Friday, May 8, 2015

Nghề Mới

http://baomai.blogspot.com/
Qua hai lần thất nghiệp, ông Hội đâm ra nghi ngờ việc đi làm ở hãng xưởng. Mình dốt Anh ngữ, lại không có tay nghề rõ ràng nên nếu tiếp tục làm cho hãng xưởng thì chỉ là loại sai vặt. Khi cần họ mướn, khi chậm lại, họ sa thải. Công việc đâu chẳng vào đâu thì 40 cái credit để đủ tiêu chuẩn hưởng hưu bổng tuổi già, coi như không thể nào với tới được, ông Hội nghĩ như vậy. Người Việt có câu nói mới: “nhất sĩ, nhì nail”, nên ông muốn thử thời vận. Những tờ báo biếu ở chợ, trên các trang quảng cáo cần người, thì gần như thợ nail chiếm trọn. Các chủ tiệm nail thường là giới trẻ, mà giới trẻ thì thường là dễ tính hơn già. Kinh nghiệm làm hãng xưởng, ông cũng sợ làm chung đụng với những người già đồng hương. Tuổi ông lỡ cỡ. Nửa chừng. Thiệt già thì chưa tới, nhưng trung niên thì vừa qua. Bù lại ông cũng thuộc loại khéo tay và cần cù, như vậy chắc cũng thích hợp với công việc.

image
Note: hình trong bài này là minh họa
Đọc mấy cái quảng cáo đại khái như thế nầy: CẦN THỢ NAIL, Tiệm Lee ở trong Mall vùng Kendall cần thợ nail có kinh nghiệm tay chân nước. Bao lương 700/tuần hoặc ăn chia. Xin liên lạc Tom .. hoặc: CẦN THỢ GẤP, Tiệm vùng Naples nằm trong plaza lớn. 100% khách Mỹ trắng, giá cao, tips hậu. Cần 4 thợ gấp. Biết làm gel pink&white càng tốt. Muốn bao lương hay ăn chia tùy ý. Xin liên lạc Hải…. Ông thử gọi vài chỗ thăm dò. Khi nghe giọng nói, họ đoán ông đã lớn tuổi nên nói khéo: “Bác chưa có bằng thì chưa làm được. Bác phải thi lấy bằng trước, rồi liên lạc với cháu. Nếu bác biết ai khác thì giới thiệu cho cháu. Cám ơn bác gọi…” Vụ cái bằng nail thì chẳng khó khăn gì với bọn trẻ nhưng lớp tuổi như ông thì không dễ chút nào! Ông cũng nghe nói đến vụ mua bằng, rồi ông nghĩ, chuyện hạ hồi phân giải. Trước hết ông phải tự học để biết công việc cắt tỉa, sơn phết móng tay, móng chân đã. Ông tin vào cái khéo tay của mình.

Buổi tối lên giường, ông gợi ý với bà:

– Anh phải làm đủ 10 năm, tìm cho được 40 cái credit thì mới hưởng được hưu bổng tuổi già, nhưng cái ngữ nay làm mai bị đuổi thì bao giờ mới đủ được. Cho nên lần nầy anh nhứt định học và làm nghề nail. Mình làm và tự tích lũy tiền thì cũng vậy. Em thấy có được không?
– Nghề nail có ăn lắm nhưng liệu anh có làm được không?
– Anh thuộc loại khéo tay mà.
– Chuyện cắt bùm, anh là số một. Chuyện níu tay, níu chân, ôm eo ếch, dắt díu thì cũng số một. Còn cái việc tỉ mẩn, tẩn mỹ nầy thì em thua! Không biết.

Bà Hội chỉ nhắc khéo chút chuyện cũ cho vui, không phản đối cũng không đồng tình. Bà bỏ thỏng nửa chừng nhưng với ông Hội thì đó là tín hiệu đồng ý.

image
Mấy lần đi chợ Wal Mart với bà, ông cứ thích đứng trước tiệm nail, vừa quan sát, vừa đợi bà ra. Ông quan sát để học việc. Khi làm móng tay thì họ ngồi đối diện nhau trên một cái bàn hẹp, có đèn soi rõ, lại có cây quạt tí xíu kế bên để làm loãng mùi hóa chất. Người thợ đeo thêm cái khẩu trang, mặc đồng phục giông giống như y tá. Công việc nhẹ nhàng. Làm chân nước thì khác. Khách nửa ngồi, nửa nằm trên cái ghế thật tiện nghi, kiểu ngồi ghế phòng khách xem TV. Thợ thì ngồi bên dưới với chậu nước để khách ngâm đôi chân. Khi cắm cúi làm móng chân thì khách có thể nhìn thấy rõ cả đỉnh đầu của thợ. Ông Hội đang lo cho cái đầu hói. Tóc muối tiêu ông sẽ có cách trị, thuốc nhuộm, just five minutes for men(!) nhưng cái đầu hói thì chưa biết giải quyết cách nào, hay là phải dùng đầu tóc giả? 

