Dân biểu Sanchez trả
lời phỏng vấn Nguyễn Hùng tại văn phòng Nghị viện ở Washington DC
Hạ nghị sĩ Loretta
Sanchez nói Hoa Kỳ luôn hoan nghênh mọi người khác chính kiến nhưng bản thân bà
từng bị Việt Nam từ chối visa.
Trong phỏng vấn
với Nguyễn Hùng của BBC tiếng Việt tại văn phòng của bà tại trụ sở Quốc hội
Hoa Kỳ ở Washington DC, bà Sanchez bình luận về chuyến đi sắp tới Mỹ của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng trước hết bà nói về hiểu biết của bà về Cuộc chiến
Việt Nam 40 năm về trước.
Hạ nghị sĩ Loretta
Sanchez: Anh biết không, tôi vẫn còn là thiếu nữ ở những năm đầu bậc trung
học khi Sài Gòn sụp đổ. Nói chung tôi hiểu đôi chút về những gì xảy ra nhưng
không nhiều lắm. Mọi chuyện xảy ra khi tôi còn rất trẻ.
BBC: Thế còn
bây giờ thì sao? Bà nghĩ thế nào về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam? Bà có hài
lòng với quan hệ hiện nay không?
Điều thú vị là thế hệ
của chúng tôi không hiểu nhiều về cuộc chiến và sau chiến tranh [cuộc chiến]
không có trong sách lịch sử. Bởi vậy đối với tôi đó là quá trình học hỏi khi đại
diện cho những người Mỹ gốc Việt ở Quận Cam [California]. Trong 18 năm tôi làm
công việc đó, tôi cho rằng mặc dù quan hệ [Việt - Mỹ] đã khá lên nhưng nó không
thể là quan hệ tốt nếu chính phủ Việt Nam không cho người dân của họ được tự do
hơn.
Chẳng hạn ở Hoa Kỳ
chúng tôi tôn trọng tự do tín ngưỡng, chúng tôi coi đó là nền tảng và đất nước
Hoa Kỳ đã ra đời dựa trên tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, quyền để người ta
có thể bày tỏ chính kiến, quyền tự do hội họp. Tất cả những điều này rất quan
trọng và chúng tôi thấy chúng không tồn tại ở Việt Nam. Bởi vậy cho tới khi
chính quyền để cho người dân có những quyền đó, con đường để có quan hệ tốt hơn
với Việt Nam sẽ rất khó khăn.
BBC: Bà nghĩ thế
nào về sự hòa giải giữa cộng đồng người Việt ở đây và chính quyền bên kia? Liệu
chúng ta đã đi được nửa chặng đường chưa?
Tôi nghĩ cộng đồng
người Mỹ gốc Việt có nhiều họ hàng ở Việt Nam. Đây là lý do giải thích tại sao
nhân quyền lại quan trọng đối với họ. Dù Việt Nam đã có xu hướng tư bản chủ
nghĩa hơn, có quan hệ buôn bán với Hoa Kỳ và nhiều nước khác mà nhờ đó sự khá
giả và điều kiện tài chính của người dân được cải thiện, người Mỹ gốc Việt ở
đây vui mừng khi thấy người thân có mức sống cao hơn. Nhưng không chỉ có vậy mà
còn là chuyện có chất lượng cuộc sống tốt hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn
phụ thuộc vào những quyền tự do đó. Cộng đồng [người Mỹ gốc Việt] muốn có những
tiến bộ thêm nữa với Việt Nam nhưng họ hiểu rằng điều quan trọng nhất đối với
con người là phải sửa chữa các quyền con người.
BBC: Tổng Bí
thư Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều khả năng sẽ sớm tới đây, bà có hoan nghênh
ông không và phản ứng của cộng đồng sẽ ra sao?
