Đả đảo cộng sản...chúng mày bán nước...
*****
Tháng tư năm nay, tháng
tư của 2015, nổi bật lên, chói hơn, buốt hơn, riết róng hơn những tháng
tư của những năm vừa qua. Bởi vì người Việt đã dùng nó làm thước đo thời gian để
nhìn lại ký ức 40 năm xưa, một ngày tháng tư 1975, bóng đêm đã đổ xuống, ngọn lửa
dữ màu đỏ đã bùng lên lan toả khắp miền nam đất nước thân yêu hình chữ S của chúng
tôi.
Ngày của những giọt nước mắt bắt đầu khơi nguồn, tiếng kinh cầu câm bắt đầu
vang lên thì thầm trong đêm tối, trong khi những cái miệng bị bịt lại, không còn
tiếng nói. Có những hơi thở chợt nghẹn, những bước đi bỗng dưng thất thểu,
hoang mang và những bóng người cũng héo đi, gầy hơn, xanh xao trong cơn sốt vô sản,
chạy vạy miếng cơm manh áo.
Và rồi những cái chân ngườ i(kể cả cái cột đèn, nếu
nó có chân) bắt đầu những cuộc hành hương về hướng biển nơi có màu xanh, có hy
vọng, tự do.
Những câu chuyện về cuộc
hành trình của người Việt trong 40 năm qua bắt đầu được kể trong “Ngày du ca”.
Du ca Nam cali, Hàng ngàn cánh tay đưa lên
Chúng tôi những đoàn
viên du ca của miền nam California, Hoa Kỳ, đã tụ họp ở phòng sinh hoạt nhật báo
Người Việt vào một ngày tháng tư, 2015, để gặp gỡ, hát và chia sẻ nỗi niềm cùng
những tâm hồn yêu tiếng hát và mến phong trào du ca.
Chiều Bolsa trở lạnh, mưa và gió lộng càng khiến
bao tâm hồn xa xứ se thắt thêm nỗi buồn và nỗi nhớ. Quá khứ cứ ập về khơi gợi một
hồi ức tháng tư.
Mới 6 giờ mà khán giả đã
lục tục đến với chúng tôi dù giờ bắt đầu là 7 giờ. Tất cả mọi người tham dự đều
được dán huy hiệu du ca lên ngực áo như các du ca viên vì tinh thần du ca không
phân biệt, vì chúng ta đều là anh chị em một nhà. Nhìn một cụ già ngồi xe lăn được
con cái đưa tới dự, có những em bé và thanh thiếu niên trẻ đi theo cha mẹ đến
xem, khiến tôi thấy nức lòng và cảm động. Chưa tới 7 giờ mà đã hết chỗ, chúng tôi
phải kê ghế ra ngoài văn phòng cho những người đến sau. Sau, hết cả ghế, có nhiều
người không những đứng mà còn phải ngồi bệt xuống đất xem suốt 3 tiếng đồng hồ không
về.
Người điều khiển chương
trình hôm nay là Trưởng đoàn Thiên Hương và anh Nguyễn Bá Thành. Cả hai dẫn dắt
mọi người về quá khứ trong cuộc hành trình bằng những bước khởi đầu của người
du ca. Phong trào du ca đã ra đời vào năm 1966, ngày miền nam đang trong cơn dầu
sôi lửa bỏng, cuộc chiến Nam Bắc đã gây cảnh huynh đệ tương tàn, đất nước đang
còn nhiều vết thương cần hàn gắn. Những người thanh, thiếu niên ngoài việc cắp
sách đến trường đã làm thêm những công tác xã hội. Họ phần lớn xuất thân từ Hướng
Đạo và trong khi làm những việc xã hội, họ cần hát để tinh thần phấn chấn hơn
trong một lý tưởng phục vụ tha thân. Du là đi khắp nơi, ca là ca diễn. Du Ca là
đi khắp nơi để ca diễn nhằm mục đích phổ biến tinh thần cộng đồng. Bài hát “Đoàn ta ra đi” của Trưởng Nguyễn Đức
Quang đã vang lên như một lời thệ nguyền.
“Đoàn chúng tôi, băng
rừng sâu suối xanh qua nương đồi ......Đoàn chúng tôi, đem tình thương đến gieo
cho muôn người ...quyết chí ra đi mưa nắng không nề chi...”