image
Cứ tưởng tượng một cô khách tuổi đôi mươi hay một bà cụ già, ngồi nhìn một ông cụ Á châu hói đầu, lo o bế bộ móng chân của mình, thì sẽ ra sao. Ông Hội không lo lắng chuyện làm thật tốt công việc nhưng lo lắng về dáng vẻ bên ngoài! Ông cũng phân vân về cặp mắt kiếng hai tròng có cái lằn ngang của mình. Vừa tóc bạc, vừa hói đầu, kèm theo cái kiếng hai tròng có lằn ngang, liệu ông có thể làm cho khách cảm thấy thoải mái được không? Ông Hội nghĩ lung lắm. Khách hàng người Mỹ mà họ không cảm thấy thoải mái, thì chẳng những họ không cho tiền tip, mà còn mắng mỏ rồi bỏ đi. Tiệm sẽ mất khách, ông phải tự động về nhà để khỏi mang tiếng là bị đuổi việc.

Công việc làm vào cái tuổi như ông quả thật có nhiều vấn đề.

Trên đường lái xe về, ông giấu những suy nghĩ lo lắng bên trong, chỉ nói ra những điều tốt đẹp với bà, cũng là cách tự tạo thêm can đảm cho chính mình:

– Anh thấy nghề nail nhẹ nhàng. Dễ sống lắm. Tiệm thật đông khách. Còn làm hãng xưởng cầm cái check bị trừ đầu trừ đuôi chẳng còn được bao nhiêu. Anh chỉ cần một nửa số tiền như quảng cáo là tốt lắm rồi.

Bà Hội không hiểu được ý ông, nói:
– Người Việt thành công ở nghề nail, có vậy người ta mới nói nhất sĩ, nhì nail… Mình chỉ cần 200/tuần là quí lắm rồi. Lớp trẻ họ làm giàu, họ lao vào. Còn mình dựa hơi theo họ, để qua ngày, chứ làm gì nhiều cho mệt. Cực khổ, gian nan, quá nhiều rồi, bây giờ chỉ muốn yên yên là được.

Ông gợi ý:
– Như vậy em chỉ cho anh cách sơn móng tay để anh tập trước.

Tay trái ông cầm lái, tay phải ông để lên đùi bà. Nheo mắt quay qua nhìn bà, ông vừa cười vừa nói:
– Vô Kỵ không thích chuyện giang hồ, chỉ thích được ngồi chải tóc cho Triệu Minh, thì cũng như anh bây giờ sẽ ngồi làm móng cho em vậy.

image
Bà Hội không trả lời. Câu nói của ông làm bà chợt nhớ mông lung. Cái ngày ông đeo đuổi bà.
Vụ Mậu Thân. Nhà bà trước trại Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám, ở ngả tư Bảy Hiền. Việt Cộng hướng Bà Quẹo tràn xuống. Nhảy Dù đánh ra. Hai bên xáp lá cà ngay khu nhà bà ở. Súng nổ tứ bề, cha mẹ đi vắng. Căn nhà bị sụp một mái nhưng may mắn không cháy. Hoảng quá, bà chui xuống gầm bàn, nhưng lại thấy trống trải chung quanh, ý bà lúc đó là trốn thật kín như trò chơi kiếm-tìm, nên bà đổi ý, đứng dậy chạy ra sau nhà. Trái đạn nổ lớn phía sau, bà lại chạy ngược về phía trước. Bà vừa chạy được mấy bước thì một người nhảy tới ôm bà rồi nằm đè lên, hét lớn:

– Nằm im, lấy tay che đầu lại. Đứng lên là đạn lạc chết ngay đó.