Hạ nghị sĩ Loretta
Sanchez: Trước hết tôi phải nói rằng ngay cả khi Hoa Kỳ bất đồng rõ rệt với
một quốc gia hay với những gì một chính quyền đang thực hiện, chúng tôi vẫn để
họ tới đây vì chúng tôi tin rằng đối thoại là cách để vượt qua những bế tắc. Thảo
luận với Việt Nam để cải thiện điều kiện nhân quyền và kinh tế là điều tốt.
Chúng tôi hiếm khi nói với người ta rằng 'ông/bà không thể đến thăm đất nước
chúng tôi'.
Nhưng mặt khác tôi
đã từng bị từ chối visa vào Việt Nam. [Tôi muốn] nhắc lại chuyện đối thoại mở
là rất quan trọng và tôi tin chắc rằng khi Tổng bí thư Đảng cộng sản tới đây, sẽ
có những người muốn gặp và thảo luận các vấn đề với ông. Nếu tôi đối mặt ông,
đương nhiên tôi sẽ nói về các tù chính trị, về chuyện khai thông các vấn đề quyền
con người, tôi sẽ nói về việc tịch thu đất đai của các nhóm tôn giáo và những
gì xảy ra với những người trẻ tuổi ở Việt Nam, những blogger dùng internet để
truyền tải thông tin và đã bị đóng cửa, bị mất việc, thiếu việc hay bị bỏ tù.
Đó là những vấn đề lớn theo quan điểm của tôi chứ không chỉ có thương mại mà tất
cả những vấn đề liên quan tới chất lượng cuộc sống.
Nhân quyền trong chiến
lược xoay trục
BBC: Bà có nghĩ
rằng nhân quyền giờ có ưu tiên thấp hơn vì chiến lược xoay trục sang châu Á của
Hoa Kỳ?
Tôi không tin là
chính sách xoay trục sang châu Á làm giảm tầm quan trọng của nhân quyền mà thực
tế là nó làm cho nhân quyền quan trọng hơn. Lịch sử đã chứng minh một đất nước
có vị trí cao hơn trên thế giới khi người dân có nhiều quyền tự do nhất. Đó là
thực tế cuộc sống. Người dân muốn bảo vệ đất nước họ đang sống nếu họ cảm thấy
họ có sự tự do và quyền con người đúng mức.
BBC: Trong dịp
40 năm kết thúc Cuộc chiến Việt Nam, có rất nhiều những lời hùng biện từ phía
Hà Nội và ở đây [ở Hoa Kỳ] người ta cũng đang đặt ra những câu hỏi về chuyện liệu
cuộc chiến có phải là một tội ác, một sai lầm hay một thất bại. Theo bà [cuộc
chiến] đó là điều gì?
Dĩ nhiên đó là xung
đột xảy ra khi đang có Chiến tranh Lạnh và gần như mỗi nước trên thế giới đều
phải chọn đứng về phía này hay phía kia. Ở góc độ nào đó, nó là cuộc chiến ủy
nhiệm và vì tất cả những lý do đó nó là cuộc chiến đáng buồn. Nó đáng buồn vì
nó là cuộc chiến ủy nhiệm. Nó cũng đáng buồn vì sự mất mát sinh mạng ở cả hai
phía. Tôi muốn nói tới 58.000 lính Hoa Kỳ, thủy quân lục chiến, lính phòng
không, hải quân, phụ nữ, những mạng sống đã mất đi, rất là thảm khốc cho người
Mỹ.
Đối với người Việt, ở
cả phía Bắc và phía Nam, sự mất mát về nhân mạng là rất lớn. Rồi cuộc sống bị đảo
lộn, nào là trại tị nạn, trại cải tạo, mất mát về nhân mạng trên các thuyền đi
biển, tài sản trí tuệ từ những người rời bỏ Việt Nam để tới giúp Hoa Kỳ để tạo
ra mọi thứ từ công ăn việc làm tới công nghệ, sản phẩm trí tuệ cả ở châu Âu, Úc,
Thái Lan và nhiều nơi nữa, Canada chẳng hạn. Sự chảy máu chất xám đã xảy ra. Bởi
vậy nó không chỉ đáng buồn vì chúng ta đã mất mát mà đáng buồn vào thời điểm hiện
tại vì Việt Nam không có những tài sản đó. Đó là thời gian đáng buồn trên thế
giới khi chúng ta nhìn vào Cuộc chiến Việt Nam.
