Lần
đầu tiên tôi biết dì Lan cách đây cũng bảy tám năm về trước khi vừa đặt chân
đến Sài Gòn học, ngày nào dù nắng hay mưa, dì cũng quẩy đôi quang gánh, đi khắp
các nẻo đường lớn nhỏ, ngõ cụt đường hẻm của khu vực Quận 3, quận 5, Quận 10,
và dì thường ngồi “tạm trú” xung quanh khu vực quanh hồ con Rùa. Ngày đó khi
vừa chân ướt chân ráo đến Sài Gòn, cứ chiều chiều, hết giờ học, tôi với đứa bạn
thân hay tấp xe vô, hai đứa mua một bịch bánh tráng trộn lớn rồi ngồi bên lề
đường ăn, nói chuyện với dì Lan. Có lẽ cùng đồng hương miền nam trung bộ nên cả
hai bên nói chuyện thấy hợp, không có khoảng cách xa lạ gì mấy.
Note: hình trong bài này là
minh họa
Dì
kể dì một thân một mình vô đây bán bánh tráng cũng mấy năm rồi, ngoài quê miền
trung nghèo quá, hai vợ chồng làm ruộng làm vườn không đủ sống, ba đứa con trai
thì tuổi ăn tuổi lớn, bao nhiêu thứ tiền phải lo. Mà phải chi có đất có ruộng
tự làm gì cho cam, cũng là làm công, làm mướn, mùa lúa thì đi gặt thuê, đi mót
lúa bán, mùa ở không cái đói vây quanh, còn đến mùa mưa lũ thì cả nhà sống với
nước lụt. Đời sống quanh năm thiếu thốn, chẳng thấy tương lai nên dì quyết định
nói chồng ở nhà làm nông, làm mướn cho chủ, để dì vô Sài Gòn mưu sinh kiếm
sống. Nói rồi dì đi, mấy ngày đầu đến Sài Gòn, thân đàn bà một mình, bơ vơ cũng
tủi thân lắm. Được người này người nọ chỉ, dì gom vốn mua cái thúng, bán bánh
tráng trộn với mấy bịch trứng cút, dăm ba trái xoài linh tinh. Ngày ngày cứ
quẩy đôi gánh đi lanh quanh bán hàng, vốn liếng không bỏ ra nhiều, chỉ vài ràng
bánh tráng, mấy trái xoài sống, vài chục trứng cút luộc, dăm ba lạng thịt bò
khô và nước me nấu chín, nhưng có điều chịu cực, ngày nắng cũng như ngày mưa,
vừa đi bộ vừa mang đôi gánh nặng trên vai, lặn lội gần hai chục cây số, tối nào
cũng hơn mười giờ đêm mới về tới nhà trọ.
Có bữa về khuya, bị đám thanh niên
giang hồ loi choi chặng đường cướp hết tiền và đập phá quang gánh, dì thấy buồn
và nản lắm nên rồi đổi qua nghề bán trái cây dạo với chiếc xe đạp cọc cạch.
Sáng sớm chịu khó ra chợ đầu mối lấy trái cây từ Lái Thiêu hay dưới miền tây,
bỏ đầy vào bốn cái thúng, cột chặt bằng dây thừng sau yên xe đạp, rồi đi đến
công viên, trường học để bán. Ngày nào hên thì bán hết hàng, còn không thì dì
ôm hết đống trái cây mà ăn trừ cơm. Đạp xe bán trái cây cũng được vài tháng thì
dì Lan nghỉ. Lý do cũng đơn giản là vì người mua trái cây bán dạo ngày càng ít,
họ cứ sợ mua phải trái cây hàng Trung Cộng ăn nhiễm độc, có bơm chất hóa học,
nên họ chỉ muốn vô siêu thị mua trái cây nhập khẩu của Mỹ, hay Úc để ăn. Nói là
trái cây nhập khẩu vậy chứ thật ra trái cây trong siêu thị được bày bán cũng
chẳng dám chắc là nhập khẩu thật sự hay không, chỉ thấy thiên hạ đua nhau mua
hàng nhập khẩu mà ăn cứ như là trào lưu hướng ngoại. Bán trái cây mà lỗ chừng
một tháng thì dì phải tìm nghề khác để mưu sinh.
Nhưng khổ nỗi dì không có nghề
nghiệp gì, lại không có người thân, không địa chỉ thường trú ở đất Sài Gòn nên
cũng khó mà kiếm việc. Nên đành quay lại với quang gánh bán bánh tráng, nhưng
lần này dì chỉ đi bán từ sáng sớm đến chập choạng chiều tối là nghỉ, chứ không
ráng sức đi bán ban đêm, để tránh bị cướp phá. Rồi trời phật thương, dì gắn bó
và mưu sinh với quang gánh hàng rong bánh tráng trộn cũng gần được chục năm ở
đất Sài Gòn.
Tiền
lời không nhiều nhặng gì nhưng đủ sống, đủ gởi tiền về quê cho chồng nuôi được
thằng con trai lớn đang học đại học sư phạm ở Huế. Bao nhiêu năm lăn lộn ở đất
Sài Gòn với nghề bán hàng rong, dì vẫn ở trọ trong cái căn nhà gọi "Nhà
hàng rong", là một căn nhà trọ lụp xụp nép trong khu xóm lao động nghèo ở
bên Quận 4 mà các bà bán hàng rong tứ xứ Bắc Trung Nam tụ tập về ngủ hàng đêm.