Bà riu ríu nghe lời. Đạn bắn thật rát. Mùi thuốc súng, mùi cát bụi, rồi cái mùi mồ hôi, mùi nhà binh phủ lấy bà. Bà có chút bình yên. Mười mấy phút trôi qua, tiếng đạn nổ lơi dần. Tiếng chân người chạy rầm rập. Ông lính nằm đè lên bà đứng dậy, nhìn bà thật nghiêm nghị, ra lệnh:
– Cô nằm yên dưới gầm bàn để đề phòng nhà sụp. Không được chạy ra ngoài để tránh đạn lạc trừ khi nhà cháy.

Ông lính chỉ nói bấy nhiêu rồi lao theo đoàn quân, chạy về phía trước. Bà chỉ kịp nhìn thấy được cái lon chuẩn úy đeo trên miệng túi áo.

image
Một tuần lễ sau đó ông chuẩn úy quay lại thăm bà với căn nhà còn đang đổ sụp. Sau đó, bà đi chơi với ông. Bà vẫn còn nhớ câu ông nói: “lúc đó anh thấy em hoảng hốt, ngơ ngác… và đẹp như một thiên thần bụi bẩn.” Ba năm sau, bà trở thành bà Hội. Về sau, thỉnh thoảng ông vẫn thích chọc ghẹo bà trong biến cố đó: “lúc em nằm dưới bụng anh, anh biết thế nào rồi em cũng yêu anh.” Bà hỏi: “tại sao?” Ông trả lời: “tại vì giữa lúc bom rơi đạn lạc như vậy mà em chẳng lo gì nữa cả, ngoại trừ việc hít mê mẫn mùi mồ hôi của anh.” Bà giận đỏ mặt, đấm thùm thụp vào ông. Ông được dịp, làm tới: “nếu không đúng như vậy thì tại sao đến giờ nầy em vẫn còn thích chui vô nách anh khi ngủ?”

Tánh nhà binh của ông Hội vẫn còn y nguyên. Dứt khoát. Nói làm là làm. Bà Hội sau khi đi làm về, xong chuyện ăn uống thì ông Hội hối thúc bà đưa bàn tay ra cho ông thực tập. Hộp đồ nghề, dao kéo, hủ lọ, màu sơn phết của bà, ông bày ra. Ông đem thêm cái đèn nhỏ để lên bàn cho đủ ánh sáng, giống như ở tiệm. Cái bàn ăn rộng, không thể ngồi đối diện nên bà ngồi hướng mặt qua TV, ông ngồi góc bên cạnh. Đặt bàn tay lên bàn cho ông săm soi, bà như có chút mắc cỡ! Từ sau năm 75, mấy mươi năm qua, có mấy lần ông ôm ấp, nhìn kỹ từng ngón tay bà, giống như lúc mới quen và mới yêu nhau! Lần đầu tiên trao bàn tay cho ông, bà nhớ như in, cái rạo rực của trái tim bà. Đàn bà sống bằng cảm tính, quả thật như vậy. Đặt bàn tay bà trong bàn tay ông, sao như có một dòng điện chạy ngang qua trái tim, không phải chỉ trái tim của riêng bà! Cả hai người đều nóng ran lên, rồi sau đó cảm giác như cháy bùng.

image
Săm soi mấy ngón tay bà dưới ánh đèn, ông Hội cũng có những xúc động không kém. Ông nhớ lần đầu ông được mân mê mấy ngón tay của bà, rồi đặt lên môi hôn. Mấy ngón tay tháp bút ngày đó, bây giờ đã nhăn nheo, sần sùi. Ông mới hay ra, dòng thời gian đã theo nhau chảy qua từng kẻ ngón tay bà. Bao nhiêu năm bà lận đận lo làm lụng nuôi con, nuôi chồng. Còn ông, gần như vô tích sự. Ngày trước, sau mỗi chuyến hành quân, khi về lại nhà, thì bà thêm lu bu vì chuyện khách khứa, bè bạn của ông. Bao nhiêu lần vợ chồng ân ái, đôi cánh tay bà, đặc biệt những ngón tay bám siết, để lại cả dấu vết trên da thịt ông. Bà đam mê nhưng sợ hãi. Cái đam mê, tận hiến cho nhau từng giây phút. Cái sợ hãi, ông không còn trở về khi ra trận. Tâm lý mâu thuẫn quyện vào nhau, đan kết không rời. Rồi ngày ông đi tù, cũng vẫn những ngón tay nầy bươn chải ngược xuôi, lo cho con, cho chồng. Ông Hội nhìn bàn tay bà, đôi bàn tay kỳ diệu của đời ông. Gần trọn đời ông vô tích sự, chẳng lo được gì cho vợ con. Lòng ông Hội chùng xuống. Ông không còn hăng hái như lúc vừa ngồi vô bàn. Giọng ông trở nên dịu dàng:

– Em chỉ cho anh cách cắt, tỉa móng trước đã. Em nói đúng, có lẽ bàn tay của anh chỉ giỏi cắt bùm, nhưng cắt bùm cũng không được việc.

