung cộng trong khu vực? VOA-Việt ngữ phỏng vấn nhà báo Nguyễn Văn Huy, chủ nhiệm trang báo điện tử Thông Luận ở Paris. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy trước đây giảng dạy tại Đại học Paris 7.
Như VOA đã đưa tin, lịch trình tại Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bao gồm một chuyến thăm tới căn cứ không quân Biên Hòa, từng là một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam, và giờ là tâm điểm của một chiến dịch do Mỹ bảo trợ để dọn sạch chất độc khai quang, thường được gọi là ‘chất độc Da Cam’ mà quân đội Mỹ đã rải tại Việt Nam trong thời chiến.
Việc ông Mattis ghé thăm căn cứ Biên Hòa do đó mang ý nghĩa đặc biệt. Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, nhận xét trên trang mạng Scribd.com của ông, rằng bằng động thái đi thăm căn cứ không quân Biên Hòa, Bộ trưởng Mattis và chính phủ Mỹ thừa nhận tầm quan trọng đối với Việt Nam của các vấn đề còn tồn đọng sau chiến tranh, như vấn đề chất độc Da Cam. Cho nên có phần chắc ông Mattis sẽ tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề này.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung cộng thỉnh thoảng lại bùng phát trên các vùng biển đang trong vòng tranh chấp trong khu vực, giữa một bên là tàu quân sự Mỹ tuần tra Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải, và một đàng là tàu Trung cộng xua đuổi tàu Mỹ “xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên Biển Đông.
Nhưng phát biểu hôm 16/10 tại Việt Nam, Bộ trưởng Mattis khẳng định Hoa Kỳ không có ý muốn kiềm hãm Trung cộng. Ông nói:
“Sẽ có những lúc hai nước dẫm chân lên nhau, thế cho nên chúng ta phải tìm ra một cách để quản lý quan hệ song phương trong tinh thần xây dựng.”
Do những yếu tố lịch sử và địa lý của mình, Việt Nam bị giằng co giữa hai cường quốc thế giới.
Trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ sáng ngày 16/10 giờ Washington, Giáo sư Nguyễn Văn Huy trước đây giảng dạy tại Đại học Paris 7, nhận xét rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đây không mấy mặn mòi với khu vực Đông Nam Á đã đổi thái độ và tích cực quan tâm tới Biển Đông, nhất là sau khi bùng ra chiến tranh thương mại với Trung cộng.
Nhà báo Nguyễn Văn Huy:
“Đây là một tín hiệu để xác nhận rằng Hoa Kỳ quyết tâm trở lại Đông Nam Á, và tôi nghĩ rằng vai trò của Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ quan trọng hơn. Hoa Kỳ đã bắt lại liên lạc với Philippines, môt quốc gia mới đây có vẻ như muốn bỏ Hoa Kỳ để theo Trung cộng. Tổng thống Duterte đã thấy rõ rằng người bạn Trung cộng của mình không tốt đẹp như mình tưởng đâu. Thành thử Hoa Kỳ đã lôi kéo được một số quốc gia trước đây tỏ ra nghi ngờ Hoa Kỳ.”
Hoa Kỳ và Việt Nam gần đây cũng xích lại gần nhau hơn vì cả hai nước đều chia sẻ chung quan tâm về những hành động đôi khi hung hăng của Trung cộng để xác quyết chủ quyền trên Biển Đông.
Giáo sư Thayer nói trong chuyến đi của ông Mattis lần này, Hoa Kỳ sẽ lại hối thúc Việt Nam đẩy nhanh hơn nữa hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, kể cả các cuộc thăm viếng thường xuyên của tàu hải quân Mỹ.
Gần đây quân đội Việt Nam thường xuyên tham gia các hoạt động hợp tác an ninh quốc tế, điều tàu đi dự các hoạt động chung ở nước ngoài. Vào trung tuần tháng 10, Việt Nam triển khai tàu hộ vệ tên lửa 015 Trần Hưng Đạo tới cảng Sakai, tỉnh Osaka- Nhật Bản để duyệt đội hình hải quân trên biển tại Hàn Quốc cùng các chiến hạm của 12 nước khác.