Tôi chẳng biết có bao nhiêu người ở trọ chung, chỉ biết toàn là đàn bà thân
phận xa nhà lên Sài Gòn mưu sinh kiếm sống nuôi chồng con ở quê như dì. Sở dĩ
họ cũng như dì Lan, không muốn ở lại quê nhà để chồng đi làm xa vì họ luôn nghĩ
cho chồng đi làm xa là sớm muộn gì cũng có ngày mất chồng, nên thà mình đi xa
để chồng ở nhà với con, với cha mẹ, vậy mà yên tâm hơn. Ở trọ ở đây không cần
đóng tiền nhà cố định, mỗi đêm ngủ là giá mười ngàn mỗi người, được đưa một cái
chiếu nhỏ, mốt cái gối và một tấm mền đắp, xài quạt máy thì thêm ba ngàn, tắm
rửa hai ngàn một người, sạc pin điện thoại hai ngàn một máy. Nếu hai ba người
xài chung cái quạt thì sáng chia tiền nhau ra trả. Ngủ đêm nào trả tiền đêm đó,
rồi sáng ra mạnh ai nấy lại quẩy gánh hàng mà đi bán kiếm tiền. Quần áo đồ đạc
cá nhân có thể gởi nhờ ở đó, xui thì bị mất ráng chịu, chủ nhà không chịu trách
nhiệm. Họ chỉ biết tận dụng miếng đất trống sát cạnh nhà để dựng lên căn nhà
trọ lụp xụp này mà hàng ngày thu tiền ở trọ của những bán hàng rong mà thôi.
Hồi
đó tôi có hỏi dì sao mấy người chị em ở trọ chung không hùn tiền lại mướn căn
phòng nhỏ giá chừng một triệu ở cho thoải mái. Dì nói tại dì hay về nhà thăm
chồng con, gần như tháng nào cũng về ba hay bốn ngày, nên thuê phòng ở vậy uổng
tiền lắm, lúc không ở thì hàng tháng vẫn phải đóng nhiêu đó tiền. Với lại, thuê
phòng ở thì phải đóng tiền cọc một tháng cho chủ nhà, mà đi bán hàng rong mỗi
ngày dành dụm được nhiêu tiền dì gởi về quê hết rồi, chẳng giữ tiền dành dụm
bên người hay bỏ ngân hàng gì hết. Dì Lan nói xui nói bừa lỡ bệnh hoạn đột ngột
ở đất Sài Gòn này, chắc dì chịu chết chứ cũng chẳng có tiền mà vô bệnh viện
chữa trị. Nhưng mà được cái ở trọ chung với mấy người đi bán hàng rong như
mình, nếu lỡ có bệnh gì, thể nào cũng được cho mượn vài chục ngàn để mua uống
thuốc. Dì hay vừa kể chuyện vừa cười rồi nói “Tao cực khổ sao cũng được, miễn
sao ổng với mấy đứa nhỏ khoẻ mạnh là được rồi."
Nhiều
năm lăn lộn mưu sinh ở Sài Gòn với quang gánh, dì Lan bây giờ cũng có nhiều
khách quen, đa phần là lũ học sinh thích ăn hàng. Nhưng khổ một nỗi, mấy ông
dân phòng thấy dì buôn may bán đắt, lâu lâu lại đến kiếm chuyện, mấy lần hốt
luôn gánh hàng của dì về trên phường, bắt dì phải lên đóng tiền phạt để chuộc
mấy trăm ngàn. Còn không, lâu lâu tụi nó lại ghé qua, dì Lan lường trước được
nên dúi cho mấy chục ngàn để tụi nó uống café thì tụi nó bỏ đi, để dì yên ổn
bán hàng. Dì nói coi như vài ba tháng tốn vài chục cúng cô hồn các bác để buôn
bán cho suôn sẻ.
Nhiều
năm xa Sài Gòn, không gặp lại dì, tôi chỉ được nghe đứa bạn thân cũng là khách
hàng ruột của dì kể lại con trai lớn của dì đã học xong đại học ở Huế, giờ đi
làm giáo viên ngoài quê ở Bình Định, đứa sau cũng đang học nghề sửa xe ở ngoài
quê, đứa út thì năm nay mới vô Sài Gòn thi đại học. Nếu mà nó thi đậu thì dì
rước nó vô Sài Gòn ở với dì, hai má con đói khổ có nhau ở Sài Gòn cũng hơn vì
bây giờ sức khỏe của dì cũng bắt đầu yếu rồi. Dì cũng ráng cho thằng út học
xong rồi dì nghỉ, về quê với chồng, có gì ăn nấy, ai kêu gì làm đó, vậy cho
khoẻ, được gần chồng gần con, ở quê nhà mình vẫn hơn đất Sài Gòn hoa lệ mà bon
chen này, chứ đời đàn bà mà bôn ba nơi đất khách quê người như vậy thì chỉ mang
nhiều buồn khổ lúc về già mà thôi.
Nghe
bạn tôi kể đến đây, tự nhiên tôi nhớ đến hình ảnh cái lằn đòn gánh trên vai dì
mà mấy năm trước dì cho tôi coi. Cái lằn đòn gánh hằn trên đôi vai dì không hẳn
là một vết sẹo nhưng chắc đến già cũng không phai được trên da thịt, nó như một
vết hằn trên cơ thể để nhắc đến những ngày tháng cơ cực mưu sinh giữa đất Sài
Gòn của thân phận đàn bà, thân phận của những người bán hàng rong từ nhiều vùng
miền tìm đến Sài Gòn để kiếm sống.
Giữa
cái thành phố Sài Gòn phồn hoa bon chen này, còn nhiều kiếp đàn bà hàng ngày
vẫn đang quẩy đôi gánh hàng rong rong ruổi khắp các nẻo đường, oằn gánh chồng,
gánh con, gánh tủi gánh nhục gánh mưu sinh thật nặng. Không phải ai cũng biết
được rằng đôi gánh hàng rong của kiếp đàn bà xa nhà xa quê ở đất Sài Gòn nó
nặng như thế.
Vương
Vi
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.