Ông nén tiếng thở dài. Bàn tay còn lại của bà vội đặt úp lên tay ông, vỗ nhè nhẹ:
– Cắt bùm như vậy cũng đủ để em yêu một đời rồi.

Ông xúc động, đánh trống lãng:
– Lại nói bậy rồi. Đang tính chuyện học nghề làm ăn mà!
Bà biết tánh ông. Chuyện gì liên quan đến chút tình cảm thì cứ làm như mình là một thanh sắt. Ngon lành. Nhưng thanh sắt đã ten sét. Trái tim đã mềm nhão từ bên trong, nhưng ông vẫn cố che giấu. Ông chỉ thích chứng tỏ sự cứng rắn theo kiểu nhà binh của ông.

Bà Hội đi làm, giờ ăn trưa có mấy bà bạn ngồi chung bàn. Mấy bà tinh mắt thiệt. Trước kia cả tháng không thấy bà Hội thay đổi màu móng tay, còn bây giờ, thì gần như là hằng ngày. Bà Hội đành kể sự thật. Bà Hoa sốt sắng góp ý:
– Tôi thấy được đó. Bà làm giữ bảo hiểm. Anh làm tiền mặt. Mau khá lắm. Để ổng đi trước thử. Nếu tốt đẹp không chừng tôi sẽ nói với ông xã tôi. Mình phải đi đường tắt.

image
Bà Hội cảm thấy vui vui nhưng cũng cứ áy náy trong lòng. Chuyện cắt, tỉa, sơn phết mấy ngón tay đã quen quen. Kể ra ông Hội cũng khéo tay, nhưng là loại khéo tay ở tuổi già. Lần nầy ông Hội muốn bà đưa bàn chân cho ông thực tập. Cái cảm giác đặc biệt ban đầu khi đưa bàn tay cho ông vẫn còn đó. 

Bây giờ đến lượt bàn chân. Chỉ mới nghĩ đến thôi thì bà đã thấy nhột rồi. Nó nhột từ bàn chân chạy nhanh dần lên vế rồi chạy vô khắp người. Bà Hội thấy khó quá. Bà không thể ngồi trên bàn rồi để bàn chân xuống ghế cho ông tập. Bà cũng không thể ngồi trên ghế lại để bàn chân xuống sàn, dù ông đã mua một đòn ngồi thấp thấp giống như của mấy người thợ. Bà không thể ngồi ở vị thế cao rồi để chân lên vế của ông. Cái cảm giác bà ngồi ở trên cao để ông lom khom bên dưới, làm bà thấy vừa nhột nhạt, vừa khó chịu vô cùng. Bà tìm cách tránh né:
– Hay là em kêu con Thảo nó ngồi cho anh làm thử trước.

Bà không cần đợi ông đồng ý. Bà gọi ngay con gái:
– Thảo, ba có chút chuyện nhờ con.

Thảo ở trong phòng chạy ra. Vừa nhìn thấy thì nó đã biết là chuyện gì rồi. Nó lè lưỡi, giẫy nẩy:
– Thôi. Thôi, con chịu… Con không chịu được. Nó nhột lắm và kỳ lắm.
T
hảo, con gái út của ông bà Hội, còn đang học ở high school. Thường ngày cha con ông Hội rất gần gũi nhau, ông muốn lợi dụng vào đó để chinh phục con gái:
– Take it easy. Ba chỉ làm đẹp cho con thôi mà.

– Sorry, Dad. I couldn’t. Nó nhột lắm con không thể chịu được.

Quả thật chuyện nhột cũng một phần, nhưng phần khác, là tâm lý mẹ con bà Hội chưa thể phá vỡ được giới hạn của phong tục Việt.

Ông Hội quay qua vợ buồn buồn, huơ hai tay lên không:
– Con không chịu, mẹ cũng không chịu.

Bà Hội nóng bừng cả mặt:
– Em thua. Phải để cho em chuẩn bị tinh thần trước đã!

