Một số người dễ bị chán chường hơn. Và từ "tính ái kỷ bị che giấu" đến khả năng kiểm soát bản thân thấp, đó là những lý do có thể giải thích cho ta về nguồn gốc của cảm xúc bí ẩn này.
Tiếng đập mạnh của van. Tiếng đập rùng rùng. Cú đẩy cực mạnh từ sau lưng khi động cơ tên lửa châm ngòi. Thực tế đáng báo động là đây có thể là khoảnh khắc quý giá cuối cùng mà bạn còn sống.
Dù là ở góc độ nào thì hành trình vào không gian cũng là chuyến đầy kịch tính.
Trong đợt phóng tàu lần thứ hai trong sự nghiệp của mình, hồi năm 1982, phi hành gia Valentin Lebedev cảm thấy tên lửa chao đảo qua phải và qua trái, như thể nó mất thăng bằng… sau đó cuối cùng, ông cảm thấy bản thân rời khỏi mặt đất.
Khi phi hành đoàn bay vọt vào không gian, họ la lên: "G-o-o-u" - người ta vẫn chưa rõ vì sao họ làm vậy.
Nhưng dù chuyến du hành vào không gian của Lebedev bắt đầu với một liều adrenaline, thì cơn phấn khích này cũng mai một dần - và chỉ sau một tuần trong sứ mệnh kéo dài bảy tháng trên trạm không gian vũ trụ Salyut 7, ông bắt đầu thấy chán.
Thực tế là, bay qua quỹ đạo thấp của Trái Đất với vận tốc 8km/giây (tương đương 17.900 dặm/giờ) trong một chiếc hộp nhôm nhỏ xíu không đủ sức khiến ông mê mẩn. Ông viết trong nhật ký rằng "nhịp sống buồn tẻ bắt đầu".
Ta có xu hướng nghĩ sự buồn chán là phản ứng rõ ràng với những hoạt động tẻ nhạt. Cuối cùng thì hiếm khi nào ta gặp ai mà nói họ cảm thấy yêu thích việc giặt đồ hay ngồi làm giấy tờ thuế - và người ta sẽ cực kỳ nghi ngờ nếu bạn thấy thích làm các việc này.
Ngoại trừ sự thật là sự nhàm chán không hẳn là rõ ràng như vậy.
Nhiều thập niên nghiên cứu tiết lộ rằng sự nhàm chán vừa bí ẩn vừa khó chịu, và mức độ đơn điệu mà mỗi người có thể chịu đựng lại cực kỳ khác nhau.
"Tôi nghĩ mọi người đều nhận được tín hiệu của sự nhàm chán," James Danckert, lãnh đạo một phòng nghiên cứu về sự nhàm chán từ Đại học Waterloo, Ontario, nói. "Dù vậy, một số người thực sự, thực sự giỏi ứng phó với điều đó."
Năm 2014, nhóm nhà tâm lý học xã hội từ Đại học Virginia khám phá ra rằng trong loạt thí nghiệm về việc để tâm trí suy nghĩ vẩn vơ thì rất nhiều người - khoảng 25% nữ giới và 67% nam giới trong tổng số người tham dự - đã tự chích điện bản thân khi họ ở một mình trong phòng chỉ 15 phút, chỉ để có việc gì đó làm. Một người thậm chí tự chích điện tới 200 lần.
Sự nhạy cảm với nhàm chán có thể có sẵn trong bộ gene một số người
Và từ một người chăm chỉ tái dựng lại bữa tiệc thời Babylon theo thực đơn ghi trên bảng đất nung từ 3.750 năm trước, cho đến một phụ nữ thi tới thi lui một kỳ thi ở trường bảy năm trước chỉ vì chút tò mò, cuộc phong tỏa cách ly trong thời gian vừa qua đã tiết lộ những chiến lược kỳ lạ và tuyệt vọng của mọi người nhằm chống lại sự nhàm chán, không hẳn chỉ giới hạn trong môi trường phòng thí nghiệm.
Ở thái cực ngược lại, một số người chủ động tìm kiếm tình huống mà thông thường được coi là tẻ nhạt.
Ẩn sĩ Christopher Knight, người đã lái xe đến một cánh rừng ở bang Maine vào năm 1986 và không hề xuất hiện trở lại trong 27 năm, cho biết ông chưa từng cảm thấy nhàm chán - mặc dù theo ông là phần lớn thời gian ở đó ông hoàn toàn không làm gì cả.
Vậy, tại sao lại như thế?
Một trong những dấu tích sớm nhất của sự nhàm chán có từ thời La Mã, khi nhà triết học Seneca có lẽ đã bắt đầu truyền thống ca thán về sự nhàm chán.
