Sunday, August 16, 2020

Nên làm gì với quần áo cũ và khi chọn thời trang?

 

image  

Hãy mở tủ quần áo của bạn và hãy thành thật đi nào. Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối bạn mặc những bộ đồ đó? Bạn có nghĩ rằng đã đến lúc phải dọn tủ?

 

Mòn mỏi ở sâu trong tủ và trong đáy ngăn kéo là những bộ trang phục không còn vừa nữa, những món đồ đã lỗi mốt, hay thậm chí là những bộ đồ mà bạn chưa bao giờ mặc.

 

Trên thực tế, theo nghiên cứu do nhà xã hội học Sophie Woodward thuộc Đại học Manchester tiến hành, trung bình 12% số quần áo trong tủ của phụ nữ mà bà nghiên cứu có thể được coi là 'quần áo chết'.

 

Nếu tàn nhẫn, bạn có thể sẽ nhét đầy vào một hoặc hai túi rác những món đồ mà bạn không còn muốn hoặc cần nữa. Nhưng sau đó thì sao?

 

Lãng phí tài nguyên


image

  

Khoảng 85% đồ dệt may bị vứt bỏ ở Mỹ - tức khoảng 13 triệu tấn trong năm 2017 - số đồ này hoặc bị đưa đến bãi rác hoặc bị đốt.

 

Ước tính một người Mỹ trung bình sẽ vứt bỏ khoảng 37kg quần áo mỗi năm.

 

Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm con người thải ra 92 triệu tấn rác hàng dệt, và mỗi giây một lượng quần áo tương đương một xe tải đầy được đưa tới bãi rác.

 

Đến năm 2030, toàn thể nhân loại dự kiến sẽ thải loại hơn 134 triệu tấn hàng dệt may mỗi năm.


image

  

"Hệ thống thời trang hiện tại sử dụng lượng lớn tài nguyên không tái tạo, bao gồm dầu mỏ, vốn được chiết xuất để sản xuất quần áo mà thường chỉ được dùng trong thời gian ngắn, rồi sau thời gian này các nguyên vật liệu đó bị đem đến chủ yếu là bãi rác hoặc bị đem đốt," Chetna Prajapati, người nghiên cứu các cách thức sản xuất hàng dệt bền vững ở Đại học Loughborough, Anh, nói.


"Hệ thống này gây áp lực lên các nguồn tài nguyên quý giá như nước, gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái hệ sinh thái, bên cạnh việc gây ra các tác động xã hội trên quy mô toàn cầu."

 

Có nhiều lý do để ta tìm kiếm các giải pháp thay thế cho việc nhồi nhét quần áo vào thùng rác - trên toàn cầu ngành công nghiệp thời trang tạo ra 10% lượng khí thải nhà kính, trong đó chỉ riêng sản xuất dệt may ước tính thải ra 1,2 tỷ tấn khí nhà kính vào khí quyển mỗi năm.

 

Một khối lượng nước lớn cũng được dùng để sản xuất quần áo chúng ta mặc và ngành công nghiệp thời trang chiếm đến 20% lượng nước thải toàn cầu.

 

Đồng thời chúng ta đang mua nhiều quần áo hơn bao giờ hết - mỗi người tiêu dùng trung bình mua quần áo nhiều hơn 60% so với 15 năm trước đây. Mỗi phút ở Anh có hơn hai tấn quần áo được tiêu thụ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.

 

Trên toàn cầu, khoảng 56 triệu tấn quần áo được bán ra mỗi năm và con số này dự kiến sẽ tăng lên 93 triệu tấn vào năm 2030 và 160 triệu tấn vào năm 2050.

 

Tái chế ít


image

  

Trong khi hầu hết quần áo được giữ kỹ sẽ để được trong nhiều năm, thời trang thay đổi có nghĩa là vòng đời quần áo bị rút ngắn một cách nhân tạo do người tiêu dùng thay đổi thị hiếu.

 

Các số liệu trong ngành cho thấy quần áo hiện đại có vòng đời từ 2 đến 10 năm - với đồ lót và áo phông chỉ giữ từ một đến hai năm, trong khi complet và áo khoác có vòng đời từ khoảng bốn đến sáu năm.


image

  

Liệu việc tái chế quần áo của chúng ta có giúp giảm bớt cái giá mà việc nghiện thời trang của chúng ta gây ra với môi trường hay không?

 

Hiện tại chỉ có 13,6% quần áo và giày dép bị vứt bỏ ở Mỹ được tái chế - trong khi một người Mỹ trung bình vứt đi 37kg quần áo mỗi năm.

 

Trên toàn cầu, chỉ có 12% nguyên liệu sử dụng cho ngành may mặc cuối cùng được tái chế.