Buổi tối lên giường, ông lại nói với bà:
– Tối mai em ngồi trên giường ngủ của mình rồi thòng chân xuống để lên đùi anh. Mình làm ở phòng riêng, con cái chúng không thấy, thì có gì đâu mà mắc cỡ! Bộ cái bàn chân của em anh chưa bao giờ thấy sao?

Bà Hội dụi đầu vô chồng, giọng ướt sũng:
– Anh thì lúc nào cũng chinh phục em dễ dàng.

Ông Hội hôn bà rồi nói:
– Cứ xem như chuyện trong phòng the thôi, có gì đâu.

– Em nghĩ nó khác.

image
Hôm nay bà Hội tắm lâu hơn thường ngày. Chắc hẳn là kỳ cọ đôi bàn chân bà kỹ hơn. Bà vẫn không thể tưởng tượng ra được cảnh ông săm soi mười ngón chân của bà. Nhất định là nó nhột nhạt, cho dù bà đã chuẩn bị tâm lý. Bà cũng ngạc nhiên, tại sao hồi còn trẻ bà không có cái cảm giác nầy? Phải chăng ngày đó, cái trẻ trung, sôi bỏng đam mê, đã làm bà quên hết mọi chuyện?

Móng ngón chân giữa bàn chân trái của bà Hội chỉ còn một nửa và không bình thường. Ông nhớ lần đó bà đi thăm ông ở tiền đồn, chiến trường Dakto trên Ban Mê Thuột, bà vấp vào tảng đá, té lộn nhào. Móng chân đó bung ra. Bà đau tái mặt. Ông ôm bà. Hai tay bà bám lấy cổ ông, ông ẵm bà vô hầm. Ông trực tiếp chăm sóc, không cần nhờ đến y tá. Và từ trong căn hầm đó, thằng Cổn đã ra đời! Khi ông đưa bà ra phi trường quân sự để lên trực thăng về lại Sài Gòn, chiếc giày chân trái của bà phải khoét một lỗ lớn, để ngón chân bị băng bó có thể ‘thở’. Cái ngón chân kỷ niệm mà bao nhiêu trang thư sau đó ông đều viết: “anh âu yếm hôn ngón chân đau của em.”

Bà Hội cúi xuống trên mái tóc muối tiêu của ông, hai tay cố gỡ hai cánh tay của ông ra:
– Cho em nghỉ xả hơi cái đã! Nhột quá em hết chịu nỗi nữa rồi.

Ông ngước lên nhìn vợ. Sao khuôn mặt bà trẻ đẹp đến lạ lùng.

image
Mọi việc rồi cũng quen dần. Ông Hội đã làm được những thao tác bình thường theo hướng dẫn của bà, còn chuyện kiểu cọ, có tính chuyên môn hơn, thì bà không biết. Ông sẽ vừa làm vừa học thêm. Chịu tốn kém chạy mua cái bằng hay theo đuổi một khóa học, đều có thể được, nhưng ông muốn tìm chỗ làm tạm, nếu chắc ăn thì hợp thức hóa mọi chuyện sau. “Mình làm đẹp và tốt, khách hàng vừa lòng thì mấy ai đòi hỏi nầy nọ”, ông nói với bà như vậy.
Đi chợ trời, tình cờ gặp ông Hiển, người bạn cũ. Ngày xưa học cùng khóa, cùng đi tù chung với nhau, nhưng người về trước, người về sau, rồi lu bu đủ chuyện nên mất liên lạc. Thì ra hai ông chỉ khác nhau tên thành phố nhưng cũng ở gần.

Ông Hiển ghé thăm nhà ông bà Hội. Uống trà. Kể đủ thứ chuyện ngày trước. Câu chuyện lòng vòng, ông Hiển nhắc đến tên một người bạn khác, khá thân:
– Thằng Luận cũng ở vùng nầy mầy biết không? Vợ chồng hắn khá lắm, làm chủ mấy cái tiệm nail.
Ông Hội mừng như bắt được vàng, nhưng im lặng. Ông thăm dò chút chút về tính tình thằng bạn cũ. Kinh nghiệm cho ông biết, chuyện phú quí sinh lễ nghĩa, chuyện người qua trước, người qua sau, né tránh nhau là thường. Ông Hội thật an tâm khi nghe ông Hiển nói một câu chắc nịch:

– Thằng Luận tốt lắm. Lúc nào cũng hỏi thăm bạn bè. Dân H.O. qua, chỉ cần chút quen quen là nó tìm cách giúp đỡ.

