Đảng Dân Chủ cho rằng những người phê bình này là ‘những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng.’ Trong khi đó, Thống đốc ngân khố tiểu bang Utah Marlo Oaks làm chứng: “ESG chiếm quyền quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy các mục tiêu về hệ tư tưởng.”
Các nhà phê bình cho rằng sự say mê của các nhà quản lý tài sản với nghị trình về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) đang phung phí tiền tiết kiệm hưu trí của những người Mỹ chăm chỉ, nhưng những người bảo vệ ESG nói rằng chính phủ không có quyền chỉ trích các nhà quản lý quỹ Wall Street.
Hôm 07/11, Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện đã nghe những người theo phái bảo tồn truyền thống làm chứng về mức phí ngày càng tăng mà ngành ESG đang gây ra cho nền kinh tế và tiền tiết kiệm hưu trí của người Mỹ, trong khi các thành viên Đảng Dân chủ lên án những nỗ lực ngăn chặn phong trào ESG là toàn trị và phân biệt chủng tộc.
Phần lớn cuộc tranh luận tập trung vào chỉ thị gần đây của chính phủ Tổng thống Biden, theo đó cho phép các kế hoạch lương hưu của công ty được đầu tư tiền hưu trí của nhân viên để đạt được các mục tiêu liên quan đến khí hậu hoặc công lý xã hội theo Đạo luật An ninh Thu nhập Hưu trí của Nhân viên (ERISA).
Được thông qua vào năm 1974, ERISA được Quốc hội soạn thảo để giải quyết vấn đề gian lận và lạm dụng quỹ lương hưu của nhân viên bởi những người kiểm soát các quỹ này, bao gồm cả tội phạm có tổ chức trong một số trường hợp.
ERISA quy định rằng tiền của người hưu trí chỉ có thể được đầu tư để tối đa hóa lợi nhuận tài chính của họ. Tuy nhiên, dưới thời chính phủ ông Biden, Bộ Lao động, cơ quan giám sát ERISA, đã tuyên bố vào năm 2022 rằng các nhà quản lý lương hưu cũng có thể áp dụng các tiêu chí ESG.
Hồi tháng Ba, Quốc hội đã bỏ phiếu bãi bỏ quy tắc mới này, với một số thành viên Đảng Dân Chủ tham gia cùng Đảng Cộng Hòa để thông qua biện pháp này. Tổng thống Biden đã phủ quyết biện pháp này.
“Đảng Dân Chủ đang cố gắng đưa hệ tư tưởng chung về môi trường, xã hội, và quản trị vào hệ thống tài chính của Mỹ bằng cách loại bỏ các biện pháp bảo vệ người tiết kiệm trong luật thuế,” Chủ tịch Ủy ban Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri) tuyên bố. “Chiến dịch chính trị này đe dọa tới 33 ngàn tỷ USD mà người Mỹ đã tiết kiệm để về hưu.”
Ông Smith lưu ý rằng bất kỳ sự sụt giảm lợi nhuận đầu tư nào từ đầu tư vào ESG đều phát sinh từ việc mất tiền tiết kiệm mà người Mỹ vốn đã trải qua do lạm phát dưới thời chính phủ ông Biden. Ông cho biết, danh mục đầu tư hưu trí trị giá 250,000 USD ngày nay sẽ mua được lượng hàng hóa tương đương với danh mục đầu tư trị giá 137,000 USD vào năm 2000.
Ông Smith nói: “Đừng nhầm lẫn, nghị trình chi tiêu liều lĩnh của Đảng Dân Chủ đã gây ra vấn đề này, và giờ đây nghị trình ESG cấp tiến của họ đang đe dọa phần còn lại để nghỉ hưu của người cao niên.”
Thành viên cao cấp Richard Neal (Dân chủ-Massachusetts) tuyên bố rằng những lo ngại về ESG là “một cuộc khủng hoảng được tạo ra nhằm đánh lạc hướng công chúng khỏi việc thiếu hành động lập pháp.”
Ông Neal nói: “Chính trị hóa chính sách hưu trí gây nguy hiểm cho số tiền tiết kiệm khó kiếm được của người lao động. Đó là điều cuối cùng người dân Mỹ cần.”
Đối với những người ủng hộ ESG, việc hạn chế khả năng của các nhà quản lý quỹ hưu trí trong việc đầu tư tiền của nhân viên cho các mục tiêu môi trường hoặc xã hội sẽ đe dọa đến tự do kinh tế.
