Mặc dù còn 61 ngày nữa mới diễn ra các cuộc họp bầu ở Iowa nhưng Chu kỳ Bầu cử năm 2024 sẽ bắt đầu từ hôm nay.
Hôm 07/11, người Mỹ trên toàn quốc sẽ đi đến các cuộc bỏ phiếu cho các cuộc tranh cử hội đồng thành phố và trường học. Ngoài ra, những cử tri ở New Jersey, Mississippi, và Virginia đang bầu chọn các nhà lập pháp của các tiểu bang, còn cử tri ở Kentucky và Mississippi đang bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử thống đốc.
Cũng trong ngày hôm nay: Cử tri ở 5 tiểu bang sẽ chứng kiến 28 cuộc trưng cầu dân ý trên toàn tiểu bang về cuộc bỏ phiếu ngày 07/11 của họ. Trong đó, đáng chú ý nhất là ở Ohio, nơi mà “quyền đưa ra các quyết định liên quan đến vấn đề sinh sản, kể cả việc phá thai” và hợp pháp hóa cần sa đang được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là các luật về quyền phá thai được xem như một điểm khởi đầu khả thi cho các chiến dịch tranh cử năm 2024 trên toàn quốc.
Các xu hướng mới nổi từ các cuộc bầu cử trong “năm-ngoài-chu-kỳ” này cho thấy: phá thai sẽ lại là vấn đề hàng đầu trong chiến dịch tranh cử, cử tri Đảng Dân Chủ ở một số tiểu bang không nhiệt tình như cử tri Đảng Cộng Hòa, và không có gì ngạc nhiên khi năm 2024 sẽ là chu kỳ bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử.
Một số người cho rằng chu kỳ bầu cử năm 2024 thực sự đã bắt đầu trong “cuộc bầu cử sơ bộ theo đa số” (jungle primary) hôm 14/10 ở Louisiana, nơi Tổng Chưởng lý Đảng Cộng Hòa Jeff Landry được bầu làm thống đốc để kế nhiệm thống đốc thuộc Đảng Dân Chủ có nhiệm kỳ hạn chế John Bel Edwards vào tháng 01/2025.
Cuộc bầu cử sơ bộ ở Louisiana đáng chú ý vì tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, đặc biệt là trong số các cử tri Đảng Dân Chủ, vì Đảng Cộng Hòa đã củng cố được thế đa số ở lưỡng viện của tiểu bang Louisiana. Một số người cho rằng đây có thể là mô hình cho các cuộc bầu cử khác ở các tiểu bang khác vào năm 2024.
Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp dự kiến sẽ không phải là vấn đề trong cuộc bầu cử Đại hội đồng Virginia và cuộc bỏ phiếu về hai đề xướng sửa đổi Hiến Pháp ở Ohio.
Vấn đề phá thai trên lá phiếu
Việc đưa dự luật vào lá phiếu liên quan đến phá thai duy nhất trong năm 2023 ở Ohio được thực hiện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm ngoái. Sau khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết hủy bỏ quyền phá thai theo Hiến Pháp vào tháng 06/2022, tiểu bang này đã có sáu cuộc trưng cầu dân ý cấp tiểu bang giải quyết vấn đề này, trong đó có ba đề xướng sửa đổi Hiến Pháp để thiết lập một quyền được thực hiện thủ thuật này.
Những người ủng hộ sự sống đã thất bại ở cả sáu tiểu bang, kể cả ở các tiểu bang đỏ như Kentucky và Kansas.
Dự luật Vấn đề số 1 của Ohio (Ohio’s Issue 1), “Quyền đưa ra các quyết định về sinh sản, kể cả Sáng kiến về Phá thai,” sẽ đưa quyền phá thai vào Hiến Pháp tiểu bang nếu được phê chuẩn.
Hôm 08/08, người dân Ohio đã bác bỏ một cách áp đảo một đề xướng sửa đổi Hiến Pháp tiểu bang trong đó đòi hỏi sự ủng hộ của 60% cử tri để sửa đổi Hiến Pháp thay vì mô hình 50% +1 hiện nay.
