Trong vài tuần qua, tình trạng bất ổn dân sự đã nổ ra trên diện rộng ở Kazakhstan. Nước này là một đồng minh quan trọng của Nga. Tình trạng bất ổn này có tác động toàn cầu trên phạm vi rộng và có thể gây ảnh hưởng đến cuộc đối đầu Mỹ-Nga đang diễn tiến về vấn đề Ukraine.
Tình trạng bất ổn đang làm gia tăng những lo ngại của Nga rằng Hoa Kỳ và các đồng minh đang có ý định tạo ra “các cuộc cách mạng màu” dọc theo vùng ngoại vi của nước này và cuối cùng là ở chính nước Nga. Tình trạng này cũng có những tác động rộng lớn đối với sự ổn định chính trị của Trung Á và các “quốc gia stan” khác, cũng như đối với chính sách của Trung cộng ở Tân Cương.
Bạo lực tại Kazakhstan đã khiến ít nhất 164 người thiệt mạng, trong đó có khoảng hai chục cảnh sát, hàng trăm người bị thương, và hơn 5,800 người biểu tình bị bắt giữ. Hơn 100 ngân hàng và doanh nghiệp đã bị cướp phá, và khoảng 400 phương tiện đi lại đã bị phá hủy. Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan đồng thời là trung tâm văn hóa và kinh tế của quốc gia này, giờ đây trông giống như một vùng chiến sự.
Các cuộc biểu tình ở Kazakhstan đã khởi phát hôm 02/01/2022, khi chính phủ Kazakhstan thông báo tăng gần gấp đôi giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) lên 120 tenge, tức khoảng 0.24 USD/lít hay 1.06 USD/gallon. Ngoài công dụng sưởi ấm trong nhà, LPG cũng được sử dụng rộng rãi ở Kazakhstan để làm nhiên liệu cho xe hơi.
Nỗi bức xúc về việc tăng giá nhanh chóng chuyển thành những lời kêu gọi cải tổ chính trị và bầu cử dân chủ, bao gồm các cuộc bầu cử trực tiếp cho các vị trí lãnh đạo khu vực thay vì để Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev bổ nhiệm các vị trí này. Các cuộc biểu tình bắt đầu ở thành phố Zhanaozen nhưng đã nhanh chóng lan rộng ra khắp cả nước.
Người dân tham gia phản đối việc tăng chi phí LPG sau quyết định nâng trần giá xăng khí dầu mỏ hóa lỏng của chính phủ Kazakhstan ở Almaty, Kazakhstan, hôm 04/01/2022.
Hôm 04/01/2022, chính phủ Kazakhstan thông báo rằng giá LPG sẽ giảm hơn 50% xuống còn 0.11 USD/lít. Sau đó vào ngày hôm sau, ông Tokayev đã chấp nhận bãi nhiệm chính phủ Kazakhstan. Dịch vụ internet đã bị đình chỉ ở nhiều nơi trong nước và ông Tokayev thông báo rằng cảnh sát chống bạo động sẽ được khai triển để giải tán đám đông bằng hơi cay và lựu đạn gây choáng và họ sẽ được lệnh “bắn để hạ sát”.
Tuy nhiên, những người biểu tình đã từ chối giải tán. Họ giành được quyền kiểm soát phi trường trong một thời gian ngắn và tấn công làm hư hại các tòa nhà chính phủ, bao gồm văn phòng của thị trưởng Almaty, nhà của ông Tokayev, và các văn phòng của đảng chính trị cầm quyền Nur Otan.
Hôm 06/01, 3,000 lính dù Nga đã đến theo một yêu cầu hỗ trợ của ông Tokayev tới Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). CSTO là một tổ chức an ninh tập thể do Nga thành lập và bao gồm một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Ông Tokayev tuyên bố hôm 07/01 rằng trật tự trong nước đã được khôi phục nhờ sự phối hợp của quân đội Nga cùng các lực lượng an ninh và cảnh sát Kazakhstan, đồng thời quân đội Nga đã tiếp quản phi trường quốc tế Almaty.
Truyền thông Nga cũng đưa tin rằng cựu Tổng thống Nursultan Nazabayev — người cầm quyền kéo dài gần ba thập niên bị đánh dấu bởi nạn tham nhũng lan rộng — đã rời khỏi đất nước cùng ba cô con gái và gia đình của họ.
Đến hôm 08/01, chính phủ Kazakhstan lại một lần nữa tuyên bố rằng trật tự đang được khôi phục, mặc dù các cuộc biểu tình vẫn diễn ra ở Zhanaozen và tiếp tục bùng phát ở Almaty.