Bài “Việt Nam,Việt Nam”
của Phạm Duy đã được hát tiếp nối bằng tiếng đồng ca của mọi người vang dội khắp
hội trường. Hai màn ảnh lớn có chữ được gắn ở hội trường đã giúp cho tất cả chúng
tôi cùng hát. Hơn hai trăm tiếng hát đã được cất lên, hàng trăm tấm lòng đã được
trải ra trong một không khí yêu thương đầy tình người ấm cúng.
Trong hội trường, tất cả chúng ta cùng hát
Khúc phim lịch sử đã được
quay lại bằng hai cuộc di tản lớn. Bài hát “Một ngày 54..một ngày 75” đã kể lại câu chuyện lên đường này. Một ngày
54 cha bỏ quê cha, một ngày 75 đến phiên con bỏ nước mà đi. Hai cuộc chạy trốn
cộng sản đã trả lời cho câu hỏi ai đã là thủ phạm gây ra những cuộc Exodus đầy
máu lệ và nước mắt chỉ trong vòng 21 năm. Bài “Sài Gòn ơi, vĩnh biệt” và “Đêm
nhớ trăng Sài Gòn” đã được hát lên như một tưởng tiếc cho một thành phố, một quê
hương đã mất.
Trong trí nhớ mỗi người
dân miền nam đều hằn sâu một ký ức ngày 30 tháng tư. Thiên Hương đã chia sẻ câu
chuyện của cô. Ngày đó cô ở Sài Gòn. Ngoài đường có những người lính đi lang
thang trong hoang mang. Người dân sợ hãi
đóng chặt cửa, đâu đó tiếng súng nổ lách tách. Người tìm đường ra phi trường, kẻ
phóng xe xuống bến Bạch Đằng kiếm tàu vượt thoát. Cảnh hôi của, người khuân vác
đồ đạc, chạy lung tung trên đường phố tạo nên một Sài Gòn hỗn loạn không thể tả.
Chuyện mà cô không bao giờ quên đó là hình ảnh của bố cô. Trưa hôm ấy, bố cô từ
sở làm trở về nhà trong bộ quân phục. Bước khỏi xe Jeep, ông ngước nhìn các con
và lắc đầu nói “Hết rồi”. Nói xong, ông đi thẳng vào phòng mình và đóng cửa lại.
Sáng hôm sau, khi ông bước ra, cô đã chứng kiến bằng mắt mình hình ảnh “Một đêm,
bạc đầu” của ông. Mọi người ai cũng sững sờ, sau một đêm, mái tóc ông đã từ đen
đổi ra bạc trắng, dù ông mới 50 tuổi. Không ai tin có một chuyện như vậy, cô tưởng
nó chỉ xảy ra trong phim ảnh hay tiểu thuyết Kim Dung, của một Dương Quá nhớ thương
Tiểu Long Nữ đến bạc trắng mái đầu. Thế mới biết, biến cố 30 tháng 4 đã đảo lộn
số phận của biết bao người dân Việt Nam. Bao nhiêu gia đình ly tán, bao con người
trải qua các cuộc hoá thân thành con người khác và đổi đời.
Khi cộng sản vào miền
nam, sự áp đặt chính sách “Bần cùng hoá nhân dân” và mấy lần đổi tiền, đã khiến
cuộc sống người dân trở nên thiếu thốn và khổ sở. Trại tù cải tạo được lập nên
trên toàn quốc. Làn sóng vượt biên dấy lên đưa con người vào những cuộc đi tìm
tự do vô định. Những cái chết, những nấm mồ là miệng cá giữa đại dương, những
thân phận phụ nữ tủi nhục đớn đau trong tay hải tặc đã là nhân chứng cho trang
sử vượt biển kinh hoàng nhất của nhân loại. Nam Trân đã nức nở trong tác phẩm
“Nhân Chứng” làm bao nhiêu người rơi nước mắt.
