Họ đi hoặc chạy nhiều dặm đường mỗi ngày trên chân trần. Họ sinh tồn với cách ăn uống gồm rau, trái cây, thịt và cá - và thường ăn thực phẩm sống. Họ ngủ trên mặt đất và mặc vải làm từ da gấu.
À không, phần cuối là tôi bịa ra đấy!
Đó là những người cuồng chế độ ăn của người tiền sử và rất có thể một trong số họ đang ngồi ngay cạnh bạn.
Những người theo trào lưu trở về Thời Đồ Đá này sống theo cách như tổ tiên chúng ta thời tiền sử, giai đoạn lịch sử loài người bắt đầu chừng 2,6 triệu năm trước và kết thúc khoảng năm 10.000 trước Công Nguyên.
Thời đó con người sống trong những bộ tộc nhỏ gọi là "nhóm người" và có lối sống năng động, chủ yếu là sinh hoạt ngoài trời.
Chỉ với vài công cụ bằng gỗ và đá đơn giản, cuối cùng họ đã chinh phục tất cả các châu lục, trừ Nam Cực. Họ săn bắn hàng loạt các loài thú lạ, từ hà mã lùn đến những con lười khổng lồ. Bạn hãy tưởng tượng ra quang cảnh giống như trong phim Early Man của Aardman, nhưng ít cảnh chơi bóng đá hơn.
Trào lưu thực hành lối sống giống người tiền sử bắt đầu với chế độ ăn tiền sử, chuyển từ ăn thực phẩm đã qua chế biến, giàu carbohydrate sang thực đơn gồm các món giàu protein và nhiều chất xơ.
Giờ đây, phong cách sống Thời Đồ đá đã len lỏi vào công sở.
Ngày nay, lối sống này lan ra cả đến đủ kiểu thói quen không tiện lợi cho lắm. Những người thích sống kiểu này trên khắp thế giới bắt đầu chạy bộ bằng chân trần, không nằm nệm mà chuyển xuống ngủ trên nền đất cứng, lạnh, nhịn ăn trong nhiều ngày, đi vệ sinh trong tư thế ngồi xổm, và thậm chí thường xuyên hiến máu để kích thích tình trạng cơ thể bị thương, và còn nhiều thứ khác nữa.
Có vẻ như làm việc liên tục nhiều giờ, căng thẳng kéo dài, làm việc trong các tòa nhà thiết kế mở, rộng mênh mông và ngồi lỳ ở bàn làm việc cả ngày thì không tốt cho sức khỏe. Tất cả những điều này đều gây tác động tiêu cực tới năng suất làm việc.
Hãy cùng bước vào công sở thời tiền sử, một ý tưởng có thể giúp nơi làm việc hiệu quả hơn.
Điều này không có nghĩa là ta để râu mọc dài hoặc tổ chức họp hành trong hang động. Chỉ là những thay đổi nhỏ để thời gian làm việc phù hợp với nhịp sinh học của con người hơn. Chẳng hạn, tổ chức họp trong lúc đi bộ, lắp đặt bàn cao để nhân viên đứng làm việc thay vì ngồi theo thói quen lâu nay, và có nhiều quãng nghỉ ngắn thường xuyên để giảm căng thẳng.
Những người ủng hộ quan điểm sống này lập luận rằng trong khi công nghệ và văn hóa phát triển với tốc độ nhanh kinh ngạc thì cơ thể của chúng ta lại không bắt kịp.
Họ cho rằng con người ngày nay vẫn là những người săn bắn - hái lượm, bị đặt nhầm chỗ vào thế giới kinh tế toàn cầu với giờ làm việc kéo dài.
Đó là ý kiến gây tranh cãi, nhưng dù quan điểm của bạn là gì, thì bất cứ sáng kiến nào làm cuộc sống tại công sở dễ chịu hơn đều rất đáng thuyết phục.
"Có ba khía cạnh với vấn đề này - một là cách tổ chức trong văn phòng và cách người ta quản lý nó. Thứ nữa là cần tạo ra môi trường ít nhất cũng đem lại cho chúng ta thứ gì đó mà ta từng quen thuộc khi còn sống cuộc đời săn bắn, hái lượm. Và điều thứ ba là phải làm sao để chúng ta bớt tình trạng cứ ngồi yên một chỗ," Gostave Milner, tác giả quyển sách giúp cải thiện lối sống bằng cách tìm hiểu kỹ hơn về thời tiền sử, nói.
Con số Dunbar thần kỳ
Hãy lấy quy mô công ty làm ví dụ.