Ông Brandon Rees, một giám đốc đầu tư của Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ-Đại hội các Tổ chức Công nghiệp (AFL-CIO), đã làm chứng rằng “các đề xướng nhằm hạn chế quyền tự do đầu tư của kế hoạch hưu trí có nhiều điểm chung với nền kinh tế chỉ huy toàn trị hơn là hệ thống thị trường tự do.”
“Sự thật đơn giản là hầu hết người Mỹ không quen với việc đầu tư vào ESG,” ông Rees nói. “Họ tin tưởng vào quỹ hưu của mình để đưa ra những quyết định này, chứ không phải là các chính trị gia, và họ chắc chắn không thích ý tưởng chính phủ hạn chế khả năng đầu tư một cách có trách nhiệm cho họ.”
Đối với một số người, việc phản đối ESG không chỉ mang tính toàn trị mà còn mang tính phân biệt chủng tộc.
Dân biểu Lloyd Doggett (Dân Chủ-Texas) tuyên bố rằng những người chỉ trích phong trào ESG “không biết ‘thức tỉnh’ nghĩa là gì, nhưng vấn đề này nghe có vẻ hơi đen tối và nó thực sự thu hút những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng … và những người phản đối những điều đó có thể áp dụng các chính sách nhằm khắc phục những bất công trong lịch sử đối với người da màu.”
Thành phần xã hội của ESG thường ủng hộ các mệnh lệnh như hạn ngạch về chủng tộc trong tuyển dụng, thăng chức, và các ghế trong hội đồng quản trị công ty.
Những người chỉ trích việc đầu tư theo ESG cho rằng khi các quỹ hưu trí đầu tư tiền của người khác cho các mục tiêu chính trị hoặc môi trường, họ sẽ làm tổn hại đến những người về hưu dựa vào lợi nhuận từ tiền tiết kiệm của họ để tài trợ cho việc về hưu của họ.
Ông Jason Isaac, cựu dân biểu tiểu bang Texas và giám đốc Life: Powered cho biết: “Trong 10 năm qua, cái gọi là cổ phiếu năng lượng sạch đã hoạt động kém hơn đáng kể so với thị trường nói chung, với Chỉ số Năng lượng Sạch S&P500 chỉ mang lại lợi nhuận 4.5% mỗi năm, so với 11.5% lợi nhuận hàng năm của S&P500.”
“Bong bóng ESG vào năm 2020 là kết quả của lãi suất thấp, sự phung phí của chính phủ, và sự nhiệt tình của nhà đầu tư rằng gió, năng lượng mặt trời và các công nghệ tương tự sẽ sớm vượt xa nhiên liệu hóa thạch trên thị trường năng lượng. Năm vừa qua cho thấy sự nhiệt tình đó đã bị đặt nhầm chỗ.”
Tuần trước (30/10-05/11), tờ New York Times đã than thở về xu hướng này trong một bài báo có tựa đề “Trong một Thế giới đang Nóng lên, Nguồn dự trữ Năng lượng Sạch Giảm trong khi Dầu mỏ Tăng.” Giống như nhiều người ủng hộ đầu tư ESG, bài báo lập luận rằng các công ty năng lượng tái tạo chắc chắn là tương lai, nhưng các nhà đầu tư không thể nhìn thấy điều này và kết quả là các cổ phiếu năng lượng sạch đang bị “đè bẹp.”
Ông Isaac nói rằng “chỉ trong năm vừa qua, không có quỹ nào được gắn nhãn ESG lớn nhất hoạt động tốt hơn S&P500 hoặc NASDAQ”.
Ông nói: “Các quỹ được gắn nhãn ESG này quản lý lượng tài sản trị giá hơn 170 tỷ USD, ném tiền tiết kiệm hưu trí khó kiếm được của người Mỹ sang một bên nhân danh nghị trình điên rồ này.”
Những người ủng hộ ESG cho rằng các nhà quản lý quỹ chỉ đơn giản là tìm kiếm thêm thông tin về hoạt động môi trường và xã hội của công ty. Một số cơ quan xếp hạng hiện bao gồm xếp hạng ESG cùng với xếp hạng tín dụng của họ để thể hiện không chỉ tình hình tài chính của công ty mà còn cho thấy mức độ tuân thủ của công ty với các tiêu chí cấp tiến.
Thông tin hay ép buộc?
Tuy nhiên, các nhà phê bình tranh cãi về điều này.