Những bài hát như “Đêm
chôn dầu vượt biển”, “Một chút quà cho quê hương”, “Ai trở về xứ việt” quen thuộc
được lần lượt hát lên như một minh hoạ cho hoàn cảnh bi thương thời thế . Người
ở lại trong hoang mang, đói khát. Người ra đi tương lai mù mịt, bỏ thân nơi biển
lạ, rừng sâu. Kiếm được tiền thì chắt bót gởi về làm quà cho gia đình nơi quê
nhà xa tít tắp. Người đi và kẻ ở đều khát khao được gặp lại nhau.
Trong khi đó người du
ca vẫn hát, hát ngay trong những lúc khốn cùng tăm tối của cuộc đời, của dân tộc.
Họ hát vì đó là lẽ sống của họ và để thắp sáng niềm tin. Các bài hát của du ca
vang lên như một nhịp sống song song, mang hy vọng cho con người “Tiếng hát
vang lên trong đêm tối”, “Anh em tôi”, “Thề không phản bội quê hương”, “Vẫn còn
đây, các con của mẹ”, “Bài ca tuổi trẻ”, “Đuốc hồng tuổi trẻ”, “Về với mẹ cha” .
Nhạc sĩ Trúc Hồ hiện
diện chiều nay cũng lên sân khấu chia sẻ câu chuyện chưa bao giờ kể của mình
trong lúc sáng tác bài “Bên em đang có ta”, khi bài hát này được mọi người cùng
hát. Bài “Việt Nam ơi” của ông cũng vang lên như một lời hỗ trợ, nhắc nhở, gởi
gấm đến người dân trong nước rằng ngọn lửa đấu tranh cho quê hương tự do đang bùng
lên và sẽ còn mãi. Nhạc sĩ Trần Chí Phúc cũng góp mặt bằng những bài hát của ông
sáng tác như “Sài Gòn một thoáng 40 năm”.
Tiếng vỗ tay theo nhịp,
những bài hát ngắn vui vui của Hướng Đạo thỉnh thoảng chen vào làm bầu không khí
của hội trường sinh động hẳn lên “Hoan hô anh này một cái ...hoan hô anh này”. Các
em thuộc liên đoàn Huớng Đạo Hướng Việt cũng lên sân khấu trong hai ca khúc “Con
tim Việt Nam” và “Cái nhà của ta” làm các bậc cha mẹ, ông bà cảm động mà muốn rưng
rưng nước mắt. Khóc trong lòng vì vui, vì thấy con cháu mình ngoan hiền giỏi, lại
hát được tiếng Việt và không quên cội nguồn lạc Việt. Tiếng hát của hai em Hiếu
Nguyễn và Mê Linh với bài hát “Anh là ai” và “Hello Việt Nam” đã làm ấm lòng mọi
người hiện diện. Ba thế hệ chúng tôi ở đây hôm nay và cùng hát.
Tốp ca Hướng Đạo-Liên đoàn Hướng Việt
Gần cuối chương trình,
Trưởng Hoàng Ngọc Tuệ đã xin mọi người để ra một phút mặc niệm và cầu nguyện
cho những anh linh tiền nhân, những anh hùng, chiến sĩ vô danh hy sinh vì tổ quốc,
những linh hồn oan khuất đã chết trên đường tìm tự do và cho quê hương Việt Nam
sớm có tự do dân chủ. Bài hát “Tháng tư đen” được mọi người cùng hát như những
lời mặc niệm.
Thay cho lời kết hai bài
“Đường Việt Nam” và “Việt Nam Quê hương ngạo nghễ” đã được hát lên để nung nấu
tâm hồn, trái tim Việt Nam và tinh thần du ca. Đoạn phim ghi lại những người lính
Việt Nam Cộng Hoà còn mặc quân phục trong ngày 30 tháng tư trước khi rã quân đã
cùng đồng ca bài “Việt Nam Quê hương ngạo nghễ” được chiếu trên màn ảnh, đã khiến
mọi người ngậm ngùi và xúc động. Toàn hội trường đã “Ta như nước dâng, dâng
tràn có bao giờ tàn” để “Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người, Làm người
huy hoàng phải chọn làm người dân Nam..., Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng
cường đi lên”
Ngày du ca và những câu
chuyện kể đã kết thúc với lời hứa hẹn cùng giữ ngọn lửa đấu tranh để sẵn sàng bùng
lên hỗ trợ cho các đồng bào đấu tranh trong nước.
Trịnh Thanh Thủy
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.