Quan niệm rằng học từ xa qua mạng ít tốn kém hơn nên sinh viên cần được giảm học phí là ‘sai lầm’, một vị giáo sư đại học ở Mỹ nói và cho biết đại dịch Covid-19 đã ‘gây thiệt hại lớn’ cho các trường đại học ở Mỹ.
Theo ước tính của Chronicle of Higher Education, trang chuyên về giáo dục đại học Mỹ, trong học kỳ mùa thu này có hơn 75% trên tổng số 5.000 trường đại học ở Mỹ sẽ học trực tuyến toàn phần hay bán phần.
Mặc dù một số trường chuyển qua học từ xa đã quyết định giảm học phí cho sinh viên như John Hopkins, Georgetown, Princeton… nhưng đại đa số các trường đại học ở Mỹ, trong đó có những trường lớn có tên tuổi như Harvard, Stanford hay Đại học Massachusetts, vẫn giữ nguyên học phí khiến nhiều sinh viên bất bình.
Bù đắp cho sinh viên
“Phải nên giảm học phí cho sinh viên bởi vì các sinh viên đi học trường tư họ không muốn học trực tuyến. Nếu biết phải học trực tuyến hết thì có thể họ đã chọn trường khác,” Giáo sư-Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ nói và thừa nhận việc học trực tuyến khiến sinh viên ‘mất quyền lợi’.
Ông cho biết trước tình hình dịch bệnh, trường của ông đã ‘quyết định giảm 10% học phí cho tất cả sinh viên cho dù là học hoàn toàn trực tuyến hay hỗn hợp’ ‘sau khi đã cân nhắc ngân quỹ’ và ‘tính đến khó khăn của sinh viên trong việc học online’.
“Cái 10% đó là một số tiền tối thiểu để bù đắp lại sự mất mát của các sinh viên,” Tiến sĩ Cường nói.
Tuy nhiên, vị giáo sư này cho biết chi phí các trường bỏ ra để tổ chức học trực tuyến ‘thật ra không hề rẻ hơn’ học trực tiếp trên lớp.
“Học online cũng phải trả tiền cho các giáo sư, các nhân viên vậy,” ông giải thích. “Chúng tôi phải bỏ tiền ra thêm để thiết lập hệ thống cho học online.”
“Điều này có nghĩa là một giáo sư đi vào phòng dạy online thì phòng học đó phải được lắp đặt nhiều camera để sinh viên ở nhà học có cảm tưởng như là đang học trên lớp,” ông giải thích về cách dạy ‘thực tế ảo’ (virtual reality) mà trường ông đang triển khai.
“Ngoài ra chúng tôi còn phải thuê các hãng bên ngoài để đi khử trùng tất cả các phòng học, phòng thí nghiệm, ký túc xá,” ông nói thêm.
Nguồn thu giảm sút
Trong bối cảnh chi phí gia tăng mà lại phải giảm học phí cho sinh viên, trường ‘bị thiệt hại rất nhiều về tài chính mà sinh viên không biết,’ Giáo sư Cường cho biết.
Theo lời ông, do ký túc xá phải sắp xếp theo nguyên tắc ‘tuyệt đối không cho sinh viên ở gần nhau’ – biến phòng đôi thành phòng đơn và các phòng phải cách nhau một phòng trống – nên số sinh viên sử dụng ký túc xá của trường cũng giảm đi nhiều. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của trường.
“Gần 100% sinh viên ngoại quốc năm nhất không thể tới trường học được tại vì họ không muốn tới Mỹ hoặc do vấn đề đi lại rất khó khăn nên họ quyết định ở lại trong nước của họ từ 6 tháng đến 1 năm chờ đến khi hết dịch mới qua Mỹ lại,” ông nói và cho biết sinh viên nước ngoài ‘chiếm khoảng 15% tổng số sinh viên’ trường ông.
“Các trường đại học dựa vào nguồn thu từ sinh viên nước ngoài đang rất lo lắng.”
“Nếu vấn đề dịch bệnh không giải quyết mau thì tất cả các đại học ở Mỹ sẽ gặp vấn đề tài chính tại vì trường đại học nào cũng dựa vào sinh viên ngoại quốc về nguồn thu,” Giáo sư Charles Cường Nguyễn nói.
Ngoài số tiền trợ giúp của chính phủ trong gói cứu trợ giai đoạn 1, các đại học ở Mỹ đang bị khủng hoảng vì dịch bệnh đang cầm cự bằng cách dựa vào số tiền mà họ có được từ sự quyên góp của các cựu sinh viên mà đã được bỏ vào các quỹ đầu tư để sinh lợi.
“Trong thời gian này phải lấy số tiền đó ra mà xài, nhưng không thể lâu dài được mà chỉ có thể cầm cự được trong 1-2 năm,” Giáo sư Cường cho biết.
Đơn cử như Đại học Công giáo Hoa Kỳ, ông nói, dù ‘chưa tính đến việc sa thải’ nhân viên nhưng trường đã ngưng đóng tiền vào quỹ hưu bổng cho các giáo sư và nhân viên giữa những khó khăn hiện nay.
Tại trường Đại học Rutgers ở bang New Jersey, một nữ sinh viên tên là Shreya Patel đã khởi xướng một thỉnh nguyện thư hồi tháng Bảy thu thập chữ ký của các sinh viên trong trường để yêu cầu nhà trường hoàn lại một phần học phí cho sinh viên học trực tuyến, theo CNN.
“Thật vô lý khi phải trả một số tiền nhiều như vậy cho một thứ mà không hề được sử dụng tối đa lợi ích,” cô Patel được CNN dẫn lời.
Thỉnh nguyện thư của cô thu thập được 31.000 chữ ký nhưng trường Rutgers chỉ giảm 15% phí sử dụng khuôn viên trường mà không đả động gì đến học phí. Trường này nói rằng ‘chi phí của họ gia tăng trong gần như hầu hết các hoạt động’.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.