“Những người ủng hộ cho rằng ESG được thiết kế để cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều thông tin hơn để đưa ra quyết định sáng suốt hơn; điều này là gây hiểu lầm,” Thống đốc ngân khố tiểu bang Utah Marlo Oaks làm chứng. “Trên thực tế, ESG đã tạo ra một động lực không thể kiểm soát để gây áp lực cho các tập đoàn nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và toàn cầu phức tạp.”
“Những vấn đề này, chẳng hạn như khí hậu, bất bình đẳng thu nhập, súng ống và phá thai, chỉ kể tên một số vấn đề, phải nằm trong tầm ngắm của một chính phủ được bầu cử dân chủ. ESG chiếm đoạt quyền quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy các mục tiêu tư tưởng, thường đi ngược lại và thậm chí gây bất lợi cho giá trị cổ đông lâu dài.”
Ngành ESG bắt đầu từ sáng kiến của Liên Hiệp Quốc năm 2005 nhằm kêu gọi các công ty tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác nhau, bao gồm từ việc giảm nhiên liệu hóa thạch đến bình đẳng chủng tộc và giới tính, kiểm soát súng và quyền phá thai. Phong trào này nhanh chóng được các nhà quản lý tài sản tổ chức như BlackRock, Vanguard và State Street, cũng như các nhà quản lý lương hưu của các tiểu bang thiên tả ở các tiểu bang như California và New York hưởng ứng.
Cùng với nhau, những nhà quản lý tài sản này kiểm soát tài sản trị giá hàng chục ngàn tỷ USD, phần lớn bao gồm các khoản đầu tư và tiết kiệm của người lao động Mỹ.
Theo một báo cáo trên Harvard Business Review, “một trong những lý do Blackrock, Vanguard hoặc State Street là cổ đông lớn nhất trong 88% công ty thuộc S&P 500.”
Báo cáo nêu rõ, “Họ là ba chủ sở hữu lớn nhất của hầu hết các công ty thuộc DOW 30. Nhìn chung, các nhà đầu tư tổ chức sở hữu 80% tổng số cổ phiếu trong S&P 500.”
Quyền sở hữu cổ phiếu tập trung này mang lại cho các nhà quản lý tài sản tổ chức quyền kiểm soát các công ty thông qua bỏ phiếu ủy quyền hoặc phiếu bầu mà các nhà quản lý quỹ sở hữu thay mặt cho các nhà đầu tư vào quỹ của họ. Nhiều nhà quản lý tài sản đã sử dụng quyền lực này để ép buộc các giám đốc điều hành công ty thực hiện các chiến lược giảm nhiên liệu hóa thạch, kiểm toán chủng tộc, hạn ngạch tuyển dụng và các mục tiêu ESG khác.
Một ví dụ về quyền này bao gồm một cuộc bỏ phiếu của các cổ đông của Exxon vào năm 2021, được cho là do BlackRock, Vanguard, và State Street, quản trị để đưa một số nhà hoạt động năng lượng tái tạo vào hội đồng quản trị của mình và lèo lái công ty dầu khí này khỏi việc sản xuất dầu khí.
Ông Isaac chứng thực rằng ¾ CEO của các công ty hiện nay có mức lương thưởng gắn liền trực tiếp với tiêu chí ESG.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi nhận thấy sự phổ biến của hoạt động ESG của công ty ,” ông Isaac nói. “Đây là lý do tại sao điều này ảnh hưởng đến nhiều người hơn những người có 401K; nó ảnh hưởng đến toàn bộ sự thịnh vượng kinh tế của đất nước này.”
Kể từ khi phong trào ESG nổi lên, nhiều tập đoàn, bao gồm Disney, Anheuser-Busch, Target, và Coca-Cola, đã có những quan điểm cấp tiến về các vấn đề xã hội gây tranh cãi, thường gây tổn hại đến doanh thu và giá cổ phiếu của họ. Những người thua cuộc cuối cùng do hoạt động kém hiệu quả này là những người hưu trí dựa vào tiền tiết kiệm và đầu tư của họ để duy trì cuộc sống trong những năm nghỉ hưu.
Kevin Stocklin _ Vân Du
***
Dòng tiền chảy vào các quỹ ESG đang dần chậm lại
Dòng đầu tư trị giá hàng tỷ dollar đổ vào các quỹ ESG từng tăng tốc nhanh chóng trong thập niên qua dường như đang bị đình trệ.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.