Saturday, August 15, 2020

Vì sao bà bầu thường nghén ăn những món kỳ quặc?


image
Điều gì gây ra chứng thèm ăn kỳ quái của các bà bầu? Chắc chắn bạn không thể nào tưởng tượng nổi.

 

Chúng ta hẳn đã từng nghe chuyện về những bà bầu chỉ thèm ăn kem lạnh hay các món chua, hay thậm chí đêm hôm khuya khoắt 1 giờ sáng còn bắt chồng ra ngoài lùng mua bằng được món gà rán, rồi lại có lúc không thể cưỡng nổi cơn thèm ăn một lúc năm thanh chocolate, mà dứt khoát là phải là chocolate của một nhãn hiệu nào đó.


image

  

Mà có lẽ bản thân chúng ta cũng đã từng trải qua những cơn thèm ăn mãnh liệt như vậy.

 

Thèm ăn trong thời kỳ mang thai thường được giải thích là để đáp ứng một số nhu cầu dinh dưỡng của chính người phụ nữ hoặc bào thai, và dễ dàng được giải thích rằng chứng thèm ăn phản ánh nhu cầu sinh học tự nhiên.

 

Rốt cuộc thì đó là một phần mệt mỏi trong thời gian tương đối khó khăn của người phụ nữ.


Bụng mang dạ chửa trong một thời gian dài, mệt mỏi và không thoải mái, và nếu như chỉ cần ăn chút đồ gì đó mà giúp giải tỏa bớt tâm trạng mệt mỏi đó thì cũng thật là tốt chứ sao.


image

  

Tuy nhiên, nếu xem xét trên phương diện nghiên cứu khoa học, chúng ta sẽ thấy đây là một câu chuyện ly kỳ, phức tạp hơn nhiều.

 

Các nhà nghiên cứu thấy rằng chứng ốm nghén khi mang thai không phải là điều tồn tại ở tất cả các nền văn hóa.

 

Trong những nền văn hóa không nói tiếng Anh, phụ nữ có thể có hiện tượng ốm nghén, nhưng phụ nữ ở Anh, Mỹ thì khác hẳn.

 

Chẳng hạn như ở Nhật Bản, nơi cảm giác thèm ăn được thống kê trên nhiều thai phụ thì món thường được thèm nhất là cơm.


image

  

Đi xa hơn nữa, khi xem xét xem liệu các loại thực phẩm thường hay được các bà bầu thèm ăn có cung cấp các chất dinh dưỡng cụ thể hữu ích gì cho thai kỳ hay không thì các nghiên cứu thấy rằng chúng đa phần không phải là nguồn tốt lành gì.

 

Trên thực tế, những phụ nữ hay thèm ăn do ốm nghén có xu hướng tăng cân nhiều hơn mức được coi là khỏe mạnh trong thai kỳ, điều này có thể dẫn đến tỷ lệ biến chứng cao hơn.

 

Điều đó không có nghĩa là cơ thể những người phụ nữ có cảm giác thèm ăn cần đến những thực phẩm đó, mà cảm giác thèm ăn này có thể đang được điều khiển bởi một cái gì đó nằm ngoài nhu cầu sinh hóa.

 

Việc xem xét lý do khiến mọi người thường thèm ăn một số món nhất định có thể nảy ra thông tin cốt lõi của vấn đề, theo Julia Hormes, giáo sư tâm lý học tại Đại học Bang New York, Albany, người đã nghiên cứu về cảm giác thèm ăn ở nhiều dạng khác nhau.


image

  

Chẳng hạn, khoảng 50% phụ nữ ở Mỹ cảm thấy thèm ăn chocolate trong tuần trước kỳ kinh nguyệt của họ, Hormes nói.

 

Các nhà khoa học đã tìm hiểu xem liệu sự thèm ăn này có phải là do một số chất dinh dưỡng trong chocolate quan trọng cho việc bù đắp lượng máu mất đi hay không, hay liệu chứng thèm ăn có phản ánh sự thay đổi nội tiết tố của họ hay không.


image

Thèm ăn có thể là trạng thái tâm lý - hoặc thậm chí có lý do văn hóa

 

Trong một thử nghiệm, một nhà tâm lý học yêu cầu các phụ nữ mở một chiếc hộp mà họ được đưa cho và ăn những gì bên trong hộp khi họ có cảm giác thèm ăn.

 

Trong một số hộp có chứa chocolate sữa, là món có tất cả các chất dinh dưỡng thường có trong miếng chocolate tan chảy trong miệng; một số hộp khác đựng chocolate trắng, là món không có bột ca cao (là nguyên liệu khiến cho sữa và chocolate đen trở thành màu nâu) nhưng có hình thức đẹp đẽ; và một số hộp có các viên ca cao, là món chứa ca cao có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng khi ăn vào không tạo cảm giác ngon miệng như khi ăn chocolate.


image

  

Kết quả món chocolate trắng thực sự là món được ăn nhiều nhất trong việc thỏa mãn cơn thèm ăn, vì vậy ta loại trừ việc một số chất dinh dưỡng hoặc hoạt chất hữu ích trong hạt ca cao thúc đẩy cơn ham muốn thèm ăn.

 

Các nghiên cứu khác thì không tìm thấy mối liên hệ nào giữa cơn thèm ăn chocolate với mức thay đổi hormone trong cơ thể.