Chẳng hạn, hôm 09/01, Bộ trưởng Nội vụ Erlan Turgumbayev đã lặp lại tuyên bố rằng trật tự đã được khôi phục và thông báo rằng “một hoạt động chống khủng bố đang tiếp tục diễn ra để cố gắng lập lại trật tự trong nước”.
Kazakhstan rất trọng yếu đối với Nga, được cho là quan trọng đối với phòng thủ lục địa của Nga, giống như Ukraine và Belarus. Quốc gia này là một phần không thể thiếu trong chương trình vũ trụ và cơ sở quốc phòng của Nga, đồng thời cũng là nguồn cung uranium không thể thiếu cho chương trình hạt nhân của Nga.
Phi trường vũ trụ Baikonur, cơ sở bệ phóng vũ trụ chính của Nga, nằm ở Kazakhstan. Một phi trường vũ trụ thứ hai đang được xây dựng ở Vostochny, phía bắc của Amur Oblast ở Viễn Đông Nga. Mặc dù lần phóng đầu tiên diễn ra vào năm 2016, nhưng cơ sở này — vốn bị cản trở bởi chi phí vượt mức và đình trệ — dự kiến sẽ không hoàn toàn đi vào hoạt động cho đến năm 2025. Hiện tại, cơ sở này chỉ có thể hoạt động với các tên lửa loại Soyuz-2.
Kazakhstan cũng là địa điểm đặt bãi thử hỏa tiễn đạn đạo Sary-Shagan, nơi Điện Kremlin đang phát triển hệ thống chống hỏa tiễn đạn đạo S-550.
Kazakhstan có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 12 thế giới với 30 tỷ thùng và cũng có 85 ngàn tỷ feet khối (khoảng 2,400 tỷ mét khối) khí đốt tự nhiên. Quốc gia này có sản lượng hàng ngày là 1.6 triệu thùng mỗi ngày (BOPD) và 4.15 tỷ feet khối (khoảng 118 triệu mét khối) khí đốt tự nhiên. Quan trọng hơn, đất nước này có rất nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt đan xen. Khoảng 25% lượng khí đốt tự nhiên nhập cảng của Trung cộng quá cảnh lãnh thổ Kazakhstan.
Kazakhstan cũng là nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới. Họ chịu trách nhiệm cho 40% sản lượng uranium toàn cầu và là nhà cung cấp uranium chính cho Nga.
Nga và Kazakhstan cũng có đường biên giới đất liền liên tục dài nhất thế giới. Biên giới Canada-Hoa Kỳ dài hơn nhưng chỉ khi quý độc giả cộng thêm biên giới Alaska-Canada. Biên giới giữa Nga và Kazakhstan kéo dài khoảng 4,107 dặm (khoảng 6,610 km).
Khoảng 1/4 trong số 19 triệu cư dân của Kazakhstan là người dân tộc Nga. Có những xích mích lâu đời giữa các dân tộc Nga ở Kazakhstan, chủ yếu là người dân tộc Nga theo Chính Thống Giáo và người theo chủ nghĩa dân tộc Kazakhstan vốn chủ yếu là người Hồi Giáo.
Điện Kremlin lo ngại rằng bạo lực chống chính phủ ở Kazakhstan có thể dễ dàng biến thành bạo lực sắc tộc và thanh lọc sắc tộc, dẫn đến hàng triệu người tị nạn dân tộc Nga tràn qua biên giới vào Nga.
Tình trạng bất ổn ở Kazakhstan cũng làm dấy lên những lo ngại của Nga cho rằng Hoa Kỳ và các đồng minh NATO quyết tâm dàn dựng “các cuộc cách mạng màu” dọc theo vùng ngoại vi của nước này, và cuối cùng là bên trong chính Nga. Giống như ở Ukraine, năm 2014, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và giúp tài trợ cho các tổ chức dẫn đầu các cuộc biểu tình trong nước ở Kazakhstan.
Điện Kremlin tuyên bố rằng nhiều tổ chức phi chính phủ trong số này, chẳng hạn như Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED), là “các đặc vụ ngoại quốc” được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ một phần và hoạt động như một nhánh của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Năm 2020, NED và các tổ chức liên quan đã nhận được khoảng 300 triệu USD từ chính phủ Hoa Kỳ. Hiện tại, NED hỗ trợ hơn 1,500 tổ chức phi chính phủ tại hơn 90 quốc gia trên thế giới. Năm 2020, NED đã chi khoảng 1 triệu USD để tài trợ cho các nhóm khác nhau thúc đẩy dân chủ ở Kazakhstan.
