Người ta vẫn nói đôi
mắt là cửa sổ tâm hồn. Chúng hé lộ những tình cảm sâu kín mà chúng ta muốn che
giấu.
Mặc dù khoa học
hiện đại đã loại trừ sự tồn tại của linh hồn nhưng nó lại cho thấy câu ngạn ngữ
cổ sau đây về bản chất là đúng: đôi mắt không chỉ thể hiện những gì xảy ra
trong đầu chúng ta mà còn ảnh hưởng cách chúng ta ghi nhớ mọi việc và cách
chúng ta ra quyết định.
Hé lộ về suy nghĩ
Đôi mắt của chúng ta
vận động liên tục. Trong khi một số cử động của đôi mắt được điều khiển
một cách có ý thức, nhiều cử động còn lại của mắt lại xảy ra một cách vô thức.
Chẳng hạn như khi
chúng ta đọc, chúng ta sẽ có những cử động mắt rất nhanh khiến mắt dán chặt
vào từng câu từng chữ.
Khi chúng ta bước
vào một căn phòng, chúng ta lướt nhìn xung quanh thì đôi mắt lại giật mạnh
hơn.
Khi chúng ta bước đi
mắt lại có những cử động nhẹ một cách vô thức để cân bằng lại chuyển động của
đầu và ổn định lại cách chúng ta nhìn thế giới xung quanh.
Và đương nhiên, đôi
mắt chúng ta đảo qua đảo lại trong giấc ngủ REM (tức giấc ngủ mắt chuyển động
nhanh).
Điều mà giờ đây đã
trở nên rõ ràng là một số cử động mắt của chúng ta thật sự hé lộ quá trình
suy nghĩ của chúng ta.
Độ co giãn đồng tử
cho biết độ do dự hay quyết đoán trong việc ra quyết định
Các nghiên cứu công
bố hồi năm ngoái cho thấy sự co giãn đồng tử có liên hệ với mức độ băn khoăn
trong khi chúng ta ra quyết định.
Nếu ai đó không chắc
về quyết định của mình thì họ sẽ cảm thấy bị khuấy động cao độ và điều này
khiến cho đồng tử co giãn.
Sự thay đổi này
trong đôi mắt cũng cho thấy chúng ta sắp sửa nói gì: một nhóm các nhà nghiên cứu
đã phát hiện ra rằng quan sát sự co giãn đồng tử khiến chúng ta có thể dự đoán
khi nào một người thận trọng vốn thường nói ‘không’ sắp sửa đưa ra quyết định
khó khăn khi nói ‘có’.
Đôi mắt và con số
Quan sát đôi mắt
thậm chí có thể giúp dự đoán ai đó đang suy nghĩ về con số nào trong đầu. Ông
Tobias Loetscher và các đồng sự của ông tại Đại học Zurich đã nhờ 12 tình
nguyện viên theo dõi cử động của mắt mình khi họ đọc lưu loát một danh sách
40 con số.
Họ đã phát hiện ra
rằng hướng chuyển động và kích cỡ của mắt khi chuyển động cho họ biết chính
xác con số mà họ sắp nói ra có giá trị lớn hơn hay nhỏ hơn con số trước đó và với
cách biệt là bao nhiêu.
Cụ thể, mắt của những
tình nguyện viên này sẽ nhướng lên trên và về bên phải nếu họ sắp sửa đọc một
con số lớn hơn và sẽ kéo xuống dưới và về bên trái khi sắp nói một con số nhỏ
hơn. Khoảng cách chuyển động của mắt từ phía này sang phía kia càng lớn thì
khoảng cách giá trị giữa các con số mà họ nói cũng lớn theo.
"Tôi đang nghĩ
tới con số nào? ..."
Điều này cho thấy bằng
cách nào đó có sự liên hệ giữa những con số trừu tượng trong đầu với chuyển
động trong không gian. Tuy nhiên nghiên cứu này không cho chúng ta biết cái
nào diễn ra trước: liệu việc nghĩ tới một con số nào đó trong đầu đã khiến cho
mắt cử động, hay liệu cử động của mắt tác động lên suy nghĩ của chúng ta.
Hồi năm 2013, các
nhà nghiên cứu ở Thụy Điển đã công bố các bằng chứng chứng minh cho trường hợp
thứ hai: cử động của mắt thật sự có thể giúp chúng ta tìm lại trí nhớ dễ dàng
hơn.
Cách nhìn và trí nhớ
Họ đã thí nghiệm
trên 24 sinh viên và nhờ mỗi sinh viên này xem xét kỹ lưỡng một loạt các đồ
vật được trưng ra trước mắt họ ở một góc của màn hình máy tính.
Sau đó họ được yêu cầu
nghe một loạt những câu nói về những vật họ vừa thấy, chẳng hạn như ‘chiếc xe
quay mặt về bên trái’, và phải trả lời thật nhanh những câu nói đó là đúng
hay sai.