So sánh với giấy, thủy tinh và chai nhựa PET - có tỷ lệ tái chế lần lượt là 66%, 27% và 29% ở Mỹ - thì rõ ràng quần áo bị tụt lại phía sau.

 

Thật vậy, hầu hết polyester tái chế hiện đang được các thương hiệu thời trang hàng đầu sử dụng thật ra có nguồn gốc từ chai lọ chứ không phải quần áo cũ.


image

  

Phần lớn vấn đề xuất phát từ việc quần áo của chúng ta được làm từ gì.

 

Quần áo mà chúng ta mặc trên người là sự kết hợp phức tạp của vải sợi, các thành phần trang trí và phụ kiện. Chúng được làm từ hỗn hợp sợi tự nhiên, tơ nhân tạo, nhựa và kim loại.

 

"Thí dụ, một chiếc áo thun 100% cotton có chứa nhiều thành phần khác như nhãn và chỉ may vốn thường được làm từ loại chất liệu khác như polyester," Prajapati cho biết.

 

"Tương tự, một chiếc quần jeans điển hình được làm từ sợi cotton vốn thường pha trộn với elastane, và các thành phần khác như khóa kéo, nút và chỉ polyester. và quần được nhuộm bằng nhiều loại thuốc nhuộm."

 

'Khó phân tách'


image

  

Điều này khiến cho khó mà phân tách chúng ra để tái chế một cách hiệu quả. Phân loại thủ công hàng dệt ra các loại sợi và các loại vật liệu khác nhau rất mất công, chậm và đòi hỏi nhân công lành nghề.

 

Việc sử dụng ngày càng nhiều hỗn hợp vải hiện đại trong quần áo cũng khiến khó mà làm việc này dựa vào máy móc, mặc dù các nhà nghiên cứu châu Âu đã phát triển các kỹ thuật sử dụng máy ảnh siêu nhạy - có thể bắt được ánh sáng ngoài giới hạn thị giác của con người - để có thể nhận dạng tốt hơn các loại vải khác nhau.

 

Một khi đã được phân loại, thuốc nhuộm đã dùng để nhuộm vải cần phải được tẩy ra để sợi vải có thể tái sử dụng được.


image

  

Tuy nhiên, hiện tại rất ít quần áo được đem đi tái chế thực sự trở thành quần áo mới - quá trình được gọi là tái chế 'từ vật liệu đến vật liệu'. Ví dụ, áo len dài tay chui đầu cũ có thể biến thành thảm, len cashmere có thể được tái chế thành complet. Nhưng tính đến năm 2015, chưa tới 1% quần áo đã qua sử dụng được tái chế theo cách này.

 

Mặc dù đương nhiên có thị trường lành mạnh cho quần áo cũ được bán trên mạng, nhưng có lẽ cách xử lý quần áo cũ phổ biến nhất chỉ đơn giản là cho đi để chúng có thể được tái sử dụng thông qua các cửa hàng từ thiện.

 

Tuy nhiên, mọi người ngày càng thấy rằng, quyên góp quần áo đang được xem như một cách để đơn thuần là đẩy vấn đề từ người này sang người khác.


image

  

Tại nhà máy phân loại và tái chế quần áo Wastesaver của tổ chức phi chính phủ Oxfam, ở Batley, Yorkshire, Anh, 80 tấn quần áo cũ được đưa qua mỗi tuần.

 

Lorraine Needham Reid, quản lý nhà máy Wastesaver của Oxfam, đã làm việc tại nhà máy này trong hơn 10 năm. Tuy nhiên, trong thời gian đó, bà đã chứng kiến sự suy giảm thực sự về chất lượng quần áo được đưa đến cho họ, nhất là đối với các vật liệu được dùng để làm những thứ quần áo đó.


image

Đem chất cotton-polyester trộn với enzyme từ nấm có thể giúp ta tách riêng và lấy lại được phần vải sợi để tái sử dụng

 

Ngày nay, hầu hết những gì được đưa đến Wastesaver sẽ có kết cục là không bao giờ được mặc lại.

 

Hơn một phần ba - 35% số quần áo - được đưa tới các đối tác của Oxfam tại Senegal để được bán lại. Khoảng từ 1-3% được đưa trở lại các cửa hàng Oxfam trên khắp nước Anh để được bán lại.

 

Phần lớn còn lại được gửi đi tái chế một cách nào đó, nhưng khoảng sáu tấn quần áo có chất lượng kém đến mức chúng là chỉ cần xé chúng ra để sử dụng làm giẻ lau công nghiệp hoặc làm chất liệu nhồi nệm hay ghế xe hơi.

 

Có công nghệ tái chế sợi, nhưng chúng chỉ được sử dụng ở quy mô nhỏ. Nhìn chung, các kỹ thuật có thể chia ra thành tái chế cơ học và tái chế hóa học.