Quyền năng của Quốc
hội
BBC: Cho tới tận
hôm nay người ta vẫn đặt câu hỏi về khả năng của Nghị viện trong việc kiểm soát
quyền lực của các Tổng thống trong Cuộc chiến Việt Nam và trong các cuộc xung đột
khác nhau ngày nay. Bà có nghĩ rằng giờ Nghị viện đã thực hiện điều đó tốt hơn
so với thời Cuộc chiến Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng thời
cuộc chiến Việt Nam, đó chính là những người Dân chủ, tôi còn nhớ đã nói chuyện
với George Miller, dân biểu lâu năm nhất ở đây. Chúng tôi đang đi trên các bậc
thang của tòa nhà sau cuộc bỏ phiếu quan trọng về dự luật y tế cách đây 10 năm
và ông nói 'Đây là cuộc bỏ phiếu quan trọng, tôi có cảm giác như khi chúng tôi
chặn Cuộc chiến Việt Nam' vì họ đã ngưng các ngân khoản cho cuộc chiến. Chính
Quốc hội đã ngưng cuộc chiến Việt Nam.
Quyền lực của Nghị
viện là rất lớn lao. Rồi tôi thấy quyền lực của Nghị viện trong cuộc chiến
Iraq, điều tôi đã bỏ phiếu chống lại và tôi nghĩ đó là [cuộc chiến] sai lầm.
Khi tôi thấy quyền lực của Nghị viện và chuyện họ để Hoa Kỳ đi vào [cuộc chiến]
cùng với Tổng thống, Tổng thống Bush đã cổ súy cho nó rồi Phó Tổng thống Dick
Cheney, Ngoại trưởng Powell... và Quốc hội đi theo. Đã đến lúc Nghị viện phải dừng
lại, xem lại những sai lầm trong quá khứ và thấy rằng đáng ra chúng ta đã phải
chặn cuộc chiến đó. Và đôi khi chúng tôi đã làm điều đó.
Cách đây khoảng một
năm rưỡi, chúng ta đã thấy chuyện xảy ra với Syria. Tổng thống muốn có quyền
ném bom Syria và nhiều người trong đó có tôi đã đứng lên nói 'Thưa Tổng thống,
theo luật quốc tế, ông không thể làm thế. Ngoại trừ trường hợp ông tìm thấy luật
nói ông có thể, tôi sẽ không bỏ phiếu ủng hộ'. Đó là thông điệp mạnh tới Tổng
thống Obama tới mức ông đã phải lùi bước và không đòi Nghị viện bỏ phiếu. Bởi vậy
những gì Quốc hội làm là rất quan trọng, không chỉ ở tầm quốc gia mà đôi khi ở
tầm thế giới nữa.
BBC: Năm nay
cũng đánh dấu 20 năm tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và
Hoa Kỳ, bà đánh giá quan hệ trong 10 hay 20 năm tới ra sao?
Điều thú vị là vài
năm sau khi quan hệ được lập lại, tôi đi cùng Tổng thống Clinton [tới Việt Nam]
để ký hiệp định thương mại song phương. Tổng thống Clinton đưa tôi đi cùng vì
cùng lúc ông đẩy mạnh quan hệ thương mại, ông cũng muốn chính phủ Việt Nam hiểu
rằng người đấu tranh mạnh mẽ nhất cho nhân quyền cũng có mặt cạnh ông để gửi
thông điệp rằng nhân quyền là rất quan trọng đối với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp
tục cuộc đấu tranh này đối với tất cả những nước hạn chế quyền của công dân nước
họ.
Nguyễn Hùng
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.