Người “Mexican,” tức “Mễ Tây Cơ” mà người Việt tại Mỹ quen gọi tắt là “Người Mễ,” hay ngắn hơn là “Mễ,” hay có người còn gọi kiểu xách mé, xem thường là “dân Xì,” không biết có phải từ chữ “Mexican” hay từ tiếng “Spanish” (tiếng Tây Ban Nha) mà họ nói. Phần lớn thì cũng ít người phân biệt được nhóm này thuộc nhóm Latino – người Mỹ La Tinh hay người Mễ nói riêng, cũng tựa như họ không phân biệt được các sắc dân Á châu vậy.
Chiếm khoảng trên 11% dân số nước Mỹ và khoảng hai phần ba cộng đồng Latino, người Mễ là một cộng đồng lâu đời và khá mạnh trong nhiều lãnh vực tại Hoa Kỳ, với khoảng 37 triệu dân, trong đó hơn 10 triệu người sinh đẻ tại Mỹ.
Cộng đồng người Mễ có thể xem là một cộng đồng di dân, vừa là một cộng đồng bản địa của Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến tranh giành biên giới với Hoa Kỳ vào giai đoạn 1846-1848, bị thua trận, Mexico phải ký kết hiệp ước “Guadalupe Hildago,” đồng ý bán lại một phần lãnh thổ cho Hoa Kỳ vào năm 1848 và về sau.
Một phần hay toàn bộ 10 tiểu bang của Mỹ hiện nay là đất của Mexico, từ Texas sang đến California, trong đó phần lớn California ngày nay từng là đất Mexico. Xin xem bản đồ dưới đây cho rõ:
Bản đồ nước Mỹ với các tiểu bang màu xanh từng là lãnh thổ của Mexico trước đây.
Hiệp ước này cho phép công dân Mexico tại các vùng lãnh thổ bị bán được chọn ở lại để trở thành công dân Mỹ với đầy đủ quyền lợi công dân hay dọn trở về phía biên giới thuộc lãnh thổ Mexico. Cộng đồng gốc Mễ ra đời từ đây. Do đó cũng có thể xem họ là người dân bản địa, chính gốc tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ như California, Texas, New Mexico, Arizona, Colorado… Làn sóng di dân, tị nạn sang Mỹ bắt đầu ồ ạt hơn từ đầu thế kỷ 20 sau các cuộc chiến tranh rồi lý do kinh tế, sum họp gia đình sau này, tập trung đa số tại California và Texas.
Cộng đồng người Mỹ gốc Mexican tham gia chính trường Mỹ rất sớm, từ năm 1877 họ đã có dân biểu đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ, rồi đến năm 1928 bắt đầu có thượng nghị sĩ đầu tiên. Hiện nay không kể việc tham gia cấp lãnh đạo trong các cấp chính quyền địa phương, tiểu bang và nội các chính phủ, mà có đến 47 dân biểu Quốc Hội là thuộc cộng đồng Mexican và Latino nói chung, trong đó có sáu thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Đa số các chính khách và cộng đồng gốc Mễ có xu hướng theo về đảng Dân Chủ.
Cộng đồng gốc Mễ cũng hiện diện đông đảo và đóng vai trò quan trọng trong các lãnh vực âm nhạc, thể thao, văn hóa nghệ thuật cho đến truyền thông, học thuật, kinh doanh với các tên tuổi không chỉ giới hạn trong nước Mỹ. Quân đội Hoa Kỳ cũng có những tướng lãnh cấp cao và tại cơ quan NASA đã từng có ít nhất bốn phi hành gia và một trưởng khoa học gia là người gốc Mễ.
Điều quan trọng hơn cho nền kinh tế California cùng sự thịnh vượng và phát triển của nước Mỹ là việc đóng góp từ lực lượng nhân công đông đảo trong kỹ nghệ xây dựng, công chánh, nông nghiệp, vận chuyển… của người gốc Mễ. Kỹ nghệ xây dựng và bảo trì nhà cửa, cầu đường, thu hoạch rau quả, dịch vụ sẽ rất khó khăn khi thiếu vắng họ bởi đây là nhóm nhân công đa số.
Nhắc đến cộng đồng người Mễ, có lẽ cũng cần nói sơ qua vấn đề di dân lậu liên quan đến người Mễ. Trong tổng số 11 triệu di dân lậu ước tính ở Mỹ hiện nay, những người Mễ trốn sang Mỹ hay tìm cách ở lại sau khi “visa” hết hạn, chiếm hơn phân nửa và góp thêm nguồn nhân công cho Mỹ. Điều này luôn được bàn thảo và trong chương trình nghị sự của mỗi đời tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, chính sách di trú và vấn đề di dân lậu là vấn đề lớn của thế giới và nước Mỹ trải qua vài lần cải tổ, dường như vẫn chưa giải quyết tận gốc rễ bởi tính hai mặt của nó.
Trong khi kiểm soát di dân lậu là việc cần thiết thì trên thực tế và theo các nghiên cứu từ chính phủ, các nhóm kinh tế gia cho đến các đại học đã cho thấy, nhóm này (di dân lậu) phần lớn là những người cần cù, sẵn sàng làm các công việc chân tay, nặng nề, nguy hiểm mà người Mỹ không muốn làm hay không có người làm.