Trong những lá thư trao đổi đáng suy ngẫm với người bạn, ông đặt câu hỏi "Quo usque eadem" - nghĩa là "Ta còn phải [chịu đựng] cùng một thứ này đến bao giờ?", và ông viết tiếp, "Tôi không làm gì mới cả. Tôi không thấy gì mới cả. Cuối cùng tôi phát buồn nôn vì sự tình này".
Sau này, vào thời trung cổ còn có mối bận tâm với tình trạng "acedia" - theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự thờ ơ - mà người Thiên Chúa Giáo cho rằng là một dạng hờ hững hoặc lười nhác đầy tội lỗi.
Mặc dù từ tiếng Anh "nhàm chán" (boredom) được phát minh từ đầu Thế kỷ 19, nhưng công chúng vẫn không chú ý đến nó cho đến khi văn hào Charles Dickens đưa nó vào một trong những cuốn tiểu thuyết của ông.
Tua nhanh đến thời đại ngày nay, sự nhàm chán rõ ràng có mặt ở mọi nơi - đôi khi trạng thái này được mô tả là bệnh dịch của xã hội hiện đại.
Hồi năm 2016, một nhân viên người Pháp kiện công ty ông từng làm về tình trạng "chán muốn chết" [bore-out] - một hội chứng anh em của tình trạng kiệt sức trong làm việc - và ông thắng kiện.
Trong khi đó, Thế hệ Z - là những người sinh từ giữa thập niên 1990 đến cuối thập niên 2010 - đã chế ra một kiểu mới, "nhàm chán trên điện thoại", là tình trạng cứ cuộn xuống liên tục trên ứng dụng điện thoại và chẳng cảm thấy có gì khiến bạn hứng thú.
Giờ đây người ta còn thậm chí chẩn đoán cả thú cưng của họ cũng bị nhàm chán.
Định nghĩa sự nhàm chán
Nỗ lực gIải mã vì sao một số người lúc nào cũng cảm thấy nhàm chán trong khi một số khác có thể sống mà chẳng cần phải có gì để tiêu khiến là chuyện liên tục gặp nhiều khó khăn, bởi có một thực tế là trong suốt một thời gian dài, các nhà tâm lý đã không thể thống nhất với nhau như thế nào thì gọi là chán chường.
Chris Hadfield từng hơn một lần nói rằng "chỉ có người nhàm chán mới thấy chán chường"
Vào thập niên 1960 và 1970, một số nhà nghiên cứu cho rằng sự nhàm chán đơn thuần là cảm giác phát sinh khi làm một công việc lặp đi lặp lại.
Điều này dẫn đến ý tưởng gây kinh ngạc là thực ra sự nhàm chán có thể tăng mức độ "kích thích" của một người - đó là khả năng khiến bạn chú ý và phản hồi với sự việc xung quanh bạn.
Chẳng hạn, trong một nghiên cứu - có vẻ như ủng hộ ý này - một nhóm tình nguyện viên được yêu cầu bấm nút khi họ thấy ánh đèn nhá lên trong hộp, và kết quả cho thấy sự chú ý cao độ và kích thích cũng tăng lên từ cảm giác nhàm chán.
Trong khi đó, rất nhiều nghiên cứu ban đầu khác sử dụng định nghĩa quen thuộc và theo cách nào đó là hoàn toàn trái ngược.
Từ năm 1986, "thang đo nhàm chán" thường được sử dụng để đo mức độ chán chường của người tham dự, thông qua việc hỏi họ đánh giá họ đồng ý ra sao với các câu như "Tôi rất dễ tập trung trong hoạt động của mình".
Trong trường hợp này, khi một người nói họ thấy dễ tập trung thì có thể là chỉ dấu cho thấy người đó không hay cảm thấy chán chường.
Giờ đây các nhà tâm lý biết rằng có ít nhất năm loại hình nhàm chán, gồm có:
"nhàm chán chuẩn mực", là khi bạn có những suy nghĩ lang thang đâu đó và cảm thấy không biết làm gì;
"nhàm chán gây phản ứng", là tình trạng bạn cảm thấy phẫn nộ với người, việc níu chân bạn - như thầy giáo hay nơi làm việc chẳng hạn - và với việc cứ phải làm đi làm lại những thứ bạn cần làm;
"nhàm chán tìm kiếm", là khi bạn cảm thấy bồn chồn và tìm cách thoát khỏi tình trạng hiện tại;
"nhàm chán hờ hững", là khi bạn cảm thấy thư giãn và không dính dáng gì với thế giới chung quanh; và một kiểu nhàm chán mới vừa được phát hiện, "nhàm chán đờ đẫn", khi bạn chẳng thấy mọi sự là xấu hay tốt, và bạn bất lực không thể thoát ra khỏi tình huống đó.