Một số sinh viên được
phép nhìn thoải mái trong khi các sinh viên khác được yêu cầu nhìn chăm chú vào
chính giữa màn hình hay góc màn hình nơi đồ vật đó xuất hiện.
Các nhà nghiên cứu
đã phát hiện ra rằng những ai được phép lướt nhìn thoải mái đã nhớ lại chính
xác hơn rất nhiều so với những sinh viên nhìn chăm chú vào một chỗ.
Một điều thú vị là
những ai nhìn chăm chú vào góc màn hình nơi các đồ vật vừa xuất hiện đã có những
câu trả lời đúng hơn những ai chăm chú vào một góc khác của màn hình.
Điều này cho thấy cử
động của mắt trong lúc ghi nhận thông tin càng tương ứng chặt chẽ với cử
động của mắt trong lúc nhớ lại thông tin chừng nào thì họ càng dễ nhớ lại các
chi tiết chừng đó. Có lẽ đó là vì chuyển động của mắt cho phép chúng ta nhớ lại
mối quan hệ về mặt không gian giữa các đồ vật vào lúc chúng ta ghi nhận
thông tin.
Những cử động của mắt
này có thể diễn ra một cách vô ý thức.
“Khi chúng ta nhìn
vào những cảnh mà chúng ta đã từng thấy trước đây thì đôi mắt chúng ta tự động
nối với những thông tin mà chúng ta đã thấy ngay cả khi chúng ta không nhớ lại
một cách có ý thức,” ông Roger Johansson, một nhà tâm lý học ở Đại học Lund,
người đứng đầu cuộc nghiên cứu này, nói.
Tác động đến quyết
định
Quan sát cử động của
mắt có thể bị lợi dụng để tác động đến quyết định của ai đó. Một nghiên cứu mới
đây cho thấy một cách đáng ngại rằng việc theo dõi cử động của mắt có thể bị
lợi dụng để ảnh hưởng ai đó phải có quyết định về mặt đạo đức.
Các nhà nghiên cứu
đã hỏi các câu hỏi khó về mặt đạo đức chẳng hạn như ‘Có khi nào giết người là
cần thiết?’ và sau đó chiếu trên màn hình máy tính những câu trả lời khác nhau
(chẳng hạn như ‘đôi khi có thể thông cảm được’ hay ’không bao giờ có thể biện
hộ được’).
Bằng cách theo dõi cử
động mắt của các tình nguyện viên và cất đi hai lựa chọn trả lời ngay lập tức
sau khi họ đã nhìn chăm chú vào một trong hai câu trả lời được một lúc, các
nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng họ có thể ảnh hưởng đến việc họ lựa chọn
câu trả lời nào đó.
“Chúng tôi không đưa
ra thêm bất cứ thông tin nào,” nhà khoa học thần kinh Daniel Richardson tại Đại
học University College London, tác giả công trình nghiên cứu này nói. “Chúng
tôi chỉ đợi quá trình họ đưa ra quyết định và dừng họ lại vào đúng lúc cần thiết.
Chúng tôi đã khiến họ thay đổi quyết định chỉ bằng cách kiểm soát khi nào họ
đưa ra quyết định.
Bị lợi dụng
Richardson nói những
người bán hàng thành công có lẽ hiểu rõ điều này và sử dụng nó để thuyết phục
khách hàng tốt hơn.
“Chúng ta thường
nghĩ về những người giỏi thuyết phục là những người nói giỏi nhưng có lẽ họ
cũng quan sát quá trình đối phương ra quyết định,” ông nói.
“Có lẽ người bán
hàng giỏi có thể nhận thấy được đúng thời điểm khách hàng của họ đang dao
động về phía lựa chọn nào đó và sau đó đưa ra đề nghị giảm giá hay thay đổi giọng
điệu.”
Tính phổ biến của
các phần mềm theo dõi cử động của mắt trên điện thoại thông minh và các thiết
bị cầm tay khác làm tăng khả năng tác động đến quyết định của người khác từ
xa.
“Nếu bạn mua hàng trực
tuyến thì các thiết bị này có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn bằng cách đề
nghị giao hàng miễn phí vào lúc bạn chuyển hướng nhìn về một sản phẩm nào đó.”
Do đó, cử động của
mắt vừa phản ánh vừa tác động đến các chức năng cao cấp của bộ não chẳng hạn
như trí nhớ và ra quyết định và phản lại suy nghĩ, khao khát cũng như niềm tin
của chúng ta. Điều này có thể giúp chúng ta cải thiện chức năng trí tuệ của
mình nhưng cũng đồng thời khiến chúng ta dễ bị người khác lợi dụng một cách
tinh vi.
“Đôi mắt giống như cửa
sổ cho thấy suy nghĩ của chúng ta và chúng ta không hề biết chúng tiết lộ nhiều
thông tin như thế nào,” Richardson nói, “Chúng có thể tiết lộ những gì mà
chúng ta muốn che giấu như thái độ phân biệt sắc tộc chẳng hạn.”
Mo Costandi
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.