Kamala Harris đã dẫn đầu cuộc đua trở thành ứng cử viên phó tổng thống kể từ lúc Joe Biden, người được cho là ứng cử viên đảng Dân chủ, tuyên bố vào tháng Ba rằng ông sẽ chọn một phụ nữ đứng cùng liên danh.
Harris là một lựa chọn an toàn và thực tế. Giờ đây, bà ở vị trí là người thừa kế rõ ràng của Đảng Dân chủ - cho dù là 4 năm nữa vì Biden thất cử vào tháng 11 hay không tái tranh cử, hoặc 8 năm nếu Biden phục vụ đủ hai nhiệm kỳ.
Đó có thể là lý do tại sao dường như đã có rất nhiều nỗ lực để hạ gục Harris, hoặc thúc đẩy các ứng cử viên thay thế trong tháng qua.
Trên thực tế, đây là cuộc chiến đầu tiên của cuộc tranh cử tổng thống kế tiếp, và Harris - người rõ ràng có tham vọng - giờ đã đi được một bước trong cuộc đua.
Nhưng xác định các ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ trong tương lai là câu chuyện của một ngày khác. Mối quan tâm cấp bách đối với đảng lúc này là Harris có thể giúp Biden giành được Nhà Trắng như thế nào.
Dưới đây là một số lợi điểm mà Harris mang lại cho Biden và, có lẽ, một số lo ngại đảng Dân chủ có thể đang có.
Một số lợi điểm
Đa dạng
Nói trắng ra, Đảng Dân chủ ngày nay trông không giống Joe Biden. Nó trẻ và nó đa dạng về sắc tộc. Rõ ràng là Biden cần phải tìm một người phó trẻ hơn và da ít trắng hơn để có một liên danh phản ánh những cử tri sẽ bỏ phiếu ủng hộ.
Harris, cha là người Jamaica và mẹ đến từ Ấn Độ, đáp ứng nhu cầu đặc biệt này. Bà vừa là phụ nữ da đen đầu tiên vừa là người châu Á đầu tiên tranh cử tổng thống của một đảng lớn. Và mặc dù ở tuổi 55, bà không hẳn là còn trẻ, nhưng so sánh với Biden, 77 tuổi, bà rất nhanh nhẹn.
Chiều thứ Ba, trước khi được công bố là lựa chọn của Biden, Harris đã tweet về sự cần thiết của sự đa dạng trong lãnh đạo của đảng.
"Phụ nữ da đen và phụ nữ da màu từ lâu đã không có nhiều đại diện trong các cơ quan dân cử và vào tháng 11, chúng ta có cơ hội để thay đổi điều đó.'' Bà viết.
Hóa ra Harris có thể chịu trách nhiệm trực tiếp cho một số thay đổi đó.
Kẻ tấn công
Một trong những vai trò truyền thống của ứng cử viên phó tổng thống là hạ bệ và bôi bẩn liên danh đối thủ. Trong khi người đứng đầu liên danh đóng vai trò cao thượng và hùng biện, người số hai tấn công phe địch.
Năm 2008, Sarah Palin, người đứng cùng liên danh với John McCain, đã sống đúng với biệt danh của mình, Sarah the Barracuda, chẳng hạn.
Ông Biden nói với bà Harris rằng bà sẽ là đứng cùng liên danh với ông hôm thứ Ba
Nếu đây là sứ mệnh của Harris, lịch sử cho thấy bà sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Biden chắc chắn nhớ rằng chính Harris đã tấn công ông một cách say sưa trong cuộc tranh luận sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ vào tháng Bảy năm 2019, chỉ trích phản đối của ông với việc ngăn chặn sự phân biệt đối xử trong các trường công.
Harris cũng chứng tỏ là một người thẩm vấn rất kiên quyết và năng nổ trong thời gian ở Thượng viện Hoa Kỳ. Donald Trump nhớ rõ điều này, khi ông nhận xét tối thứ Ba rằng ông nghĩ Harris "cực kỳ khó chịu" với ứng cử viên thứ hai của Tòa án Tối cao, Brett Kavanaugh.
Trump có thể không thích điều đó, nhưng ''khó chịu'' chính là những gì Biden đang tìm kiếm vào mùa thu này.
Ổn định
Một điều mà các chính trị gia từng tranh cử vào chức vụ quốc gia đã nói đi nói lại là rất khó để hiểu được sức ép dữ dội mà các chiến dịch như vậy tạo ra, cho đến khi một người thực sự vận động tranh cử.
Mặc dù cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 của Harris không thành công, và bà bỏ cuộc trước hầu hết các đối thủ, bà vẫn biết cảm giác bị giám sát kỹ lưỡng như vậy nó ra sao. Khi khởi động chiến dịch tranh cử trước hàng chục nghìn người ủng hộ vào tháng 1 năm 2019, bà đã được đối xử như một ứng cử viên tổng thống cấp cao nhất. Vào cuối tháng Bảy, sau buổi tranh luận mạnh mẽ đầu tiên, bà đã vươn lên để dẫn đầu một số cuộc thăm dò sơ bộ.