Trong thế giới các tập đoàn, người ta thường cho rằng quy mô càng lớn càng tốt, nhưng có lẽ điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Nói chung, nhóm làm việc lớn thì có thể làm được nhiều việc hơn, nhưng từng cá nhân trong nhóm lớn thực ra lại làm việc tệ hơn.
Có rất nhiều thuyết giải thích vì sao điều này xảy ra, từ việc cho rằng người ta dễ tìm ra sự hỗ trợ hơn trong nhóm nhỏ, đến xu hướng đồng ý với tất cả những gì đồng nghiệp nói nếu nhóm làm việc quá đông người.
Giám đốc điều hành của Amazon Jeff Bezos gọi đó là quy luật "hai chiếc bánh pizza": nếu như các thành viên của một nhóm ăn hai chiếc pizza mà không đủ no thì có nghĩa là nhóm đó quá lớn.
Nhưng lý do tối ưu hóa khả năng làm việc của từng cá nhân lại có nguồn gốc từ trong cơ thể sinh học của con người.
Trong thực tế, duy trì tình bạn có thể là việc rất mỏi mệt về mặt tinh thần, và số người ta có thể duy trì quan hệ xã hội vào bất cứ thời điểm nào trong đời là có giới hạn, con số đó khoảng 150 người.
Có một khái niệm khác là "bạn sơ giao", những người ta theo dõi trên mạng xã hội và có thể mời đến dự bữa tiệc đông người.
Quy tắc này có thể ứng dụng trên rất nhiều nền văn hóa và thời đại, từ những ngôi làng Mesopotamian cổ xưa (tên vùng đất cổ xưa nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates Tây Á) với những người du mục Kung San ở Botswana, số người mà mỗi chúng ta quen biết đều giống nhau.
Liệu ta vẫn còn là những kẻ săn bắt, hái lượm, bị đặt nhầm chỗ trong thế giới kinh doanh khổng lồ với giờ làm việc kéo dài?
Nhưng hãy dịch chuyển thật nhanh đến ngày nay, ta thường xuyên bị buộc phải tham gia vào những nhóm xã hội khổng lồ.
Trụ sở mới của hãng Apple ở California sẽ chứa khoảng 12.000 nhân viên, trong khi văn phòng mới khổng lồ của Google ở London có sức chứa khoảng 7.000 nhân viên. Điều này có thể bất lợi.
Sự thật là, con số thần kỳ về số người ta quen biết - còn được gọi là số Dunbar - đã được lập trình sâu sắc trong cơ chế sinh học của con người.
Đó là do kích cỡ bộ não ta có giới hạn, và lần đầu tiên được ghi nhận 250.000 năm trước, khi ta sống trong những nhóm nhỏ bộ lạc.
Thậm chí ngày nay, 150 vẫn là con số trung bình của các đơn vị quân sự và nhóm các nhà nghiên cứu.
Theo Robin Dunbar, nhà tâm lý học tiến hóa tại Đại học Oxford, đồng tác giả của nghiên cứu tìm ra điều này, giới hạn xã hội của con người vẫn còn phù hợp khi áp dụng vào thế giới doanh nghiệp ngày nay.
"Nếu bạn muốn vận hành tổ chức của bạn như một cơ quan dân chủ, bình đẳng thì con số này là giới hạn," ông cho biết. "Điều đó có nghĩa bạn không cần phải phân chia cấp bậc vì mỗi người đều làm việc dựa trên quan hệ cá nhân và nghĩa vụ cá nhân."
Theo nguyên tắc này, trong tương lai, giới hạn văn phòng trong khoảng 150 người có thể tạo ra công sở hạnh phúc và năng suất tốt hơn.
Nếu mọi người đều gặp gỡ nhau và có quan hệ cá nhân nào đó, thì họ sẽ hợp tác với đồng nghiệp và sếp dễ dàng hơn và khó có khả năng hăm dọa hay lấn át người khác. Đồng thời, đã có nhiều bằng chứng riêng lẻ cho thấy đó chính là giải pháp.
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu tác động của chó trong công việc hỗ trợ xã hội và giảm căng thẳng, giúp tăng năng suất, sức khỏe, an toàn và tương tác xã hội
Tính đến năm ngoái, Gore-Tex, công ty sản xuất vải thoáng khí nhưng không thấm nước, đã xuất hiện 20 lần trong danh sách "100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất" của tạp chí Fortune.
Nơi đây tự hào vì không có hệ thống thứ bậc cứng nhắc. Thay vào đó, công ty sử dụng cách quản lý "mạng lưới" đan cài, coi mỗi nhân viên là một cấu trúc trong hệ thống năng lực đan xen lẫn nhau.
