Theo Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể thu hồi thị thực nhập cảnh của những người ủng hộ Hamas đang ở Hoa Kỳ trong bối cảnh chiến sự Israel–Hamas.
“Bộ Ngoại giao xác nhận họ có quyền thu hồi thị thực nhập cảnh của những người ủng hộ Hamas và trục xuất họ. Bây giờ họ cần phải làm điều đó,” ông Rubio viết trên X, kèm theo một tuyên bố do Bộ Ngoại giao đưa ra, trong đó xác nhận rằng cơ quan này có khả năng thực hiện hành động nhắm vào những cá nhân như vậy.
Cơ quan này chưa đưa ra bình luận công khai nào về tuyên bố gửi tới thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa nói trên.
“Bộ Ngoại giao cũng có thẩm quyền rộng rãi đối với việc thu hồi thị thực nhập cảnh theo INA [Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch]. Chúng tôi thực hiện thẩm quyền này khi có thông tin hoặc bằng chứng cho thấy người có thị thực có thể không đủ điều kiện để được cấp thị thực Hoa Kỳ,” cơ quan này viết trong bức thư ngày 15/11 gửi ông Rubio.
Đạo luật này quy định rằng những cá nhân tham gia vào hoạt động khủng bố sẽ không được phép vào Hoa Kỳ. Quy định này cũng áp dụng cho những cá nhân đã kêu gọi người khác “ủng hộ hoặc trợ giúp cho một trong những nhóm khủng bố nằm trong danh sách này.” Hamas đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các cơ quan liên bang khác đưa vào danh sách tổ chức khủng bố trong nhiều thập niên.
Bức thư gửi đến ông Rubio viết, “Ngay cả sau khi cấp thị thực nhập cảnh, Bộ Ngoại giao vẫn hợp tác chặt chẽ với Bộ An ninh Nội địa và các cơ quan đối tác khác để bảo đảm tất cả những người nộp đơn xin thị thực đều được kiểm tra liên tục, qua đó để chắc chắn rằng họ vẫn đủ điều kiện đến Hoa Kỳ.”
Hôm 15/10, ông Rubio đã gửi thư cho Ngoại trưởng Antony Blinken và yêu cầu bộ của ông có hành động đối với những người ủng hộ Hamas sống ở Hoa Kỳ. Ông viết, “Tôi kêu gọi ngài ngay lập tức sử dụng luật hiện hành để xóa bỏ sự thù hận này khỏi đất nước chúng ta. Ngoài ra, tôi sẽ giới thiệu luật nhằm cung cấp thêm các công cụ để bảo đảm rằng những người ủng hộ Hamas, và các tổ chức khủng bố ngoại quốc khác không được hưởng lợi từ sự rộng lượng của đất nước chúng ta.”
Kể từ khi chiến sự bắt đầu, các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đã nổ ra khắp các thành phố của Hoa Kỳ và trong các khu trường sở, với một số cá nhân bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với Hamas.
Trong một ví dụ điển hình, một số người dùng TikTok đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với một bức thư do thủ lĩnh khủng bố al-Qaeda Osama bin Len viết sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001. Bức thư đã phần nào kêu gọi các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào thường dân Mỹ vì sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ đối với Israel, cùng nhiều nguyên nhân khác.
Tuần trước (06-12/11), Thượng nghị sĩ Rubio cũng phản ứng trước các video khác được lan truyền trên TikTok, và tuyên bố ứng dụng này đang cố tình cổ xúy cho nội dung ủng hộ Hamas. Ông viết cho tờ Washington Examiner, “Thành kiến theo chủ nghĩa Marxist trên TikTok phản ánh nhiều hơn tư tưởng cánh tả của thế hệ Thiên niên kỷ (Thế hệ Y) và Thế hệ Z. Điều này còn phản ánh sự phục tùng của ứng dụng này đối với chế độ Marxist lớn mạnh nhất thế giới: Đảng Cộng sản Trung cộng.”
Sau cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, ông Rubio và các nhà lập pháp khác đã kêu gọi Hoa Kỳ hành động chống lại TikTok bằng cách cấm nền tảng này hoặc buộc ByteDance phải bán ứng dụng này đi. Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy đại đa số người dùng TikTok đều dưới 40 tuổi.
Những lời kêu gọi này được đưa ra khi chính phủ liên bang mở các cuộc điều tra về quyền công dân đối với bảy trường học và trường đại học về các cáo buộc liên quan đến chủ nghĩa bài Do Thái hoặc quan điểm chống Hồi Giáo kể từ khi chiến tranh Israel–Hamas nổ ra.
Danh sách này bao gồm ba trường thuộc Ivy League Columbia, Cornell, và Đại học Pennsylvania cùng với trường Cao đẳng Wellesley ở Massachusetts, Cao đẳng Lafayette ở Pennsylvania, và Liên minh Cooper vì sự Tiến bộ của Khoa học và Nghệ thuật ở New York. Danh sách cũng bao gồm một học khu K-12, Khu học chính Maize ở Kansas.
Bộ Giáo dục đã thông báo về các cuộc điều tra vào thứ Năm (16/11), gọi đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ Tổng thống Biden nhằm thực hiện “hành động quyết liệt” chống lại tình trạng phân biệt đối xử. Các trường bị phát hiện vi phạm luật về quyền dân sự có thể phải đối mặt với hình phạt nặng nhất là mất toàn bộ tài trợ của liên bang, mặc dù phần lớn các trường hợp đều kết thúc bằng cách tự nguyện hòa giải.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.