Harris đã được thử lửa, ít nhất là trong một thời gian, và biết cảm giác này. Nếu có những bộ xương khủng long, nghiêm trọng trong tủ quần áo của bà, thì chúng đã xuất hiện rồi. Và việc bà từng chạy đua vào Nhà Trắng, khiến nhiều người Mỹ không khó tưởng tượng bà sẽ là tổng thống vào một ngày nào đó.
Thượng nghị sĩ California có thể không phải là ứng cử viên năng động nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2019 và chắc chắn không phải là người thành công nhất, nhưng tại thời điểm này, bà là những gì quần chúng đã biết đến. Và đối với Biden, người hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến, thì càng có ít bất ngờ trong phần còn lại của chiến dịch tranh cử, càng tốt.
Những điều có hại
'Harris là một cảnh sát'
Hơn hầu hết các ứng cử viên khác cho vị trí phó tổng thống, Harris xuất thân từ nền tảng thực thi pháp luật. Với những cuộc biểu tình gần đây chống sự tàn bạo của cảnh sát và cáo buộc về phân biệt chủng tộc trong cơ quan thực thi pháp luật, lý lịch của Harris có thể khiến một số người cấp tiến trong Đảng Dân chủ phải suy gẫm.
Điều này chắc chắn đã xảy ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Harris, khi hơn một lần lời buộc tội chế giễu "Harris là một cảnh sát" được ném vào phía bà.
Cả trong tư cách là công tố viên San Francisco và bộ trưởng Tư pháp California, Harris đứng về phía cảnh sát thay vì các nghi phạm - ngay cả trong trường hợp những nghi phạm đó có thể đã bị kết án oan. Mặc dù bà bày tỏ sự phản đối cá nhân đối với án tử hình, bà từng ủng hộ việc dùng bản án này khi còn tại chức.
Việc bà chống tội phạm một cách cứng rắn có thể là đặc điểm hấp dẫn với các cử tri theo khuynh hướng độc lập và bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử, nhưng nếu ủng hộ đó phải trả giá bằng nhiệt tình dành cho liên danh Biden-Harris của cử tri khuynh tả, thì điều này có khi sẽ không có lợi.
Kể từ cái chết của George Floyd, Harris đã thẳng thắn ủng hộ việc cải cách cảnh sát, giành được sự khen ngợi từ một số người cấp tiến. Nhưng bà vẫn còn bị nghi ngờ.
Co giãn
Trên tất cả, việc Harris đã từng điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống được ghi nhận là một dấu ấn có lợi cho bà. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái. Chiến dịch của bà, trong khi bắt đầu thành công và có những khoảnh khắc vẻ vang, cũng có một số sai sót nghiêm trọng - và một số sai sót đó liên quan đến chính ứng cử viên.
Mặc dù Harris có thành tích khá ôn hòa trong vai trò thượng nghị sĩ và bộ trưởng bộ Tư pháp, nhưng bà đã cố gắng nghiêng về phía tả trong lúc tranh cử tổng thống. Chẳng hạn, bà ủng hộ giáo dục đại học miễn phí, chương trình môi trường Green New Deal và chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhưng chưa bao giờ có vẻ thuyết phục về những điều đó.
Bà đặc biệt vấp váp trước câu hỏi liệu có nên cấm bảo hiểm tư nhân không - điều này, mặc dù ổn với cử tri cấp tiến, nhưng lại gây ra nhiều quan ngại cho giới ôn hòa.
"Hãy loại bỏ tất cả những điều đó," bà nói khá mơ hồ trong một cuộc phỏng vấn. "Hãy chuyển qua đề tài kế tiếp."
Trong thời đại này, hồi chuông báo tử cho các chính trị gia dường như là thái độ quá chính trị - được coi là sẵn sàng thay đổi giá trị và niềm tin của mình dựa trên những gì mà cử tri muốn.
Sự chân thành, hoặc ít nhất là có vẻ chân thành, là điều cử tri đánh giá cao - và là một phần lý do tại sao Donald Trump trở thành tổng thống. Trong khi những người ủng hộ Trump không phải lúc nào cũng đồng ý với ông, họ cảm thấy ông bộc trực và nói thẳng ra suy nghĩ của mình.
Việc Harris chuyển từ ôn hòa, sau đó sang bên trái, và bây giờ, có lẽ trở về phía giữa của Biden, có thể khiến một số cử tri tự hỏi giá trị cốt lõi của bà nằm ở đâu - hoặc liệu bà có bất kỳ giá trị cốt lõi nào hay không.
Anthony Zurcher
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.