Ohio’s Issue 1 của Ohio đã thu hút sự quan tâm và chi tiêu quảng cáo trên toàn quốc vì dự luật này sẽ quyết định liệu việc phá thai có được ghi trong Hiến Pháp tiểu bang hay không.
Đại học Baldwin-Wallace ở Ohio đã công bố một cuộc thăm dò hồi tháng Mười cho thấy Ohio’s Issue 1 sẽ vượt qua với tỷ lệ chênh lệch tương tự như dự luật đã bị bác bỏ hồi tháng Tám.
Theo cuộc khảo sát, 58% số cử tri có thể sẽ bỏ phiếu cho biết họ chắc chắn ủng hộ dự luật này, trong khi đó 34% cho biết họ sẽ bỏ phiếu “không.”
Những người ủng hộ sự sống tin rằng việc sửa đổi này quá rộng và sẽ làm tổn hại đến quyền của cha mẹ.
Virginia
Phá thai cũng là một vấn đề hàng đầu trong chiến dịch tranh cử ở Virginia trong một chiến dịch được cho là tốn kém và gây tranh cãi nhằm giành quyền kiểm soát Cơ quan Lập pháp của Khối thịnh vượng chung vốn là một tiểu bang chiến địa này. Không giống như ở Louisiana, cử tri Đảng Dân Chủ ở đây tỏ ra tích cực với vấn đề này.
Vài tháng trước, Thống đốc Virginia Glenn Youngkin đã nêu quan điểm chính thức của mình về quyền phá thai, cho phép phá thai khi thai nhi từ 15 tuần tuổi trở xuống, đồng thời cho phép các trường hợp ngoại lệ trong các trường hợp bị cưỡng gian, loạn luân, và nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Nhiều ứng cử viên cấp tiểu bang và địa phương của Đảng Cộng Hòa sau đó đã điều chỉnh chính sách của họ cho phù hợp.
Mặt khác, Đảng Dân Chủ cho rằng chính sách phá thai của Đảng Cộng Hòa là một lệnh cấm phá thai và xâm phạm quyền sinh sản của phụ nữ.
Không giống như nhiều tiểu bang khác do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo, Virginia vẫn chưa thay đổi luật phá thai hiện đang cho phép phá thai muộn sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ lật ngược phán quyết trong vụ án Roe kiện Wade hồi tháng 06/2022. Thay vì cố gắng phác thảo chi tiết các giới hạn về phá thai muộn trong chính sách phá thai của mình, Đảng Cộng Hòa đã cố gắng tập trung sự chú ý của cử tri vào quyền của các bậc cha mẹ trong giáo dục.
Trong khi cử tri ở New Jersey dự kiến sẽ bầu đa số Đảng Dân Chủ, còn cử tri ở Mississippi và Louisiana tái khẳng định siêu đa số Đảng Cộng Hòa trong cơ quan lập pháp tiểu bang của họ, thì không ai biết cuộc bầu cử Đại hội đồng Virginia sẽ diễn ra như thế nào.
Theo FiveThirtyEight, trên thực tế, Đại hội đồng Virginia là “cơ quan lập pháp tiểu bang đầy cạnh tranh duy nhất” trên toàn quốc. “Tất cả 100 ghế tại Hạ viện của khối thịnh vượng chung này, hiện do Đảng Cộng Hòa dẫn đầu với số ghế 52-48, và tất cả 40 ghế tại Thượng viện tiểu bang, nơi Đảng Dân Chủ nắm lợi thế với 22-18 ghế, đều có tên trong lá phiếu.
Thống đốc Youngkin đang đóng một vai trò tích cực trong việc vận động và gây quỹ cho các thành viên Đảng Cộng Hòa trên toàn tiểu bang.