Họ làm công việc tay chân, lương thấp, giúp cho người tiêu thụ Mỹ hưởng được giá thành sản phẩm và dịch vụ rẻ hơn. Họ cũng đóng thuế và giúp gia tăng kinh tế Mỹ qua việc tiêu xài. Đồng thời các đạo luật cải tổ di dân cũng không cho phép họ được hưởng các quyền lợi xã hội như một số người nghĩ, trong khi tỉ lệ tội phạm không gia tăng so với thủ phạm nội địa, mặc dù vẫn có một nhóm nhỏ liên quan đến các tội phạm khác nhau như bất cứ sắc dân hợp pháp nào khác.
Bài toán di dân lậu cũng từng được các cấp thẩm quyền của chính phủ cân nhắc thận trọng, đặc biệt với California. Cũng nói thêm rằng, theo báo cáo của Bộ Nội An Hoa Kỳ vào năm 2014, Việt Nam cũng nằm trong 10 quốc gia có di dân lậu đến Mỹ đông đảo nhất, vào khoảng 200 ngàn người đã ở lại sau khi hết hạn “visa” (*). Dẫn số liệu này để thấy, nếu Việt Nam có vị trí địa lý tương tự như Mexico, con số này chắc chắn tăng gấp bội và vấn đề di dân lậu với người Việt có lẽ nan giải không kém (?).
Một số người không có nhiều ý niệm về lịch sử, cùng vai trò, ảnh hưởng của cộng đồng người Mexican, nên khi tiếp xúc với phần lớn những người Mễ không nói tiếng Anh từ các vùng nông thôn Mexico và làm các công việc lao động cấp thấp, đã hình thành một định kiến, có sự kỳ thị và xem thường cộng đồng bạn. Không ít người còn đánh đồng họ như những kẻ di dân lậu, “đầu trộm đuôi cướp,” mà không biết rằng, chính họ là chủ nhân vùng đất mình đang sống, chính họ đã góp phần đắc lực vào việc phát triển nước Mỹ cho mình được hưởng nhờ.
Và nếu công bằng nhìn nhận thì cộng đồng gốc Việt muốn đạt được như cộng đồng người Mễ hay các cộng đồng thiểu số khác tại Mỹ là một con đường còn rất xa, vì hầu hết các cộng đồng này có tổ chức và sự đoàn kết. Họ có sức mạnh chính trị cùng thực lực của lá phiếu cử tri để từng bước tạo ảnh hưởng và đưa người của mình vào các cơ cấu chính phủ một cách có tổ chức và sự đầu tư.
Trong khi đó cộng đồng gốc Việt lại là cộng đồng thiếu tính tổ chức, chú trọng các hình thức bề nổi nhiều hơn sự dự phần, cũng như có xu hướng đẩy giới trẻ tài năng gốc Việt xa lánh cộng đồng vì sự nhận thức, quan điểm quá khác biệt. Không ít người Việt còn phản đối, coi thường, xúc phạm giới trẻ gốc Việt đang đơn độc tham gia chính trường Hoa Kỳ hiện nay, thiếu vắng sự ủng hộ chung từ chính cộng đồng mình.
Nên điều dễ nhận thấy là cộng đồng người Việt tại Mỹ hiện nay chỉ có các thành công cá nhân, mà thiếu vắng sự đại diện cùng sức mạnh cộng đồng tương ứng và cần thiết. Nếu có ai bảo người Mễ đông và đã ở lâu nên mạnh hơn thì hãy nhìn sang cộng đồng Cuba, mới và ít dân hơn cộng đồng Việt để thấy họ hùng mạnh như thế nào. So sánh điều này nhằm điều chỉnh tâm thức với các cộng đồng bạn và nhìn nhận lại vị thế của cộng đồng Việt hiện nay ra sao, sau gần nửa thế kỷ trên xứ người.
Một ngày không có người Mexican có thể sẽ không dẫn đến tình trạng xáo trộn quá mức như cách bộ phim hài hước “A day without a Mexican” đã thể hiện nhưng quả thật là nước Mỹ sẽ có rất nhiều khó khăn nếu thiếu vắng họ. Xã hội sẽ bớt phần nhộn nhịp vì sự tươi vui và tràn đầy sức sống của một sắc dân phần lớn là chân thật và chăm chỉ.
Còn một ngày không có người Việt trên đất Mỹ thì sao? (**) (Xin mời đọc một trả lời cho câu hỏi này mà TVG ghi lại ở phần “Ghi Chú” bên dưới).
Ghi chú
(*) Các số liệu về di dân lậu:
(**) Câu hỏi của tác giả Nhã Duy “Còn một ngày không có người Việt trên đất Mỹ thì sao?” đã có câu trả lời của đồng môn “Paul Hoang” như sau:
“Câu trả lời quá dễ… Sẽ có trên 200 triệu người phụ nữ Mỹ gặp khó khăn khi làm việc vì móng tay sẽ dài thòng (?) không có người chăm sóc, dũa gọt, làm đẹp… Nhất là các bà các cô Mỹ đen sẽ cảm thấy rất bực mình vì sắc đẹp của mình kém giảm đi thê thảm… khi không có các tiệm ‘nails’ người Việt giá rẻ, phải chăng để ‘nails’ được chăm sóc thường xuyên ?!”
Nhã Duy
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.