Ông Hội nói ra dự định của mình, ông Hiển phán một câu nghe mở cờ trong bụng:
– Tao gọi cho nó ngay.

Ông Hội ngăn lại:
– Giờ này chắc nó lu bu khách khứa. Đợi tối nó về mày hãy gọi.

Ông Hiển ừ, và cất lại cái cell phone.
Chiều tối hôm sau, ông Luận chở ông Hiển đến thăm nhà ông bà Hội. Chuyện vui đến nửa đêm.
Một tuần sau, ông Luận gọi cho ông Hội:
– Mày đến tiệm tao vào buổi sáng sớm, vì lúc đó thường vắng khách. Tao sẽ bảo mấy đứa nhỏ ngồi cho mày làm móng thử. Mày làm cho quen và tụi nhỏ chỉ thêm, lúc nào tao thấy được thì bắt đầu. Chuyện dễ thôi.

image
Sở dĩ ông Hội phải khất ông Hiển thêm một tuần là để ông có đủ thời gian lo chuẩn bị chu đáo cho công việc mới. Ông lấy hẹn đi bác sĩ khám mắt lại. Mua cái kiếng 2 tròng nhưng không có cái lằn ngang. Đeo cái kiếng mới, kiểu gọng thời trang, trông ông trẻ hẳn ra. Mua thêm lọ thuốc nhuộm, just five minutes for men, khi tắm nhuộm thử, kết quả khá tốt, nhưng không thể che giấu được cái đầu hói. Ông suy nghĩ tiếp, rồi mua cái nón lưỡi trai có hình cái đầu lâu trên hai lưỡi kiếm, màu nâu đỏ, của đội football Buccaneers. Dân địa phương đều thích đội Bucs. Ông muốn hợp với sở thích khách hàng chứ thực sự ông không thích football. Ông chỉ muốn che cái đầu hói! Rồi chuyện trồng hai cái răng cửa bị gãy, nha sĩ đòi tới hơn sáu trăm nên tạm thời ông có cái khẫu trang che lại. Mặc đủ lễ bộ đứng trước kiếng, ông thấy mình lạ hẳn. Bà Hội chọc quê ông:
– Ngày xưa anh đi đánh trận cũng đâu có cẩn thận đến như thế nầy!

Ông lườm bà:
– Công việc nầy đâu có giống như hãng xưởng. Mình lớn rồi, cần phải lịch sự để khách vừa lòng.

Qua một tuần thực hành và quan sát cách làm việc của bọn trẻ, ông Hội rất tự tin. Ông Luận cũng OK:
– Tuần tới mày bắt đầu làm chính thức. Xoay tua, nhưng nếu gặp khách đòi móng bột thì có người khác lo. Còn móng chân nước, mày còn chút lọng cọng, nhưng rất có ăn, một bộ 45 đô, chia tứ lục, cộng tiền tip nữa, mày cũng kiếm được hơn 30. Phẻ re!

Ông Hội phấn chấn về kể với vợ:
– Mọi việc tốt cả rồi. Chỉ có cái nón lưỡi trai còn lướng vướng nhưng không bỏ ra được. Anh cố gắng chịu một tháng nếu vẫn không quen thì mua cái đầu tóc giả là yên mọi chuyện. Cứ thế mà đi, phẻ re như con bò kéo xe!

Ông Hội chính thức bắt đầu công việc dù có chút căng thẳng, nhưng khá thuận lợi. Ngày thứ ba của tuần kế tiếp, cũng không phải lễ hội gì, nhưng tiệm bỗng đông khách. Lúc nào cũng có ba, bốn người ngồi đợi. Hôm đó lại có một thợ nghỉ nên công việc bề bộn hẳn lên. Ông Luận, chủ tiệm, cũng nhào vô một ghế làm liên tục. Ông Hội vừa xong mối khách, thì đến một bà Mỹ đen cỡ gần 300 pound ngồi vào ghế, làm chân nước. Cái ghế rộng, đẹp, đã biến thành nhỏ hẹp, vừa vặn ôm lấy cơ thể bà. Bà lại mặc cái áo đầm ngắn, khoe đôi ống chân, to gần bằng cả thân người ông. Ông Hội ngồi dưới chân, bỗng thấy hết cái nhỏ nhoi của mình. Điều ông cố xua đuổi ra khỏi đầu óc ông từ lâu, lại quay về! Ông muốn hội nhập một cách trọn vẹn, không phân biệt một công việc nào, miễn có tiền và không đụng chạm đến tư cách thì ông làm. Bây giờ ông mới hiểu thêm cái ánh mắt không được vui của bà Hội, khi ông thu nhập được hơn 400 ở tuần lễ đầu làm việc. Có cái tế nhị thật kín đáo trong ánh mắt đó! Lúc đó, ông chỉ nghĩ thoáng qua cái ghen nhẹ nhàng của người đàn bà, khi hàng ngày chồng lo o bế làm đẹp bàn tay, bàn chân, cho những người đàn bà khác. Bây giờ ông mới thấy nó sâu hơn thế nữa! Bà đang che giấu chút chịu đựng mới. Chồng bà phải ‘hạ mình’ lo cái móng tay, móng chân, cho nhiều người đàn bà khác, mà đôi khi, họ là những thành phần bất lương, ai biết được? Cái ghen thật nhẹ nhàng, sâu lắng. Cái ghen có thêm thứ bậc.