Có nhiều suy đoán dai dẳng rằng nếu dẫn dắt Đảng Cộng Hòa giành những chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử Đại hội đồng tiểu bang, ông Youngkin có thể trở thành ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hòa gia nhập muộn để thách thức người được đề cử của đảng được cho là cựu Tổng thống Donald Trump. Ông đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ ý định như vậy.
Cuộc tranh cử chức thống đốc tại các tiểu bang Mississippi và Kentucky
36 tiểu bang đã tổ chức các cuộc bầu cử thống đốc trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 và 11 tiểu bang sẽ tổ chức các cuộc bầu cử thống đốc vào năm 2024. Trong khoảng thời gian đó, có ba cuộc tranh cử thống đốc diễn ra trước cử tri vào năm 2023.
Với việc ông Landry đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cử thống đốc tiểu bang Louisiana, hiện có chính xác 25 thống đốc Đảng Cộng Hòa và 25 thống đốc Đảng Dân Chủ đang lãnh đạo 50 tiểu bang của đất nước.
Ở Mississippi, Thống đốc Đảng Cộng Hòa Tate Reeves được nhiều người ủng hộ để giành được nhiệm kỳ thứ hai nhằm duy trì bộ ba Đảng Cộng Hòa của tiểu bang đó nhưng đã chứng kiến cơ hội tái tranh cử của ông giảm đi đáng kể do cuộc điều tra tham nhũng mở rộng về việc lạm dụng hàng triệu USD trong quỹ phúc lợi khi ông còn là phó thống đốc.
Thành viên Đảng Dân Chủ Brandon Presley, một cựu thị trưởng và người quản lý cơ quan tiện ích tiểu bang, là anh em họ của cố ca sĩ Elvis Presley, đã thực hiện một chiến dịch tranh cử sôi nổi và có cơ hội hợp pháp để trở thành thống đốc Đảng Dân Chủ đầu tiên của Mississippi sau 20 năm.
Kết quả của cuộc bầu cử có thể phụ thuộc vào số lượng cử tri đi bỏ phiếu.
Cook Political Report ước tính rằng ông Presley cần ít nhất 32% cử tri Mỹ gốc Phi Châu tích cực tham gia cuộc bầu cử để ông giành chiến thắng. Tiểu bang này có mật độ dân số người Mỹ gốc Phi Châu cao nhất so với bất kỳ tiểu bang nào trên toàn quốc với mức 38%. Theo dữ liệu của Cook Political Report, cử tri Mỹ gốc Phi Châu chiếm 31% tổng số cử tri trong cuộc tranh cử thống đốc năm 2019 và 32% vào năm 2015.
Tại Kentucky, Thống đốc đương nhiệm của Đảng Dân Chủ Andy Beshear phải đối mặt với thách thức gay gắt từ Tổng Chưởng lý Daniel Cameron, thành viên Đảng Cộng Hòa đầu tiên được bầu vào Đại hội đồng của Tiểu bang Bluegrass (tên gọi khác của tiểu bang Kentucky) kể từ năm 1948.
Kentucky có một khối siêu đa số thuộc Đảng Cộng Hòa trong cơ quan lập pháp của tiểu bang, và cựu Tổng thống Donald Trump đã giành được 26 điểm phần trăm ở tiểu bang này vào năm 2020, nhưng ông Beshear được đánh giá là thống đốc Đảng Dân Chủ được yêu thích nhất quốc gia trong một cuộc thăm dò hồi tháng Bảy do Morning Consult thực hiện.
Hồi đầu tháng Mười, một cuộc khảo sát từ Emerson College Polling cho thấy ông Beshear dẫn trước ông Cameron 16 điểm.
Hôm 03/11, Đại học Emerson đã công bố một cuộc thăm dò cho thấy ông Beshear và ông Cameron bằng nhau ở mức 47%, với 4% số người được hỏi cho biết họ chưa quyết định và 2% nói rằng họ đang bỏ phiếu cho người khác.
Cuộc khảo sát mang lại cho ông Cameron một lợi thế từ 49% đến 48% so với ông Beshear khi những cử tri chưa quyết định được hỏi họ nghiêng về ai.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.