Nhiều ý kiến cho rằng vụ dàn dựng nhà báo Arkady Babchenko 'bị giết' đã đi quá xa trong việc tạo ra ảnh hưởng xấu đến cả nghề báo.
Tuần này, đài BBC khai trương một loạt sự kiện về tin giả (fake news) đang hoành hành trên mạng xã hội toàn cầu.
BBC không chỉ có các cuộc hội thảo ở London mà còn sẽ có các hoạt động ở Dehli và Nairobi để nhấn mạnh đến vai trò của báo chí toàn cầu chống nạn tin giả.
Ngay trước lễ khai mạc sự kiện về Fake News tại New Broadcasting House, trụ sở chính của BBC ở London sáng 31/05, tin về vụ nhà báo Arkady Babchenko 'giả chết' đã chiếm trọn nghị trình của nhiều đài báo châu Âu.
Có tiếng nói đã chỉ trích an ninh Ukraine tạo hiện trường giả để nhà báo người Nga “bị ám sát” nhằm “lật tẩy” một âm mưu mà Kiev nói là của Moscow.
Đài báo đồng loạt đưa tin về vụ giết người kinh khủng chỉ để sau đó thấy ông Babchenko xuất hiện ở cuộc họp báo để “giải thích”.
Điều đáng nói là ông Babchenko đã “tích cực” tham gia vụ giả chết này tới mức không nói cho vợ biết.
Vai trò quá sâu rộng của cơ quan an ninh Ukraine, trong việc “tạo tin” cho mục tiêu của họ cũng gây lo ngại về niềm tin của công chúng đối với cơ quan này.
Giới nhà báo bị nói dối cũng không vui gì vì uy tín của họ bị tổn thương lây.
Nhìn rộng ra, 'fake news' không chỉ là chuyện nguỵ tạo tin vì mục đích chính trị hoặc thương mại.
Diễn giải sự kiện sai lạc, dùng thủ đoạn để chế biến số liệu, video, hình ảnh, gây chiến tranh thông tin, đều có thể xếp vào hạng mục tương tự như 'fake news'.
Tạo một hiện thực song hành
Chế biến 'fake news' không chỉ giới hạn ở tin nhắn trên Twitter, vài hình ảnh được chỉnh sửa, thay ngày tháng, hay câu chuyện hoàn toàn do 'nhân chứng giả' kể ra.
George Orwell (Eric Blair) trong ảnh chụp khi làm việc ở Đài BBC. Trong thời gian làm việc tại đây cho Ban Đông Á (Eastern Service) từ 1941-1943, ông được cho là đã lấy hình ảnh một căn phòng thu âm không cửa sổ để tạo ra căn phòng tra tấn Room 101 giả tưởng trong cuốn 1984
'Fake news' hoạt động theo đợt, như làn sóng.
Ngày nay, công nghệ mạng dễ dàng cho phép ai thuê, hoặc dùng các 'bot' chuyên tập trung đẩy mạnh dòng tin giả vào thời điểm cụ thể, nhằm gây tác động dư luận 'đúng lúc, đúng chỗ' người đặt hàng muốn.
Về cơ bản, tin giả muốn tạo ra niềm tin thật, với thông điệp rằng có hàng triệu người đã và đang chia sẻ tin này rồi nhé, bạn hãy mau mau hòa cùng cộng đồng.
Mục tiêu của tin giả về lâu dài là tạo ra một hiện thực song hành với sự thật.
Và ở đây, tôi thấy cần nhắc lại tác phẩm nổi tiếng, 1984 của George Orwell, người cũng từng làm việc ở đài BBC.
Tên thật là Eric Blair, ông Orwell ngay từ hồi trẻ đã quan tâm đến cách dùng ngôn ngữ tiếng Anh hiện đại, và “cách dùng sai” (misuse of English).
Ông hiểu rằng ngôn ngữ có sức mạnh trong chính trị.
Ngôn ngữ chuyển tải sự thật, nhưng cũng tạo ra “mặt nạ” che lấp sự thật.
Trong cuốn 1984 về quốc gia giả tưởng 'Oceania' (Đế chế Đại Dương), George Orwell mô tả hiện tượng Nhà nước và Đảng tạo ra 'tiếng mới' (Newspeak) để kiểm soát toàn thể xã hội.
Nắm được cách nói của toàn dân, bộ máy khổng lồ trong tiểu thuyết 1984 tiến tới kiểm soát cả tư duy.
Bạn phạm tội khi mới chỉ nghĩ đến tội ác (thoughtcrime) mà chưa cần có hành động gì.
