Đạo diễn bộ phim ‘In Bro Daylight’: Giữ gìn sự tử tế ngay cả khi không được tưởng thưởng
Cô Kay, ký giả trong bộ phim, đã đưa ra một nhận xét đáng suy ngẫm: ‘Mười năm nữa ... Liệu nghề báo có còn tồn tại?’
“Nếu đó là điều đúng đắn, thì đừng hối tiếc.”
Đây là lời đạo diễn Giản Quân Tấn (Kan Kwan-chun) nói trong Liên hoan phim Á Châu tại New York lần thứ 22 về bộ phim mới của mình có nhan đề “In Bro Daylight” (Giữa Thanh Thiên Bạch Nhật). Bộ phim đã thu về hơn 5 triệu dollar Hồng Kông kể từ khi phát hành hôm 02/11 và được đề cử 5 giải thưởng tại Lễ trao Giải Kim Mã lần thứ 60.
Chuyển thể từ những sự kiện có thật tại các viện chăm sóc người khuyết tật ở Hồng Kông, bộ phim “In Bro Daylight” kể về câu chuyện của một ký giả điều tra khám phá những bí mật đen tối của những viện chăm sóc người khuyết tật này, như lạm dụng tình dục những bé gái, ngược đãi người cao niên một cách vô nhân đạo, điều kiện vệ sinh và ăn uống kém, và nhiều hơn nữa, song việc đưa tin về tình trạng này đã không mang sự thay đổi đáng kể nào.
Cô Kay, người ký giả trong bộ phim, đã đưa ra một nhận xét đáng suy ngẫm: “Mười năm nữa … Liệu nghề báo có còn tồn tại?” Khi cô buồn bã quay đi, những lời an ủi của người bạn lâu năm lại vang trong cô, “Đừng cảm thấy tội lỗi vì đã làm một điều đúng đắn.”
Lấy cảm hứng từ vụ bê bối tại viện chăm sóc người khuyết tật
Anh Giản bắt đầu viết kịch bản bộ phim này cách đây 5 năm.
“Tôi nhớ lần đầu tiên đọc bài báo về vụ bê bối này ở Hồng Kông. Đó là một vụ chấn động ở Hồng Kông, và tin tức đó làm cho tôi bị kích động,” anh nói.
Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với các ký giả đằng sau bản tin đó, anh nhận thấy mọi chuyện phức tạp hơn anh nghĩ rất nhiều.
“Khi tin tức đó được phát hành ở Hồng Kông, chính quyền đã cấm những viện chăm sóc có liên quan, nên việc đó gây ra ảnh hưởng rất lớn.”
Tuy nhiên, trong khi một số nạn nhân biết ơn các ký giả, thì một số người lại đổ lỗi hoặc thậm chí chửi bới họ vì bài báo đó mà họ trở thành vô gia cư.
“Tôi cảm thấy bàng hoàng, và tôi nghĩ đó là phương diện mà tôi muốn tìm hiểu,” anh cho biết.
Những vụ bê bối liên quan đến viện chăm sóc người khuyết tật ở Hồng Kông không chỉ giới hạn ở một vụ việc đó.
Năm 2014 xuất hiện bài báo về vụ một giám đốc viện chăm sóc người khuyết tật lạm dụng tình dục một phụ nữ thiểu năng trí tuệ, sau đó là một vụ việc năm 2015 trong đó một người cao niên bị đẩy ra sân thượng và bị lột trần để tắm rửa, một vụ việc năm 2016 liên quan đến vụ ẩu đả nảy sinh từ các vấn đề về bữa ăn, và sáu trường hợp tử vong bí ẩn của cư dân tại viện chăm sóc người khuyết tật tất cả đều được thể hiện trong bộ phim mới này của Hồng Kông.
Trong quá trình soạn kịch bản, anh Giản đã trò chuyện với gia đình các nạn nhân và nhân viên xã hội để có cái nhìn bao quát hơn.
“Tôi đã cố gắng có được nhiều góc nhìn hơn thay vì chỉ tạo ra kịch bản như một bộ phim siêu anh hùng,” anh cho biết. “Tôi đã cố gắng làm cho bộ phim chân thực đến mức tối đa, bởi vì tôi thực sự muốn truyền tải sự gian khổ và nỗi đau đó của các nạn nhân.”
“Nhưng đó không chỉ là nói về những gian khổ của họ. Quay trở lại với câu chuyện, thì phần nào câu chuyện cũng phản ánh chính chúng ta, phải không? Phản ánh bản chất của con người. Phản ánh rằng mọi người rồi sẽ già đi, mọi người rồi sẽ mắc bệnh.”
‘Không phải một bộ phim siêu anh hùng’
“Tôi không cố gắng tạo ra kịch bản như một bộ phim siêu anh hùng,” anh Giản giải thích về ý định của anh cho phần kết của bộ phim.
“Tôi cố gắng diễn đạt câu chuyện theo cách đó bởi vì quý vị biết đấy, tôi biết, mọi người đều biết rằng đây là hiện thực. Chúng ta rất cố gắng để tạo ra những thay đổi và chúng ta luôn muốn thay đổi thế giới, nhưng không hiểu sao hiện thực lại tàn nhẫn và đáng buồn như vậy.”
Về tên của bộ phim, anh Giản khẳng định đây là cách trung thực nhất để nói với khán giả về những tội ác xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật.
“Trong thế giới điện ảnh, chúng ta luôn nghĩ mọi tội ác, mọi điều xấu xa đều sẽ xảy ra trong đêm tối. Đó là lý do tại sao chúng ta có Batman,” anh nói.
“Không. Trong thế giới thực … chúng ta có các ký giả, chúng ta có nhân viên xã hội, chúng ta có quý vị đây, chúng ta có các nhà làm phim, nhưng tất cả những điều xấu xa đó đang diễn ra xung quanh chúng ta giữa ban ngày. Đó là lý do tại sao tôi đặt tên cho bộ phim là Giữa Thanh Thiên Bạch Nhật.”
Niềm hy vọng
Cuối bộ phim, sau khi hoàn thành bản tin, cô Kay rời bỏ tờ báo, khiến thế giới mất đi một ký giả đứng lên vì công lý.
“Mặc dù thực tế đau buồn và tàn nhẫn, nhưng ở cảnh cuối cùng của bộ phim, vẫn còn những người vẫn đang làm những điều được gọi là ngu ngốc này,” anh Giản nói.
“Đôi khi chúng ta chọn làm điều tử tế mà không được tưởng thưởng, nhưng vẫn có những người đang tạo ra những sự thay đổi … Chúng ta sẽ bắt đầu từ việc nhỏ nhặt, rồi sau đó chúng ta có thể tạo ra một tác động lớn lao.”
Vị đạo diễn này lập luận rằng trong khi mọi người nghĩ rằng thế giới này quá đáng buồn và không có hy vọng, thì cá nhân anh lại coi hy vọng chính là một thái độ.
“Một số người vẫn tin vào niềm hy vọng,” anh nói. “Tôi nghĩ chúng ta phải tiếp tục tin vào niềm hy vọng.”
Jenny Zeng & Angela Bright _ Cẩm An
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.