 

Dùng enzyme


image

  

"Hỗn hợp vải thích hợp nhất để tái chế sợi cơ học mà khi đó các sợi vải được xé tưa và kéo ra để thành vải sợi ngắn hơn," Prajapati nói.

 

Chiều dài sợi ngắn hơn làm ra các loại vải có chất lượng và độ bền thấp hơn, do đó, sản phẩm của quá trình tái chế này không thể sử dụng cho quần áo. Thay vào đó, chúng có xu hướng được chuyển xuống các sản phẩm bậc thấp hơn như làm ra các vật liệu sợi composite khác như cách nhiệt hoặc thảm sử dụng trong ngành xây dựng.

 

Một số nhà nghiên cứu đã tìm ra cách cách âm tiếng ồn từ sợi của quần áo cũ.


image

  

Quy trình tái chế hóa học với số lượng lớn một loại sợi vải, chẳng hạn như polyester và nylon, đã đi vào guồng, Prajapati nói. "Tuy nhiên, chúng gồm nhiều quy trình và hóa chất bổ sung, khiến cho việc tái chế và sản phẩm sợi hoặc vải làm ra rất tốn kém," bà cho biết.

 

Đã có thành công ở quy mô nhỏ để phân tách hiệu quả các hỗn hợp vải tự nhiên và tổng hợp và thu được cả hai loại sợi, mà không làm mất loại sợi nào trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, việc nhân rộng công nghệ này lên quy mô công nghiệp vẫn là một thách thức.

 

Một nhóm các nhà nghiên cứu do Carol Lin, một kỹ sư hóa học tại Đại học City University of Hong Kong dẫn đầu, đã phát triển một kỹ thuật để tái chế các loại vải từ hỗn hợp cotton và polyester bằng cách để nấm xử lý chúng.


image

Thuốc nhuộm đã dùng để nhuộm vải cần phải được tẩy sạch để sợi vải có thể tái sử dụng được

 

Nấm Aspergillus niger - vốn thường tạo thành mốc đen trên nho - tạo ra một loại enzyme có thể phân hủy cotton thành glucose, và glucose này sau đó có thể chuyển thành xi-rô.

 

Các sợi polyester tinh chất còn lại sau đó có thể được tái sử dụng để làm quần áo mới, họ cho biết.

 

Hỗn hợp polyester-cotton hiện là một trong những loại vải phổ biến nhất dùng cho quần áo rẻ tiền, thường được dùng làm áo phông, áo sơ mi và thậm chí là quần jean.

 

Kể từ đó, Lin và nhóm nghiên cứu của bà đã hoàn thiện quy trình để nó có thể được áp dụng ở quy mô lớn hơn bằng cách sử dụng các enzyme cellulose được sản xuất công nghiệp. Họ đã làm việc với hãng bán lẻ thời trang H&M để xem xét quy trình tái chế này có thể có tác động như thế nào đến đồ dệt may thải loại.

 

Nguyên liệu sinh học


image

  

Các nhà nghiên cứu Áo cũng đã phát triển các kỹ thuật sử dụng enzyme cho phép họ biến đồ len cũ thành một chất liệu có thể được sử dụng làm nhựa hoặc chất kết dính.

 

Nhưng nếu chúng ta có bao giờ mong muốn làm cho quần áo trở nên bền vững, thì chúng ta cần phải có những thay đổi cơ bản hơn cho ngành công nghiệp dệt may. Vải, sợi và hàng may mặc sẽ cần được thiết kế bằng những cách để chúng dễ dàng được phục hồi và tái chế hơn.


"Mục đích tái chế cần phải được tích hợp vào hệ thống sản xuất hiện tại để làm cho nó trở nên tuần hoàn hơn," Prajapati nói. "Do đó, cách chúng ta thiết kế quần áo cần phải thay đổi, nó cần tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc tái chế."

 

Có một lựa chọn, đó là tạo ra các loại vật liệu hoàn toàn mới từ các nguồn khác nhau, là các nguồn không gây tác động tương tự lên môi trường hoặc có thể tái chế dễ dàng hơn. Một số nhà khoa học thậm chí còn xem xét biến các dạng chất thải khác - chẳng từ sữa quá hạn - thành quần áo.

 

Khi sữa bị chua, nó sẽ tách thành váng sữa ở dưới đáy và mảng protein ở trên. Khi lấy váng sữa ra, bạn chỉ còn lại một loại phó mát tươi.

 

"Loại phó mát tươi này được đưa vào một cỗ máy hoạt động như như máy làm mì sợi," Anke Domaske, người sáng lập QMilk, công ty đang phát triển các loại sợi phân hủy sinh học mới ở Hemmingen, Đức, cho biết. "Hòa với nước, nó tạo ra một loại bột nhào. Sản phẩm cuối cùng là bộ nhả tơ có lỗ nhỏ đến mức nó không phải là sợi mì mà là một loại sợi mỏng hơn tóc."