Cuốn sách đang nằm trong danh sách bestseller tại Anh, Mỹ
Nhà nước có quyền rà soát và trừng phạt, ngăn chặn 'từ trong đầu' các ý nghĩ bị cho là 'xấu', theo logic trên.
Lời nguyền Rối trí
Nhưng George Orwell có phải là người đầu tiên nghĩ ra sức mạnh kiểm soát đầu óc của ngôn ngữ?
Nhà nghiên cứu như Paul Chilton gợi ý rằng George Orwell lấy ý từ huyền thoại Tháp Babel.
Khi ngọn tháp sụp đổ, các dân tộc không còn nói chung ngôn ngữ và loài người rơi vào trạng thái bị ám ảnh bởi 'Lời nguyền Rối trí' (The Curse of Confusion).
Các loại ngôn ngữ khi đó bị biến dạng và Lời nguyền này khiến không ai hiểu được ai nữa, “trật tự vốn có của ngôn ngữ bị lu mờ'.
Giới nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngôn ngữ khác nhau sẽ áp đặt các khái niệm khác nhau về hiện thực.
Đôi khi, đánh tráo khái niệm là thủ thuật chính trị.
“Chỉ hươu nói ngựa” (Chỉ lộc vi mã) được cho là chuyện từ thời Tần Thủy Hoàng Đế, được Tư Mã Thiên ghi lại.
Triệu Cao sai người đem con hươu làm 'ngựa quý' dâng lên Tần Nhị thế, và quan nào dám nói đó là hươu bị trừng phạt.
Bản thân nhà vua tưởng mình loạn trí vì không phân biệt nổi hươu và ngựa.
Gần đây hơn, ở châu Âu có hiện tượng vô ý chế ra các cụm từ không tồn tại trong tiếng Anh cho văn bản của EU, khiến người Anh và Ireland lấy làm lạ.
Ví dụ văn bản kỹ thuật của EU chuyển từ tiếng Đức 'im Rahmen von', hoặc Pháp 'dans le cadre de' (thông qua quá trình) để chế ra cụm từ 'in the frame of', không tồn tại trong tiếng Anh.
Bộ máy quan liêu luôn có quy luật vận hành của nó, kể cả ở EU, và lan sang lĩnh vực tạo từ mới vô nghĩa lúc nào không hay.
Còn ở Việt Nam gần đây, hiện tượng và sáng kiến đổi chữ cũng gây choáng cho dư luận.
Nổi tiếng nhất là chuyện gọi phí giao thông là 'giá', vì 'nghị định nói thế'.
Độ nóng của câu chuyện được một bộ trưởng đẩy lên thêm bằng cách đổi hẳn 'học phí' thành 'giá dịch vụ giáo dục'.
Hoặc là các quan chức nọ sống trong một hiện thực song hành và khác xa với cuộc sống của người dân, hoặc họ quá tự tin nên hăng hái tạo ra ngôn từ mới.
Điểm mấu chốt ở đây không phải là để bắt toàn xã hội tuân theo.
Phát ngôn của Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam
Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội Việt Nam nói quy định pháp luật về ngân sách đã minh bạch ngang chuẩn quốc tế
Vào thời buổi hiện nay ở Việt Nam không ai có thể áp đặt cách dùng từ ngữ cụ thể trong sinh hoạt, khi giao tiếp, lúc viết trên mạng xã hội.
Nhưng vấn đề là ở chỗ chỉ các nhà làm luật và quan chức mới có thể 'sáng chế' ra ngôn từ mới, bởi không ai khác có quyền làm vậy.
Tuy không đến mức như chuyện Triệu Cao nhưng ta dễ thấy một số quan chức Việt Nam nay khá ham phát ngôn.
Ở đây ít nhiều có hiện tượng giống Donald Trump liên tục dùng Twitter để công bố, diễn giải rất nhiều chuyện theo cách riêng của ông ta.
Cũng có thể các quan chức Việt Nam không thay đổi nổi hiện thực ngoài đời kia như nạn kẹt xe, giá xăng dầu tăng, nên cố 'chỉnh sửa' chỉ qua ngôn từ.
Dù vô ý hay cố ý, đây là vấn đề mà George Orwell trong 'Politics and the English Language' đã viết:
“Kẻ thù lớn nhất của ngôn ngữ trong sáng là sự thiếu trung thực.
Khi giữa mục đích thực và mục đích nói ra của ai đó có khoảng cách, thì họ thường bám vào các từ ngữ dài dòng, những cụm từ quen thuộc đã gây nhàm chán, và họ không viết nữa, mà chỉ như con cá mực phun mực ra.”
Nguyễn Giang
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.