Tình trạng bất ổn ở Kazakhstan cũng là vấn đề liên quan đến Trung cộng. Kazakhstan giáp với tỉnh Tân Cương của Trung cộng, nơi hai nước có chung đường biên giới dài 1,068 dặm (khoảng 1,719 km). Có khoảng 1.6 triệu người Kazakhstan, chiếm khoảng 7% dân số, sống ở Tân Cương. Khoảng 200,000 người Duy Ngô Nhĩ, tức khoảng 5% dân số, sống ở Kazakhstan.
Lãnh đạo Trung cộng Tập Cận Bình và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev duyệt binh danh dự trong lễ tiếp đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, hôm 11/09/2019.
Kể từ năm 2017, chính quyền Trung cộng, để hành động theo cái mà họ tuyên bố là “chống lại các phần tử ly khai và thúc đẩy phi cực đoan hóa,” đã ban bố một loạt các biện pháp đàn áp đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Người ta ước tính rằng các trại giam giữ, được thiết kế để “phi cực đoan hóa” cái gọi là những kẻ cực đoan người Duy Ngô Nhĩ, hiện đang giam giữ từ 1 triệu đến 2 triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Các nhà phê bình cho rằng chiến dịch này là một phần của một nỗ lực lâu dài nhằm hán hóa Tân Cương và xóa bỏ bản sắc tôn giáo cũng như sắc tộc của người Duy Ngô Nhĩ.
Theo một bản tin của New York Times, chính quyền Trung cộng theo dõi hầu như mọi khía cạnh cuộc sống hàng ngày của người Duy Ngô Nhĩ một cách có hệ thống. Các hoạt động được cho là đáng ngờ thường sẽ dẫn đến việc bị giam giữ trong một trại giam tập trung.
Một chính phủ ủng hộ Hồi Giáo/ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ ở Kazakhstan sẽ gây ra những vấn đề to lớn cho Bắc Kinh ở Tân Cương và có khả năng đổ thêm dầu vào lửa cho tình trạng bất ổn dân sự trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở đó.
Không ngạc nhiên khi Bắc Kinh nhanh chóng lên án rằng các cuộc biểu tình ở Kazakhstan là do Hoa Kỳ và các đồng minh dàn dựng.
Tình trạng bất ổn ở Kazakhstan có thể giảm bớt trong vài tuần tới, nhưng sự căm phẫn sâu sắc đối với nạn tham nhũng và chủ nghĩa độc tài của chính phủ khó có thể sớm tan biến.
Kazakhstan sẽ vẫn là một thùng thuốc nổ sẵn sàng nổ tung tại lần kích động gần nhất.
Tình trạng bất ổn ở Kazakhstan sẽ tiếp tục làm nổi bật các toan tính của Nga và Trung cộng liên quan đến cả chính sách ngoại giao của họ đối với “các quốc gia stan” khác trong khu vực, cũng như chính trị trong nước của họ. Ngoài ra, nó cũng sẽ định hình chính sách của Nga đối với Ukraine.
Tình trạng của Kazakhstan cũng sẽ nhấn mạnh sự ổn định ở vùng ngoại vi của Nga mong manh như thế nào, và những nỗ lực của Moscow nhằm đưa Vùng Gần Như Ngoại Quốc (Near Abroad) — [thuật ngữ của Nga dùng để chỉ] các quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết — vào dưới trướng kinh tế, chính trị, và ngoại giao của mình không được ưa thích như thế nào ở các quốc gia này.
Nói một cách đơn giản, những gì xảy ra ở Almaty không hẳn sẽ dừng lại ở Kazakhstan mà sẽ lan rộng ra toàn khu vực với những hậu quả thảm trọng tiềm tàng gây bất ổn cao.
Ông Joseph V. Micallef là một nhà sử học, tác giả sách bán chạy nhất, người viết bài cho chuyên mục tổng hợp, phóng viên chiến trường, và nhà đầu tư cổ phần tư nhân. Ông lấy bằng Thạc sĩ từ Viện Công nghệ Massachusetts và là một Nghiên cứu viên Fulbright tại Viện Quan hệ Quốc tế Ý. Ông từng là bình luận viên cho nhiều trường quay phát sóng và hãng thông tấn và cũng đã viết một số cuốn sách về lịch sử quân đội và các vấn đề thời sự quốc tế. Cuốn sách mới nhất của ông, “Leadership in a Opaque Future” (“Lãnh Đạo trong một Tương Lai Mờ Mịt”) sắp xuất bản. Ông Joseph cũng là một nhà giám định nổi tiếng về rượu vang và rượu mạnh và là tác giả của một cuốn sách bán chạy nhất về rượu whisky của Scotland.
Chú thích của dịch giả:
(*) Các nước “stan” dùng để chỉ các quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết có tên kết thúc bằng cụm từ này. Ví dụ: Afghanistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan.
Joseph V. Micallef _ Minh Ngọc
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.