Tại sao cách làm này đem lại sự hòa hợp? Tác giả Malcom Gladwell giải thích trong quyển sách "Điểm bùng phát" rằng đó là do công ty áp dụng "nguyên tắc 150".
Câu chuyện bắt đầu từ những ngày đầu tiên công ty mới thành lập. Người đồng sáng lập, Bill Gore, để ý khi một xưởng sản xuất đạt tới con số 150 nhân viên thì nó trở nên kém hiệu quả và năng suất.
Từ đó, ông giới hạn tất cả các xưởng làm việc ở số nhân viên này; thay vì mở rộng công ty, ông liên tục xây thêm nhiều xưởng mới bên cạnh, tạo ra cộng đồng nhân viên làm việc chăm chỉ và sẵn sàng giúp đỡ nhau hơn.
Dunbar giải thích khi một tổ chức mở rộng ra hơn 200 người, hoạt động giao tiếp thực sự bị bẻ gãy. Công ty bắt đầu cần cấu trúc quản lý từ trên xuống vì cách giao tiếp đối thoại trực tiếp không còn nữa và hiệu ứng silo xuất hiện.
Chẳng hạn như có nhiều nhóm trong công ty làm cùng một dự án, nhưng không ai nhận ra điều đó, dẫn đến việc làm chồng chéo và lãng phí nguồn lực.
Trào lưu tiền sử pha trộn giữa lối sống của chúng ta và môi trường để thích ứng với cơ thể sinh học của con người, vì thế ứng dụng con số của Dunbar vào công sở có thể là cách bắt đầu tốt
Patty McCord, cựu trưởng phòng tìm kiếm tài năng tại Netflix và là tác giả của quyển sách Sức mạnh: xây dựng văn hóa tự do và trách nhiệm, cũng đề cập đến một điều khá tương đồng.
"Thường khi tôi làm việc với các công ty khởi nghiệp và nói rằng bạn phải thay đổi cách giao tiếp khi bạn không còn có thể đứng trên ghế mà nói xuống. Đó là trong khoảng 150 người nếu bạn có một căn phòng đủ rộng," bà nói.
Điều này một phần có lý do thực tế - "Để nói chuyện với mọi người, bạn phải bay qua một quốc gia khác, đi sang tòa nhà khác hay xuống tầng khác," như McCord nói - nhưng ngoài ra còn những lý do khác.
Ở tổ chức nhỏ hơn, nơi mọi người đều có chút quan hệ cá nhân, họ thường sẽ sẵn sàng giúp đỡ hơn và ít khi trốn tránh trách nhiệm hơn. Họ cũng sẽ có xu hướng hiểu về công ty tốt hơn, vì có thể do họ gắn bó với đồng nghiệp ở nhiều bộ phận hơn, ngoài nhóm làm việc chung.
Nếu trào lưu sống tiền sử là gò phong cách sống và môi trường vào sao cho phù hợp với cơ thể sinh học của con người, thì tuân theo con số của Dubar trong văn phòng có lẽ là cách bắt đầu tốt.
Những tổ chức dựa trên quan hệ cá nhân thường có xu hướng hiệu quả hơn, trong khi định hướng đường lối và hợp tác sẽ dễ dàng hơn nếu ít nhất bạn biết tên và nhiệm vụ của từng người.
"Mọi người càng hiểu rõ về [toàn bộ] công ty, thì họ sẽ càng hiểu rõ về khách hàng mà họ phục vụ, và sau đó họ có thể tuân thủ và đưa ra quyết định độc lập đúng đắn hơn," McCord giải thích.
Cách ăn tiền sử thay thế thức ăn chế biến sẵn giàu carbohydrate sang loại thức ăn giàu protein, nhiều chất xơ và đôi khi là thực phẩm tươi sống
Nhưng còn có nhiều cách khác để điều chỉnh công sở tương lai của con người cho phù hợp với quá khứ thời tiền sử. Một trong những cách đó là đưa thiên nhiên vào văn phòng.
Người ta nghĩ rằng tổ tiên thời tiền sử của con người thường dành nhiều thời gian cho hoạt động ngoài trời.
Trái ngược với việc đó, một người Mỹ trung bình dành 47 giờ mỗi tuần trong văn phòng.
Gần đây, các nhà nghiên cứu tại đại học London School of Economics ước tính những sang chấn tâm lý vì mỏi mệt hàng ngày khiến nền kinh tế Hoa Kỳ mất khoảng 250 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Năm 2013, một dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ ước tính trầm cảm vì công việc khiến Châu u thiệt hại khoảng 617 tỷ Euro mỗi năm.