 

Trên thực tế, phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cho biết họ vẫn cảm thấy thèm ăn chocolate, Hormes nói; họ chỉ là kiếm cớ nào đó để biện bạch cho nhu cầu này mà thôi.

 

Tất cả điều này chỉ ra nguồn gốc văn hóa hoặc tâm lý cho sự thèm ăn. Khát khao mãnh liệt được ăn ngay một chiếc bánh quy bơ, hoặc một thanh chocolate, hoặc khoai tây chiên, có thể bắt đầu như một suy nghĩ đơn giản và sau đó dần phát triển thành một nỗi ám ảnh khó cưỡng.


image

  

Tại Mỹ và ở một số nơi khác nhau, người ta thường nghĩ đến các món ăn vặt khoái khẩu - một thuật ngữ mà các nhà nghiên cứu sử dụng để chỉ mọi thứ từ cà-rem đến bánh đến phô-mai macaroni béo ngậy - với mặc cảm tội lỗi.

 

"Quả thực là sự giằng xé," Hormes nói. "Ăn vào thì rõ ràng là ta cảm thấy rất thoải mái dễ chịu, nhưng ta sống trong một nền văn hóa mà trong đó chúng ta được dạy bảo là không nên ăn thứ chocolate này. Ta thực sự muốn ăn, nhưng đồng thời cũng ý thức là mình không nên ăn - chúng tôi cho rằng văn hóa là một yếu tố góp phần hình thành nên quá trình phức tạp đầy mâu thuẫn đó."

 

Đặc biệt, nếu bạn đã kiềm chế bản thân trong một thời gian khá lâu - nếu như bạn đã nghĩ trong đầu rằng bạn không bao giờ được phép ăn loại thực phẩm đó chẳng hạn - thì quả là khó để kiểm soát bản thân một khi mình có cơ hội để ăn món đó. Vì vậy, sau khi ăn một miếng bánh, thay vì cảm thấy hài lòng và tiếp tục làm việc khác thì bạn lại ăn thêm ba miếng nữa.

 

Ngoài ra, phụ nữ có thể cần hạn chế một số loại thực phẩm khi mang thai, cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn, hoặc phải tuân theo các khuyến nghị của bác sĩ trong việc có nên ăn món sushi, thịt nguội và các thực phẩm khác hay không.


image

Thường xuyên nhấm nháp một vài miếng chocolate giàu dinh dưỡng là bạn có thể loại bỏ cơn thèm ăn nguyên cả một thanh chocolate to

 

Tất cả những điều này dẫn đến tình huống là (nếu không phải là mọi nơi thì ít nhất cũng là ở một số nơi trên thế giới) cảm giác thèm ăn nhiều khả năng sẽ dằn vặt khiến ta khó cưỡng, và rồi có lẽ sẽ khiến ta ăn vào, rồi tăng cân quá mức.

 

Thời gian mang thai cũng có thể được coi là một giai đoạn không bị khắt khe chuyện kiêng khem ăn uống. "Nét văn hóa này dường như cũng được dùng làm cái cớ để người phụ nữ ăn những thứ mà đáng ra họ không nên ăn," Hormes nói. "Hội chứng tiền mãn kinh (PMS) và mang thai là những thời kỳ được xã hội chấp nhận là những giai đoạn người phụ nữ có thể dễ dãi trong chuyện ăn uống tùy thích."

 

Chặt đứt những ý niệm gây cảm giác thèm ăn có thể giúp chặn tình trạng leo thang cơn thèm, Hormes nói.

 

Có một biện pháp hay, đó là dựa vào những thứ làm phân tán tư tưởng - có những nghiên cứu cho thấy việc dùng hình ảnh hay hương vị có thể giúp phân tâm, hoặc dùng biện pháp thiền định, chánh niệm để trấn áp cơn thèm, để nó qua đi.


image

  

Bà cũng khuyên là nếu bạn thèm ăn chocolate, hãy kiếm loại thực sự cao cấp, chất lượng, ăn vài miếng mỗi ngày và tiếp tục nhịp sống thường ngày của bạn; cách này có thể giúp loại bỏ đáng kể chứng vật vã thèm ăn.

 

Khi nói đến chứng nghén ăn khi mang thai thì có thể giải thích bởi một yếu tố văn hóa khác: mang thai cơ thể hay đòi hỏi bất thường, bà bầu khó mà vượt qua cám dỗ nếu không được trợ giúp.

 

Một nghiên cứu về phụ nữ vùng nông thôn Tanzania chỉ ra rằng ước mơ được ăn thịt, cá, ngũ cốc, trái cây và rau củ quả cho thấy nhu cầu ăn uống là dấu hiệu thể hiện nhu cầu của người phụ nữ trong việc mong muốn được chồng và gia đình chồng hỗ trợ về mặt xã hội.


image

  

Thực sự là nhu cầu ăn gà rán vào lúc 1 giờ sáng đòi hỏi phải có người chạy ra khỏi nhà tìm mua cho bạn, và điều đó cho thấy bạn luôn có ai đó bên cạnh, chăm sóc bạn trong những lúc như thế. Mặc dù cánh gà chiên bơ rất là ngon miệng, nhưng việc có người cất công đi mua về còn đáng giá gấp bội.

 

 

 

Veronique Greenwood


Baby Mom GIF by guardian

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.