 

Công ty sau đó đã quay sợi này thành sợi vải mà họ nói có kết cấu như lụa. Loại sợi vải này sau đó có thể được sử dụng để làm áo nịt hoặc dệt thành vải, hoặc các mặt hàng dệt khác như nỉ.


Điều quan trọng là một khi người ta không còn còn muốn mặc quần áo may hoàn toàn bằng sợi QMilk nữa, họ có thể đơn giản là để nó tự hoại ở nhà, Domaske nói.

 

QMilk không phải là công ty duy nhất tạo ra vải vóc từ các nguồn khác thường.

 

Hứa hẹn từ tảo


image

  

Sau nhiều năm làm việc cho một công ty thiết kế Đức, từ hậu trường Renana Krebs đã thấy ngành công nghiệp dệt và may tiêu cực với môi trường như thế nào.

 

Bà quyết tâm sẽ làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này và vào năm 2016, bà cho ra đời Algalife, công ty sản xuất sợi và thuốc nhuộm từ tảo.

 

Tảo đã được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thẩm mỹ, trong một số loại thực phẩm và được dùng làm nhiên liệu sinh học. "Sau khi tìm hiểu về tất cả các ngành đó và những lợi ích chúng ta có được từ tảo, chúng tôi hỏi 'tại sao không làm tương tự cho hàng dệt may?'," Krebs nói.

 

Một lợi ích là tảo được thu hoạch trong hệ thống khép kín, có nghĩa là không hề sử dụng tí nước ngọt nào trong quá trình này. Tất cả những gì tảo cần để lớn là nước và nắng. Bằng cách chiết xuất các sắc tố tự nhiên từ các loại tảo khác nhau, Krebs và nhóm nghiên cứu của bà có thể kết hợp chúng với các enzyme và các chất cố định - giúp sắc tố bám vào vải - từ các nguồn tổng hợp và tự nhiên, bao gồm cả gỗ sồi, vỏ lựu và lá kim cây bách xù (juniper).

 

Các thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp thời trang cũng đang chú ý tới nhu cầu sử dụng nguyên liệu bền vững. Các công ty như Adidas gần đây tung ra một loạt mẫu giày thể thao được làm từ nhựa thu thập từ đại dương .

 

Hãng bán lẻ thời trang Zara cũng tuyên bố trong năm 2019 rằng đến năm 2025, hãng sẽ chỉ sử dụng các nguyên liệu bền vững.

 

"Sử dụng vật liệu tái chế, thay vì nguyên gốc, sẽ đem đến cơ hội giảm đáng kể các tài nguyên không tái tạo và các tác động tiêu cực của ngành, như phát thải CO2, sử dụng nước và hóa chất," Prajapati cho biết.

 

Tuy nhiên, một số người nghi ngờ về cam kết của một số thương hiệu lớn trên thế giới về việc sử dụng nguyên liệu bền vững, và cáo buộc các hãng làm lãng phí tài nguyên xanh, điều mà các công ty bác bỏ.

 

Zara là một trong những nhà sáng chế đầu tiên của hệ thống thời trang tiêu dùng mà chúng ta rất quen thuộc ngày nay, Clare Press, tổng biên tập tạp chí Vogue của Úc và là tác giả của cuốn sách Khủng hoảng Nơi Tủ Quần áo (Wardrobe Crisis), nói.

 

"Không cần phải giả vờ rằng mọi người tới mua hàng của Zara là do danh tiếng nhiều đời của thương hiệu này," bà nói.

 

"Trong 20 năm qua, hệ thống thời trang đã thay đổi hoàn toàn, không còn là thời trang theo kiểu theo mùa nữa mà là hướng tới việc tận hưởng ngay lập tức. Việc phải chờ đợi sáu tháng với các tín đồ thời trang thế hệ mới nghe thật là điên rồ trong thời đại Instagram và trong trào lưu 'nhìn thấy là mua luôn' lúc này."


image

  

Vì vậy, mặc dù tái chế và vải vóc bền vững hơn sẽ là một phần quan trọng trong giải pháp, người tiêu dùng cũng cần thay đổi hành vi của mình nếu chúng ta hy vọng giảm bớt tác động ngành công nghiệp thời trang đang gây ra cho hành tinh chúng ta.

 

"Chúng ta cần phải chậm lại, dành chút thời gian để kết nối lại với quần áo của chúng ta và một lần nữa trân trọng chúng," Press khuyên. "Hãy nhớ rằng cho dù bạn mặc bất cứ thứ gì, đều phải tốn hao cả vật chất và sự sáng tạo để làm ra chúng."

 

 

 

Abigail Beall


clothes GIF

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.