Nghiên cứu năm 2014 chỉ ra nhân viên tăng năng suất làm việc hơn 15% khi công sở hợp thời trang với phong cách tối giản được đặt thêm nhiều cây cối.
Năm ngoái, Facebook công bố kế hoạch xây dựng tòa nhà mới ở Menlo Park, California, với khu vườn trên mái nhà có diện tích bằng bảy sân bóng đá của Mỹ.
Trụ sở trị giá 5 tỷ đô la mới của Apple ở Apple Park thậm chí còn xa hoa hơn, với khoảng 9.000 cây cối mới được trồng.
Nhưng nhiều công ty khác đang thử những cách khác nhau.
"Nếu có thêm được chút hormon oxytocin [hormon tiết ra khi ta âu yếm thú cưng hay yêu thương ai đó] trong một ngày làm việc vất vả thì ta sẽ thấy rất dễ chịu," Phil Nottingham, chiến lược gia làm việc cho công ty Wistia chuyên về dịch vụ lưu trữ video trên mạng có trụ sở ở Cambridge, Massachusetts, nói.
Ông đang nói về đồng nghiệp của mình, chú chó xù Lenny, nhân vật đã có mặt trong công ty ông từ những ngày đầu tiên.
Lenny giờ đây có thêm bạn là chó săn mồi lông xù Waffles, và chó Tofu giống Shiba Inu.
Cả ngày chúng gặm đồ chơi xung quanh và sủa vang cắt ngang các cuộc họp, nhưng công ty này chào đón các chú chó, miễn là chúng không gây dị ứng hay dây bẩn ra sàn - là những tiêu chuẩn mà bạn không thể nói là không cần được.
Nottingham tin rằng cả công ty đều được lợi khi các chú chó ở đây. Nhiều bằng chứng cho thấy những đồng nghiệp mà bạn có thể vuốt ve sẽ đem lại mức độ hài lòng hơn cho nhân viên trong văn phòng làm việc.
Vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của thú cưng tại công sở, nhưng từ năm 2006 vẫn có vài nghiên cứu chi phí thấp về chủ đề này.
Những người nghiên cứu cho các sinh viên đại học xem ảnh văn phòng có một chú mèo, chó hoặc không có động vật, và hỏi họ mức độ hài lòng và tâm trạng của họ nếu đó là văn phòng làm việc của họ.
Những người xem ảnh văn phòng có thú cưng cho biết họ cảm thấy vui và cởi mở hơn, mặc dù họ cũng thừa nhận công sở như vậy trong tưởng tượng có vẻ kém chuyên nghiệp và kém sạch sẽ, an toàn.
Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2012 nhận thấy nhân viên được phép đưa theo chó cưng đi làm có mức độ căng thẳng tương đương mọi người khác khi giờ làm việc bắt đầu, nhưng khi ngày làm việc trôi đi, họ cảm thấy ít căng thẳng hơn so với những người không được mang theo chú chó nhỏ của mình.
Đưa không gian ngoài trời vào văn phòng - trụ sở mới của Apple tại Apple Park có 9000 cây xanh mới trồng
Thức dậy, đứng dậy
Ai cũng biết là việc luôn dính vào cái ghế làm việc trong văn phòng có thể sẽ hút hết sinh lực của nhân viên và tăng nguy cơ tử vong.
Vậy là xuất hiện mô hình các tòa nhà "ít béo" với cách thiết kế thông minh nhằm khuyến khích mọi người vận động cơ thể nhiều hơn. Chẳng hạn như cầu thang bộ được đặt ở vị trí trung tâm trong lúc thang máy thì nằm ở nơi khuất nẻo.
Chỉ vài năm trước, bàn làm việc đứng chỉ dành cho những tay kỳ dị ở Thung lũng Silicon. Nay loại bàn này đã xuất hiện ở khắp nơi.
Tại bán đảo Scandinavia, 90% nhân viên văn phòng có thể có bàn làm việc kiểu đứng, riêng ở Đan Mạch thì luật yêu cầu các công ty phải cung cấp loại bàn làm việc này cho nhân viên. Các cuộc họp đi bộ cũng xuất hiện nhiều hơn, và được nhiều người yêu thích như Mark Zuckerberg của Facebook và CEO của Twitter, Jack Dorsey.
Người ta có thể mất cả thiên niên kỷ để chế ra văn phòng làm việc mở, thiết kế tối giản và bàn làm việc, nhưng may mắn thay, chúng ta sẽ sớm quay về Thời Đồ đá.
Chỉ là đừng vội thay đồng phục công sở thành quần áo da thú vội!
Zaria Gorvett
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.