image
Móng chân cái của bà Mỹ, nhỏ và lún sâu, vì bị hai mép da dày hai bên lấn chiếm, tạo nên hai cái khe sâu hoắm và đen ngòm. Muốn kỳ cọ và làm sạch hai cái mương nầy thật không dễ dàng. Ông Hội nghĩ thương vợ. Chưa bao giờ ông để ý đến những việc tỉ mỉ của riêng bà. Chắc chắn cái ngón chân của bà vừa đẹp vừa dễ chăm sóc gấp bao nhiêu lần cái ngón chân trước mặt. Ông vụng tay, hích ngược cái que cong, nhọn, đang lèn trong cái mương, bà Mỹ giựt mạnh cái chân lên và hét lớn. Ông Hội giật mình, kéo cái khăn trắng quấn bàn chân bà lại. Chút máu đỏ thấm qua khăn. Bà Mỹ tru tréo, ông không hiểu kịp. Ông chỉ lặp lại, rồi lặp lại, sorry, sorry. Nguyên cả tiệm, khách lẫn thợ, đều nhìn vào bàn chân bà Mỹ. Ông Hội vỗ vỗ bàn chân bà, ngước lên nói vội vàng mấy câu Anh ngữ, mà chính ông Luận nghe, cũng không hiểu. Ông Luận đứng dậy chạy qua ghế ông Hội, nói nhỏ và thật nhanh:
– Mày để tao giải quyết. Đứng dậy, ra phía sau và lẻn về nhà đi.

Ông Hội chạy vội về nhà. Căn nhà vắng hoe. Bà đi làm chưa về. Cô con gái út còn ở trường. Ông căng thẳng. Muốn đánh tan cái yên ắng, ông mở TV. Chưa nghe được câu nào, ông lại tắt. Ông sợ tiếng TV ồn, ông không nghe được tiếng điện thoại reng. Ông chờ điện thoại. Ông mong ông Luận báo cho ông biết. Rồi ông sợ tiếng điện thoại. Có thể cảnh sát đang lập biên bản. Họ cần gọi ông ra tiệm để khai. Họ sẽ hỏi cái bằng hành nghề của ông. Ông muốn điện thoại reng. Ông không muốn điện thoại reng. Ông muốn gọi ra tiệm. Ông không dám. Ông căng thẳng hơn cả sợi dây đàn. Chỉ một tiếng động bất ngờ, cũng là tiếng phựt, đứt sợi dây. Ông đi tới, đi lui trong căn nhà. Người Mỹ ưa kiện tụng lắm. Chuyện gì có vấy tí máu là dễ kiếm tiền. Họ kiện để kiếm tiền. Ông nghĩ lung lắm, quên cả đói.
Màu nắng đã ngả sang vàng nhạt, trải nhẹ lên thảm cỏ xanh bên nhà hàng xóm. Mấy chú chim đang đùa giỡn, tắm trên vũng nước của vòi tưới cỏ tự động. Buổi trưa đã lặng lẽ trôi qua lâu lắm rồi.

Ông thở phào. Chắc mọi chuyện đều yên rồi. Bây giờ tiếng điện thoại có reng thì chắc không phải là của cảnh sát.

http://baomai.blogspot.com/
Ông Luận trong vai chủ tiệm, trực tiếp chăm sóc cho bà Mỹ. Ông chỉ cho bà vết thương không nặng lắm, nó chỉ rách tí da. Ông xin bà thứ lỗi “vì mọi người không ai tránh khỏi lỗi lầm”. Ông xin bà để cho ông hoàn tất công việc và không tính tiền. Bà Mỹ vẫn giữ bộ mặt giận nhưng ngồi yên để ông làm. 