Dù bạn đang trải qua thể loại nhàm chán nào, thì nghiên cứu cũng cho thấy rằng mức độ nhàm chán đó để lại dấu ấn rõ nét trong não bạn.
Trong một nghiên cứu do Danckert và nhà tâm lý học Colleen Merrifield đứng đầu, một nhóm tình nguyện viên đã cho phép quét não bộ qua một máy quét cộng hưởng từ chức năng MRI mà không hề nghĩ rằng họ đang bị đưa vào tình trạng nhàm chán cực độ bằng cách được cho xem video hai người đàn ông phơi đồ, và thỉnh thoảng hỏi xin người kia kẹp quần áo.
Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu phát hiện ra mối liên hệ giữa sự nhàm chán và hoạt động trong "mạng lưới chế độ mặc định" - là một nhóm các liên kết giữa các vùng vỏ não vốn thường liên quan với tình trạng tâm trí suy nghĩ lan man. "Nó đặc biệt hoạt động khi không có nhiệm vụ nào bên ngoài khiến bạn cần làm và không có gì diễn ra xung quanh bạn," Dancker cho biết.
Người ta bắt đầu chẩn đoán chó cũng có thể bị nhàm chán, và khi đó chúng dễ có những hành vi phá hoại
Những gì mà sự nhàm chán báo hiệu cho bạn biết, theo Danckert giải thích, đó là bạn không tương tác với thế giới - bạn mất kiểm soát với xung quanh và bạn không hoạt động hiệu quả nữa.
Cũng như những cảm xúc tiêu cực khác, như giận dữ và buồn chán, có thể sự nhàm chán tiến hóa để thúc đẩy con người.
"Những gì ta thực sự tìm kiếm là được liên kết về mặt nhận thức. Ta muốn sử dụng sức mạnh tâm trí cho điều gì đó mà ta thấy có ý nghĩa."
Nếu đây là vấn đề, thì nó có thể giúp giải đáp vì sao một số người có thể sống nhiều năm đơn độc, trong khi một số khác lại sẵn sàng tự sốc điện bản thân dù chỉ ở một mình trong có 15 phút.
Một số môi trường khiến người ta dễ trở nên chán chường, nhưng chỉ có một số người cho phép bản thân rơi vào trạng thái chán chường.
Những người khác nhận thức được cảm giác giống như tâm trạng bồn chồn, và họ cố gắng tìm cách thay đổi hoàn cảnh - họ đưa thêm cảm giác sống có mục đích, có ý nghĩa vào.
Lấy ví dụ trường hợp phi hành gia người Canada Chris Hadfield. Trái ngược hẳn với Lebedev, ông rõ ràng không có khoảnh khắc đờ đẫn nào trong sứ mệnh tạm thời năm 2012 đến Trạm Không gian Quốc tế, dù có ít người đi cùng để giao tiếp cùn, và phải làm các nhiệm vụ lặp đi lặp lại.
Hadfield từng công khai bày tỏ nhiều lần rằng "chỉ có người đáng chán trở nên nhàm chán".
Để chứng minh cho câu nói đó, ông nổi tiếng vì sử dụng thời gian rảnh để trình diễn ca khúc Space Oddity của David Bowie trong không gian không trọng lực.
"Nếu bạn nói chuyện với ông, những gì bạn học được là ông thực sự nhận biết tín hiệu của sự nhàm chán - ông nhanh chóng xử lý nó cực kỳ nhanh và cực kỳ hiệu quả," Danckert, tác giả cuốn sách viết về Hadfield, "Bên ngoài não bộ: Tâm lý của Sự Nhàm Chán" (Out of My Skull: The Psychology of Boredom), nói.
Trong không gian, Hadfield tìm thấy ý nghĩa ngay cả với những nhiệm vụ khiến não bộ trở nên đờ đẫn, ví dụ như vận hành máy bơm.
Nhưng thậm chí khi còn nhỏ, khi giúp đỡ cha mẹ ở nông trại tại miền Nam Ontario, ông cũng có thể khiến bản thân luôn tích cực hoạt động - ông tự đặt thử thách cho mình là nín thở thật lâu khi đập tơi vụn từng tảng đất lớn.
Bắt chước cách làm của Hadfield khi phải đối mặt với khoảnh khắc nhàm chán có thể đem lại những lợi ích đáng kinh ngạc khác. Như từng khám phá ra trong quá khứ, khi làm những việc đáng chán, để tâm trí bạn tha thẩn thay vì với tay lấy điện thoại chẳng hạn, có thể giúp bạn tăng cường sự sáng tạo.