Từ đầu tháng 9 đến tháng 10/2018, các tàu hải quân lớn của nhiều nước cũng liên tục cập cảng ở Việt Nam, thể hiện nguyện vọng thoát Trung ngày càng mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.
Tuy vậy nhà báo cảnh báo về khuynh hướng thân Trung trong một số tầng lớp lãnh đạo bảo thủ của Việt Nam, chịu chấp nhận sự hiện diện của Trung cộng trên đất nước mình vì những vướng mắc có tính cách thương mại hay viện trợ phát triển. Ông nói:
“Trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có một sự lấn cấn, một khuynh hướng là làm sao thoát được sự áp đảo của ảnh hưởng Trung cộng. mà Việt Nam hiện nay đang bị áp lực của Trung cộng dưới hình thức những hợp đồng thương mại, hoặc giúp đỡ cho các đặc khu hay là những khoản viện trợ phát triển có mục đích tăng sức ép để Việt Nam chấp nhận Trung cộng có mặt tại đó, và nắm được quyền kiểm soát càng tốt để mà nếu mà có xung đột thì họ biến những nơi đó thành những căn cứ an toàn cho Trung cộng.”
Tiến sĩ Huy cho rằng chuyến đi của Bộ trưởng Mattis cho thấy Washington nhận thức rõ tầm quan trọng của Việt Nam trên bàn cờ khu vực.
“Cái vị trí của Việt Nam nó rất là quan trọng. Hoa Kỳ cũng đã thấy và tìm cách lôi kéo Việt Nam sao đừng để Việt Nam nghiêng hẳn về Trung cộng. Trong vấn đề này, chúng ta thấy rằng đây là một thế cờ rất khó khăn, và Việt Nam cũng không thể đu dây lâu dài được tại vì tới giai đoạn quyết liệt thì Việt Nam phải chọn một hoặc hai chứ không thể nào giữ cả hai được.”
Một số nhà quan sát lo ngại rằng căng thẳng trên Biển Đông có thể leo thang vì những sự xung đột trên Biển Đông trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Mới đây Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence đã đọc một bài diễn văn gay gắt chỉ trích Bắc Kinh về một loạt vấn đề, nhưng Tiến sĩ N Huy tin rằng chiến tranh khó có thể xảy ra.
“Chiến tranh có thể sẽ không xảy ra nhưng xung đột nhỏ nhặt thì có thể có, chẳng hạn như những va chạm ngoài biển, như bên này bắn trước, bên kia bắn sau thì có thể có những đổ vỡ nhỏ nhỏ, nhưng tôi nghĩ chiến tranh chắc sẽ không xảy ra.”
Nhà báo tóm tắt tình hình hiện nay như sau:
“Tôi nghĩ rằng đây nó cũng trở lại một giai đoạn chiến lược của thời Đệ nhị Thế chiến tức là làm sao để ngăn chặn, không cho Trung cộng xuống được miền Nam một cách tự do như trước, mà phải ngăn chận lại. Vấn đề này nó rất là tế nhị nhưng mà Hoa Kỳ cũng đang tìm cách làm sao để mà hàn gắn lại quan hệ với các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.”
Việc Bắc Kinh tăng tốc quân sự hóa Biển Đông sau khi lắp đất xây đảo nhân tạo tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong mấy năm qua, đã khơi dậy sự phẫn nộ của nhiều người Việt Nam, cả quan lẫn dân, phản đối ý đồ của Trung cộng dần dà độc chiếm Biển Đông để khai thác tài nguyên, và kiểm soát tuyến đường biển và cả vùng không phận bên trên Biển Đông.
Các hoạt động quân sự hóa khu vực của Trung cộng cũng sẽ là chủ đề chính trong chặng dừng chân kế tiếp của ông Mattis sau khi ông rời Việt Nam sang Singapore dự hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Hội nghị này còn có sự hiện diện của các Bộ trưởng Quốc phòng từ Trung cộng, Australia và Nhật Bản.
Hoài Hương
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.