Khi tiễn bà Mỹ ra về, ông Luận cười tươi rói, nói thêm lời xin lỗi để câu khách trở lại, nhưng không tỏ ra khúm núm. Khúm núm quá, bà ấy lại tưởng mình sợ nên dễ có tác dụng ngược. Ông nghĩ như vậy.

Không phải đợi cho đến tối, điện thoại đã reng. Ông Hội lấy bình tĩnh, nhấc điện thoại lên. Nghe giọng ông Luận phía bên kia đầu dây, tự dưng ông Hội cảm thấy sờ sợ ông Luận:
– Thế nào rồi ông?

– Tao làm cho bả free. Bả còn làm mặt giận, nhưng chắc yên rồi. Bả chỉ chờ có thế. Cũng may là bả không biết là mày chưa có bằng, chứ không thì cũng mệt dữ à nghe! Đó là lý do tao biểu mày trốn về gấp, nhỡ có lớn chuyện, thì tao nhờ thằng có bằng, thế vai cho mày. Dưới mắt bả thì tụi mình thằng nào cũng giống như thằng nào.

Ông Hội vừa trút được gánh nặng ngàn cân:
– Chuyện riêng của tôi, tôi không ngán. Chỉ sợ liên lụy đến cái tiệm của ông.

http://baomai.blogspot.com/
Ông Luận chợt nhận ra cách nói chuyện của ông Hội hơi khác. Ông Hội đã đột ngột thay đổi cách xưng hô với mình:

– Sao mày lại thay đổi cách xưng hô với tao?

– Ừ, tôi đâu có biết. Nó đâu từ trong bụng tuôn ra đó ông ạ!




Hồ Phú Bông

*****

http://baomai.blogspot.com/


Hàng rong Sài Gòn
Hòa giải Hòa hợp Dân tộc kiểu Giả cầy
Thế giới kỷ niệm 70 năm Thế chiến II kết thúc
Panama: thiên đường cho người nước ngoài
Người Nga nghĩ gì về lễ mừng 'Ngày Chiến thắng'?
Bà Sanchez nói về ông Trọng thăm Mỹ
Chương trình 'Tiền thưởng cho Công lý' của Mỹ hữu ...
Sân golf và quyền lực quân đội
Vì sao người dân Bhutan không sợ chết?
Sứ quán VN 'lạm thu', chuyện không mới?
Đội lốt
Dùng túi xách tay đưa di cốt liệt sĩ Su-22 về quê ...
TC tăng cường ‘quyền lực mềm’ bằng cách thành lập ...
Đất nước bị kiến tạo một cách méo mó
Khi các nhà văn tự biếm họa chân dung
Trưởng ban Hội chợ Tết ở California 'biển thủ'
Vì sao ngành nông nghiệp Mỹ đứng hàng đầu thế giới...
Chị em sinh ba đám cưới cùng lúc
Nghi vấn chính quyền CSVN dùng nữ tu giả trong buổ...
Bôi bác lịch sử?
Vì sao căn hộ nhỏ ở đô thị đang là mốt?
Bà Võ Thị Hảo từ bỏ Hội nhà văn
Thân phận người tị nạn Rohingya
Dịch thuật: đi tìm sự tương đương
Bartoszewski: nhân vật lịch sử của Ba Lan
Thủ pháp né tránh câu hỏi khó
Hồ Chí Minh có mấy vợ và bao nhiêu người tình lẻ ?...
Tại sao phụ nữ thích mang xách tay đồ hiệu đắt tiề...
Xúc tiến TPP, thay vì rơi vào bẫy hội nghị Thành Đ...
Dân là gì trong mắt chính quyền?
Canada: Xứ sở của sự tử tế
Học tiếng Anh qua thơ của GS Ngô Bảo Châu
Hòa bình của nấm mồ
Vang danh xứ người
Thống nhất và đần độn, man rợ
Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang
5 tên kẻ thù nguy hiểm nhất của Internet
Những cánh bướm đêm dập dìu trong bóng tối
Nổ súng tại nơi diễn ra sự kiện về tiên tri Muhamm...
Đạo đức nghề nghiệp trong việc dùng ảnh

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.