Mặt trái của sự đờ đẫn
Tin xấu với những người nhanh chán, theo Danckert, là tình trạng dễ rơi vào cảm xúc này có liên quan đến một loạt các vấn đề khác, như hành vi bốc đồng, lạm dụng chất kích thích, nghiện cờ bạc, nghiện điện thoại di động, trầm cảm, những chấn thương tâm lý thể hiện thành kích thích thể chất như cơn đau - và còn nhiều tình trạng khác.
Đáng chú ý là, sự nhàm chán cũng có thể có liên hệ với nhiều hình thức rối loạn nhân cách.
Phi hành gia Chris Hadfield từng tự thách thức bản thân nhịn thở được lâu khi làm các công việc buồn chán ở trang trại của cha mẹ
Một trong số đó là chứng ái kỷ - không phải loại thông thường mà người ta thường thổi phồng về sự vĩ đại và quan trọng của bản thân, vốn là tính cách của một số chính trị gia, mà là chứng "ái kỷ ngầm".
Chứng này xảy ra với những người cảm thấy bản thân cực kỳ tài hoa, nhưng không được công nhận xứng đáng. "Họ kiểu như sẽ nghĩ 'Giá mà thế giới biết được'," Danckert giải thích.
Không ai biết chắc mối liên hệ ở đây là gì, nhưng giả thiết ban đầu cho rằng nếu như có một khoảng cách giữa năng lực sẵn có và mục tiêu của bạn, thì chính là bạn đã tự đào sẵn hố cho sự thất bại của bản thân - và điều này dẫn đến cảm giác bất mãn, chán chường.
Một điều khác nữa là khi người "ái kỷ ngầm" không nhận được sự tán thưởng, công nhận từ những người xung quanh - điều mà họ khát khao - thì họ mất hứng thú và trở nên chán chường.
Trong thực tế, nhàm chán chỉ là một trong rất nhiều phản ứng phụ không mong muốn khi người ái kỷ cố giữ sự tự ca ngợi bản thân.
Chẳng hạn, người bị chứng ái kỷ ngầm thường ít có sự lành mạnh về tâm thần, trong khi một số người ái kỷ công khai lại khá hạnh phúc và tự tin hơn.
Một xu hướng nhân cách khác có liên quan đến sự nhàm chán là giận dữ - hung hăng dẫn đến khả năng cực kỳ mẫn cảm và gây loạn thần, vốn liên quan đến mức độ lo âu, tội lỗi và ghen tuông dữ dội. Trong tất cả những điều này, trở nên nhàm chán thường là dấu hiệu không hay - và có thể một phần là vì có sự kiểm soát cảm xúc kém.
"Ta cần phải cố gắng và hiểu tính chất tự nhiên của nguyên nhân giữa các mối liên hệ này. Và ta vẫn chưa làm được điều đó," Danckert giải thích.
"Vì vậy, chẳng hạn như trong mối liên hệ giữa sự nhàm chán và tình trạng trầm cảm, thì liệu sự nhàm chán có đến trước cơn trầm cảm hay không - đây có phải là yếu tố rủi ro gây trầm cảm không? Tôi nghĩ câu trả lời có thể là có."
Câu hỏi cuối cùng là liệu có có những chiến lược nào đó mà những người nhạy cảm với sự nhàm chán có thể học hỏi được hay không - hay sự nhàm chán là từ gene mà ra. Đây là điều mà Danckert đang nghiên cứu.
"Một lần nữa, chúng tôi vẫn chưa có dữ liệu, nhưng câu trả lời ban đầu theo quan sát của tôi là có thể điều này có liên hệ với điều gì đó trong từng cá nhân."
Tuy nhiên, Danckert trông đợi rằng, cũng như với tất cả cảm xúc, thì sự thích nghi với tình trạng nhàm chán có vẻ như xuất hiện từ sự kết hợp giữa các yếu tố do gene và do học hỏi.
Có vẻ như Hadfield đã trau dồi kỹ năng ứng phó với sự nhàm chán từ thời thơ ấu - và khi sử dụng đúng kỹ thuật, thì ngay cả với sự nhàm chán dai dẳng nhất cũng có thể đem lại trải nghiệm sống phong phú hơn.
Vì vậy, lần kế tiếp khi bạn cảm thấy bản thân than thở cuộc sống sao chán đến vậy, hãy nghĩ về trải nghiệm khác nhau của Lebedev và Hadfield trong không gian. Bạn có thể nhận ra rằng đó chỉ là vấn đề quan điểm.
Zaria Gorvett
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.