Khẩu hiệu tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022
Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và Paralympic sẽ diễn ra vào tháng Hai.
Tuy nhiên, hồ sơ nhân quyền của Trung cộng đã khiến một số quốc gia tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội, đồng nghĩa với việc các quan chức cấp cao của họ sẽ không tham dự.
Khi nào Thế vận hội diễn ra và quy mô như thế nào?
Thế vận hội mùa đông diễn ra từ ngày 04 đến 20 tháng Hai, với khoảng 3.000 vận động viên tranh tài ở 109 nội dung khác nhau.
Thế vận hội Paralympics Mùa đông diễn ra từ ngày 04 đến 13 tháng Ba, với 736 vận động viên ở 78 nội dung thi đấu.
Một số môn thi đấu Olympic, chẳng hạn như môn bi đá trên băng (curling), sẽ bắt đầu vài ngày trước lễ khai mạc vào ngày 04/02.
Chính phủ và doanh nghiệp Trung cộng đang chi 3,9 tỷ đô la cho Thế vận hội đang diễn ra tại và xung quanh Bắc Kinh:
· Các môn thi đấu trên băng trong nhà sẽ diễn ra tại các sân vận động ở Bắc Kinh
· Diên Khánh (Yanqing), cách Bắc Kinh 75km, là nơi thi đấu các môn trượt tuyết trên núi, bobsled (xe trượt lòng máng) và luge (trượt băng nằm ngửa)
· Trương Gia Khẩu, cách Bắc Kinh 180km, sẽ tổ chức hầu hết các môn thi đấu trượt tuyết và trượt ván
Ban tổ chức sẽ phải rải khoảng 1,2 triệu mét khối tuyết nhân tạo lên các địa điểm thi đấu vì lượng tuyết rơi ở các khu vực này là rất ít.
Do ảnh hưởng của Covid, các vận động viên thi đấu và quan chức của Covid sẽ được giữ trong "bong bóng" an toàn và sẽ không bán vé xem cho công chúng.
Quốc gia nào tẩy chay Thế vận hội?
Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada đã tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Mùa đông của Trung cộng, cùng với Úc, Lithuania và Kosovo.
Mặc dù các nước này đều sẽ cử vận động viên đi thi đấu nhưng sẽ không có bộ trưởng hay quan chức chính phủ nào tham dự.
Hoa Kỳ cho biết điều này là vì "các vi phạm nhân quyền và hành động tàn bạo ở tỉnh Tân Cương" của Trung cộng đối với người dân theo đạo Hồi ở nơi đây.
Một nghị sĩ Anh, ông Iain Duncan Smith, người đại diện cho Liên minh Nghị viện về Trung cộng, nói rằng: "Chính phủ Trung cộng vi phạm nhân quyền trên quy mô công nghiệp ở vùng Uyghur, Tây Tạng và đưa quân xâm nhập gần như hàng ngày vào không phận Đài Loan.
"Chúng tôi không thể thêm bất kỳ sự hợp pháp nào đối với chế độ chuyên chế của Trung cộng."
Nhật Bản cũng cho biết họ sẽ không cử bất kỳ bộ trưởng nào tới Thế vận hội. Mặc dù đã ngừng tuyên bố "tẩy chay ngoại giao", động thái này vẫn có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng.
Trung cộng đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong
EU đang cố gắng thống nhất một lập trường ngoại giao chung.
Pháp phản đối tẩy chay, như Tổng thống Macron nói: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên chính trị hóa những chủ đề này, đặc biệt nếu điều đó nhằm thực hiện các bước mà không đáng kể và mang tính biểu tượng."
Các nhà hoạt động nhân quyền cũng đã có những cuộc biểu tình trên khắp thế giới phản đối Thế vận hội Bắc Kinh.
Các cáo buộc chống lại Trung cộng là gì?
Chính quyền Bắc Kinh bị cáo buộc có hành vi tàn bạo đối với cộng đồng thiểu số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, thuộc tây bắc nước này.
Các nhóm nhân quyền tin rằng hơn một triệu người Uyghur đã bị giam giữ trong vài năm qua trong một mạng lưới rộng lớn mà nhà nước Trung cộng gọi là "trại cải tạo", với hàng trăm nghìn người bị kết án tù.
Một nơi bị nghi ngờ là "cải tạo" ở khu vực Tân Cương, tây bắc Trung cộng
Cũng có bằng chứng về việc người Uyghur đang bị sử dụng làm lao động cưỡng bức và phụ nữ bị cưỡng bức triệt sản. Một số cựu tù nhân cho biết họ đã bị tra tấn và lạm dụng tình dục.
Bắc Kinh cũng bị cáo buộc hạn chế quyền tự do của người dân Hong Kong thông qua hệ thống pháp quyền mới, gồm Luật An ninh Quốc gia Hong Kong.
Trong báo cáo thường niên năm 2021, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói rằng "sự đàn áp của Bắc Kinh - nhấn mạnh vào lòng trung thành chính trị với Đảng Cộng sản Trung cộng - đã diễn ra sâu sắc trên khắp cả nước".
Các bộ trưởng của chính phủ Đức tẩy chay Thế vận hội cho biết họ đang biểu tình chống lại cách đối xử với nhà vô địch quần vợt Trung cộng Bành Soái (Peng Shuai).
Người ta đã không nghe được tin gì về tay vợt nữ này trong gần ba tuần sau khi cô đưa ra cáo buộc tấn công tình dục đối với Trương Cao Lệ, cựu phó thủ tướng Trung cộng, và là một đảng viên cấp cao của đảng cộng sản.
Bành Soái tố cáo cựu phó thủ tướng Trung cộng Trương Cao Lệ tấn công tình dục cô
Cô Bành cho biết họ đã có một mối quan hệ lãng mạn, và ông ấy đã "ép" cô quan hệ tình dục với ông ta.
Đây là lần đầu tiên một cáo buộc như vậy được đưa ra chống lại một trong những nhà lãnh đạo chính trị cao cấp của Trung cộng.
Trung cộng phản ứng ra sao?
Chính phủ Trung cộng bác bỏ mọi cáo buộc trong vụ việc của Bành Soái.
Nước này cũng luôn phủ nhận việc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, đồng thời cảnh báo những người tố cáo mạnh mẽ nhất với Trung cộng - như Mỹ và Đức - không can thiệp vào "công việc nội bộ" của họ ở Hong Kong.
Họ cũng lên tiếng phản đối hành động tẩy chay ngoại giao Thế vận hội của Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Trung cộng cho rằng Mỹ đã "vi phạm rõ ràng tinh thần Olympic", và "sẽ phải trả giá cho những hành động sai lầm của mình". Tuy nhiên, họ không nói rõ cái giá phải trả có thể là gì.
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.